23/01/2025

ĐGH tiếp Hội nghị về nạn bài người nước ngoài

ĐTC kêu gọi các nhà giáo dục, các nhân viên truyền thông và các vị lãnh đạo tôn giáo tăng cường hoạt động để chống lại trào lưu bài người nước ngoài, kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia mị dân đang lan tràn.

 ĐGH tiếp Hội nghị về nạn bài người nước ngoài

 

 

 

ĐTC kêu gọi các nhà giáo dục, các nhân viên truyền thông và các vị lãnh đạo tôn giáo tăng cường hoạt động để chống lại trào lưu bài người nước ngoài, kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia mị dân đang lan tràn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 20-9-2018 dành cho 200 tham dự viên vừa kết thúc 3 ngày Hội nghị quốc tế ở Roma về đề tài “Trào lưu bài người nước ngoài, kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia mị dân trong bối cảnh các cuộc di cư trên thế giới.”

Hội nghị do Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện của Toà Thánh tổ chức chung với Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô và Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô. Trong số những người hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có các đại diện của các tổ chức Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Âu châu, và đại diện các tôn giáo.

Tệ nạn tái xuất hiện

ĐTC nhận xét: “Những tâm tình nghi kỵ, sợ hãi, khinh rẻ, thậm chí lòng oán ghét đối với những cá nhân và nhóm người khác biệt chủng tộc, quốc tịch hoặc tôn giáo, tưởng đã thuộc về quá khứ, nhưng nay đang tái xuất hiện và lan tràn. Nhiều khi những tâm tình ấy dẫn tới những hành động bất bao dung, kỳ thị và loại trừ, làm thương tổn nặng nề phẩm giá và các quyền căn bản của con người, kể cả quyền sống và quyền được toàn vẹn về thể lý và tinh thần. Rất tiếc là, cả trong thế giới chính trị, người ta cũng chiều theo cám dỗ lợi dụng sự sợ hãi hoặc những khó khăn khách quan của một số nhóm, và dùng những lời hứa hẹn hão huyền vào những tư lợi trong các cuộc tuyển cử.”

Mọi người được kêu gọi thăng tiến tôn trọng nhân phẩm


Trước tình trạng trên đây, ĐTC khẳng định rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi vun trồng và thăng tiến sự tôn trọng phẩm giá nội tại của mỗi người, bắt đầu từ gia đình, là nơi từ nhỏ, chúng ta học các giá trị chia sẻ, đón tiếp, tình huynh đệ và liên đới, rồi đến các môi trường xã hội nơi chúng ta hoạt động.

Cũng trong chiều hướng đó, ĐTC đề cao vai trò của các nhà huấn luyện và các giáo chức, đặc biệt những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, cần phục vụ sự thật và phổ biến những tin tức góp phần xây dựng một nền văn hoá gặp gỡ và cởi mở đối với tha nhân, trong niềm tôn trọng sự khác biệt của nhau. Ngài cũng tố giác những kẻ lợi dụng tình trạng bấp bênh của người ngoại quốc, thiếu giấy tờ hợp pháp, để thủ lợi, bóc lột họ về mặt kinh tế, tạo nên những hình thức nô lệ mới.

Vai trò các vị lãnh đạo tôn giáo

ĐTC nhấn mạnh: “Đứng trước sự lan tràn các hình thức mới của nạn bài người nước ngoài và kỳ thị chủng tộc, cả các vị lãnh đạo tôn giáo cũng có một sứ mạng quan trọng là phổ biến nơi các tín hữu những nguyên tắc và giá trị luân lý đã được Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn con người, được biết đến như luật luân lý tự nhiên. Vấn đề ở đây là thực hiện và gợi lên những cử chỉ góp phần xây dựng những xã hội dựa trên nguyên tắc sự thánh thiêng của đời sống con người, tôn trọng nhân phẩm mỗi người, bác ái, huynh đệ, và liên đới.”

Sau cùng, ĐTC cầu mong các Giáo hội Kitô trở thành những chứng nhân khiêm tốn và năng động về tình thương của Chúa Kitô. Đối với các Kitô hữu, những trách nhiệm vừa nói trên đây càng có ý nghĩa sâu xa hơn, dưới ánh sáng đức tin. (Rei 20-9-2018)
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP