Sao để mãi điệp khúc ‘dịch tăng, hết thuốc’!
Tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu lại rơi vào đợt cao điểm bùng phát dịch cúm. Điều này không phải xảy ra lần đầu bởi trước đây, không ít lần tình trạng thiếu thuốc đã diễn ra khi vào mùa dịch cúm, sốt xuất huyết…
Sao để mãi điệp khúc ‘dịch tăng, hết thuốc’!
Tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu lại rơi vào đợt cao điểm bùng phát dịch cúm. Điều này không phải xảy ra lần đầu bởi trước đây, không ít lần tình trạng thiếu thuốc đã diễn ra khi vào mùa dịch cúm, sốt xuất huyết…
Hà Nội đang dịch cúm A, thuốc Tamiflu khan hiếm trầm trọng, nếu mua được thì giá tăng cao từ 1,8 – 2 triệu đồng/vỉ (ảnh chụp tối 21-12) – Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài việc trông chờ khi nào có thuốc, dư luận còn mong muốn Bộ Y tế, cụ thể là Cục Quản lý dược cần có giải thích lý do: “Sao cứ mãi điệp khúc dịch tăng lại hết thuốc?”.
Cục Quản lý dược cuống cuồng…
Có thể thấy một “kịch bản” chung rằng cứ mỗi lần xảy ra dịch, khi các địa phương “kêu” thiếu thuốc thì Cục Quản lý dược lại có động thái gửi công văn đề nghị các công ty dược và các sở y tế tỉnh, thành “đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh”.
Mới đây Sở Y tế TP.HCM báo cáo Bộ Y tế về việc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không còn thuốc Tamiflu 75mg để điều trị cho bệnh nhân do các công ty không tiếp tục ký hợp đồng và cung cấp thuốc cho bệnh viện. Rồi Bệnh viện Nhi T.Ư cũng có báo cáo công ty đang hết hàng, không có khả năng cung ứng thuốc Tamiflu 75mg.
Ngày 18-12, Cục Quản lý dược có công văn đề nghị Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 2 “khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75mg”. Tuy nhiên đến ngày 21-12 (tức sau 3 ngày), trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Phương – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 2 – khẳng định chưa nhận được bất cứ công văn nào từ Cục Quản lý dược về việc này. “Tôi chỉ có nghe thông tin trên mạng, còn công văn chính thức chúng tôi đang chờ chứ chưa thấy. Chắc là gửi thường nên đi chậm” – bà Phương nói.
Lý giải về việc thiếu thuốc Tamiflu 75mg cung ứng điều trị cúm, bà Phương nói quy trình sản xuất thuốc chống virút này phức tạp. Do đó nếu có nhu cầu tăng đột biến, đơn vị cần thời gian làm việc với nhà sản xuất.
“Để chờ công văn, chúng tôi sẽ làm việc ngay với nhà sản xuất để bàn kế hoạch chứ không thể như các loại thuốc khác, nói là có ngay được” – bà Phương nói và cho biết thêm hằng năm đơn vị đều có dự trù lượng thuốc cung ứng nhưng do năm nay thuốc Tamiflu 75mg điều trị cúm tăng đột biến nên thiếu hụt.
Ngoài đề nghị nêu trên, Cục Quản lý dược còn có công văn “khẩn” đề nghị các sở y tế tỉnh, thành; các bệnh viện; các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc chủ động để có thuốc cung cấp cho người bệnh.
Đặc biệt trong bối cảnh này, Cục Quản lý dược có đề nghị khiến nhiều chuyên gia y tế không khỏi lo lắng là “trường hợp cơ sở nhập khẩu liên hệ được nguồn cung thuốc chứa oseltamivir chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu, cơ sở nhập khẩu khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép. Cục sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách”.
Theo một chuyên gia về dược phẩm, đề nghị này có thể làm nảy sinh nhiều hệ lụy trong việc thẩm định chất lượng thuốc, sử dụng thuốc kém chất lượng và đặc biệt là làm nảy sinh cơ chế “xin – cho” trong cấp phép kinh doanh, phân phối thuốc.
Trước thông tin Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hết thuốc Tamiflu 75mg điều trị cho bệnh nhân, ngày 20-12 ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – giám đốc bệnh viện – khẳng định hiện đơn vị vẫn còn thuốc Tamiflu 75mg đủ để điều trị bình thường từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, để đề phòng khi có dịch xảy ra nên đơn vị làm công văn báo cáo gửi Bộ Y tế để được cho phép nhập.
Giá thuốc nhảy múa
Thuốc Tamiflu 75mg điều trị cúm đã trở nên khan hiếm ngoài thị trường Hà Nội. Anh Trần Việt Dũng có hai con bị cúm (cùng được bác sĩ chỉ định Tamiflu) cho biết khi con lớn của anh mắc bệnh (tháng 11) anh đã mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện rất dễ, đến khi con bé mắc bệnh giữa tháng 12 thì đi khắp nơi không có. Đến khi tìm được thuốc thì giá tăng lên 1,3 triệu đồng/hộp 10 viên, gấp mấy lần so với trước. Thậm chí có nơi báo giá 1,5 triệu đồng/hộp vẫn không có nhiều hàng.
Do nhu cầu thị trường tăng nên đã xuất hiện thuốc Tamiflu xách tay từ Nga rao bán trên thị trường Việt Nam với giá 750.000 đồng/hộp. Giá này đắt hơn thuốc nhập chính ngạch thời điểm bình thường nhưng chất lượng thì không ai dám bảo đảm. Việc khan hiếm thuốc đã dẫn đến tình trạng nhiều gia đình phải mua dự trữ hoặc trao đổi Tamiflu giữa những nhà có con từng chữa bệnh cúm để có thuốc.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Trần Minh Điển cho biết do kiểm kê kho thuốc thấy đã gần hết Tamiflu nên bệnh viện rất hạn chế kê toa, chỉ có những bệnh nhi mắc cúm và có biến chứng, phải vào viện điều trị nội trú mới chỉ định Tamiflu. Trong khi đó, số bệnh nhân mắc cúm vào viện lại tăng nhiều lần so với trước mùa dịch, đặc biệt là trong vòng một tháng nay.
Những vấn đề dư luận đang đặt ra với Bộ Y tế
Nhiều chuyên gia trong ngành đặt vấn đề: Vì sao ngày 12-12 khi nhận được văn bản đầu tiên từ Sở Y tế TP.HCM thông báo tình hình cạn kiệt Tamiflu, cục không nhanh chóng tìm nguồn, Bộ Y tế không có khuyến cáo ngay để người dân đỡ hoang mang, bởi không phải ai bị cúm cũng cần phải uống Tamiflu?
Hơn nữa, tại sao ngày 12-12 đã có ít nhất hai đơn vị gửi công văn kêu thiếu thuốc Tamiflu mà mãi đến ngày 18-12 Cục Quản lý dược và Bộ Y tế mới có hướng dẫn gửi đi các nơi? Thế nhưng đến ngày 21-12 những hướng dẫn này vẫn chưa đến tay doanh nghiệp nhập thuốc. Vì sao không sớm điều phối thuốc từ đầu mùa dịch mà cứ để “nước đến chân mới nhảy”? Trong khi thị trường thuốc thì mỗi ngày mỗi giá, số người mắc bệnh vẫn tăng và người dân vẫn rối bời vì thiếu thuốc Tamiflu?
TTO