Nhiều bệnh nhân ngộ độc nặng do… tự uống thuốc quá liều
Gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nặng hoá chất, các độc tố và đặc biệt là thuốc uống.
Nhiều bệnh nhân ngộ độc nặng do… tự uống thuốc quá liều
Gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nặng hoá chất, các độc tố và đặc biệt là thuốc uống.
Bệnh nhân được giải độc bằng cách lọc máu hấp phụ kết hợp với chạy thận nhân tạo qua màng lọc phụ tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: Nguyên Mi
Ngộ độc nặng do tự uống thuốc
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết các bệnh nhân ngộ độc nhập viện thường là do tự sử dụng thuốc chống trầm cảm, đau đầu (Paracetamol) quá liều; thuốc diệt cỏ (Paraquat); uống các thuốc “dân gian” trôi nổi, dẫn đến viêm tụy cấp, nhiễm khuẩn huyết, ngộ độc không rõ nguyên nhân.
Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho 8 trường hợp ngộ độc thuốc Paracetamol, đều trong tình trạng nặng. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng như: rối loạn tri giác, suy hô hấp, suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn chuyển hóa, rối loạn đông máu, hôn mê.
Trong đó, có 2 bệnh nhân được điều trị theo phác đồ thông thường, bệnh diễn tiến xấu hơn và người nhà đưa về lo hậu sự. Có 6 bệnh nhân, có thể áp dụng kỹ thuật điều trị chạy thận nhân tạo có sử dụng màng lọc phụ, đều đã được cứu sống và được xuất viện.
“Đây là những tình trạng nặng. Nếu như sử dụng phương pháp lọc máu thông thường như trước đây thì khả năng điều trị thành công không cao, nhiều bệnh nhân không qua khỏi”, bác sĩ Tuấn nhận định.
Chạy thận nhân tạo qua màng lọc phụ
Theo bác sĩ Tuấn, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đầu tiên tại phía Nam ứng dụng thành công phương pháp lọc máu hấp phụ kết hợp với chạy thận nhân tạo qua màng lọc phụ (JAFRON HA230). Phương pháp này nhằm loại bỏ các độc chất ở những bệnh nhân bị ngộ độc, nhiễm độc.
“Những trường hợp trên là những tình trạng nặng. Nếu như sử dụng phương pháp lọc máu thông thường như trước đây thì khả năng điều trị thành công không cao, nhiều bệnh nhân không qua khỏi”, bác sĩ Tuấn nhận định.
Bênh cạnh các bệnh nhân nhiễm độc cấp tính, còn có các bệnh nhân nhiễm độc trong quá trình chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Tuấn cho biết, nhiều bệnh nhân trong quá trình chạy thận lại không tiết chế ăn uống, dẫn đến chất độc nhiều hơn, tăng nguy cơ dẫn đến viêm tụy cấp. Phương pháp mới này hỗ trợ loại bỏ các độc chất, cải thiện hiệu quả điều trị, sức khỏe, cuộc sống của bệnh nhân.
Hiện nay, tại Khoa Thận nhân tạo, trung bình một ngày có 250 trường hợp chạy thận. Trong đó, chủ yếu là bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh lý phối hợp, đặc biệt là chạy thận nhân tạo tại giường, điều trị ngộ độc cấp. Có những bệnh nhân duy trì sự sống được 29 năm.
Phương pháp mới này cũng đã được bảo hiểm y tế hỗ trợ thanh toán, giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh.
NGUYÊN MI
TNO