24/11/2024

Lễ Mình Thánh Chúa, năm A: Nguồn sự sống

Dù bằng những cách diễn tả khác nhau và ở những mức độ khác nhau, nhưng các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều làm nổi bật đề tài về “nguồn sự sống”, phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua Đức Giêsu Kitô, để ai tin và đón nhận thì được thông phần sự sống của Thiên Chúa.

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA – NĂM A

(Đnl 8,2-3.14b-16a; 1Cr 10,16-17; Ga 6,51-58)

NGUỒN SỰ SỐNG

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Dù bằng những cách diễn tả khác nhau và ở những mức độ khác nhau, nhưng các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều làm nổi bật đề tài về “nguồn sự sống”, phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua Đức Giêsu Kitô, để ai tin và đón nhận thì được thông phần sự sống của Thiên Chúa.

1. Bài đọc 1

Sau khi được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, dân Israel phải băng qua sa mạc, để tiến vào vùng đất mà Thiên Chúa hứa ban cho họ. Đây là cuộc hành trình dài, với nhiều cám dỗ, thử thách và vấp ngã nhưng qua những gian khổ và hiểm nguy, Thiên Chúa chứng tỏ sự trung tín và tình thương của Người đối với dân.

Trước hết, cám dỗ thường trực đối với dân Israel là quên những kỳ công và cánh tay uy quyền của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Họ dễ quên con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho họ,con đường tuân giữ những mệnh lệnh của Ngài. Dẫu con đường dẫn tới tự do của con cái Thiên Chúa còn dài, điều quan trọng là dân phải khắc ghi những gì Thiên Chúa đã truyền cho họ để không bị lạc đường.

Những trắc trở, khó khăn mà dân Israel gặp phải trên hành trình sa mạc cũng không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa. Những khó khăn đó nhằm để thử thách lòng dạ và sự trung thành của dân đối với Thiên Chúa. Đó là những cơ hội để họ chứng tỏ lòng tin tưởng và sự phó thác cuộc đời họ, hành trình của họ nơi bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Và chỉ có Thiên Chúa, chứ không một vị thần nào khác, mới có thể dẫn đưa dân đến miền đất hứa.

Sau nữa, khi để cho dân nếm trải sự khó khăn, thiếu thốn, Thiên Chúa cho dân thấy rằng sự quan phòng, chăm sóc của Thiên Chúa dành cho dân quan trọng dường nào. Người không những cho dân được ăn, uống ngay trong hoàn cảnh sa mạc khó khăn ngặt nghèo, mà hơn thế Người còn nuôi dưỡng dân bằng chính lời của Người. Quả vậy, cuộc hành trình sa mạc là thời gian thanh luyện đặc biệt để dân Israel cảm nhận sâu sắc tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi cảnh nộ lệ, hướng dẫn và chăm sóc họ trong những lúc khó khăn, thiếu thốn cùng cực nhất, nuôi dưỡng họ không chỉ bằng cơm bánh mà còn bằng chính lời Người nữa.

2. Bài đọc 2

Cộng đoàn Côrintô ở giữa dân ngoại nên các tín hữu dễ bị cám dỗ tôn thờ thần và thực hành những tập tục của họ. Thánh Phaolô cảnh báo họ bằng nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa sâu xa của việc cử hành lễ bẻ bánh.

Trước hết, thánh Phaolô cho thấy rằng việc nâng chén chúc tụng để cảm tạ Thiên Chúa và việc bẻ Bánh Thánh mà các tín hữu vẫn cử hành có ý nghĩa sâu xa: đó là được đón nhận chính Mình và Máu Thánh của Đức Kitô. Qua việc cử hành này, các tín hữu không chỉ thực hành như bữa ăn huynh đệ để “tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24), mà còn được kết hợp với chính Đức Kitô, Đấng đã hiến thân làm lương thực nuôi sống họ. Nhờ thông phần vào Mình và Máu Đức Kitô, họ được nuôi dưỡng bởi chính sự sống của Thiên Chúa.

Sau nữa, vì Đức Kitô là tấm Bánh duy nhất được bẻ ra cho tất cả, nên bất cứ ai, dù cho nhiều người, khi được chia sẻ tấm Bánh ấy, đều được kết hợp để trở nên một thân thể. Một khi được thông chia cùng một tấm Bánh là Đức Kitô, các tín hữu được liên kết mật thiết với nhau, đến nỗi họ không còn là những cá thể riêng biệt, mà là một thân thể duy nhất. Cũng như các bộ phận trong thân thể không thể tách rời, không có sự chia rẽ, phân biệt, các tín hữu cũng được hiệp nhất với nhau như thế, nhờ cùng được hiệp thông với cùng một tấm Bánh. Tấm Bánh Đức Kitô được bẻ ra để tạo nên sự đoàn kết và hiệp nhất của tất cả những ai tin vào Người.

3. Bài Tin Mừng

Qua diễn từ về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu mạc khải một chân lý cao sâu về mầu nhiệm sự sống, vốn phát xuất từ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, chuyển thông cho nhân loại, để những ai tin và đón nhận Người, thì được thông phần sự sống của Thiên Chúa.

Trước hết, Đức Giêsu nói về một thứ bánh đặc biệt, bánh bởi trời; điều này gợi nhớ đến manna mà cha ông họ đã ăn xưa kia. Quả vậy, dân Israel xưa đã từng được ăn bánh bởi trời do Thiên Chúa ban, để nuôi sống họ trong cuộc hành trình qua sa mạc mà vào đất hứa. Nhưng thứ bánh mà Chúa Giêsu nói ở đây hoàn toàn khác manna xưa: nếu manna chỉ được Thiên Chúa ban để giải quyết cơn đói trước mắt, thì bánh bởi trời mà Chúa Giêsu nói đến chính là Thịt và Máu Người (Ga 6,53-56), là thứ Bánh sự sống để ai ăn thì được sống đời đời (Ga 6,58).

Sau nữa, đón nhận Thịt và Máu Đức Giêsu thì đồng thời cũng được hiệp thông với Người; ai đón nhận thì được “ở lại” trong Người và Người “ở lại” trong người ấy (Ga 6,56). Động từ μένειν (ở lại) trong Tân ước thường được dùng để chỉ sự lưu lại tại một nơi nào đó về mặt không gian (Ga 1,38; 7,9; Lc 8,27) hay để ám chỉ điều gì đó vẫn còn tồn tại (Mt 11,23; Ga 9,41; 21,22). Ở đây, động từ này lại được tác giả Tin mừng thứ tư dùng với nghĩa “ở lại” để chỉ sự liên kết chặt chẽ, một sự hiệp thông trọn vẹn và sâu xa giữa Đức Giêsu và người lãnh nhận Thịt và Máu Người. Sự hiệp thông này liên kết Đấng trao ban và người lãnh nhận thành một, để Thịt Máu của Đấng trao ban trở nên máu thịt, trở nên nguồn sự sống cho người lãnh nhận.

Thật vậy, điểm khác biệt căn bản ở đây chính là sự sống. Bánh mà Chúa Giêsu hứa ban là Thịt và Máu Người không phải để thoả mãn cơn đói thể lý, để duy trì sự sống tạm thời trong một thời gian ngắn. Bánh Người sẽ ban là Bánh đem lại cho người lãnh nhận sự sống, sự sống đời đời. Sự sống này phát xuất từ chính nguồn sống là Thiên Chúa Cha. Và cũng như Chúa Cha đã thông ban sự sống cho Chúa Giêsu thế nào, thì bất cứ ai đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu cũng được thông phần vào sự sống phát xuất từ Chúa Cha như vậy (Ga 6,57). Sự kỳ diệu của sự sống này là tính bất diệt. Một khi được thông phần vào sự sống bất diệt này thì dù người ta có chết đi về mặt thể lý thì cũng được chính Đức Giêsu cho sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,54).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Cuộc hành trình gian khổ, thiếu thốn trong sa mạc của dân Israel giúp thanh luyện họ, để họ nhận ra bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, Đấng không những ban cho họ manna để khỏi chết đói, mà hơn hết còn nuôi sống họ bằng lời Người. Ngay cả trong những lúc gian khó của cuộc đời con người, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi những ai đặt tin tưởng nơi Người. Dù lương thực nuôi sống thể xác là thứ cần thiết trước mắt, nhưng lời Chúa mới là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn mà con người cần tìm kiếm.

2/ Thánh Phaolô nhắc các tín hữu Côrintô rằng: việc cử hành Lễ Bẻ Bánh không phải là một thói quen nhàm chán, mà mỗi lần cử hành là cơ hội các tín hữu được thông phần vào Mình và Máu Đức Kitô. Mỗi Thánh lễ là một cơ hội quý giá để người Kitô hữu múc lấy chính sự sống từ Thiên Chúa. Nếu thiếu ý thức nền tảng này, thì Thánh lễ có thể chỉ còn là một nghi thức nhàm chán, một bổn phận buộc phải chu toàn, một nghĩa vụ phải làm vì sợ tội. Liệu người Kitô hữu có xác tín rằng mình được hiệp thông với sự sống của Thiên Chúa mỗi khi rước Mình và Máu Chúa?

3/ Đoạn Tin mừng Gioan nhấn mạnh sự sống đời đời dành cho những ai đón nhận Mình và Máu Đức Kitô. Được kết hợp với Mình và Máu Đức Kitô là được kết hợp với chính Thiên Chúa là nguồn sự sống. Tôi có xác tín về hồng ân sự sống mà Thiên Chúa thông ban cho tôi qua Mình và Máu Đức Kitô? Chỉ khi biết cách “ở lại” trong Đức Kitô, người Kitô hữu mới kín múc lấy sự sống từ nơi Người. Liệu sự sống phát xuất từ việc đón nhận Mình và Máu Đức Kitô qua từng Thánh lễ có giúp ích gì cho cuộc sống hiện tại của người tín hữu?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu, là dấu chứng tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua đó, Chúa Giêsu tiếp tục ở lại với Hội thánh và dưỡng nuôi chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Với tâm tình kính tin và yêu mến, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

1. Bí tích Thánh Thể là nguyên lý hợp nhất của Hội thánh Chúa Kitô. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần dân Chúa được thêm lòng yêu mến và siêng năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, để qua việc kết hợp với Chúa Giêsu, mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa và luôn hợp nhất với nhau.

2. Bí tích Thánh Thể là nguồn sống thần linh cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới trong khi chăm lo đời sống vật chất cho dân chúng, cũng biết quan tâm đến nhu cầu tâm linh của con người, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện thuân lợi cho các hoạt động tôn giáo.

3. Bí tích Thánh Thể là chốn tựa nương trong cuộc đời lữ hành. Chúng ta cùng cầu xin cho những người già yếu bệnh tật, các nạn nhân của chiến tranh bạo lực, và những ai đang trải qua khó khăn thử thách, luôn đặt niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa Giêsu Thánh Thể và tìm được nơi Người nguồn sức mạnh và ủi an.

4. Bí tích Thánh Thể là bài học yêu thương quên mình cho mọi Kitô hữu. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn theo sát gương hy sinh tự hiến của Chúa Giêsu, biết dấn thân phục vụ mọi người, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân hầu đem lại sự sống và hạnh phúc cho người khác.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, Chúa đã yêu thương và còn yêu thương chúng con mãi mãi, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con khi siêng năng kết hợp với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, cũng biết sẵn sàng hiến thân phục vụ Chúa trong mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

Ban MVPT TGP