Ô nhiễm không khí đã trở nên cấp bách!
Cả năm qua người dân ở các đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM gánh chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài, nhưng phải đến tận tháng cuối năm, một vài cơ quan mới tổ chức họp tìm giải pháp.
Ô nhiễm không khí đã trở nên cấp bách!
Cả năm qua người dân ở các đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM gánh chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài, nhưng phải đến tận tháng cuối năm, một vài cơ quan mới tổ chức họp tìm giải pháp.
Mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội theo cảnh báo của Air Visual là có hại cho sức khoẻ Ảnh: Độc Lập – Đồ họa: Đông Xuân
“Đội sổ” thế giới về chất lượng không khí
Sau nhiều lần Hà Nội đứng “đội sổ” thế giới về chất lượng không khí, thường xuyên lọt tốp những TP ô nhiễm không khí nhất, ngày 18.12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới chủ trì cuộc họp đôn đốc các sở ngành, quận, huyện về công tác bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm bụi trên địa bàn.
Tại cuộc họp, ông Lê Tuấn Định, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội gánh chịu 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, trung bình mỗi đợt kéo dài từ 5 – 10 ngày. Chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu duy trì dài ngày. Trong đó, đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12.2019 (đặc biệt từ ngày 8 – 14.12), chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.
Hà Nội mù mịt trong những ngày ô nhiễm không khí đầu tháng 12 vừa qua Ảnh: Quân Hậu |
Có 12 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.Hà Nội trong năm qua. Trong đó, có nguyên nhân do điều kiện khí hậu cực đoan (lượng mưa ít, ít gió) dẫn đến các chất gây ô nhiễm không khí, bụi mịn không phát tán được, khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.
Bên cạnh đó, các nguồn chính gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội còn bắt nguồn từ khí thải phương tiện giao thông, đốt than tổ ong, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ… Về giải pháp, nhiều đại diện cơ quan chức năng của TP.Hà Nội đưa ra biện pháp cấp bách là tưới nước rửa đường phố mỗi tuần 2 – 3 lần để chống bụi, tổng vệ sinh vào cuối tuần, tăng cường kiểm soát phương tiện chở vật liệu không che chắn gây ô nhiễm… Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đưa ra 11 yêu cầu, trong đó có mục tiêu trong quý 1/2020 hoàn thành được 70 – 80 trạm quan trắc không khí vì số lượng 14 trạm như hiện nay là quá ít.
Bộ TN-MT được xem như có vai trò “nhạc trưởng” trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề ô nhiễm không khí. Bộ có hẳn cấp Tổng cục Môi trường với đội ngũ chất lượng trình độ chuyên môn cao như tiến sĩ, thạc sĩ…
Tuy nhiên, cả năm qua, 2 TP lớn nhất nước liên tục được Tổ chức Đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) “vinh danh” là những nơi ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới. Điều này được kiểm chứng qua các công cụ đo của Tổng cục Môi trường, Cổng thông tin quan trắc môi trường TP.Hà Nội, ứng dụng của tổ chức trong nước PAM Air… Nhưng suốt thời gian dài, người dân hầu như chỉ thấy phản ứng duy nhất của cơ quan này là quan trắc, công bố kết quả, đưa ra khuyến cáo phòng tránh ô nhiễm không khí, tuyệt nhiên không thấy nói gì đến giải pháp ngăn chặn, kiểm soát chất lượng không khí ở các đô thị lớn.
Đến hôm qua (19.12), Bộ TN-MT mới tổ chức cuộc họp với một loạt bộ và UBND TP.Hà Nội, TP.HCM bàn các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Tại cuộc họp, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đưa ra nhận định ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, khiến dư luận lo lắng; là vấn đề cấp bách, nghiêm trọng… Từ đó, ông Hà đề nghị làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí; đánh giá mức độ ô nhiễm; giải pháp trước mắt thực hiện ngay để bảo vệ người dân…
“Cấp bách, nghiêm trọng” là vậy, nhưng phần tham luận của các bộ, địa phương báo chí lại không thể chuyển tải được tới người dân, vì các phóng viên bị mời ra khỏi cuộc họp với lý do “sự quan tâm đặc biệt của báo chí sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của các ý kiến thảo luận”.
Chưa biết nguyên nhân chính gây ô nhiễm!
Trong kết luận cuộc họp sau đó, ông Trần Hồng Hà cho biết ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM từ năm 2017 trở lại đây gia tăng khiến người dân lo lắng. Hội nghị này đã “phân tích các nguyên nhân nhưng nói nguyên nhân nào là chính thì hội nghị hôm nay chưa làm được”.
Ở Hà Nội và TP.HCM đều thống nhất, nguyên nhân số 1 là phương tiện giao thông. Nguyên nhân thứ hai là Hà Nội có trên 1.000 công trình xây dựng nhà ở, vỉa hè, đường sá… Nói cách khác, người dân Hà Nội và TP.HCM đang sống giữa đại công trường. Nguyên nhân thứ ba là do các cơ sở công nghiệp, ở TP.HCM nhiều hơn Hà Nội. Nhưng ở Hà Nội, còn có nguyên nhân khác là người dân vùng ngoại thành có thói quen đốt rơm, rạ sau thu hoạch; nội thành Hà Nội có khoảng 60.000 bếp than tổ ong, hoạt động đốt rác…
“Chúng ta có trách nhiệm tập trung nguồn lực, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm của thời tiết khí hậu hiện nay. Không được tiết kiệm, bằng mọi phương pháp để duy trì hoạt động trạm quan trắc tự động, đảm bảo quan trắc đủ số lượng điểm, để đưa ra chính xác chất lượng môi trường không khí, cung cấp hằng ngày, mỗi ngày 2 lần sáng chiều cho người dân biết. Nếu tình trạng, chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn, nguy hại đến sức khỏe, phải khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp của Bộ Y tế đã đưa ra”, ông Hà nói.
Theo Bộ trưởng TN-MT, cần triển khai nhiều giải pháp cùng lúc để kiểm soát chất lượng không khí. Cụ thể, ông Hà đề nghị Hà Nội và TP.HCM khi chỉ số môi trường vượt quá quy chuẩn phải công bố thông tin, đồng thời có ngay kế hoạch, bằng mọi biện pháp như phun nước rửa đường ngày nhiều lần để hạn chế bụi từ dưới lên; phân luồng giao thông để chia sẻ bớt nguồn thải, khuyến cáo bà con hạn chế dùng bếp than tổ ong…
“Ngay sau cuộc họp này, Bộ TN-MT phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương có quy định tầm văn bản quy phạm pháp luật quy định việc bảo vệ môi trường ở các công trường xây dựng, lớn nhỏ, kể cả của người dân, vật liệu, xây dựng để đâu, xử lý che chắn”, ông Hà nói.
Về biện pháp lâu dài, ông Hà cho biết Thủ tướng đã có văn bản, quyết định rất rõ ràng các nội dung. Các cơ quan liên quan cần hoàn thiện cơ chế chính sách, quyết định lộ trình, thậm chí đẩy nhanh hơn tiến độ Thủ tướng đã phê duyệt, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Cũng theo ông Hà, sau cuộc họp sẽ cụ thể thành Chỉ thị để trình Thủ tướng ký chỉ đạo về giải pháp lâu dài kiểm soát chất lượng không khí.
Ông Hà cũng cho rằng, xử lý môi trường là khâu cuối mà trước đó không giải quyết được từ khâu quy hoạch phát triển, đầu tư. Mức độ tập trung dân số ở Hà Nội và TP.HCM quá đông, gây áp lực không chỉ lên hạ tầng mà cả môi trường. “Chúng ta phải giữ được những mảng xanh, giữ được các hồ, ao, trồng cây xanh để hấp thụ khí thải. Một TP mà không có hệ sinh thái để điều hòa, cân bằng, không có mảng xanh, chỉ có nhà ở và công xưởng hoạt động thì không ai làm môi trường được. Vấn đề môi trường cần được nhìn trong lộ trình lâu dài, tính hợp lý cân bằng giữa phát triển nhà, công trình phúc lợi, chỉ có như vậy thì mới giải quyết được ô nhiễm môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Phải có giải pháp bảo vệ môi trường không khí trước 15.1.2020
Hôm qua (19.12), Văn phòng Chính phủ truyền đi ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn; đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí; khẩn trương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1.6.2016 về kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15.1.2020.
Bộ GTVT chủ trì, đề xuất mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các TP; nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông; phối hợp với UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch đối với phương tiện giao thông cơ giới; chuyển đổi sử dụng xe cơ giới cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng; chuyển đổi vận tải hàng hóa đường bộ sang vận tải hàng hóa bằng đường sắt, vận tải ven biển.
Bộ Công thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản…
Chí Hiếu
TP.HCM ngưng rửa đường từ năm 2017
Trong khi Hà Nội đề xuất giải pháp xịt rửa đường hằng ngày, thì tại TP.HCM, theo tìm hiểu của PV, từ 3 năm nay không còn xịt rửa đường như những năm trước.
Nguyên nhân là Quyết định 3206/2017 của UBND TP.HCM về công tác quản lý, vận hành và bảo trì các công trình thuộc lĩnh vực chuyên ngành được phân cấp cho Sở GTVT quản lý không còn hạng mục xịt rửa đường.
Từ việc ngưng rửa đường, GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cho rằng nhận thức và hành động của chính quyền chưa nhạy bén với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, nhất là bụi mịn PM10 và PM2.5.
Do công tác quét đường không sạch hết bụi đất nên GS Bá cho rằng TP.HCM cần tiếp tục duy trì hoạt động xịt rửa đường và bố trí ngân sách hằng năm. “Chỉ có nước mới rửa trôi bụi đất xuống cống thoát nước, mà nếu chỉ trông vào trời mưa thì đường phố luôn bụi nên cần phải xịt rửa thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho người dân”, ông Bá nói.
Sỹ Đông
LÊ QUÂN – PHAN HẬU