23/12/2024

Châm cứu bằng laser

Liệu pháp châm cứu bằng laser là sự kết hợp giữa phương pháp châm cứu cổ truyền với chùm tia laser của y học hiện đại, được ứng dụng để điều trị đau, liệt, rối loạn chức năng cơ thể…
Bác sĩ xác định huyệt và cố định vị trí laser châm cứu cho bệnh nhân /// Ảnh: Khải Linh
Bác sĩ xác định huyệt và cố định vị trí laser châm cứu cho bệnh nhân  ẢNH: KHẢI LINH

Đau kèm co giật cơ vùng mặt

Bệnh nhân L.T.T (45 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) bị đau vùng mặt bên phải. Bà cho biết ban đầu chỉ bị đau từng cơn, sau đó tần suất và mức độ đau thường xuyên hơn, đau cả khi chạm nhẹ lên mặt hoặc khi ra ngoài trời nắng, đau kèm các cơn co giật cơ mặt.
Hơn 2 tháng qua, bà đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán đau dây thần kinh số 5 bên phải, kèm uống thuốc điều trị. Triệu chứng bệnh giảm khi uống thuốc và cứ ngưng thuốc là bị đau lại. Sau đó, bà khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Bệnh nhân được phối hợp uống thuốc và laser châm các huyệt giáp tích cổ, các huyệt vùng mặt phải.
Hiện tại, bệnh nhân không còn bị co giật cơ vùng mặt, tần suất và mức độ đau giảm, không còn đau khi chạm vào mặt hay ra nắng, chỉ thỉnh thoảng còn những cơn dị cảm thoáng qua vùng mặt vài giây rồi hết. Bà T. vẫn tiếp tục lộ trình điều trị laser châm và uống thuốc để khỏi hẳn.
Hiện tại, nhiều bệnh nhân bị các triệu chứng đau, liệt, tê… đang được điều trị châm cứu bằng laser thay cho châm cứu bằng kim truyền thống tại cơ sở 3 (y học cổ truyền), Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Thay kim châm bằng laser

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Châm cứu bằng laser (laser châm) là sự kết hợp giữa phương pháp châm cứu cổ truyền với chùm tia laser của y học hiện đại. Cây kim châm được thay thế bằng chùm tia laser và tác động lên hệ thống các huyệt vị. So với phương pháp châm cứu cổ truyền, ưu điểm của việc dùng tia laser châm cứu là có thể châm chính xác đến các huyệt mà không phải dùng kim.
“Laser dùng châm cứu thường có công suất thấp và không gây nhiễm trùng. Ánh sáng laser tập trung cao vào các mô dẫn đến hiệu ứng kích thích sinh học và hiệu ứng bù trừ mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Phương pháp không gây ra các tổn thương ở các điểm châm nên không đau, không chảy máu, không tạo vết thương ngoài da, nhiễm trùng hoặc nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác cho người bệnh”, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ giải thích.
Hiện nay, laser châm được chỉ định chủ yếu để điều trị các chứng đau (đau vai gáy, đau quanh khớp vai, đau lưng, đau thần kinh tọa, hội chứng ống cổ tay…), các chứng liệt (liệt nửa người do các nguyên nhân khác nhau, liệt dây thần kinh số 5, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên…) và rối loạn chức năng cơ thể (viêm mũi – xoang, mất ngủ, hen phế quản…).
Đặc biệt, laser châm thích hợp cho trường hợp giảm đau ở người bệnh mạn tính, người bệnh cao tuổi có chỉ định hạn chế dùng thuốc giảm đau, trẻ em…
“Có thể dùng đơn độc laser châm hoặc kết hợp với điện châm hoặc với xoa bóp bấm huyệt để đạt hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh”, bác sĩ Vũ cho biết.
Tuy nhiên, phương pháp này không thể thực hiện với những người giai đoạn tiền ung thư, có u ác tính, người bệnh động kinh, suy tim, cường giáp, người bệnh sau điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao kéo dài…
KHẢI LINH
TNO