28/11/2024

‘Chúng ta chỉ còn 10 năm nữa’

10 năm để trồng lại rừng; 10 năm để bảo tồn và nhân giống sinh vật; 10 năm để cứu bầu khí quyển; 10 năm để cứu đa dạng sinh học của Trái đất khỏi sự tuyệt chủng hàng loạt. 10 năm ấy bắt đầu từ ngày hôm nay, hoặc mãi mãi không bao giờ!

 

‘Chúng ta chỉ còn 10 năm nữa’

10 năm để trồng lại rừng; 10 năm để bảo tồn và nhân giống sinh vật; 10 năm để cứu bầu khí quyển; 10 năm để cứu đa dạng sinh học của Trái đất khỏi sự tuyệt chủng hàng loạt. 10 năm ấy bắt đầu từ ngày hôm nay, hoặc mãi mãi không bao giờ!



‘Chúng ta chỉ còn 10 năm nữa - Ảnh 1.

Bức ảnh ghi lại vụ cháy ở Úc. Ước tính nửa tỉ động vật đã bị chết trong vụ cháy này – Ảnh: AAP

 

“Gần 1/3 diện tích Trái đất phải cần được bảo vệ trong vòng 10 năm tới và giảm ô nhiễm ít nhất ½ Trái đất để cứu số động vật hoang dã còn lại, nếu không chúng ta bước vào kỷ nguyên tuyệt chủng thứ sáu của hành tinh”. 

Lời cảnh báo đanh thép này được đưa ra tại Hội nghị đa dạng sinh học của Liên hiệp quốc năm 2020 tại Côn Minh (Trung Quốc), đài CNN ngày 14-1 trích đăng.

Hội nghị đặt ra các mục tiêu tương tự như năm 2010 ở Nhật Bản, nhưng cho đến hết năm 2019, bước sang năm 2020 chúng ta vẫn không thực hiện được hết các mục tiêu đặt ra cách đó 10 năm. 

Hiện nay, Trái đất đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng chưa từng thấy sau những sự kiện sông băng tan, cháy rừng Amazon và gần đây nhất là vụ cháy ở Úc (Úc). Các hệ sinh thái bị đe dọa và hậu quả nghiêm trọng rất lớn đối với sự sống còn của loài người.

Trong dự thảo, các chuyên gia của Liên hiệp Quốc nêu rõ tầm quan trọng của đa dạng sinh học và những lợi ích mà nó mang lại, là nền tảng cho sự thịnh vượng của con người và một hành tinh khỏe mạnh. Trong những năm qua, bất chấp những nỗ lực liên tục của nhiều quốc gia, đa dạng sinh học vẫn bị ảnh hưởng nặng nề và sự suy giảm này sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới nếu chúng ta không có một hành động mũi nhọn.

Công ước mới gồm 20 mục tiêu thực hiện trong vòng 10 năm tới nhằm ổn định đa dạng sinh học và dự kiến tới năm 2050 hệ sinh thái sẽ được phục hồi, hướng tới một cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên. Những mục tiêu này sẽ đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp ở cả cấp độ địa phương và toàn cầu.

Một trong số các mục tiêu quan trọng là đưa 30% diện tích đất liền và biển trên toàn cầu vào danh sách cần được bảo vệ đa dạng sinh học. 10% trong số ấy ở mức “bảo vệ nghiêm ngặt”.

Các mục tiêu khác bao gồm cắt giảm ít nhất 50% ô nhiễm từ chất diệt khuẩn, chất thải nhựa; thắt chặt việc buôn bán động vật hoang dã, trao quyền cho các cộng đồng bản địa trong nỗ lực bảo tồn.

Một số mục tiêu tập trung vào chất lượng cuộc sống của con người, như cung cấp an ninh lương thực và nước sạch cho các cộng đồng người đang gặp khó khăn nhằm giảm “xung đột giữa người và động vật hoang dã”.

Thời kỳ tuyệt chủng thứ sáu là gì?

Theo nghiên cứu lịch sử, Trái đất từng trải qua 5 thời kỳ tuyệt chủng là: Tuyệt chủng Ordovic – Silur; Tuyệt chủng Devon; Tuyệt chủng Permi – Trias; Tuyệt chủng Trias – Jura và Tuyệt chủng Creta – Paleogen.

 

Khái niệm Thời kỳ tuyệt chủng thứ 6 không phải là điều mới mẻ, nhưng rất nhiều người trong chúng ta cảm nhận nó là “điều hoang tưởng” hoặc “cái gì đó xa vời” còn lâu mới đến. Thực tế, trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng chúng ta đang ở giữa một cuộc tuyệt chủng hàng loạt – cuộc tuyệt chủng thứ sáu trong lịch sử của hành tinh và là lần đầu tiên gây ra bởi chính con người.

Thống kê của Liên hiệp quốc năm 2019 cho thấy cả thế giới có tổng cộng 8 triệu loài sinh vật thì có tới 1 triệu loài hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ trong vòng 10 năm, nguy cơ tuyệt chủng này đã tăng nhanh và mạnh gấp hàng trăm lần so với mức trung bình của cả 10 triệu năm.

Các mối đe dọa lại đến từ chính con người. Từ việc xây dựng công trình, thu hẹp môi trường sống, khai thác tài nguyên thiên nhiên, sản xuất công nghiệp dẫn tới biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, chúng ta đã làm biến đổi 75% đất đai của Trái đất và 66% hệ sinh thái biển dưới nhiều hình thức khác nhau, gần 600 loài thực vật đã bị xóa sổ trong 250 năm qua.

Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề nằm ở sự gia tăng dân số. Đông dân thì nhu cầu càng gia tăng và nguồn tài nguyên càng cạn kiệt. Đa dạng sinh học suy giảm khiến nền nông nghiệp cũng lâm vào tình trạng bị đe dọa. Việc thiếu các giống vật nuôi và cây trồng sẽ khiến tình trạng thiếu lương thực gia tăng.

Nhưng sự bùng nổ dân số sẽ không kết thúc sớm. Các chuyên gia ước tính rằng dân số thế giới hiện tại là 7,6 tỉ người, dự kiến ​​sẽ đạt mức 8,6 tỉ vào năm 2030 và 9,8 tỉ vào năm 2050.

Rõ ràng, chúng ta đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt. Nòng súng này do chính con người chĩa vào mình.

Voi có thể biến mất khỏi tự nhiên chỉ trong một thế hệ. Quần thể lưỡng cư đang bị phá vỡ. Trong khi biến đổi khí hậu thì đang làm Trái đất nóng lên và axit hóa các đại dương khiến các rạn san hô bị thu hẹp.

Ngày hôm nay chúng ta có thể may mắn nhìn thấy con tê giác trong sở thú nhưng ngày mai những đứa trẻ sẽ được học về nó như một “sinh vật trong truyện cổ tích”. Cuộc sống của chúng ta đôi lần được nghe tiếng chim hót trong cánh rừng bên nhà nhưng thế hệ sau sẽ chỉ nghe qua những đoạn phim cũ mà cha ông chúng ghi và để lại.

Chưa nói đến nguy cơ thiếu hụt lương thực, thực phẩm nghiêm trọng do hệ quả mang tính dây chuyền nếu hệ sinh thái Trái đất bị ảnh hưởng.

Chúng ta chỉ có 10 năm để trồng lại rừng; 10 năm để bảo tồn và nhân giống sinh vật; 10 năm để cứu bầu khí quyển; 10 năm để cứu đa dạng sinh học của Trái đất khỏi sự tuyệt chủng hàng loạt; 10 năm ấy bắt đầu từ ngày hôm nay, hoặc mãi mãi không bao giờ!

 

MINH HẢI

TTO