23/11/2024

‘Lớp học’ ở nhà, ngày dài hoá trong trẻo

‘Lớp học’ ở nhà, ngày dài hoá trong trẻo

Đôi khi có những thứ nan giải trong thế giới người lớn, giữa bối cảnh khó khăn và đầy áp lực này sẽ được hoá giải thật giản đơn bằng cách nghĩ trong trẻo của trẻ thơ.

Lớp học ở nhà, ngày dài hóa trong trẻo - Ảnh 1.

Thế giới ngoài kia đang bộn bề những căng thẳng. Nhưng con trẻ không thể chỉ “ngồi yên” trong nhà với những gánh âu lo, buồn chán, vậy nên, nếu xem gia đình là một lớp học thì hơn lúc nào hết, cha mẹ đang có những giờ phút để đồng hành với con ở lớp học đặc biệt này.

Cả hai, cha mẹ và con cái, đều học hỏi và trưởng thành hơn trong những bài học của sự đổi thay và khó khăn, thách thức mọi kinh nghiệm cũ.

Nhập cuộc vào thế giới tuổi thơ

Một ngày, đứa trẻ trong nhà hỏi ba mẹ nó rằng: “Ba ơi, tại sao trời lại sinh ra con rắn có nọc độc. Lẽ ra để bảo vệ chính mình, con rắn chỉ cần có hàm răng sắc để chiến đấu là đủ?”. Hôm khác, đứa bé lại hỏi: “Mẹ ơi, vì sao trên tivi bác sĩ nói rằng chúng tôi đi làm vì bạn, bạn hãy ở nhà vì chúng ta? Đáng lẽ bác sĩ đi làm thì mình cũng phải đi làm phụ bác sĩ chứ?”. Vậy đó. Có phải là nan vấn không?

Chưa kể: “Ba ơi, virus là gì? Tại sao nó lại tấn công con người?”, rồi: “Tại sao chung cư mình ở bị cách ly không được đi đâu ra ngoài? Tại sao mình phải hạn chế về quê gặp bà nội bà ngoại thời gian này? Mình không còn yêu thương ông bà nữa hay sao?”.

Những “truy vấn” kiểu Hoàng Tử Bé đó khiến chúng ta vất vả tháo gỡ chính khuôn mặt người lớn xuống, để nhập cuộc vào thế giới của con, rủ về đứa trẻ thơ từ lâu đi vắng trong tâm hồn mình, tìm cho ra một ngôn ngữ dễ gần, dễ hiểu, một tinh thần biết kiên trì nhẫn nại chịu nghe hỏi chứ không phải cáu bẳn, quát nạt những câu muôn thuở: “Hỏi chi hỏi mãi? Lớn lên rồi sẽ biết!”.

Người viết đã phải đi “vá” lại những lỗ hổng kiến thức mà từ lâu mình mặc định rằng đã biết, trước một đứa con hay hỏi, hỏi đủ thứ trên trời dưới đất suốt mùa cách ly dịch bệnh. Đã có lúc thấy thương những cô giáo, thầy giáo suốt ngày sống với bọn trẻ và phải giải quyết vô vàn phát sinh trong thế giới học đường, từ hiểu biết đến uốn nắn ứng xử.

Thế nên, trong những ngày này, đây đó bạn bè gọi cho nhau, câu đầu tiên là hỏi thăm: “Tụi nhóc sao rồi? Có gửi về ngoại, nội gì không?”. Điều muốn nghe nhất là “Nó ở nhà ngoan lắm” hay cùng lắm là “Gửi về quê rồi, phụ huynh yên tâm đi làm” và lắm khi cũng phải nghe tiếng thở dài: “Trời ơi, ở nhà với tụi nó hoài chắc chết quá. Con nít quậy gì đâu, lo ăn lo dạy hết cả ngày giờ. Đã vậy còn chọc nhau, kiện cáo cả ngày…”.

Khó khăn, âu lo rồi cũng đi qua

Có quá nhiều lý do để thở dài và than thở khi bọn trẻ ở nhà, miễn cưỡng “nghỉ một cái tết dài nhất lịch sử”. Nhưng nếu xem gia đình là một lớp học để có thể có những giờ buông công việc và sự lo âu (mà lo âu cũng không giải quyết được gì đâu!) để ngồi xuống cùng con đọc một cuốn sách, tìm cách trả lời một câu hỏi cho những điều đang xảy ra, có khi tâm hồn mình lại được tắm mát bởi sự hồn nhiên của con trẻ.

Và đôi khi có những thứ nan giải trong thế giới người lớn, giữa bối cảnh khó khăn và đầy áp lực này sẽ được hóa giải thật giản đơn bằng cách nghĩ trong trẻo của trẻ thơ.

Lấy ví dụ, việc học trực tuyến là một trải nghiệm mới mẻ hoàn toàn với nhiều con em. Việc tỉ mỉ chuẩn bị cho giờ học, cùng con khám phá một phương thức học mới mẻ, cuối cùng cha mẹ sẽ thấy chính mình đã duy trì được một ngọn lửa giáo dục đầy ý nghĩa. Bọn trẻ học được một kỹ năng và chính chúng ta cũng trải nghiệm được một không gian học hành mà thời kỳ, thế hệ của mình khó hình dung tới.

Lớp học đã được mở ra trong những gia đình, để dạy chữ của nhà trường và để dạy những trải nghiệm mới trong cả các bất trắc mà cuộc sống mang đến. Một đại dịch gây ra mất mát lớn lao là vậy, nhưng không lẽ không để lại cho chúng ta những bài học đáng giá nào để cùng trưởng thành!?

Việc học ở trường bị gián đoạn, không gian hoạt động bị giới hạn, chưa kể việc bắt buộc giãn cách xã hội (social distancing) để tránh lây nhiễm bệnh cũng làm tâm lý con trẻ chịu nhiều tác động, thậm chí rất dễ bị sốc do không kịp thích ứng. Con trẻ không còn được tự do thỏa thích với chúng bạn, không còn thoải mái học hỏi giao lưu với thế giới bên ngoài để mỗi ngày là một sàng khôn.

Ngược lại, chấp nhận quẩn quanh bên cha mẹ, ông bà trong những không gian chật hẹp và đôi khi còn chịu đựng cả những áp lực từ chính người thân trong gia đình giữa bối cảnh khó khăn dễ gây ra những hành xử bốc đồng.

Nếu sớm nhận ra những đảo lộn không mong muốn và nhìn việc ngồi yên để ứng phó đại dịch theo một tư duy tích cực, đây lại là cơ hội mở ra một lớp học có tính trực quan, một trải nghiệm để chúng ta cùng con trẻ ngồi chung trên một hàng ghế; có thể cùng nhau học hỏi, trao đổi nhiều điều.

NGUYỄN AN NAM
TTO