27/11/2024

Cách ly bắt buộc người về từ vùng dịch Hàn Quốc

Cách ly bắt buộc người về từ vùng dịch Hàn Quốc

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, công tác phòng chống dịch Covid-19 tới đây sẽ khó khăn hơn với dịch từ Hàn Quốc, vì vậy phải cách ly được người từ vùng dịch về Việt Nam trong 14 ngày.
Khu vực cách ly giám sát sức khỏe tại
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng  /// Ảnh: An Dy

Khu vực cách ly giám sát sức khỏe tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng  Ảnh: An Dy
Sáng 25.2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm 2020 và phòng, chống dịch Covid-19. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định công tác phòng chống dịch Covid-19 tới đây sẽ khó khăn hơn với dịch từ Hàn Quốc, phải cách ly được người từ vùng dịch về Việt Nam trong 14 ngày.
Kiểm tra thân nhiệt khách nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP.HCM) nhằm phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2 Ảnh: Duy Tính

Kiểm tra thân nhiệt khách nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP.HCM) nhằm phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2   Ảnh: Duy Tính

Theo ông Long, trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, cách ly là bắt buộc và bài học tại xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho hiệu quả tốt, việc chống dịch xâm nhập từ Trung Quốc cũng đã có hiệu quả.

Đảm bảo đủ thuốc phòng, chống dịch

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị Bộ Y tế có giải pháp về vật tư dự trữ phòng chống dịch, bởi một số vật tư, trang thiết bị rất khó mua, trong đó đặc biệt là quần áo bảo hộ cho những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh gần như không có và vật tư khử khuẩn như cloramine B.
Ông Ngô Văn Quý cũng cho biết Hà Nội đã bố trí bệnh viện của Công an TP với sức chứa 88 giường. Tuy nhiên, khu vực này đã gần đầy nên ông Quý đề nghị cho Hà Nội được đưa những người cách ly tập trung về cơ sở của Bộ Tư lệnh Thủ đô với sức chứa 950 người. Hà Nội cũng đã lên phương án xây dựng các bệnh viện từ 600 – 1.000 giường, khi được bổ sung trang thiết bị và nguồn lực.
Đến ngày 25.2, Hà Nội vẫn là địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao. Hà Nội đã hướng dẫn các trường học chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại. Chiều 25.2, Hà Nội đã tập huấn cho trên 5.000 cán bộ, giáo viên về vệ sinh môi trường, khử khuẩn và phòng chống dịch bệnh trong nhà trường…
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ Y tế và một số địa phương đang mua dự phòng một số trang thiết bị vật tư y tế chống dịch, gồm khẩu trang và bộ trang phục phòng chống dịch, máy thử và máy X-quang di động, thiết bị khử trùng không khí, bơm kim tiêm điện. Cơ số thuốc cũng đáp ứng cho dịch cấp độ 4 và sẵn sàng cho cấp độ dịch cao hơn.
Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, đã có hiện tượng thu gom kháng sinh và thuốc chống dịch, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh. Ngoài ra, dự trù của các bệnh viện chưa kịp thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nguồn cung.
Đáng chú ý, năm 2019 lượng thuốc mua từ Hàn Quốc là 750 triệu USD (15.000 tỉ đồng), là số lượng khá lớn. Tuy nhiên, nếu Hàn Quốc bùng phát dịch, lượng thuốc bán cho Việt Nam có thể giảm. Vì vậy, Bộ Y tế phải tìm nguồn cung mới và sản xuất thuốc phục vụ phòng dịch.

“Không phút nào được lơi lỏng”

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay việc chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thực chất đã bắt đầu từ giữa tháng 12.2019. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người đi về từ vùng dịch từ 0 giờ ngày 25.1.
Phó thủ tướng cũng lưu ý phải nêu rõ 5 nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn triệt để; phát hiện sớm ca bệnh; cách ly; khoanh vùng thật gọn; dập dịch triệt để. Thực tế vừa qua các nguyên tắc này đã thực hiện rất tốt tại xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Cả nước chống dịch cũng theo các nguyên tắc đó. ‘‘Chống dịch trên nguyên tắc hợp lực, hợp tác. Với Trung Quốc và Hàn Quốc cũng vậy. Chúng ta đã áp dụng với người đến/về từ Trung Quốc, và nay là Hàn Quốc. Tới đây có thể thêm một vài quốc gia khác; chúng ta áp dụng trên 5 nguyên tắc đó, không thay đổi và kiên trì’’, Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh việc chống dịch phải minh bạch, cảnh báo nguy cơ để mọi người dân cùng tham gia. Vụ dịch này cũng là lần đầu tiên quân đội tham gia chống dịch.
“Đến ngày hôm nay, với tất cả sự khiêm tốn cầu thị, có thể nói chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào hàng cao nhất do có biên giới đất liền với Trung Quốc nhưng chỉ có 16 ca dương tính Covid-19 và đã được chữa thành công. Đến giờ phút này, toàn bộ 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã khỏi”, Phó thủ tướng nói. Ông cũng lưu ý: “Nếu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như một cuộc chiến thì chúng ta mới thắng trận mở màn và phải đề cao cảnh giác, không phút nào được lơi lỏng”.
Về việc thực hiện cách ly những người đến từ vùng có dịch Covid-19 của Hàn Quốc, Phó thủ tướng nhấn mạnh “rất đồng tình với phương án cách ly của TP.Đà Nẵng đối với một số khách Hàn Quốc”. “Du khách đến Việt Nam không ai muốn cách ly, nhưng vì trách nhiệm công dân và trách nhiệm quốc tế, chúng ta cần hợp tác”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

16/16 bệnh nhân tại Việt Nam đã được điều trị khỏi và bình phục

Thông tin tại hội nghị cho biết, đến sáng 25.2, bệnh nhân cuối cùng trong 16 người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính sau 2 lần xét nghiệm. Hôm nay bệnh nhân sẽ xuất viện.
Theo Bộ Y tế, bệnh nhân là nam giới (50 tuổi), có kết quả xét nghiệm dương tính hôm 13.2; được điều trị tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Trước nam bệnh nhân này, có 15 trường hợp (tại TP.HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội và Vĩnh Phúc) đã được điều trị khỏi, ra viện. Riêng Khánh Hòa đang làm thủ tục để công bố hết dịch Covid-19.
L.Châu

Tạm dừng nhập cảnh với người về từ vùng có dịch

Hôm qua (25.2), Thủ tướng ban hành chỉ thị tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong các hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Bộ Ngoại giao tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc về việc công dân Việt Nam từ các tỉnh, TP có dịch của Trung Quốc chỉ được nhập cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.
Bộ Ngoại giao thông báo ngay cho phía Hàn Quốc và các nước, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 về các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam áp dụng, trong đó có việc tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch, đối với các đối tượng nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định, đồng thời thông báo cho công dân Việt Nam không đến các vùng có dịch ở các nước, trừ trường hợp cần thiết, nếu vẫn đi thì khi nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
Tuyên truyền, vận động người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc tuân thủ hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch
Covid-19 của nước sở tại, không đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước sở tại đã khuyến cáo. Bộ Y tế thực hiện việc cách ly tập trung tại cơ sở y tế đối với người nghi nhiễm bệnh và các đối tượng khác theo yêu cầu của cơ quan y tế. Bộ Quốc phòng chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nơi tiếp nhận, ăn nghỉ để thực hiện cách ly tập trung.
Chí Hiếu 
LIÊN CHÂU- VŨ HÂN
TNO