Mùa COVID-19, coi chừng… tăng cân
Mùa COVID-19, coi chừng… tăng cân
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, mọi người đều có những thay đổi lối sống và thói quen ít nhiều không có lợi cho sức khoẻ, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính không lây.
Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của TS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG – giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.
Nghỉ tránh dịch bỗng… phát phì
Mọi người đều có nguy cơ tăng cân do vừa ăn Tết xong lại tiếp tục nghỉ học, nghỉ làm dài ngày (hoặc làm từ xa) để tránh dịch.
Quanh quẩn ở nhà, ngủ nhiều, hạn chế di chuyển, hạn chế thể dục thể thao (sợ tiếp xúc đông người), cộng với ăn uống bồi dưỡng để tăng sức đề kháng, hoặc đặt thức ăn qua mạng, ăn thức ăn không tốt cho sức khỏe như mì gói, đồ hộp (do mua dự trữ quá nhiều)… tăng cân chỉ là chuyện ‘một sớm một chiều’.
Cân nặng là một thứ “đi dễ khó về”, một khi tăng cân là rất khó xuống, do đó dự phòng vẫn là thượng sách. Điều này đặc biệt quan trọng ở trẻ em đã bị thừa cân béo phì, người lớn bị thừa cân béo phì kèm tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, bệnh tim mạch…
Vậy làm sao để không tăng cân?
Đầu tiên, cần nhớ dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và chưa biết lúc nào hết, nên chúng ta không đợi hết dịch mới kiêng cữ mà hãy thay đổi từ hôm nay.
Hãy để ý, theo dõi cân nặng thường xuyên, xây dựng lại trật tự sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, thể dục thể thao điều độ cho trẻ nhỏ và cho cả gia đình.
Song song đó tìm cách tăng cường vận động sao cho an toàn, vận động tại nhà, vận động trong công viên chỗ vắng người, đeo khẩu trang khi đi tập thể dục…
Nếu đã lỡ nhích lên vài ký từ Tết đến giờ, nên kiêng cữ ngay để giảm xuống thay vì chờ hết dịch.
Tiếp đó không dự trữ thức ăn quá mức. Dự trữ thức ăn quá mức sinh ra nhiều nguy cơ. Trước tiên là coi chừng ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, muối, chất béo (bão hòa, béo trans, cholesterol) không có lợi cho sức khỏe như mì gói, đồ hộp, cá khô, lạp xưởng… Bởi vì dự trữ nhưng vẫn nhìn thấy chúng mỗi ngày và không tránh khỏi việc lấy ra dùng dần.
Một số thực phẩm bảo quản không kỹ mà dự trữ lâu sẽ có nguy cơ phát sinh nấm mốc ảnh hưởng đến sức khỏe, gia tăng nguy cơ ung thư, nhất là ngũ cốc, đậu hạt và đồ khô. Ngoài ra dự trữ thức ăn quá nhiều rồi không để ý đến hạn sử dụng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lời khuyên là vẫn phải mua thức ăn tươi sống mỗi ngày, hạn chế tối đa việc dự trữ quá mức không cần thiết, đặc biệt là những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe. Những thực phẩm thiết yếu khác như gạo thì giữ đầy hủ; Gia vị, dầu ăn, nước mắm, nước tương thì lúc nào cũng có một chai sơ cua là đủ rồi.
Coi chừng bị ‘xì trét’
Nghỉ tránh dịch, mọi người rất dễ bị stress. Đặc biệt là ở người cao tuổi, do thói quen tụ tập, đi chùa, cà phê, thể dục cùng bạn bè bị đảo lộn, suốt ngày quanh quẩn trong nhà… Do đó cần tìm cách khác để lấp đầy khoảng trống như gọi điện, chat với bạn bè người thân, trồng cây, làm vườn, đọc báo, xem phim, đi chợ, nấu ăn, thêu tranh, tắm nắng…
Đừng ngủ quá nhiều và đừng nhốt mình trong phòng kín không gian hẹp không có cửa sổ mở ra bên ngoài và không có ánh sáng mặt trời, sẽ dễ sinh ra stress, trầm cảm.
Tiếp tục đi khám bệnh và uống thuốc thường xuyên
Những bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, tăng cholesterol, gout, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… không đợi hết dịch mới gây biến chứng. Do đó không nên vì quá ngại môi trường bệnh viện mà không đi khám. Phải đi khám, lấy thuốc uống điều độ.
Bệnh mạn tính ổn định cũng giảm nguy cơ nhập viện trong mùa dịch. Biết đâu tới chừng mùa dịch nặng rồi nhập viện lại không có chỗ nằm hoặc gia tăng nguy cơ lây bệnh thì khổ!