Vận động ráo riết cho con lai còn ở Việt Nam
Hội Tình lai không biên giới vừa cho biết họ đang ráo riết vận động cho toàn bộ con lai còn ở Việt Nam được đến quê cha đoàn tụ.
Vận động ráo riết cho con lai còn ở Việt Nam
Hội Tình lai không biên giới vừa cho biết họ đang ráo riết vận động cho toàn bộ con lai còn ở Việt Nam được đến quê cha đoàn tụ.
Rất nhiều con lai Mỹ – Việt mong đợi ngày được đến quê cha Hội Tình lai không biên giới cung cấp
Trong hồ sơ vận động của họ có bổ sung những bài viết về con lai đăng trên báo Thanh Niên gần đây.
Thời điểm thuận lợi để vận động
Ông Jimmy A Miller (tên Việt là Nhật Tùng), người sáng lập Hội Tình lai không biên giới, cho biết bước đi đầu tiên trong cuộc vận động này là vào ngày 13.1.2020 ông cùng người của hội đã có cuộc gặp gỡ tại văn phòng bà Cathy McMorris Rodger, dân biểu Hạ viện liên bang, đại diện khu vực 5 trong tiểu bang Washington. Cuộc gặp này mang lại những tín hiệu khả quan.
“Lúc đầu, họ cho thời lượng gặp từ 20 – 30 phút, nhưng sau đó kéo dài gần một tiếng. Họ hỏi rất nhiều, chăm chú lắng nghe và ghi lại những điểm chính. Tôi yêu cầu bà dân biểu liên bang hai điều. Một là, cho dùng kỹ thuật DNA để chứng minh con lai mà không cần phải tìm được cha. Hai là, những người con trên 21 tuổi có cha mẹ lai mà họ còn độc thân cũng được đến nước Mỹ với cha mẹ của họ”, ông Tùng chia sẻ.
Theo ông, năm 2020 là thời điểm thuận tiện nhất để vận động. Vì giữa năm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch làm việc với quốc hội để thông qua luật Sửa đổi di trú (Immigration Reform) cho các việc di dân bất hợp pháp, Deferred Action for Childhood Arrivals (DACA), và các trường hợp di dân, di trú khác. Như vậy, ý kiến của những dân biểu đưa ra đúng thời điểm này có thể tác động đến luật Sửa đổi di trú, mở ra cơ hội (gần như cuối cùng) cho khoảng 350 con lai còn ở lại Việt Nam.
Ảnh: HTLKBG cung cấp
|
Chúng tôi muốn DNA cho con lai tại Việt Nam cũng được nằm trong “rổ” của Immigration Reform. Phải dứt điểm câu chuyện con lai Mỹ – Việt càng sớm càng tốt. Anh chị em lai nay đã bước vào tuổi 50 hết rồi, không thể kéo dài mãi
Ông Nhật Tùng
“Chúng tôi muốn DNA cho con lai tại Việt Nam cũng được nằm trong “rổ” của Immigration Reform. Phải dứt điểm câu chuyện con lai Mỹ – Việt càng sớm càng tốt. Anh chị em lai nay đã bước vào tuổi 50 hết rồi, không thể kéo dài mãi”, ông Tùng thổ lộ.
“Hiện nay, chúng tôi ráo riết vận động để đưa tất cả anh chị em lai về quê cha. Họ là con, một phần máu thịt của các cựu quân nhân Mỹ. Cần đóng lại chương đau buồn của cuộc chiến tranh này với kết thúc đẹp, có hậu. Đó phải được xem như điều hiển nhiên. Bây giờ đã rất trễ, nhưng còn hơn không bao giờ”, ông Tùng nói thêm.
DNA là bằng chứng không thể chối cãi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2013, cũng chính Hội Tình lai không biên giới quyết liệt đấu tranh nhằm giữ cánh cửa cho những người con lai có cha là quân nhân Mỹ tham chiến tại Việt Nam còn cơ hội đến quê cha. Lúc đó, khi biết cơ quan lãnh sự Mỹ sẽ đóng văn phòng dành cho chương trình lai, ông Tùng quyết định tiến hành thử nghiệm DNA miễn phí cho những người con lai.
“Khi anh chị em lai không còn giấy tờ gì để chứng minh mình lai, bằng chứng cụ thể nhất để “chêm” giữ cánh cửa chuẩn bị đóng vĩnh viễn với họ là DNA”, ông Tùng chia sẻ. Hội này đã tốn 5 năm thu thập hồ sơ, thêm 5 năm thử DNA cho hơn 550 trường hợp để tìm danh sách con lai chắc chắn. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có một số ít con lai tìm được cha bằng phương pháp DNA được phép định cự tại Mỹ. Còn khoảng 350 người (2/3 lai da trắng, 1/3 lai da đen) vẫn mong đợi ngậm ngùi ngày đoàn tụ.
“DNA là bằng chứng tốt nhất không thể chối cãi mà chúng tôi đưa vào hồ sơ vận động. Đạo luật Amerasian Homecoming Act (Đạo luật hồi hương trẻ lai – AHA) ra đời năm 1987, lúc đó kỹ thuật xét nghiệm DNA chưa phổ biến. Nay, kỹ thuật xét nghiệm di truyền DNA đã rất phổ biến và kết quả chính xác gần như tuyệt đối thì tại sao chúng ta không áp dụng?”, ông Tùng bày tỏ.
Hàng trăm con lai còn ở lại Việt Nam Ảnh: Quang Viên
|
Giai đoạn chín muồi
Hỏi về khả năng thành công của cuộc vận động này, ông Tùng tự tin: “Đã đến giai đoạn chín muồi để vận động đến các chính giới cho một luật sửa đổi (Amendment) được thêm phần DNA vào đạo luật AHA đang có, hoặc vận động cho một dự luật mới hoàn toàn. Khi đó, anh chị em lai còn ở Việt Nam được dùng kết quả DNA để khẳng định mình đúng là con lai và đến được quê cha. Chúng tôi đã có đầy đủ thông tin và bằng chứng rồi”, ông Tùng tự tin.
Ông Tùng cho biết thêm mục tiêu cụ thể trong chương trình vận động này là: Thử DNA để biết lai hay không lai cho những người con được coi là lai từ Huế trở vào nam, sinh vào những năm mà đạo luật AHA cho phép mà không nhất thiết phải tìm được cha hay gia đình bên cha. Yêu cầu chính phủ Mỹ phải cho phép những người con trên 21 tuổi, còn độc thân, có cha mẹ lai, cũng sẽ được đến định cư tại Mỹ cùng với cha mẹ của họ.
Ông Nhật Tùng lý giải: “Những người con lai được đến Mỹ trong những năm từ 1990 – 2010 thì con cái của họ không quá 21 tuổi. Nay thì nhiều con của anh chị lai đã quá 21 tuổi”. Một trường hợp điển hình mới đây là chị Thu Lệ. Khi Hội Tình lai không biên giới tìm ra cha, làm giấy tờ cho vợ chồng chị đến Mỹ, nhưng vợ chồng chị phải bỏ lại 3 người con đã trên 21 tuổi dù họ vẫn còn độc thân.
TTO