Nỗi sợ tết của các cặp vợ chồng hiếm muộn
Ca bệnh viêm phổi lạ mới nhất vừa được ghi nhận tại Nhật Bản cho thấy nguy cơ lây lan rộng của bệnh này khi đã có 3 nước có người mắc bệnh. Làm sao phân biệt bệnh viêm phổi lạ, nếu xét nghiệm mất bao lâu?
Nỗi sợ tết của các cặp vợ chồng hiếm muộn
Tết phải vui mới đúng, nhưng với các cặp vợ chồng hiếm muộn đang trong hành trình tìm con, tết đến với họ quả là một áp lực trĩu nặng.
Gia đình anh Hưng đến thăm BS Hồ Mạnh Tường dịp tết, sau khi có con – Ảnh: NVCC
“Lại tết rồi. Các mẹ có ai như em không? Tết vợ chồng, con cái người ta về quê, còn vợ chồng em lại lủi thủi trong phòng trọ chẳng dám về”. Sau lời tâm sự là tiếng thở dài của chị T. (30 tuổi, quê Nghệ An) như cứa vào tâm can của những cặp vợ chồng cùng chung cảnh ngộ hiếm muộn.
Chúc các cặp vợ chồng may mắn và hi vọng những thiên thần xinh xắn sẽ đến với gia đình các bạn vào năm 2020.
Bác sĩ HỒ MẠNH TƯỜNG
Tìm hội để bầu bạn
10 năm vào Bình Dương làm công nhân, lấy chồng được 5 năm và “thả” từ đó đến nay, nhưng chuyện con cái với chị T. trở nên quá xa vời bởi người chồng bị tinh trùng yếu. “Khoản thu nhập eo hẹp từ lương công nhân bọn mình đều dành hết vào việc can thiệp thụ tinh trong ống nghiệm tìm con. Nhưng làm hai lần vẫn chưa thành công” – chị T. nói.
Hiếm muộn nên từ lúc cưới nhau đến nay vợ chồng chị T. mới chỉ về quê ăn tết được đúng một lần. Đó là một năm sau cưới. Những lần ở lại, hai vợ chồng đều phải viện lý do tăng ca dịp tết, nghỉ quá ít ngày hoặc không kịp mua vé máy bay.
Từ ngày biết mình khó có con, chị D. (28 tuổi, ngụ Đồng Nai) thường xuyên vào các trang hội của những bà mẹ có chung cảnh ngộ để bầu bạn.
“Tết gặp nhau, câu cửa miệng của người thân, bạn bè thường là hỏi về con cái. Dù không ai ác ý, nhưng các câu hỏi khiến em không biết trả lời thế nào cả. Cứ sau mỗi cuộc gặp như thế, tâm lý càng nặng nề thêm” – D. tâm sự.
Suốt bao năm tìm kiếm, từng rơi vào trạng thái “sợ tết”, nhưng giờ đây cuộc sống của gia đình anh Hoàng Văn Hưng (ngụ Q.12) hoàn toàn đổi khác.
Kể từ khi có hai bé Hoàng Bảo Lâm và Hoàng Bảo Vy, vợ chồng anh như trút bỏ đi tâm lý nặng nề bấy lâu nay. “Mình là con trai trưởng nên áp lực có con rất lớn. Với mình, có con là có tết và ngày nào cũng là tết cả” – anh Hưng chia sẻ.
5 điều tử tế với bản thân
Trước nỗi lo âu của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, bác sĩ Hồ Mạnh Tường – tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM – thấu hiểu với tâm lý ấy và cho rằng mong muốn có con luôn là một điều thiêng liêng với mỗi cặp vợ chồng.
Thế nhưng có nhiều khi chính bản thân các cặp vợ chồng tự tạo tâm lý nặng nề cho mình trên bước đường tìm con.
Bác sĩ Tường khuyên các cặp vợ chồng hiếm muộn:
1. Tìm cho mình một góc bình yên. Có thể tạm thời rút lui khỏi mạng xã hội, rút lui tạm thời vào một góc nhỏ, tự trấn an và tập trung. Có thể trò chuyện riêng với một người bạn, không liên quan đến chuyện con cái đến khi bạn cảm thấy tự tin để “tái xuất giang hồ”.
2. Không so sánh. “Sao bạn may mắn vậy, cái gì với bạn cũng dễ dàng hơn mình” – có thể thoáng qua trong suy nghĩ, nhưng đừng nói ra. Bởi biết đâu người mà bạn nói may mắn ấy từng nhiều lần sẩy thai, hư thai, từng rơi vào tâm trạng tuyệt vọng nhưng đã mạnh mẽ đứng lên không bỏ cuộc.
3. Tiếp tục hi vọng. Nếu người báo tin có thai là bạn rất thân, bạn hãy chúc mừng và nói rằng bạn đang rất buồn, lo lắng vì chưa may mắn như vậy. Hi vọng từ đây đến khi bạn ấy sinh con mình sẽ có niềm vui tương tự.
4. Tử tế với bản thân mình. Trấn an mình “ta làm được mà”, không than thân trách phận bởi bạn luôn xứng đáng để sống vui, sống tích cực hơn. Hãy thư giãn và tận hưởng những gì mình đang có.
5. Hãy hành động. Hiểu biết về tình trạng và cơ thể mình là một bước chuẩn bị tốt cho việc có thai. Tìm hiểu xem mình có thể làm gì tốt hơn để tăng cơ hội như ăn uống phù hợp, tập thể dục, giảm cân nếu hơi dư cân. Hãy chia sẻ cùng với bạn đời những điều mình nghĩ, cùng giải tỏa và nắm tay nhau trên hành trình ươm mầm hạnh phúc.
Tâm lý ảnh hưởng rất lớn
Suốt nhiều năm gắn bó với các cặp vợ chồng hiếm muộn, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết – giám đốc Bệnh viện Hùng Vương – chia sẻ: “Tết là sum vầy, họp mặt, đoàn tụ. Và đôi lúc việc hỏi thăm vô tình tạo áp lực cho người bệnh. Bởi vậy họ mới cố lẩn tránh bằng cách không về quê ăn tết, đợi ra năm tiếp tục điều trị. Đó là nỗi niềm không phải ai cũng thấu hiểu, chia sẻ”.
Cho rằng ổn định tâm lý trong quá trình điều trị là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị hiếm muộn, bà Tuyết khuyên: “Thực tế cùng là hỏi thăm nhưng có nhiều người hỏi hời hợt, khiến các cặp vợ chồng thấy chạnh lòng. Hơn ai hết, những người thân cận như chồng, mẹ chồng cần phải chủ động chia sẻ để giải tỏa áp lực, tránh gây áp lực ảnh hưởng đến chặng đường tìm con phía trước”.
TTO