28/11/2024

Giữ di sản từ tôn trọng cộng đồng

Theo TS Frank Proschan, UNESCO khẳng định các di sản văn hoá phi vật thể hoàn toàn thuộc về các cộng đồng, đó là “tài sản của các cộng đồng và các cá nhân, không phải là của quốc gia”.

 

Giữ di sản từ tôn trọng cộng đồng

Theo TS Frank Proschan, UNESCO khẳng định các di sản văn hoá phi vật thể hoàn toàn thuộc về các cộng đồng, đó là “tài sản của các cộng đồng và các cá nhân, không phải là của quốc gia”.



 
 
 
 

Ca trù có thêm nhiều người trẻ theo đuổi /// Ảnh: Ngữ Thiên

Ca trù có thêm nhiều người trẻ theo đuổi   Ảnh: Ngữ Thiên

 

 

Những nẻo đường… đi lạc

Bản chất của di sản văn hóa phi vật thể là nằm trong con người, sống cùng đời sống của con người. Di sản có còn được lưu giữ, thực hành hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con người nắm giữ. Chính vì vậy, nghệ nhân là người giữ vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể ở cộng đồng

TS Phạm Cao Quý

TS Frank Proschan, chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT), cho biết khi một DSVHPVT được UNESCO đưa vào “danh sách DSVHPVT đại diện cho nhân loại”, hoàn toàn không có nghĩa là tổ chức này “công nhận” di sản đó. Việc này chỉ nói rằng cộng đồng quốc tế “được biết” và đánh giá trân trọng những “tài sản” văn hóa của một cộng đồng bản địa, đã cùng tồn tại với các cộng đồng bản địa khác, trên một hành tinh chung. Ông cũng cho biết: “UNESCO khẳng định các DSVHPVT hoàn toàn thuộc về các cộng đồng, đó là tài sản của các cộng đồng và các cá nhân, không phải là của quốc gia”.

Giữ di sản từ tôn trọng cộng đồng - ảnh 1

Quan họ làng Diềm   Ảnh: Ngữ Thiên

 
 
Điều này cũng có nghĩa UNESCO nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong thực hành cũng như bảo tồn và phát triển DSVHPVT. Trên cơ sở đó, việc chạy đua kỷ lục thế giới cho các di sản này, vấn đề sẽ nảy sinh, chẳng hạn như với trường hợp dự kiến tổ chức vòng xòe để lập kỷ lục Guiness ở Yên Bái hồi tháng 9. Bộ VH-TT-DL khi biết ý tưởng này đã ra văn bản đề nghị cân nhắc, cuối cùng việc thực hiện kỷ lục được dừng lại.
 

Trên thực tế, “bẫy kỷ lục” cũng đã xảy ra với di sản quan họ. Năm 2012, 3.500 người cùng nhau mặc trang phục quan họ, cùng hát quan họ để xác lập kỷ lục nhiều người cùng hát quan họ nhất. Trong dàn đồng ca quan họ này, có cả trẻ em 8 – 9 tuổi lẫn những người đã 80 tuổi. Dàn đồng ca cùng nhau hát Khách đến chơi nhà, Mời nước mời trầu và Giã bạn, không nhạc đệm. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) khi đó cho rằng, bản thân kỷ lục này không có giá trị văn hóa. Việc cùng đồng ca đã tước bỏ ý nghĩa của việc hát giao duyên. Hơn thế, quan họ là của vùng văn hóa Kinh Bắc, người ở các vùng khác cũng không tranh giành hơn thua di sản với họ.
Giữ di sản từ tôn trọng cộng đồng - ảnh 2

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

 
 
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản, thường nhắc tới việc “quan hóa” lễ hội. Theo đó, trong các nghi lễ quan trọng, nhiều khi ghế hàng đầu lại chủ yếu cho các lãnh đạo chính quyền. Họ cũng là người đọc các báo cáo trong phần đầu lễ hội. “Có lần, trong thực hành di sản được UNESCO ghi danh, còn có cả phần báo cáo về tỷ lệ sinh đẻ có kế hoạch”, ông nói. Ở đây, vị trí của cộng đồng chủ thể di sản rõ ràng chưa được coi trọng.
 
Một số DSVHPVT khác lại gặp phải cách thiếu tôn trọng cộng đồng khác. Mới đây, hội Trò Trám (H.Lâm Thao, Phú Thọ) bị một cán bộ Bộ VH-TT-DL livestream (phát trực tiếp) phần lễ mật trên tài khoản mạng xã hội Facebook của mình tới khoảng 20 phút. Về việc này, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng: “Lễ mật là một không gian văn hóa riêng của cộng đồng địa phương, gắn với nó là những không gian văn hóa thiêng. Vì thế, hậu cung ở đình nhiều làng, có nơi không cho người vào, có nghi lễ chỉ người được chọn mới được tới, tùy theo tập tục. Không ai muốn mất tính thiêng đó cả”.

Kết nối cộng đồng, tôn vinh nghệ nhân

Theo TS Frank Proschan, việc trao đổi với cộng đồng khi có các vấn đề nảy sinh rất quan trọng. Chẳng hạn với vụ việc của xòe Thái, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng đã có văn bản giải thích. Truyền thông và các chuyên gia cũng có thể đưa ra quan điểm của mình để mọi việc không đi theo hướng tiêu cực.
 
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, đánh giá rất cao sự linh hoạt của cộng đồng. Theo ông, các DSVHPVT sau khi được UNESCO ghi danh đều phát triển tốt. Bản thân cộng đồng cũng càng ngày càng hiểu và có nhiều hành động tuyệt vời. “Cộng đồng tuyệt vời lắm, chẳng hạn, quan chức chỉ nghĩ là 2 năm 1 lần tổ chức liên hoan cho di sản ca trù là được, nhưng cộng đồng lại đưa luôn vào đời sống. Ở Nghệ An hay Hải Phòng, các nhóm ca trù thường xuyên hát và giao lưu với nhau…”, ông nói.
 
Ông Loan cũng đánh giá cao việc giới thiệu di sản. “Việc đưa nghệ thuật của tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu thì ở VN đã làm khá lâu. Rồi nghệ sĩ múa cũng đã đưa Ba giá đồng lên sân khấu chèo, tác phẩm cũng chinh phục được khán giả thế giới. Việc đưa các diễn xướng ra khỏi không gian thiêng là việc làm bình thường, nhưng mình phải nói rõ đó là diễn xướng”, ông Loan nói.
 
Trong khi đó, theo TS Phạm Cao Quý, một người nghiên cứu di sản phi vật thể, chú ý đến nghệ nhân là điều rất quan trọng để giữ gìn di sản. Việc chú ý này bao gồm chính sách vật chất cho nghệ nhân, tổ chức các lớp học để nghệ nhân truyền dạy, lưu giữ các tư liệu về nghệ nhân…
 
“Bản chất của DSVHPVT là nằm trong con người, sống cùng đời sống của con người. Di sản có còn được lưu giữ, thực hành hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con người nắm giữ. Chính vì vậy, nghệ nhân là người giữ vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ DSVHPVT ở cộng đồng”, ông Quý nói.
 
 
 
TRINH NGUYỄN 

TNO