TP.HCM dành 5.000 – 10.000 ha ven sông để ngập nước tự nhiên
TP.HCM dành 5.000 – 10.000 ha ven sông để ngập nước tự nhiên
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM dự kiến để dành 5.000 – 10.000 ha ven sông để ngập nước tự nhiên, góp phần chống ngập thay vì bơm cát san lấp nền làm khu dân cư.
Tháng 10.2020 hoàn thành cơ bản dự án chống ngập
Sáng 10.7, tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 20, trả lời các ý kiến của đại biểu (ĐB) về công tác chống ngập ở TP.HCM trong thời gian qua, nhất là dự án chống ngập do triều, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cho biết dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng là dự án rất quan trọng đối với TP.HCM, được Thủ tướng chấp thuận năm 2015.
Dự án này có quy mô lớn về vốn, là tổ hợp phức tạp về tổ chức thi công và vận hành về sau, đóng vai trò vừa kiểm soát triều, vừa kiểm soát nước mưa và lưu lượng nước bên trong nội đồng, đảm bảo hoạt động giao thông và kết hợp phát triển du lịch.
Sau 4 năm triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành 80%, công tác bồi thường cho người dân đã hoàn thành cơ bản. Hồi đầu tháng 7.2020, nhà đầu tư đã lắp 2 cổng van chính của cống Phú Xuân, cuối tháng này sẽ lắp van cống Mương Chuối.
Ông Hoan cho biết đến tháng 10, dự án chống ngập do triều sẽ hoàn thành cơ bản. Đồng thời, TP.HCM đang giao các sở ngành xây dựng quy chế quản lý vận hành dự án trong 3 – 5 năm tới, tránh tình trạng khi dự án hoàn thành thì không quản lý được.
|
Dành 5.000 – 10.000 ha khu vực ven sông để ngập tự nhiên
Để chống ngập hiệu quả, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết vấn đề không gian cho nước được TP.HCM quan tâm. Theo đó, TP.HCM yêu cầu nhà đầu tư xây dựng dự án có quy mô từ 50 – 100 ha trở lên thì phải có hồ điều tiết, đối với các dự án ven sông thì kết hợp với kênh rạch tạo ra cảnh quan, môi trường tự nhiên.
TP.HCM cũng dự kiến dành 5.000 – 10.000 ha khu vực ven sông để ngập tự nhiên, tạo ra những khu rừng, khu du lịch, khu dân cư xen kẽ để khai thác hiệu quả thay vì san lấp cát làm khu đô thị. Như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM dành hơn 100 ha làm rừng ngập nước tự nhiên, đến nay đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho động thực vật phát triển.
Trong phần thảo luận trước đó, ĐB Trần Quang Thắng cho rằng việc xây nhà cao tầng đang là xu hướng của các đô thị trên thế giới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, không theo kịp tốc độ phát triển của nhà cao tầng gây ra tình trạng kẹt xe, ngập nước. Do đó, ông Thắng kiến TP.HCM có chính sách thu phí những công trình cao tầng làm kinh phí dự phòng để TP.HCM giải quyết các vấn đề về kẹt xe, chống ngập từ dự án gây ra.
SỸ ĐÔNG
TNO