Tuần trăng mật “lạ đời”
“Tôi và một sư cô ở Thái Lan khá thân. Tôi hay hỏi sư cô: Con nên làm gì khi buồn, mất phương hướng? Sư cô nói: Hãy thiền! Tôi không hiểu thiền là gì, sư bảo phải đi học mới biết… Dịp cưới, chúng tôi muốn làm gì đó thật ý nghĩa cho đời mình, thế là đầu năm 2018, vợ chồng rủ nhau dành tuần trăng mật sang Thái… học thiền”, chị Nguyễn Hà Cẩm Tú (ngụ xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) giải thích lý do học thiền của hai vợ chồng.
Tại Thái, đôi uyên ương trải qua hai khoá học thiền Vipassana tại 2 ngôi chùa dạy thiền nổi tiếng ở TP.Chiang Mai. Theo chị Cẩm Tú, mỗi người chỉ đóng khoản tiền nhỏ để mua quần áo và ăn uống. Đầu tiên, các môn sinh nghe giảng sơ lược về nỗi khổ trong đời của con người là gì, tại sao người ta khổ? Tiếp đó, vị sư hướng dẫn họ cách thiền giúp tâm trí an tĩnh.
Theo quy định, thiền sinh không được nói chuyện trong giờ học. Ngoài lớp, mọi người có thể giao lưu, nhưng cũng hạn chế giao tiếp. Cẩm Tú nhìn nhận sinh hoạt hằng ngày cũng theo giờ “rất lạ” so với chị. Chẳng hạn 4 giờ sáng phải dậy quét chùa, chỉ được ăn 2 buổi/ngày, ăn trước 12 giờ trưa, buổi tối chỉ được uống sữa hoặc nước lọc…
“Mỗi ngày, chúng tôi chỉ ngồi thiền 2 tiếng, mỗi lần 15 – 20 phút. Trong khi đó, những người bạn của tôi theo khoá học “khắc nghiệt” hơn kéo dài 12 ngày, mỗi ngày thiền 10 tiếng. Tuy ngắn, nhưng khoảng thời gian đó cực kỳ quý báu đối với tôi”, chị khẳng định.
Trở lại đời thường, chị Tú nhận ra điều quan trọng nhất khoá thiền mang lại chính là khả năng chặn và đẩy lùi cảm xúc tiêu cực. Chị dẫn chứng, hồi trước, khi bị ai đối xử không tốt, chị “tua đi tua lại” những gì người đó đã làm với mình, suy nghĩ tiêu cực cứ thế nối tiếp kể cả lúc đang chạy xe… Hiện tại, các cảm xúc bi quan vẫn chực chờ khởi phát nhưng nhờ kỹ thuật thiền, chị kịp tỉnh thức để “kiểm soát những suy nghĩ lao xao bất ổn trong lòng khiến mình hoang mang đau khổ”. Chị tâm tình: “Bản thân mình không dám nói là xong khoá thiền bây giờ mình ổn. Chỉ có điều rõ ràng khác trước là mình vững hơn, biết dừng lại để quan sát tâm trí và giữ cân bằng tốt hơn”.
Bạn trẻ TP.HCM tham gia buổi thiền nến quyên góp hỗ trợ bệnh nhân ung thư ẢNH: NHƯ LỊCH
|
Theo tiết lộ của cô dâu Cẩm Tú, tuần trăng mật đặc biệt này còn cộng thêm cho đôi uyên ương nhiều điểm chung gắn kết. Hai vợ chồng cùng học thiền, trò chuyện về thiền, nhắc nhau giữ bình tĩnh, không nói những lời tiêu cực, bi quan… “Mình nghĩ rằng bản thân mỗi người ổn sẽ làm cho cuộc hôn nhân ổn”, chị bày tỏ.
Nhịn nói để quan sát thân, tâm
Khi người bố thân yêu bất ngờ giã biệt cõi đời, chị Ngọc Mai (ngụ Hà Nội) có cảm giác như mất tất cả. Suy sụp. Đau khổ. Bơ vơ. Rồi áp lực công việc, chuyện gia đình, tình cảm riêng tư… khiến chị thêm chán chường, mỏi mệt.
“Đó là năm 2013, tôi chưa biết gì về thiền. Nghe bảo có ngôi chùa bên Thái đang tổ chức khóa thiền Vipassana trong 10 ngày với khoảng 100 thiền sinh thuộc hơn 20 quốc tịch. Trong thời gian này người học phải tịnh khẩu (không nói gì). Khi đó, thiền sinh sẽ dễ tập trung, có cơ hội quan sát thân và tâm mình hơn. Tôi thấy thú vị và tò mò muốn tìm hiểu”, chị kể.
Tưởng đã vượt qua cú sốc, nhưng sau vài tháng, nỗi buồn mất cha lại xâm chiếm tâm can. Nghĩ rằng mình cần được “tiêm thêm liều thuốc tinh thần”, Ngọc Mai tiếp tục đi thiền và dành thời gian phục vụ một số hoạt động tình nguyện trong chùa. Đến nay, chị đã trải qua hơn 10 khóa thiền, tất cả đều ở Thái Lan.
Tuy nhiên theo chị Ngọc Mai, tham gia bao nhiêu khoá thiền không quan trọng bằng việc áp dụng được gì cho cuộc sống của mình. Điều lớn nhất ngộ ra từ những khoá thiền này là quy luật vô thường của cuộc sống. Cái chết của bố cũng nằm trong quy luật ấy. Bình thản chấp nhận mọi việc, mỗi ngày sống hạnh phúc, đó mới là thành công của người đi thiền.
“Ngày càng có nhiều người bị căng thẳng, áp lực trong cuộc sống hiện đại. Dựa vào đó, một số cá nhân, doanh nghiệp vẽ ra các khoá thiền như là phép màu, năng lực siêu nhiên bằng những mỹ từ cao sang nhằm chiêu sinh, trục lợi. Tôi dị ứng với xu hướng lạm dụng và ca tụng, sùng bái thiền quá mức ở VN”, chị bày tỏ.
Trong khi đó, với chị Cẩm Tú thiền không phân biệt tôn giáo và học thiền chỉ gói gọn trong các từ: nhắm mắt, hít thở, quan sát hơi thở, để tâm trí thật phẳng lặng. Và thiền mang lại kỹ năng vô cùng cần thiết trong cuộc sống.
Chị Tú chia sẻ: “Giống như muốn chạy xe phải học lái xe, thiền dạy ta kỹ năng kiểm soát, đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực trong lòng. Đó là cách giúp tâm trí mình được an tĩnh. Có an tĩnh thì tim, óc mình mới được thư giãn, mới sáng suốt nhìn nhận lại mọi thứ”. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận tâm trí con người vô cùng phức tạp, ngay cả chủ nhân của nó cũng không dễ dàng điều khiển. Vì vậy, không phải ai học thiền cũng có được kỹ năng nói trên. (còn tiếp)
Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ
Tại VN, các khóa thiền Vipassana nội trú 10 ngày miễn phí thường diễn ra quanh năm. Theo website của Vipassana VN (http://www.vn.dhamma.org), Vipassana – nghĩa là thấy sự việc đúng như thật – là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ. Truyền thống thiền này được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2.500 năm. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát.
“Đừng gán ghép hay đổ thừa…”
Theo chị Cẩm Tú, nhiều người vô tình hay cố ý hiểu sai khi gắn nhãn mác thần bí cho thiền. Cạnh đó, xảy ra tình trạng lợi dụng thiền để kiếm tiền bằng cách mở những khoá học qua mạng như: thiền trị bá bệnh – trị mụn và đẹp da, thiền dạy làm giàu (kèm bán mỹ phẩm, bán hàng đa cấp), thiền thải độc (có nơi báo giá đến 60 triệu đồng/khoá)…
Đối với một số người trở nên “lửng lơ trên mây” sau khi tham gia mấy nhóm học thiền (nhiều người suy đoán do học sai, khai mở luân xa gì đó nên bị “tẩu hoả nhập ma”), chị Tú thẳng thắn bày tỏ: “Thiền chẳng liên quan gì đến việc biến một người thành siêu nhân hay tâm thần, nên đừng gán ghép hay đổ thừa tại học thiền. Những điều đó vô lý như khi ai đó nói đi học lái xe xong tự nhiên biết bay vậy”.
|
NHƯ LỊCH