23/12/2024

Cho phép sử dụng huyết tương người khỏi COVID-19 điều trị bệnh nhân nặng

Cho phép sử dụng huyết tương người khỏi COVID-19 điều trị bệnh nhân nặng

Phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 lần sửa đổi thứ 4 vừa công bố hôm nay 4-8 có nhiều điểm mới, về tiêu chuẩn ra viện, thuốc điều trị…, trong đó có việc lần đầu tiên cho phép sử dụng huyết tương người bệnh đã khỏi để điều trị.

 

 

 

Cho phép sử dụng huyết tương người khỏi COVID-19 điều trị bệnh nhân nặng - Ảnh 1.

Người dân Hà Nội đi từ vùng dịch trở về đợi xét nghiệm – Ảnh: VIỆT DŨNG

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, cho biết chủng virus SARS-CoV-2 vừa lan truyền là chủng đã biến đổi gen, nằm trong nhóm D614G, xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Đây là chủng thứ 6 ghi nhận tại Việt Nam thời gian qua. Chủng này có những dấu hiệu lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng biến đổi độc lực.

Trong hướng dẫn điều trị mới, Bộ Y tế cho biết ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus này có thể tấn công vào tất cả các cơ quan nội tạng trong cơ thể, những trường hợp bệnh nhân có bệnh nền (ung thư, suy thận, tiểu đường, huyết áp) và cao tuổi thì nguy cơ biến chứng càng cao.

Trong 8 ca tử vong do COVID-19 ở Việt Nam những ngày qua, có 7/8 người trên 60 tuổi, cả 8/8 người đều có nhiều bệnh nền.

Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng trong lần cập nhật thứ 4 của phác đồ điều trị, Bộ Y tế đã bổ sung nhiều thuốc kháng virus vào phác đồ. Đặc biệt, Việt Nam ngừng sử dụng hoàn toàn Chloroquine, Hydrochloroquine (thuốc đang sử dụng điều trị sốt rét và một số bệnh khác) vào điều trị COVID-19.

Nhưng trong phác đồ này, lần đầu tiên cho phép sử dụng huyết tương lấy từ những người bệnh COVID-19 đã khỏi và có đủ tiêu chuẩn để điều trị cho người bệnh nặng. Những người bệnh đã khỏi được tuyển chọn từ 373 bệnh nhân COVID-19 giai đoạn trước.

Đặc biệt, phác đồ này hướng dẫn lấy mẫu những người có ho, sốt, viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được nguyên nhân khác, không cần yếu tố dịch tễ đi từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc ca bệnh nghi ngờ, đều được yêu cầu lấy mẫu để tránh “bỏ sót” hoặc chậm trễ.

Về tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, phác đồ mới yêu cầu có 3 lần xét nghiệm âm tính, mỗi lần cách nhau 24 giờ (tiêu chuẩn cũ cần 2 lần xét nghiệm âm tính), sau đó theo dõi tiếp tại nhà trong 14 ngày.

Thực tế từng có bệnh nhân đã có 2 xét nghiệm âm tính cách nhau 24 ngày, khi chuẩn bị ra viện lại có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại. Vì vậy dù tiêu chuẩn cũ yêu cầu có 2 xét nghiệm âm tính, nhưng nhiều bệnh nhân đều có từ 3 xét nghiệm trở lên mới được xác định khỏi bệnh.

L.ANH
TTO