Cho trẻ chơi điện tử để… giáo dục
Cho trẻ chơi điện tử để… giáo dục
Anh Harri Hakala – người Phần Lan sống ở Na Uy – chia sẻ câu chuyện các trường học tại Na Uy kiểm soát việc học sinh chơi trò chơi điện tử ra sao.
Năm 2011, Na Uy từng rúng động bởi một sát thủ máu lạnh lên kế hoạch chi tiết giết chết 77 mạng người. Nhân cách và tư tưởng của sát thủ này rất phức tạp, nhưng có một điều khiến người dân Na Uy bàng hoàng lúc ấy là hắn đã tập luyện cho vụ thảm sát thực sự của mình bằng trò chơi điện tử về chiến tranh như World of Warcraft và Modern Warfare 2.
Sau vụ việc kinh hoàng, người ta bàn bạc rất nhiều về việc kiểm soát trò chơi điện tử nhưng theo chỗ tôi biết, tất cả chỉ dừng ở việc bàn bạc mà không đi đến hành động quyết liệt. Rất khó để chứng minh trò chơi điện tử tự nó là độc hại hay chỉ có hại khi bị những người chơi bệnh hoạn, điên rồ lạm dụng.
Cách kiểm soát phổ biến là gắn cảnh báo độ tuổi với trò chơi, như chỉ cho người trên 18 tuổi, nhưng tôi cho rằng một nhãn cảnh báo đơn giản như vậy là không đủ sức để kiểm soát người chơi.
Dù các vụ bạo lực mà thủ phạm lấy cảm hứng hay lẫn lộn giữa đời thực và trò chơi điện tử, nhưng Na Uy không có chủ trương hạn chế hay cấm trò chơi điện tử. Thay vào đó, họ chủ trương giáo dục người chơi. Tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận đúng đắn vì thử thách, cạm bẫy trong xã hội hay cuộc đời chúng ta rất nhiều và chúng xuất hiện ngoài ý chí của chúng ta bất chấp các biện pháp cấm đoán.
Vì vậy, trang bị cho trẻ triết lý, thái độ và cách phản ứng tình huống sẽ thích hợp hơn là lệnh cấm.
Cách tiếp cận này cũng giống như giáo dục giới tính, chúng ta không giấu nhẹm, cũng không khuyến khích, mà cho các em kiến thức để chọn lựa hành động của mình sao cho tốt nhất.
Ở vùng Kautokeino, Na Uy – nơi tôi đang sống, một số trường cấp 2 và cả cấp 3 chủ động cho học sinh chơi trò chơi điện tử và thảo luận với các em về thông điệp của trò chơi, cảm giác của mình khi chơi và cách một người trưởng thành nên hành động hay phản ứng trước các trò chơi này.
Ý nghĩa của việc cho chơi để giáo dục này là làm cho học sinh hiểu rằng trò chơi có thể kiểm soát chúng ta và mỗi người cần biết cách phản ứng đúng. Mong đợi của nhà trường là học sinh biết điều gì đang xảy ra với mình, khi nào thì các em bị trò chơi điện tử kiểm soát.
Các phụ huynh cần nhớ nhà trường không để các em tự do chơi điện tử, ở nhà gia đình cũng không để các em làm vậy, mà là cùng chơi và chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Chính qua những trao đổi như những người bạn sẽ giúp trẻ hiểu hơn về trò chơi mà chúng tham gia. Cách giáo dục này cần thời gian, sự đồng hành, nỗ lực của cha mẹ, nhà giáo dục. Nếu để trẻ tự đi lạc trong thế giới trò chơi điện tử, hậu quả đáng tiếc có thể là điều chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm.
Chơi game không phải lúc nào cũng hại
Chơi game có nhiều lợi ích đã được khoa học chứng minh bao gồm: giảm căng thẳng, phát triển não bộ, tăng cường khả năng tư duy sáng tạo, giúp người chơi quyết đoán hơn, tạo sự gắn kết, tính phối hợp trong cộng đồng. Nhiều game có tính giáo dục, giúp người chơi biết thêm kiến thức về lịch sử, kiến trúc, âm nhạc…
Các nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng tốc độ nhanh, liên tục, bất ngờ của những trò chơi điện tử dạng hành động có thể huấn luyện cho chúng ta cách tìm kiếm và xác định đối tượng trong môi trường, xây dựng kỹ năng siêu nhận thức, một kỹ năng quan trọng liên quan đến tự tư duy từ kiến thức của mình.
Game hành động đòi hỏi người chơi ra quyết định dựa trên rất nhiều thông tin gây nhiễu, chiến lược đúc kết từ những quy tắc lặp đi lặp lại dường như giúp người chơi học kỹ năng mới nhanh và hiệu quả hơn. Khả năng này có thể được giải thích là người chơi có khả năng lọc những chi tiết nhiễu và xác định những thông tin dẫn tới mục tiêu. Kỹ năng này rất quan trọng và giúp học sinh, sinh viên xác định mục tiêu của mình để tập trung sự chú ý, tối đa hóa hiệu quả học tập.
Trong các nghiên cứu thực nghiệm, người chơi game hành động có thể hành động nhanh hơn mà không giảm độ chính xác so với những người chơi game không hành động. Ngoài ra, họ đưa ra nhiều quyết định đúng trong cùng một thời gian so với những người chơi game không hành động.
Những trò chơi nhập vai, có các pha hành động cường độ cao có thể cải thiện khả năng phản xạ của người chơi. Những nhiệm vụ đòi hỏi sự chính xác, nhanh nhạy giúp sự kết hợp giữa mắt và bàn tay linh hoạt hơn. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng tích cực lên người chơi khi chơi các môn thể thao ngoài trời, hay xử lý những trường hợp cần phản xạ cực nhanh trong cuộc sống thực tế hằng ngày.
HỒNG VÂN tổng hợp