Tiêm filler ở spa, biến chứng khôn lường
Tiêm filler (chất làm đầy) hiện là phương pháp phổ biến trong trẻ hóa da, nâng mũi, tạo đường nét cho khuôn mặt.
Tiêm filler ở spa, biến chứng khôn lường
Tiêm filler (chất làm đầy) hiện là phương pháp phổ biến trong trẻ hóa da, nâng mũi, tạo đường nét cho khuôn mặt.
Hoại tử vùng mũi sau khi tiêm filler ở spa Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tuy nhiên, việc tiêm filler tùy tiện ở spa, cơ sở làm đẹp, với “thợ tay ngang” đã khiến nhiều trường hợp bị biến chứng trầm trọng.
Mù mắt do nâng mũi tại spa
Bệnh nhân P.V.T (21 tuổi, ngụ Bình Phước) cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong tình trạng mắt trái mờ, sụp mi… Theo PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Chợ Rẫy), nữ bệnh nhân bị thuyên tắc mạch máu phía sau võng mạc, xuất huyết kết mạc, phù giác mạc, gây mù mắt trái. Trước đó, chị T. tiêm chất làm đầy để nâng mũi tại một spa gần nhà. Được biết thêm, khoa này cũng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ 52 tuổi (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) với tình trạng mù mắt trái do tiêm filler ở spa.
Trong khi đó, anh V.V.N (27 tuổi, ngụ Long An) sau khi nâng mũi bằng phương pháp tiêm filler tại một cơ sở làm đẹp cũng bị mờ mắt, nhiễm trùng, hoại tử vùng da mũi, mất thị lực 1/2 dưới mắt phải. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các xét nghiệm cho thấy anh N. bị tổn thương mô hậu nhãn cầu phải, phù gai thị…
PGS-TS-BS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo: Việc tiêm filler tại các spa, cơ sở làm đẹp không hợp pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các biến chứng nặng nề, khó chữa. Để làm đẹp nói chung và tiêm filler nói riêng an toàn, mọi người cần đến khám và thực hiện bởi các chuyên viên y tế chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ, các bệnh viện có điều kiện tốt cũng như dùng các sản phẩm làm đẹp đã qua kiểm định của cơ quan chức năng.
Các trường hợp biến chứng kể trên đều phải dùng kháng sinh, kháng viêm giảm đau, giảm sưng nề nhằm tránh hoại tử. Tuy nhiên, thị lực thì không còn lấy lại được nữa.
BS Đỗ Quang Hùng cho biết tiêm chất làm đầy nâng mũi sai có thể gây tắc mạch, mù mắt do tiêm trúng vào mạch máu sau võng mạc; tiêm ở ngực, mông… có thể gây biến chứng viêm tấy, hoại tử mô.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận 1 – 2 trường hợp cả nam và nữ bị biến chứng nặng do tiêm filler, không ít trường hợp không thể phục hồi.
Các trường hợp nào không được tiêm filler?
PGS-TS-BS Văn Thế Trung, Trưởng bộ môn Da liễu (Trường ĐH Y Dược TP.HCM), nhận định hiện nay nhu cầu làm đẹp của mọi người ngày càng tăng. “Tiêm filler là một can thiệp y khoa, nên cần phải được các bác sĩ, những người có chuyên môn y khoa thực hiện, không thể thực hiện tùy tiện bởi những người không có chuyên môn y khoa, tại các cơ sở làm đẹp không đủ điều kiện, không được cấp phép thực hiện thủ thuật này”, BS Văn Thế Trung nhấn mạnh.
Theo BS Trung, vùng mặt giữa rất phức tạp và đa dạng, thay đổi tùy theo mỗi người. Đây cũng là vùng có những vị trí nguy hiểm đòi hỏi các bác sĩ thực hiện phải được huấn luyện và có chuyên môn cao, nắm rõ cấu trúc các lớp giải phẫu vùng này để có giải pháp an toàn và hiệu quả. Bác sĩ Trung lưu ý các trường hợp không được tiêm chất làm đầy, gồm: tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc, đang có nhiễm khuẩn hay bệnh lý da tại các vị trí cần tiêm, rối loạn đông máu, phụ nữ mang thai và cho con bú.
KHẢI LINH