Vụ trải nghiệm ở Đà Lạt, một học sinh tử vong: Làm sao ngăn ngừa rủi ro?
Cái chết của học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng) khi đi xe đạp trong chuyến trải nghiệm tại Đà Lạt đặt ra hàng loạt vấn đề cho các trường.
Vụ trải nghiệm ở Đà Lạt, một học sinh tử vong: Làm sao ngăn ngừa rủi ro?
Cái chết của học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng) khi đi xe đạp trong chuyến trải nghiệm tại Đà Lạt đặt ra hàng loạt vấn đề cho các trường.
Học sinh trong một hoạt động tập thể của chuyến đi trải nghiệm Hậu Nguyên
Từ vụ học sinh tử vong trong quá trình hoạt động trải nghiệm, lãnh đạo các trường đặt ra câu hỏi: Có nên tổ chức cho học sinh đi học tập trải nghiệm quá xa? Tổ chức đi như thế nào cho an toàn? Làm sao để các em tham gia một cách tích cực, có hiệu quả?
Dĩ nhiên nhà trường không thể bỏ các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa này vì nó thật sự bổ ích, đem đến niềm vui cho học sinh, giúp các em có thêm hiểu biết, có thêm kỷ niệm với bạn bè, trường lớp… Hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa bắt buộc trong kế hoạch của nhà trường ngay từ đầu năm học. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động này càng được chú trọng hơn.
Vậy điều cần bàn là đưa học sinh trải nghiệm ở đâu? Tổ chức như thế nào cho an toàn? Tùy theo đối tượng học sinh mà chọn lựa địa điểm xa gần. Cấp học nhỏ thì đi gần, về trong ngày. Cấp lớn hơn thì đi xa hơn, dài ngày hơn một chút. Đi như thế để các em có đủ thời gian cho sự trải nghiệm.
Địa điểm nơi đến phải đảm bảo các mặt sau: sinh hoạt ăn ở, đi lại, đa dạng các điều kiện để học sinh được học tập và đảm bảo sự an toàn… Về việc tổ chức, nhà trường và các công ty du lịch cần phải có một chương trình hợp lý, chặt chẽ, phải đảm bảo các mặt: phương tiện đi lại, nội quy, lộ trình, nhân sự và y tế…
Với đối tượng học sinh tham gia, nhà trường cần sinh hoạt kỹ nội quy trước chuyến đi. Thông tin, răn đe trước với các em những bất trắc, những tình huống xấu có thể xảy ra trong quá trình trải nghiệm để các em chủ động ngăn ngừa. Phụ huynh và nhà trường tuyệt đối không nên cho các em có vấn đề về sức khỏe tham dự…
Tôi đã từng là “người trong cuộc” với nhiều hành trình trải nghiệm của học sinh, tôi đã chứng kiến và nghe nhiều giáo viên các trường kể lại nhiều tình huống chẳng mấy vui vẻ gì. Từ đó mong các trường phải luôn lường trước sự việc bất trắc có thể xảy ra với học sinh. Chẳng hạn sự việc một học sinh lớp 11 suýt nữa bị nước cuốn trôi khi tắm ở khu du lịch Thác Mai (huyện Định Quán, Đồng Nai). Một học sinh lớp 10 tí nữa chết đuối khi tắm ở biển Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) do đùa giỡn với các bạn quá trớn. Cách đây khoảng 4, 5 năm, khi dẫn các em đến cắm trại tại biển Hòn Rơm, trường tôi đã phải tức tốc thuê xe chở một học sinh về thành phố Phan Thiết để cấp cứu lý do là khi dựng cổng tiểu trại, em này đã trèo lên khá cao và chẳng may té xuống, cả phần mông dập xuống đất…
Mới đây nhất, tôi phải thức cùng với một học sinh lớp 12 cả đêm trong Bệnh viện Lâm Đồng. Em học sinh này bị cảm và say nắng, do cả ngày hôm đó hoạt động quá nhiều ngoài trời, khi về khách sạn thì ngã xuống nền. Rồi những chuyện học sinh bị cảm sốt, giáo viên phải chầu chực theo dõi các em suốt đêm là việc thường xuyên trong các chuyến đi học tập trải nghiệm của học sinh…
Nói như trên để thấy rằng, tổ chức những chuyến đi trải nghiệm dài cho học sinh là vô cùng nhiêu khê. Nếu có sự chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ ngăn ngừa được những rủi ro có thể sẽ có.
HẬU NGUYÊN
TNO