20/11/2024

Học sinh học vượt: Bộ GD-ĐT nói gì về tính khả thi trong thời gian tới?

Học sinh học vượt: Bộ GD-ĐT nói gì về tính khả thi trong thời gian tới?

Lý giải về việc quy định học vượt lớp đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện được, theo ông Tài có nhiều nguyên nhân, do phụ huynh thiếu thông tin, các trường e dè trong quá trình đề xuất thực hiện với học sinh nào đó…
 /// Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc đưa quy định học vượt lớp vào dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới để khẳng định một chủ trương tạo cơ hội học tập đến từng cá nhân, đảm bảo không “bỏ sót” một đối tượng đặc biệt nào, kể cả đối tượng khó khăn trong học tập lẫn đối tượng có khả năng nổi trội.
Lý giải về việc quy định đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện được, theo ông Tài có thể có nhiều nguyên nhân, do phụ huynh thiếu thông tin, các trường cũng e dè trong quá trình chủ động đề xuất thực hiện với học sinh (HS) nào đó. Thời gian tới, ông Tài cho rằng sẽ thuận lợi hơn khi chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra rất rõ các yêu cầu cần đạt với từng môn học của từng lớp, từng cấp học, chứ không phải chỉ là chuẩn kiến thức, kỹ năng như chương trình hiện hành.
Ví dụ, với môn tiếng Việt, học hết lớp 1 thì HS phải đọc được, viết được như thế nào trong một thời gian cụ thể… Do vậy, dựa vào yêu cầu cần đạt của từng môn, hội đồng xét duyệt học vượt lớp cho HS đặc biệt nào đó sẽ rất thuận lợi để đưa ra các bài kiểm tra, “sát hạch” xem HS đó có đủ điều kiện học vượt lớp hay không.
Trước đề xuất cho học vượt lớp theo từng môn, ông Tài khẳng định đây là chủ trương mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã hướng tới, đó là việc thực hiện mô hình “lớp học linh hoạt”, học theo nhu cầu của người học. Đây là mô hình lớp học rất mở, dạy học theo nhu cầu và năng lực của HS. Ví dụ, lớp học ngoại ngữ, HS học lớp 2 nhưng vì trình độ ngoại ngữ tốt thì giờ học môn này có thể học cùng với HS lớp 4, lớp 5 để phù hợp. Ngược lại, HS lớp 5 nhưng khả năng học ngoại ngữ chậm thì có thể xuống học cùng với lớp 2, lớp 3…
“Về mặt văn bản quy phạm và căn cứ pháp lý thì chương trình chính là “pháp lệnh”, nên căn cứ vào các yêu cầu cần đạt của chương trình là căn cứ đầy đủ và rõ ràng nhất. Tất nhiên, sẽ phải đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để người dân và các nhà trường hiểu và thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa của chính sách này”, ông Tài khẳng định.
TUYẾT MAI
TNO