Phải làm gì khi lỡ nuốt dị vật?
Phải làm gì khi lỡ nuốt dị vật?
Nguy cơ mắc, nuốt dị vật có thể gặp bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Một số dị vật được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Một số gây nguy hiểm, cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Các dị vật thường gặp
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Thu Oanh, Trưởng Đơn vị nội soi, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM): Đơn vị nội soi Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi thường xuyên xử lý những trường hợp nuốt dị vật. Nguy cơ mắc, nuốt dị vật có thể gặp ở tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác và giới tính.
Có trường hợp, nam bệnh nhân T.H.V (26 tuổi, ngụ Long An) đi câu lươn, sau đó anh và nhóm bạn tổ chức nhậu bằng lươn câu được. Vài ngày sau bệnh nhân thấy đau ở hậu môn nên đi khám. Bác sĩ đã chỉ định nội soi cho bệnh nhân. Khi thăm khám trực tràng để chuẩn bị nội soi thì bác sĩ phát hiện ra có một cái lưỡi câu nằm mắc ngay ở hậu môn.
“Trường hợp này thật may mắn cho bệnh nhân vì lưỡi câu đã đi được qua gần hết chiều dài của đường tiêu hóa mà không gây tổn thương và các bác sĩ chỉ cần lấy tay gỡ nhẹ ra”, bác sĩ Oanh đánh giá.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nuốt phải… răng giả lớn móc kim loại nhọn. Hay bệnh nhân là cụ ông 88 tuổi bị mắc miếng gân bò trong thực quản.
Theo bác sĩ Oanh, một số tình huống, dị vật nhiều người thường nuốt phải là: xương (xương cá, xương gà…) thường gặp ở người có thói quen ăn nhanh, vừa ăn vừa làm việc, tiếp khách, nhậu…; viên thuốc còn nguyên vỏ; răng giả bị nuốt trôi khi ăn uống và thường gặp ở loại răng giả có thể tháo lắp; cây tăm (dễ gặp ở những người có thói quen ngậm tăm).
Đặc biệt, ở trẻ em rất thường gặp là nuốt phải đồ chơi, đồng xu, pin, nhất là với các bé có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi.
Ở người lớn tuổi, răng yếu, dị vật thường gặp là còn là khối thức ăn.
“Hầu hết những trường hợp này dị vật được lấy ra bằng nội soi. Tuy nhiên một số bệnh nhân tới bệnh viện muộn, dị vật đã đâm thủng niêm mạc, gây nhiễm trùng phải phẫu thuật”, bác sĩ Oanh cho biết.
Xử trí khi lỡ nuốt dị vật
Theo bác sĩ Oanh, trong trường hợp nuốt, mắc dị vật, có những dị vật được xem là nguy hiểm, người nuốt phải cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay là:
Dị vật sắc nhọn (xương cá, kim loại, tăm tre, răng giả, viên thuốc còn nguyên vỏ): Nếu không lấy ra những đầu sắc nhọn có thể gây tổn thương, chảy máu, thủng đường tiêu hóa, nhiễm trùng gây nguy hiểm tới tính mạng. Trong nhóm này, lưu ý dị vật đâm xuyên thành thực quản vào cung động mạch chủ và gây tử vong tức thì.
Dị vật gây độc như pin đèn: Trong pin đèn có các loại hóa chất khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt của đường tiêu hóa tạo ra chất gây bỏng niêm mạc và có thể gây thủng.
Dị vật gây tắc nghẽn.
Bên cạnh đó, có một số dị vật ít nguy hiểm hơn, có thể theo dõi chờ nó ra ngoài theo phân. Đó là những dị vật có hình dạng tròn bờ tù, nhỏ, không gây triệu trứng thì không cần nội soi để gắp ra.
“Thông thường, để thức ăn có thể đi qua hết đường tiêu hóa thì sẽ mất từ 24 đến 72 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, các vấn đề về giới tính, tình trạng sức khỏe, loại thức ăn mà bạn ăn vào cũng làm ảnh hưởng đến thời gian dị vật ra khỏi đường tiêu hóa nhanh hay chậm. Như vậy muốn dị vật ra nhanh hơn, chúng ta có thể ăn các thực phẩm gây nhuận tràng, uống nhiều nước hoặc có thể uống thêm thuốc nhuận tràng”, bác sĩ Oanh giải thích.
NGUYÊN MI
TNO