23/12/2024

Vì sao TP.HCM chậm hỗ trợ người bị ảnh hưởng COVID-19?

Vì sao TP.HCM chậm hỗ trợ người bị ảnh hưởng COVID-19?

Chiều 4-6, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6, giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn đã chia sẻ nguyên nhân tỉ lệ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng COVID-19 chưa cao.

 

Vì sao TP.HCM chậm hỗ trợ người bị ảnh hưởng COVID-19? - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Tấn – giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Tấn cho biết so với kết quả báo cáo của Sở Lao động, thương binh và xã hội TP ngày 1-6, tỉ lệ hỗ trợ người dân khó khăn bị ảnh hưởng của COVID-19 đến ngày 4-6 tăng nhanh, nhiều nhóm đối tượng đã được giải quyết trên 45%.

Cụ thể, đến nay 3 nhóm đối tượng là nhóm người có công đã hỗ trợ hơn 32.000 người, đạt 100% với gần 5 tỉ đồng. Nhóm bảo trợ xã hội có 122.000 người đã giải quyết xong vào ngày 7-5 với 183 tỉ đồng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo đã hỗ trợ 107.000 người với 85 tỉ đồng.

Ông Tấn cho biết TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ 3 nhóm đối tượng trên.

Về hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, TP đã giải quyết 20.000 người, đạt 45%. Trước đó ngày 1-6, nhóm này chỉ giải quyết được hơn 16%.

Về giáo viên mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục, TP đã giải quyết được 9.000 người, đạt 70%; hỗ trợ 3.000 lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đạt 45%. TP đã hỗ trợ hơn 23.000 người bán vé số dạo, đạt 85%.

Vì sao TP.HCM chậm hỗ trợ người bị ảnh hưởng COVID-19? - Ảnh 2.

Đại diện UBND phường 4, quận Tân Bình trao tiền hỗ trợ 750.000 đồng cho người nghèo bị thất nghiệp do dịch bệnh COVID-19 – Ảnh: TỰ TRUNG

Về nhóm lao động tự do thống kê có 210.000 người, TP đã giải quyết được 70.000/140.000 người có hộ khẩu thường trú, đạt 50%; với lao động tạm trú đang đẩy nhanh việc hỗ trợ.

Tính đến nay, TP đã giải quyết hỗ trợ hơn 366.000 hộ kinh doanh cá thể và người lao động với tổng kinh phí 465 tỉ đồng.

Theo ông Tấn, việc chậm hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do tạm trú vì đa số người dân muốn nhận hỗ trợ tại TP.HCM nhưng phải có xác nhận không nhận hỗ trợ tại địa phương thường trú mới được giải quyết.

Mặt khác, vì một số doanh nghiệp chậm đưa danh sách người lao động mất việc, ngừng việc; nhiều người chưa đóng bảo hiểm xã hội khiến quận, huyện chậm trễ trong việc xác nhận. Ông Tấn mong các tổ chức sử dụng lao động sớm đưa danh sách đề xuất lao động cho các quận, huyện để kịp thời giải quyết cho người dân.

Tuy nhiên, ông Tấn xác nhận đến thời điểm hiện tại, việc chi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 không bị vướng mắc, tuy chậm nhưng làm kỹ thủ tục, tránh diễn ra việc lợi dụng chính sách, thuận tiện cho việc thanh tra, quyết toán về sau.

MAI HƯƠNG – THẢO LÊ
TTO