Khen sao cho đúng?
Khen sao cho đúng?
Con tôi là một trong số những học sinh được nhận giấy khen trong năm học vừa qua. Liếc qua tấm hình cô giáo chủ nhiệm gửi trong nhóm phụ huynh của lớp, chỉ có 3-4 bạn là ngồi “chỏng chơ” rất tội nghiệp.
Nhìn những gương mặt trẻ thơ hồ hởi giơ giấy khen lên để cô giáo chụp hình cùng với gương mặt bí xị, thất thần của những em “cá biệt” không có gì, tôi cứ suy nghĩ mãi.
Nếu con mình là một trong số mấy bạn không nhận được giấy khen kia thì sẽ thế nào? Chắc con sẽ buồn lắm, sẽ tủi thân lắm. Nếu tôi là phụ huynh của những em học sinh “về tay trắng” kia, chắc tôi cũng xấu hổ lắm, thương con lắm.
Tờ giấy khen vô tri vô giác
Tối về, chị Hà – mẹ của em D.P. (người không được nhận giấy khen) – tâm sự với tôi. Chị bảo rằng đi học về D.P. không ăn cơm, buồn vì không được khen. Mặc dù cha mẹ động viên hết lời nhưng cháu vẫn mặc cảm và theo chị Hà, đó thực sự là một năm học buồn của cháu.
Buổi tối, con trai tôi cũng kể bạn T. vì không được giấy khen nên đã khóc, không ăn kem trong buổi liên hoan. Hóa ra những đứa trẻ nhạy cảm hơn chúng ta nghĩ, chúng mong manh và dễ bị tổn thương trước những tham vọng khen chê, thành tích của người lớn. Tấm giấy khen vô tri vô giác đang đẩy chúng ra ngoài lề, tự cô lập chính mình.
Dẫu biết rằng từ lâu tấm giấy khen đã mất dần bản chất và giá trị của nó, dù rằng có giấy khen cũng chưa chắc đã học giỏi nhưng với một đứa trẻ, chúng “về không” nghĩa là đang bị cô lập giữa bạn bè, đang bị ra rìa trong những khen chê của người lớn. Có phải giấy khen đang làm khổ các em?
Và những hệ lụy
Con trai tôi được khen là “có thành tích vượt trội môn toán và tiếng Việt”. Thực tế lực học của con đến đâu tôi hiểu. Và nói một cách công bằng, ngoài việc chăm chỉ học, viết đẹp, trình bày rõ ràng thì con chẳng có gì gọi là “vượt trội” cả. Không phải tôi xem nhẹ giá trị của tấm giấy khen con đem về, nhưng rõ ràng nó chưa phản ánh đúng thực chất năng lực của con mình. Vậy thì có gì để vui?
Nếu con đã vượt trội rồi thì còn cần gì phải cố gắng nữa? Đó là chưa kể con tính toán còn chưa thông thạo. Tôi không trách cô giáo, nhưng cách phát giấy khen “cào bằng” thế này đang góp phần làm hư trẻ, đang biến trẻ trở thành những thần đồng bất đắc dĩ.
Một lớp có tới hơn 50 em được giấy khen, lẽ nào các em đều giỏi cả? Các em sẽ không biết được điểm yếu của mình ở đâu, sẽ nghĩ mình giỏi rồi, vậy là lợi hay hại? Ai có thể trả lời giúp tôi câu hỏi ấy?
Thực tế phần lớn các gia đình vì bận rộn với “cơm áo gạo tiền” nên phó thác chuyện học của con cho giáo viên.
Đến cuối năm, các con đem bảng điểm đẹp về, đem giấy khen về và có khi nào người lớn chúng ta chưa vội mừng, tự đặt câu hỏi rằng con đạt được bao nhiêu phần trăm thực chất từ những con điểm đẹp ấy, từ tấm giấy khen ấy? Hay chính chúng ta cũng đang bị lừa và tự ru ngủ chính mình bởi thành tích?
Tác hại của tấm giấy khen ấy không chỉ dành cho những đứa trẻ được nhận, mà ngay cả những trẻ không được nhận cũng bị tác động không nhỏ, đang cô lập những đứa trẻ không được nhận với đám bạn, với cả một tập thể lớp. Khi hơn 50 bạn đều được giấy khen còn mình về không, hẳn các em và cả phụ huynh đều không thể nào vui.
Ngay bản thân những học sinh được giấy khen chưa chắc hiểu được bản chất của tấm giấy khen ấy hay không?
Rõ ràng, ranh giới giữa giỏi – dốt qua một tấm giấy khen đã và đang làm tổn thương bao đứa trẻ. Chúng không có tội, chỉ có người lớn đang “khen” chưa đúng mực mà thôi…
Nỗi ám ảnh
Có lẽ không riêng gì lớp của con tôi mà lớp khác, trường khác cũng diễn ra viễn cảnh tương tự. Tấm giấy khen được phát đại trà đang thổi phồng năng lực của các em, đồng thời lại trở thành nỗi ám ảnh của những đứa trẻ không được nhận.
Có lẽ chúng sẽ nghĩ mình kém, mình học dốt, tự ti, thu mình lại. Và rất có thể hình ảnh ấy, giây phút các bạn được “thăng hoa” cùng tấm giấy khen kia sẽ khiến các em cá biệt cảm thấy mình là kẻ thua cuộc – thua cuộc ngay từ thuở thiếu thời.