24/11/2024

Giáo viên đổi mới lại nghe đồng nghiệp xì xầm: ‘Không lo dạy mà làm việc đâu đâu’

Tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2020, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình trở ngại lớn nhất cho việc áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục chính từ các… thầy cô.

 

Giáo viên đổi mới lại nghe đồng nghiệp xì xầm: ‘Không lo dạy mà làm việc đâu đâu’

Tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2020, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình trở ngại lớn nhất cho việc áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục chính từ các… thầy cô.



Giáo viên đổi mới lại nghe đồng nghiệp xì xầm: ‘Không lo dạy mà làm việc đâu đâu’ - Ảnh 1.

 

Các diễn giả trong diễn đàn sáng 12-1 – Ảnh: TRỌNG NHÂN

 

Diễn đàn do Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Microsoft Việt Nam tổ chức sáng 12-1 tại TP.HCM.

Đổi mới lại bị chê “không lo dạy”

PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng – nguyên phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – chia sẻ trong thực tế, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những đòi hỏi bắt buộc với mỗi giáo viên.

Khi tuyển dụng, các thầy cô đều phải đáp ứng các chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, đồng nghĩa có những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực này. Thế nhưng khi về trường, vì một số lý do, nhiều thầy cô rất ít khi ứng dụng.

Lý do chính mà thầy cô đưa ra cho việc “ngại” đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy là thời gian eo hẹp và chưa được trang bị đủ cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ – phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT), cách đây khoảng 15 năm, khi ngồi trên ghế giảng đường, bà “đã thấy tâm lý này ở các thầy cô” và đến nay, dù công nghệ phát triển hơn, nhưng những lý do e ngại này vẫn còn tồn tại ở khá nhiều thầy cô. Đặc biệt, không ít giáo viên vẫn chưa nhận thức thật sự rõ ứng dụng công nghệ vào dạy học để làm gì.

Bà Thơ nói thậm chí từng đến các trường đầu tư công nghệ đầy đủ, thầy cô được tập huấn thường xuyên, nhưng các trang thiết bị hiện đại vẫn không được dùng thường xuyên.

Trong khi đó, ThS Hoàng Anh Đức – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Asia – nhớ lại từng chứng kiến nhiều giáo viên áp dụng công nghệ tham dự các cuộc thi sáng tạo về trường lại bị đồng nghiệp nhìn với ánh mắt khác.

Những lời xì xầm ra vào như: “Không lo dạy suốt ngày làm việc đâu đâu” làm không ít thầy cô dù muốn đổi mới cũng không tránh khỏi những lúc nản chí.

Bản lĩnh người thầy

Giáo viên đổi mới lại nghe đồng nghiệp xì xầm: ‘Không lo dạy mà làm việc đâu đâu’ - Ảnh 2.

Mô hình ứng dụng công nghệ vào giảng dạy vật lý và địa lý trưng bày tại triển lãm – Ảnh: TRỌNG NHÂN

 

Là chủ nhân của 1 trong 50 dự án công nghệ thông tin – đổi mới sáng tạo được trình bày tại diễn đàn, thầy Trần Văn Huy – THCS Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) – cho biết hơn 2 năm nay mình mày mò áp dụng các công nghệ arduino, microbit vào các bài dạy vật lý.

 

Ban đầu, thầy Huy phải tự mình lên các trang mạng tìm hiểu, rồi bỏ tiền mua các linh kiện. Sau khi ứng dụng thành công, thầy tiếp tục đề xuất với ban giám hiệu nhà trường đầu tư thêm.

Theo thầy Huy, giáo viên cần tiên phong và sẵn sàng tâm thế tiếp cận cái mới để hướng dẫn học trò và thuyết phục ban giám hiệu đổi mới từ chính thành công của mình. 

“Khi chưa nắm rõ thì không thể bắt học sinh ứng dụng công nghệ, và nếu học sinh có đam mê nhưng không có người giải đáp các thắc mắc cũng sẽ mau nản chí” – thầy Huy nói.

Thầy nói thêm một trong những điều quan trọng cần lưu ý khi đổi mới là nên đi song song với chương trình, có thể ứng dụng được vào bài giảng cho học sinh hiểu sâu hơn và làm bài thi tốt hơn.

“Không thể phủ nhận thi cử cũng là một mục đích học chính đáng, do đó nếu đổi mới đi xa với mục đích này sẽ không thể đi lâu dài” – thầy Huy nói và cho biết hiện tại các bộ mạch của mình hiện có thể ứng dụng vào trên dưới 20 bài giảng trong chương trình vật lý.

Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn – phó giám đốc Trung tâm tin học và chương trình giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM, TP đã có nhiều chương trình bồi dưỡng cho giáo viên cũng như tổ chức các cuộc thi về sáng tạo công nghệ cho thầy cô, với mong muốn lan tỏa tinh thần công nghệ vào giảng dạy.

Lan tỏa trong chính các thầy cô cũng là điều ông Tuấn nhấn mạnh. Thông qua nhiều kênh tương tác, các thầy cô không nên “giấu” những sáng tạo cho riêng mình, mà cần nhân rộng trong cộng đồng giáo viên đam mê, từ đó sẽ tạo được chuyển biến.

Trong khi đó, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho biết giáo viên cần ứng dụng công nghệ, dù lớn dù nhỏ, vào việc giảng dạy hằng ngày. “Bằng cấp, tập huấn là chưa đủ, công nghệ phải được sử dụng hằng ngày mới có được sự thay đổi tích cực. Và như thế mới gọi là biết công nghệ” – bà Thơ nói.  

“Đường vòng” qua các câu lạc bộ

 

a3(1)

Mô hình nông nghiệp thông minh của thầy trò Trường THCS Lê Anh Xuân (TP.HCM) – Ảnh: TRỌNG NHÂN

 

Thầy Dương Vũ Hòa – giáo viên Trường THCS Lê Anh Xuân (TP.HCM) – cùng các học sinh đem đến diễn đàn sản phẩm Nông trại thông minh, được tạo thành từ các ứng dụng đơn giản của các mạch arduino, giúp mô hình tự động đóng mở cửa, đo nhiệt độ bên trong bằng cảm biến.

Sản phẩm là kết quả từ nỗ lực của các em học sinh trong Câu lạc bộ STEM của trường suốt hơn 4 tháng nghiên cứu và bắt tay vào thực hiện.

Thầy Hòa cho biết hoạt động hơn 1 năm nay, câu lạc bộ là nơi các học sinh đam mê tin học được áp dụng tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức thực tế ngoài những gì được giảng dạy trong nhà trường.

Mỗi tuần một lần, trong những buổi sinh hoạt, học sinh sẽ được hướng dẫn các kiến thức về mạch arduino, về lập trình, từ đó tiếp cận với đề bài dù chỉ dừng lại ở cấp độ mô hình, nhưng cho trải nghiệm thực tế hơn nhiều các bài tập chỉ làm trên máy tính.

“Đây cũng là một hướng ứng dụng công nghệ thông tin ở trường chúng tôi, tạo cho các em thêm một môi trường có thể tiếp cận với những hoạt động sáng tạo” – thầy Hòa nói.

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin tiền thân là cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT với sự hỗ trợ của Micrososft Việt Nam, được tổ chức từ năm 2014.

Cuộc thi thúc đẩy phong trào lựa chọn được nhiều gương mặt nhà giáo xuất sắc tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu của Microsoft được tổ chức vào tháng 3 hằng năm.

 

 

 

TRỌNG NHÂN

TTO