26/12/2024

Khám bệnh tại nhà ‘ăn nên làm ra’ sau dịch COVID-19

Khám bệnh tại nhà ‘ăn nên làm ra’ sau dịch COVID-19

Sau dịch COVID-19, người dân đã có thói quen khám chữa bệnh tại nhà. Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM tiếp nhận 200-250 lượt khám tại nhà, Bệnh viện Q.2 có gần 1.000 người khám tại nhà…

 

Khám bệnh tại nhà ăn nên làm ra sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đến tận nhà khám sức khỏe cho người dân tại quận 4 – Ảnh: THU HIẾN

Thay vì phải vất vả thức khuya dậy sớm đến bệnh viện lấy số thứ tự khám như những lần trước, nay bà N.T.D. (82 tuổi, Q.2) chỉ cần gọi đến số điện thoại của Bệnh viện Q.2 để yêu cầu khám tại nhà. Nửa ngày sau đã có bác sĩ và một điều dưỡng tới tận nhà khám bệnh đái tháo đường cho bà.

Thay đổi thói quen nhờ… COVID-19

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một số bệnh viện, số lượt khám bệnh tại nhà đang tăng với mức độ nhanh chóng: Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đến nay mỗi tháng tiếp nhận 200-250 người khám tại nhà, trước đó chỉ từ 150-180 người khám/tháng; Bệnh viện Q.2 đến nay đã có gần 1.000 người có thói quen khám tại nhà sau dịch COVID-19.

Chị Đặng Mỹ Hà (ngụ Q.4, TP.HCM) cho biết mỗi tháng chị phải dành ra một ngày để đi khám bệnh. Cụ thể chị thức dậy từ 4h30 sáng, có mặt tại bệnh viện đúng 5h sáng để lấy số thứ tự khám bệnh, sau đó phải quay về nhà để thuê xe cho cha mẹ (đã cao tuổi mắc suy giãn tĩnh mạch, đái tháo đường…) đến bệnh viện khám thường xuyên (nếu khám cùng ngày với chị). Chị loay hoay cũng phải đến 2h chiều mới về đến nhà, vừa mất công sức, thời gian mà chi phí đi lại gần 500.000 đồng/lần khám.

Nhưng nay đã khác, chỉ cần một cuộc điện thoại chị Hà đã có bác sĩ đến tận nhà khám cho cha mẹ mình. Chị Hà cho biết trước đây do không biết đến dịch vụ khám tại nhà nên khi dịch COVID-19 tràn đến, lo ngại ảnh hưởng sức khỏe người già dễ mắc COVID-19, chị Hà tìm đến mô hình khám chữa bệnh tại nhà, chỉ với 250.000 đồng/lần khám. Sau khi thấy vừa hiệu quả vừa tiết kiệm được thời gian, công sức… chị tiếp tục khám tại nhà cho những lần sau.

Tương tự, trường hợp chị Nguyễn Thị Hà (ngụ Q.Tân Bình) thường xuyên đưa cha mình nằm liệt giường đến tận bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám. Tuy nhà gần bệnh viện nhưng mỗi lần đi khám phải huy động đến 3 người trong gia đình để đưa cha tới bệnh viện, trở về nhà cũng đã hết nửa buổi, cứ thế kéo dài cả năm. Tháng 4 khi dịch COVID-19 căng thẳng, chị liên hệ bệnh viện, đăng ký khám chữa bệnh tại nhà tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM.

Không chỉ ở nhiều bệnh viện, các trạm y tế phường cũng được nhiều người dân lựa chọn để khám bệnh sau dịch COVID-19, đặc biệt là các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh mãn tính ngại đến bệnh viện. Nhiều người đã gọi điện đến trạm y tế, được trạm y tế cử người đến tận nhà thăm khám.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy – trưởng trạm y tế P.6, Q.8 – cho biết dịch COVID-19 cũng là lúc nhiều người dân quan tâm đến việc thăm khám tại nhà, trạm y tế thường xuyên cử người đến tận nhà người dân khám sức khỏe cho người dân vì dịch COVID-19.

Do COVID-19, thời gian qua số lượng bệnh nhân đăng ký khám tại nhà rất nhiều, bệnh viện phải bổ trợ bác sĩ để đáp ứng đủ, đến nay số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh tại nhà vẫn rất đông so với trước đây. Đây có thể được coi là cơ hội hồi sinh mô hình khám chữa bệnh tại nhà.

ThS NGUYỄN MINH QUÂN (phụ trách đơn vị khám chữa bệnh tại nhà tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM)

Tận dụng thời cơ

PGS Cao Văn Thịnh – giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phụ trách đơn vị khám bệnh tại nhà Bệnh viện Q.2 – cho biết sau dịch COVID-19 mô hình khám chữa bệnh tại nhà được rất nhiều người dân quan tâm. Điển hình tại Bệnh viện Q.2 đến nay đã có hơn 1.000 người đăng ký để được bác sĩ đến tận nhà khám, đây có thể được coi là cơ hội để thúc đẩy việc khám chữa bệnh tại nhà trong tương lai.

BS Thịnh ước tính cứ 100 người đến bệnh viện thì có đến 86 người không cần phải nhập viện, tức số người này có thể khám và chăm sóc tại nhà. Những loại bệnh mãn tính, nội khoa, thậm chí ngoại khoa vẫn có thể khám tại nhà được như thay băng, đo huyết áp, đái tháo đường, suy giãn tĩnh mạch… tức những bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, không nằm trong cấp cứu tức thời.

Người bệnh là những người có lợi nhiều nhất khi khám tại nhà. Người bệnh sẽ đỡ tốn kém thời gian, trung bình một bệnh nhân đến bệnh viện mất đến khoảng 2 tiếng, tốn thời gian chờ đợi, thăm khám. Tiết kiệm được tiền bạc, công sức đi lại, xe cộ và không cần mất nhiều người đưa đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ có thể đến tận nhà để thăm khám, chăm sóc, giảm thiểu được nguy cơ nhiễm trùng tại bệnh viện.

Phía bệnh viện quan trọng nhất là điều chỉnh được luồng bệnh, giảm quá tải cho bệnh viện và dễ dàng quản lý về mặt sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, nhiều người hiện nay vẫn còn e dè với việc khám chữa bệnh tại nhà một phần do chưa thay đổi được thói quen, lo ngại về chi phí. Muốn phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà cần triển khai theo hướng phục vụ người dân là chủ yếu.

Khám tại nhà vẫn được nhận thuốc bảo hiểm

dohuyetap tainha 1(read-only)

Khám bệnh tại nhà ở quận 2 – Ảnh: THU HIẾN

Khám tại nhà nhưng bệnh nhân có BHYT vẫn được thừa hưởng chế độ như thông thường (ngoài chi phí khám theo đăng ký), sau khi được khám xong, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, người nhà bệnh nhân sẽ mang đơn thuốc đến bệnh viện để lấy thuốc cho bệnh nhân.

Tương lai để đáp ứng được nhu cầu tiện lợi cho bệnh nhân, bệnh viện sẽ cải tiến các bước khám bệnh tại nhà để người bệnh tiện nhất có thể như việc giao thuốc đến tận nhà.

Tuy nhiên, ngoài việc thay đổi thói quen khám chữa bệnh tại nhà, các chế độ cho đội ngũ y bác sĩ cũng phải được quan tâm đảm bảo. Hiện việc khám chữa bệnh tại nhà tại một số bệnh viện vẫn còn mới, vì vậy cũng quan tâm hơn đến đội ngũ y bác sĩ nhằm đảm bảo cho việc duy trì mô hình khám chữa bệnh tại nhà.

“Việc khám chữa bệnh tại nhà đang được coi là giải pháp tốt nhất trong mùa dịch COVID-19, đồng thời đây cũng được coi là mô hình cần phát triển trong tương lai gần. Khám chữa bệnh tại nhà mang lại lợi ích rất lớn cho cả người bệnh và phía bệnh viện”, ThS Quân nói.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, trên toàn TP.HCM có tất cả 56 bệnh viện mà người cao tuổi có thể đăng ký khám chữa bệnh tại nhà. Trong đó có 21 bệnh viện thành phố, 22 bệnh viện quận huyện và 13 bệnh viện tư nhân. Đa số các bệnh viện này đều hoạt động từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần, một số ít bệnh viện hoạt động đến thứ bảy.

Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống việc lây nhiễm COVID-19. Trong đó Sở Y tế khuyến khích lãnh đạo bệnh viện tiếp tục giao ban trực tuyến với các khoa, phòng, dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người bệnh bị di chứng khó đi lại được…

THU HIẾN
TTO