Niềm vui đến trường
Lứa tuổi nào đi học cũng cần vui chứ không chỉ bậc mầm non hay tiểu học. Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi cần những cách dạy học và cách ứng xử khác nhau để việc học là tự thân, là niềm vui chứ không trở thành gánh nặng.
Niềm vui đến trường
Hãy để học sinh được đến trường với nhiều niềm vui cùng bạn bè, thầy cô ẢNH: NGỌC DƯƠNG
“Trải qua 25 năm lãnh đạo Trường Marie Curie, tôi ngẫm ra một điều. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc gần gũi đến việc cao siêu, từ việc riêng đến việc chung… đều hướng đến cái đẹp và sự tử tế. HS sẽ cảm nhận được điều đó mỗi ngày, mỗi giờ từ chính những thầy cô của mình”, ông Khang nói.
Với Trường Phổ thông liên cấp Olympia thì trường học hấp dẫn được thực hiện bằng những hoạt động trải nghiệm thực tế của HS. Ngay trong tháng 8.2018, HS lớp 1 trải nghiệm khoa học ngay trong vườn cây với nhiều loại hoa trái. Còn HS THPT thực hiện giai đoạn cuối của dự án học tập tích hợp “tìm hiểu nền nông nghiệp lúa nước” tại đồng ruộng ở H.Ứng Hòa, Hà Nội. HS Nguyễn Thành Tín, lớp 11 của trường, cho biết: “Cảm nhận vẻ đẹp bình dị, yên bình của khung cảnh làng quê, những kỷ niệm đáng nhớ bên cạnh bạn bè, những trải nghiệm mới lạ với những công việc chỉ nghe trên sách vở”…
5 mong muốn cho năm học mới
Giáo viên Vũ Hoàng Sơn, Trường tiểu học Bình Hòa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM mong muốn:
– Thay đổi hình thức hội họp bởi theo quy định, ở bậc tiểu học, GV phải họp tổ 2 tuần/lần. Đa số GV phải họp chéo buổi hoặc ở lại cuối giờ để họp. Nội dung họp cũng chỉ xoay quanh các vấn đề thông báo là chính. Do đó, cần thay đổi hình thức hội họp thông qua việc vận dụng công nghệ thông tin…
– Xóa bỏ lạm thu, đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm nhưng năm học nào cũng xảy ra một vài nơi thu các khoản trái quy định thông qua hình thức vận động, xã hội hóa… gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.
– Giảm sĩ số HS, theo điều lệ trường tiểu học, mỗi lớp có 35 HS nhưng thực tế, đa số lớp học đều có từ 40 em trở lên.
– GV được tạo môi trường phát huy sự sáng tạo.
– GV cũng mong muốn được dự các tiết thao giảng do chính ban giám hiệu dạy để học hỏi kinh nghiệm.
|
Điều đáng quan tâm nhất là đội ngũ
* Cả nước có gần 24 triệu HS, sinh viên trong năm học mới
Trả lời báo chí trước ngày khai giảng năm học mới, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhưng quan trọng phải đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện chương trình hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất trường lớp. Tinh thần chung là phải làm chắc chắn. Chương trình có tốt đến mấy nhưng người thực hiện là đội ngũ GV và điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu cũng khó thành công.
Lần đổi mới này có khác biệt là chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, vì vậy đội ngũ GV cũng phải chuyển mình. Nếu GV không được bồi dưỡng kiến thức, không được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, rủi ro sẽ rất cao.
Theo thống kê dự báo quy mô HS năm học 2018 – 2019 của Bộ GD-ĐT, cả nước có 21.927.000 HS mầm non và phổ thông. Trong đó cấp tiểu học nhiều nhất với 8.359.000 HS; tiếp đến là THCS với 5.603.000; mẫu giáo là 4.650.000 trẻ; THPT là 2.578.000; lứa tuổi nhà trẻ ra lớp chiếm số lượng ít nhất với chỉ 710.000 trẻ.
Ngoài ra, còn có hơn 2 triệu sinh viên ĐH, CĐ, trung cấp sư phạm. Trong đó, sinh viên ĐH chính quy là 1.443.000.
T. Mai (ghi)
|
Ý kiến
Mong ổn định hình thức thi cử
Em mong ước ngành giáo dục ổn định các hình thức thi cử, tổ chức nhiều hoạt động để HS trải nghiệm các kỹ năng. Đồng thời để tạo công bằng cho HS cả nước, ngành giáo dục nên tổ chức thực hiện kỳ thi thật nghiêm túc.
Nguyễn Phan Hoàng Anh (HS Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Lắng nghe tâm tư của HS
Mặc dù ở các trường đều có những hòm thư góp ý, góc chia sẻ… nhưng chất lượng chưa cao vì có không ít những hòm thư, những phong thư không được mở. Do vậy, chúng em mong mỏi, nếu có thể, thay bằng hình thức đối thoại trực tiếp, HS sẽ trực tiếp trao đổi với thầy cô, nghe thầy cô nêu những phương án giải quyết và cùng bàn bạc để đi đến sự thống nhất chung. Ngày nay học trò chúng em có sự năng động và sáng tạo hơn. Có những bạn luôn có những ý tưởng sáng tạo, sự bùng nổ và nhiệt huyết. Lắng nghe tâm tư của HS cũng là một cách để khoảng cách thầy trò được thu ngắn lại, xây dựng một môi trường học tập thân thiện và hòa đồng”…
Trần Phan Thủy Nguyên (HS lớp 11 tại Q.3, TP.HCM)
Giáo viên được giảm bớt số lượng chuyên đề
Trong một năm học, có quá nhiều chuyên đề thực sự không cần thiết và khi thực hiện, GV phải “bỏ lớp” khiến HS thiệt thòi. Vì vậy hoặc cần giảm bớt hoặc nếu phải thực hiện thì có thể áp dụng công nghệ thông tin.
Một giáo viên tiểu học ở Q.4
Học đi đôi với hành thật sự
Có những HS điểm học bạ đẹp nhưng năng lực thực sự lại có phần chưa tương xứng. Hay có những HS mụ người vì học, chỉ biết học mà chẳng biết gì ngay cả những việc đơn giản như lau nhà, rửa chén… Do vậy, tôi chỉ mong đến mỗi năm học mới, gia đình và nhà trường hãy dạy trẻ thực sự học đi đôi với hành chứ đừng lý thuyết suông, đừng vì thành tích, sĩ diện của người lớn mà làm khổ con trẻ.
Một giáo viên THPT tại TP.HCM
Bích Thanh (ghi)
|
TUỆ NGUYỄN