Địa phương đề nghị được công bố ca bệnh Covid-19
Địa phương đề nghị được công bố ca bệnh Covid-19
Thực tế cho thấy, việc địa phương không có thẩm quyền công bố ca dương tính mới đã gây ra những khoảng trống thông tin, khiến dư luận hoang mang.
Ngày 12.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng vẫn đang đợi quyết định của Bộ Y tế cho phép công bố kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Tận dụng “giờ vàng” chống dịch
Trước đó, ngày 11.3, UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị cho phép địa phương được công bố khẳng định mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với Covid-19, qua đó chủ động triển khai các biện pháp cách ly, can thiệp y tế kịp thời ngăn ngừa lây nhiễm, phòng chống dịch.
Trước đó, ngày 6.3, Bộ Y tế đã quyết định cho phép Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán Covid-19. Tuy nhiên, khi phát hiện trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ, CDC Đà Nẵng phải chuyển ngay mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang để làm xét nghiệm khẳng định. Theo CDC Đà Nẵng, từ 6 – 12.3, trung tâm đã thực hiện xét nghiệm tổng cộng hơn 300 mẫu bệnh phẩm, trong đó có 4 mẫu kết quả dương tính (Đà Nẵng 3 trường hợp, Quảng Nam 1 trường hợp).
|
4 mẫu bệnh phẩm này khi chuyển đến Viện Pasteur Nha Trang để làm xét nghiệm khẳng định đều cho kết quả trùng khớp với kết quả xét nghiệm của CDC Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, dù có những địa phương đã có thẩm quyền làm xét nghiệm (như Hà Nội có Trung tâm phòng chống bệnh tật), nhưng kết quả này phải được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm tái khẳng định, sau đó thẩm quyền công bố là của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐQG), quy trình này tối thiểu cũng vài tiếng đồng hồ.
Trong khi đó, chính quyền địa phương nơi có người dương tính Covid-19 lại không thể bỏ lỡ vài giờ này, vì “trong chống dịch, thời giờ là vàng”, như một lãnh đạo địa phương nói với PV Thanh Niên.
Ngay khi có kết quả dương tính lần thứ nhất, chính quyền đã lập tức phải có hành động. Đơn cử trường hợp bệnh nhân thứ 39 B.C.P là hướng dẫn viên du lịch, trú Q.Cầu Giấy (TP.Hà Nội).
Dù sáng 12.3 Bộ Y tế mới công bố chính thức thông tin ca bệnh, nhưng từ ngày 10.3 các địa phương có người tiếp xúc với anh P. đã được cảnh báo về tình trạng sức khỏe của anh này.
Kết quả là lúc 23 giờ 46 ngày 10.3, nhóm cư dân của một khu chung cư trên địa bàn Q.Nam Từ Liêm đã có thông báo về việc khử khuẩn và đưa đi cách ly tập trung một người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân P. Thậm chí, lúc đó anh P. còn được gọi là “bệnh nhân thứ 35”, bởi Bộ Y tế chưa công bố các ca bệnh khác.
Dù ban quản lý tòa nhà và lực lượng y tế của địa phương đã phản ứng chuyên nghiệp khi công bố thông tin kèm khuyến cáo, lập tức phun khử khuẩn… nhưng thông tin này vẫn làm nhiều người đặt dấu hỏi, bởi chưa thấy ca bệnh được công bố chính thức.
Lãnh đạo một quận của Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho biết, ngay khi nhận được thông tin có bệnh nhân dương tính Covid-19, dù chỉ mới là kết quả lần 1, quận vẫn phải lập tức điều tra dịch tễ, ra cảnh báo với các khu dân cư.
“Cảnh báo vẫn là cần thiết, nên chúng tôi phải tìm cách”, vị này nói. Nhưng vì thẩm quyền công bố ca dương tính là của BCĐQG, nên ngay cả chính quyền TP, quận… cũng phải đợi và vì thế không thể có những thông báo rõ ràng, ngay lập tức. Theo lãnh đạo Hà Nội, những vấn đề này đã được phát hiện và có kiến nghị với BCĐQG để tìm cách cải thiện sự phối hợp.
Cần thông báo kịp thời về hình thức cách ly
Cũng trong ngày hôm qua (12.3), Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang hoàn thành dự thảo và lấy ý kiến góp ý để hoàn chỉnh Hướng dẫn giám sát tạm thời bệnh Covid-19, hướng dẫn cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú; tiếp tục chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các địa phương điều tra dịch tễ các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, xác minh người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính, khoanh vùng xử lý ổ dịch và cách ly theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần.
Trước mắt, với các trường hợp nhiễm Covid-19 trên chuyến bay VN0054 từ Anh về đến Hà Nội ngày 2.3, BCĐQG đã có Công văn số 1204/CV-BCĐ gửi các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, TP hướng dẫn chi tiết cách ly, theo dõi sức khỏe với trường hợp có liên quan đến chuyến bay này.
Theo đó, đối với trường hợp F1 thực hiện việc cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Trong thời gian cách ly, cơ quan y tế lấy mẫu, xét nghiệm, theo dõi, giám sát sức khỏe. Trong trường hợp xét nghiệm âm tính vẫn cách ly đủ 14 ngày…
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết thêm trong dịch Covid-19 hiện nay, với các trường hợp F1 được cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, đồng thời lập danh sách F2 để cách ly và theo dõi sức khỏe. Nếu các trường hợp F1 có kết quả âm tính thì những người F2 được chuyển trạng thái cách ly, nghĩa là sẽ thực hiện giám sát sức khỏe, không phải cách ly y tế hoàn toàn, vì lúc đó đã an toàn, chỉ cần theo dõi sức khỏe.
Tuy nhiên, có thể thông tin xét nghiệm âm tính với trường hợp F1 đó chưa được xã phường thông báo kịp thời đến cộng đồng khiến người dân lo lắng, cho rằng công tác cách ly thực hiện không nghiêm túc. Do đó, việc thông báo dương tính hay âm tính, tình trạng cách ly cần được chính quyền, cơ quan y tế tại địa bàn thực hiện kịp thời hơn.
Xử phạt hành vi khai báo y tế không trung thực
Ngày 12.3, Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã họp về việc áp dụng xử phạt hành chính với người vi phạm về vi phạm các quy định phòng chống dịch (không thực hiện cách ly, khai báo y tế không trung thực, không khai báo y tế theo quy định để tránh cách ly trong vụ dịch).
Theo quy định tại Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt với hành vi này 5 – 10 triệu đồng. Đáng lưu ý, có một số tình huống diễn ra mới đây với một số người đi về từ vùng dịch nhưng khai báo y tế không đúng, hoặc không khai báo, cơ quan chức năng đang thu thập các chứng cứ để xác định các tình huống xảy ra do cố ý hay vô ý, từ đó áp dụng xử phạt “đúng người, đúng tội”.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, các năm qua, chưa ghi nhận xử phạt với hành vi khai báo y tế không trung thực và chưa tổ chức xử phạt.
Dự kiến tới đây sẽ giao cơ quan thanh tra y tế tại các địa phương thực hiện quy định này trong tình huống phát hiện người vi phạm về khai báo y tế.
Không có chuyện Việt Nam để vi rút lan truyền tự nhiên nhằm tạo miễn dịch trong cộng đồng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, minh bạch thông tin là một trong những yếu tố chống dịch thành công; để người dân được biết, cùng tham gia và ngay từ đầu vụ dịch chúng ta đã làm như vậy. Thông tin về dịch Covid-19 được công bố minh bạch, kịp thời, không che giấu.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, với rất nhiều thông tin tràn ngập hiện nay, vẫn còn nhận thức sai lầm về công tác phòng chống dịch, gây tâm lý hoang mang do tiếp cận thông tin không chính xác.
Do đó, mỗi người cần chủ động phòng dịch, tự bảo vệ sức khỏe cho mình từ những nguồn thông tin chính thống; tham gia bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Chính quyền các cấp cần phát huy vai trò giám sát của người dân trong phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh (ví dụ phát hiện ai đi từ vùng dịch về mà chưa được cách ly thì báo tin cho chính quyền). Đặc biệt, đường dây nóng của Bộ Y tế luôn sẵn sàng tiếp nhận giải đáp và hỗ trợ người dân về các vấn đề liên quan phòng chống dịch.
Ông Long cũng bác bỏ thông tin Việt Nam giảm kiểm soát để vi rút lan truyền tự nhiên nhằm tạo miễn dịch trong cộng đồng. ‘‘Việt Nam không thể làm như thế vì đòi hỏi tiềm lực ứng phó khi số người nhiễm bệnh tăng vọt.
Thực hiện biện pháp này, nhóm người sức khỏe yếu, người cao tuổi, người có đề kháng kém cũng không thể đủ sức chống đỡ… Do đó chúng ta lựa chọn giải pháp kiểm soát để càng làm chậm quá trình lây lan dịch bệnh, thì mới chống dịch thành công’’, ông Long khẳng định.
AN DY – LIÊN CHÂU- VŨ HÂN
TNO