Đề xuất cho gia đình nạn nhân xâm hại tình dục được tự giám định
Đại biểu Dương Ngọc Hải (phó trưởng Ban Nội chính Thành uỷ TP.HCM) cho rằng việc giám định chậm những lĩnh vực pháp y như giám định màng trinh, tinh trùng, ADN… khiến cơ quan tố tụng không thu thập được chứng cứ, gây khó khăn khi điều tra.
Đề xuất cho gia đình nạn nhân xâm hại tình dục được tự giám định
Đại biểu Dương Ngọc Hải (phó trưởng Ban Nội chính Thành uỷ TP.HCM) cho rằng việc giám định chậm những lĩnh vực pháp y như giám định màng trinh, tinh trùng, ADN… khiến cơ quan tố tụng không thu thập được chứng cứ, gây khó khăn khi điều tra.
Ý kiến được đưa ra tại buổi thảo luận tổ đại biểu Quốc hội về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp và Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Ông Dương Ngọc Hải lấy ví dụ, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu xâm hại tình dục nhưng do các cơ quan trưng cầu giám định thực hiện giám định chậm trễ nên cơ quan tố tụng không có chứng cứ để khởi tố bị can.
“Dự thảo luật cần có quy định để gia đình nạn nhân và các tổ chức xã hội như hội phụ nữ, thanh niên… có quyền giám định độc lập và cơ quan tố tụng có thể sử dụng kết quả giám định này để xem xét làm chứng cứ vụ án”, ông Hải kiến nghị.
Cũng phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, ông Hải nêu hàng loạt bất cập trong công tác trưng cầu, giám định hiện nay.
Quy định hiện nay không quy định cụ thể thời gian thực hiện, trả kết quả trưng cầu, giám định do vậy các cơ quan trưng cầu, giám định có thể kéo dài thời gian. Có những vụ việc hết thời hạn điều tra cũng chưa có kết quả giám định.
Quy định xã hội hóa trong hoạt động giám định hiện cũng chưa được thực hiện hiệu quả. Hiện chỉ có duy nhất một văn phòng giám định xã hội hóa tại TP.HCM, còn các địa phương khác không có.
Nguyên nhân – theo ông Hải – là quy định xã hội hóa trong hoạt động giám định hiện gói gọn trong những lĩnh vực ít có nhu cầu giám định, như cổ vật, sở hữu quyền sở hữu tác giả. Còn nhiều lĩnh vực nhu cầu nhiều thì không được xã hội hóa.
Có trường hợp kết luận giám định của các cơ quan khác nhau, đẩy cơ quan tố tụng vào tình huống khó khăn.
“Khi được yêu cầu giải thích giám định, các cơ quan này đùn đẩy nhau, nhưng không có chế tài xử lý các tổ chức giám định. Rất nhiều vụ án bị khiếu nại vì khởi tố oan. Do vậy luật cần quy định rõ khi có kết quả khác nhau giữa các kết luận giám định thì sử dụng kết quả của cơ quan nào”, ông Hải nói.
Đại biểu đoàn TP.HCM cũng cho rằng chi phí giám định rất vô lý, nhiều khi lên đến hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng như giám định chung cư có đầu tư đúng như tổng vốn đầu tư hay không.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phan Thị Bình Thuận (phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho rằng hiện nay có tình trạng một vụ án liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành thì các cơ quan, ban ngành thường đùn đẩy nhau thực hiện việc giám định.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp có bổ sung quy định giao cho một cơ quan chủ trì để mời các cơ quan liên quan đến thảo luận, xác lập cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp để giám định tư pháp. Tuy nhiên, theo bà Thuận, nếu không có tiêu chí về xác lập cơ quan chủ trì thì rất khó thực hiện quy định này. ”Nếu cơ quan được xác lập chủ trì không đồng ý thì sẽ xử lý như thế nào?”, bà Thuận nêu vấn đề.
Ngoài ra, luật hiện hành không quy định rõ về thời hạn trả kết luận giám định, chỉ quy định chung là “thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu” nhưng không biết thời hạn nào.
“Thực tế có nhiều vụ kéo dài cả 5 năm mới có kết luận giám định. Nếu những vụ việc như xâm hại tình dục mà kết luận giám định chậm thì không còn giá trị”, bà Thuận nêu.