“Chửi” người khác rồi có sẵn sàng nhận người khác “chửi” mình công khai trên mạng chưa?
“Chửi” người khác rồi có sẵn sàng nhận người khác “chửi” mình công khai trên mạng chưa?
Người ta mất ít nhất 4 năm trên ghế nhà trường và có thể thêm vài tháng thực tập để cho ra đời một người được “nói cho nhiều người nghe” như nghề báo truyền thống xưa nay.
Nhưng thời thế đã thay đổi. Về mặt tiếng nói, facebook làm cho người ta bình đẳng hơn. Ngày xưa một tờ báo cho mọi nhà. Bây giờ là mỗi người một tờ báo riêng, thậm chí muốn có mấy tờ riêng cũng được.
Mỗi cá nhân vừa là phóng viên, vừa là tổng biên tập. Báo luôn có độc giả, trước hết là người thân bạn bè, sau là người lạ. Ai cũng có cơ hội nổi tiếng.
Và việc có thể “làm báo” chỉ cần sau khoảng 10 phút kích hoạt tài khoản facebook, viết gì thì viết, viết bao nhiêu cũng được làm người ta nhầm là làm báo… dễ.
Có lẽ cũng không sai, nếu chỉ dừng lại ở kiểu “một tờ báo ảnh cá nhân những lúc đi ăn uống hay du lịch”. Đằng này có vẻ các “nhà báo” không chỉ muốn nói chuyện cá nhân, mà muốn nói cả chuyện của hàng xóm, chuyện con hẻm của mình, rồi mở “tầm ảnh hưởng” đến cả chuyện thành phố, chuyện chính trị, trong nước, rồi đến toàn thế giới.
“Hôm qua tao vừa chửi Trump một bài” xong. Nghe oai chứ.
“Gì mà nghiêm trọng vậy. Trang cá nhân mà. Nghĩ gì nói đó thôi. Không thích thì đừng có đọc”. Sẽ có “nhà báo sau 10 phút” chống chế khi bị tấn công .
À, nghĩ gì nói đó thì có thể thoải mái khi thể hiện với… nhật ký, trong một cuốn tập học trò, hoặc cùng lắm là đứa bạn thân, cho đỡ phiền. Những dòng chữ hay clip của mình là của quý hay là rác? Chưa rõ được.
Mình thích, nhưng nó là rác với người khác thì sao? Quăng ra đường rồi bảo người ta là nếu thấy thối đóng cửa nhà lại, đừng có ngửi – mà nhất là đó là những người đã dại dột một lần “kết bạn” với mình? Sao không giữ trong nhà cho “đỡ bị chửi”?
Thế “chửi Trump” xong rồi thì đã tập cách đón nhận chuyện bất kỳ ai cũng có thể “chửi” mình một cách công khai và dễ dàng như vậy chưa?
Lúc nổi tiếng hay kiếm tiền được từ mạng xã hội thì đã chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng một ngày có thể bị hao tổn tâm trí, và mệt mỏi vì nó chưa?
Chúng ta sử dụng mạng xã hội để chơi. Chơi gì? Một cuộc chơi mênh mông tưởng không có giới hạn nào, nhưng thật ra giới hạn rất lớn nằm ở ngay bước đầu tiên – luôn có người quan sát, và nhận xét.
Và bất kỳ lúc nào cũng có thể tấn công chúng ta (công bằng như việc chúng ta có thể tấn công một “kẻ ác” nào đó).
Để chơi vui va hay trước hết cần chơi cho an toàn. Khó hơn cả nhà báo ngày xưa ở chỗ, mỗi người có một facebook cần vừa là người viết hay vừa lại là cần là một “tổng biên tập” giỏi và bản lĩnh trước sóng gió. Việc này có cần học không hay chỉ cần “10 phút”?
Người Việt hay ngại đọc “luật chơi”, “cách chơi”, cứ thích “chơi đã, tính sau”. Huống hồ gì vấn đề nan giải ở chuyện luật chơi ở đây không viết ra thành văn, trong khi hình như nó có nhiều điều khoản hơn chúng ta vẫn tưởng tượng sau cái dòng chữ có vẻ đơn giản là “bạn đang nghĩ gì?”.