20/11/2024

Nắng nóng như thiêu đốt, làm gì để trẻ em, người lớn không đổ bệnh?

Nắng nóng như thiêu đốt, làm gì để trẻ em, người lớn không đổ bệnh?

Những ngày nắng nóng ở Hà Nội, số trẻ đến khám tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương phần lớn là bị ho, sốt do không thích ứng được chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà (khu vực có máy lạnh) với thời tiết ngoài trời quá nóng.

 

Nắng nóng như thiêu đốt, làm gì để trẻ em, người lớn không đổ bệnh? - Ảnh 1.

Các bác sĩ khuyên cần phải uống đủ nước để bảo đảm sức khỏe trong mùa nắng nóng -Ảnh: Thúy Anh

Trong khi đó, nhiều người lớn cũng phải đi bệnh viện do bị say nắng, say nóng…

Trẻ bệnh do quá nóng

Các tỉnh miền Bắc đã nắng nóng kỷ lục trong nửa tháng qua, đặc biệt từ ngày 7 đến 9-6. Và hậu quả của những ngày thời tiết nắng nóng kỷ lục là nhiều trẻ ho, sốt, chảy nước mũi… vào viện.

“Đây là những bệnh đặc trưng của mùa nắng. Những trường học, gia đình có dùng máy lạnh nếu trong nhà để nhiệt độ quá thấp, khi trẻ ra ngoài trời sẽ không thích ứng được chênh lệch nhiệt độ. Các gia đình, nhà trường không có máy lạnh thì trẻ cũng bệnh vì quá nóng” – bác sĩ Vinh cho biết.

Theo bác sĩ Vinh, nhiệt độ trong nhà và ngoài trời không nên để chênh lệch quá 8-10 độ, những ngày nắng nóng này các gia đình nên để máy lạnh trong nhà ở mức 28 -29 độ C.

Ở các gia đình, trường học không có máy lạnh, bác sĩ Vinh hướng dẫn nên mở thông thoáng cửa, khi dùng quạt nên sử dụng chức năng quay qua lại để quạt không thổi gió thẳng vào mặt, cũng nên để các chậu nước làm mát hoặc máy phun hơi nước trong nhà.

Người lớn: Coi chừng say nắng, say nóng

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị say nắng, say nóng, tuy nhiên nhiều bệnh nhân chưa có hiểu biết về bệnh cũng như cách dự phòng, xử trí khi gặp phải tình trạng này.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bị say nắng, say nóng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… mà còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Điểm chung của say nắng và say nóng là dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng chống say nắng và say nóng, người dân khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng cần che chắn kỹ, bôi kem chống nắng, thường xuyên uống nước, không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức…

Khi vừa đi nắng về là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, không nên tắm ngay vì sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

Vào mùa nắng nóng, cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua… mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.

Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe ô tô khi đỗ và tắt máy trong thời tiết nắng nóng, dù chỉ trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút… 

Phòng dịch bệnh mùa hè

Nửa đầu năm nay do dịch COVID-19, trẻ được nghỉ học ở nhà nhiều nên các dịch bệnh thường gặp vào đầu năm như sởi, quai bị, thủy đậu… không ghi nhận nhiều. Tháng 4-5 hằng năm thông thường sẽ bắt đầu mùa dịch viêm não Nhật Bản. Năm nay thông tin từ Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết mới có 1 bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản vào viện.

“Chúng tôi đang tìm hiểu xem bệnh nhi đã tiêm chủng viêm não Nhật Bản hay chưa. Đây là bệnh nhi viêm não Nhật Bản đầu tiên của mùa bệnh năm nay”- đại diện trung tâm cho biết.

So với các thể bệnh viêm não khác, viêm não Nhật Bản là thể nguy hiểm do tỉ lệ tử vong/để lại di chứng ở trẻ mắc bệnh rất cao, ở miền Bắc mùa dịch viêm não Nhật Bản có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm.

Ngoài lý do năm nay trẻ được nghỉ học ở nhà và gia đình chăm sóc (do dịch COVID-19), còn có lý do 2 năm gần đây Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã mở chiến dịch tiêm chủng viêm não Nhật Bản ở vùng nguy cơ cao, do đó cũng giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em.

Dùng kem chống nắng thế nào cho đúng?

Hướng dẫn của giới chuyên môn cho hay những ngày nắng nóng chỉ số tia cực tím lên cao, nguy cơ dẫn đến cháy nắng, bỏng da, sạm da, sốc nhiệt, thậm chí ung thư da rất cao. Các bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài nắng thời điểm từ 11h trưa đến 2h-3h chiều những ngày nắng nóng.

Bác sĩ Trịnh Minh Trang – khoa laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu trung ương – hướng dẫn kem chống nắng là vật dụng không thể thiếu trong mùa hè. Bác sĩ Trang cho hay có 3 sai lầm hay gặp trong sử dụng kem chống nắng: bôi kem quá ít; chọn chỉ số chống nắng chưa phù hợp; bôi kem chống nắng kết hợp các sản phẩm khác không đúng quy trình.

Cụ thể, bác sĩ Trang khuyên phải dùng kem chống nắng từ khi có ánh sáng ban ngày đến khi trời tối, không chỉ có nắng mới bôi, nên bôi 2 lần/ngày, tốt hơn là 3-4 lần/ngày. Nếu đi biển chọn kem có chỉ số chống nắng SPF 50 trở lên, môi trường khác chọn chỉ số thấp hơn. Nên bôi kem chống nắng trực tiếp lên da, nếu dùng thêm sản phẩm khác thì cần dùng cách nhau 15-20 phút.

LAN ANH – TTXVN
TTO