23/12/2024

Ăn tôm cả vỏ sẽ có nhiều canxi?

Ăn tôm cả vỏ sẽ có nhiều canxi?

Nhiều người cho rằng ăn tôm dùng cả vỏ sẽ có nhiều canxi. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng quan niệm đó là chưa chuẩn xác.
PGS-TS Lê Anh Thư đọc phim, kiểm tra xương khớp một bệnh nhân /// V.G
PGS-TS Lê Anh Thư đọc phim, kiểm tra xương khớp một bệnh nhân V.G
Tại buổi chia sẻ với phóng viên các báo đài ở TP.HCM ngày 28.7 về “cải thiện nhận thức về sức khỏe xương khớp trong cộng đồng”, PGS-TS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết cơ thể chúng ta không tự tổng hợp canxi được mà cần cung cấp qua khẩu phần dinh dưỡng.
99% canxi nằm ở xương. Nếu cơ thể thiếu canxi, máu sẽ “rút” canxi từ xương, khiến xương thiếu hụt canxi.
Theo PGS-TS Lê Anh Thư, do điều kiện kinh tế trước đây của người Việt còn khó khăn nên chế độ dinh dưỡng hằng ngày của chúng ta không đầy đủ, thiếu một số chất, trong đó canxi. Lâu dần thành thói quen (chẳng hạn thói quen dùng cơm là chính), nên chế độ ăn hằng ngày của người Việt chỉ cung cấp được khoảng 50% nhu cầu canxi cơ thể cần.
Sự hấp thu dinh dưỡng của mỗi người khác nhau, nên cũng có người ăn uống đầy đủ nhưng cơ thể lại thiếu canxi (hoặc vi chất nào đấy), là do cơ thể hấp thu kém.
Dấu hiệu thiếu canxi có thể nhận biết là: hay bị “chuột rút”, đau mỏi, có khi có cảm giác ớn lạnh…

Có nên dùng tôm cả vỏ?

Về quan niệm của một số người cho rằng “ăn tôm dùng luôn cả vỏ, nhất là vỏ dày cứng sẽ có nhiều canxi”, PGS-TS Lê Anh Thư cho rằng, quan niệm đó là chưa chuẩn xác. Theo PGS-TS Lê Anh Thư, với tép, tôm nhỏ có vỏ mỏng mềm thì có thể dùng cả vỏ; còn với tôm lớn, vỏ dày thì không nên dùng vỏ, bởi vỏ này vào cơ thể sẽ khó hoặc không tiêu hóa được.
PGS-TS Lê Anh Thư khuyên có thể dùng cá nhỏ, khi kho, nấu xương mềm dùng cả xương sẽ cung cấp canxi. Bên cạnh đó các thực phẩm khác như: cua đồng, rau quả có màu xanh đậm… cũng có nhiều canxi.
Theo PGS-TS Lê Anh Thư, thiếu canxi về sau dễ bị loãng xương. Hiện có 200 triệu người trên thế giới bị bệnh loãng xương. Theo Tổ chức Y tế (WHO) và Tổ chức loãng xương Quốc tế (IOF), bệnh loãng xương gặp rất nhiều, đứng sau các bệnh lý về tim mạch. Đáng ngại của loãng xương là xương xốp, giòn, dễ gãy xương khi té ngã, nhất là người có tuổi, dễ bị gãy cổ xương đùi.
Tuy nhiên, bệnh loãng xương có thể phòng ngừa được, qua khẩu phần ăn đầy đủ, vận động ngoài trời vừa sức…
“Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng lên, nhưng điều quan trọng là tuổi cao nhưng vẫn mạnh khỏe. Bình quân người cao tuổi ở ta mắc khoảng 4 bệnh, trong đó có bệnh thường gặp về xương khớp, ảnh hưởng đến việc đi lại”, PGS-TS Lê Anh Thư nói.
THANH TÙNG
TNO