Chữa các kiểu chóng mặt
Rất nhiều người độ tuổi 30-50 đến bệnh viện khám rối loạn tiền đình. Một số người tự mua thuốc điều trị ở nhà, đến khi trở nặng mới vào viện. Và không ít bệnh nhân tự mua thuốc điều trị nhầm lẫn giữa rối loạn tiền đình và bệnh khác.
Chữa các kiểu chóng mặt
Rất nhiều người độ tuổi 30-50 đến bệnh viện khám rối loạn tiền đình. Một số người tự mua thuốc điều trị ở nhà, đến khi trở nặng mới vào viện. Và không ít bệnh nhân tự mua thuốc điều trị nhầm lẫn giữa rối loạn tiền đình và bệnh khác.
ThS.BS Đỗ Hồng Giang thực hiện kỹ thuật xoay đầu điều trị bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính cho bệnh nhân – Ảnh: Hồng Phương
Tiền đình là một hệ thống thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai (hai bên), có vai trò quan trọng trong duy trì tư thế, dáng bộ, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình.
Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương khu vực tai trong và não khiến cơ thể mất khả năng kiểm soát thăng bằng. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Điều trị có thể khó khăn nếu bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân.
Tổn thương tai trong thường gây ra triệu chứng chóng mặt. Tức là bạn sẽ có cảm giác cơ thể mình hay đồ vật xung quanh xoay tít, không đi trên một đường thẳng được. Có thể kèm theo một trong những triệu chứng sau: buồn nôn, nôn, đau đầu, ù tai, đau trong tai, nghe không rõ, sốt, đi không vững, mắt chuyển động bất thường, khó nhìn khi đang đi…
Phân biệt chóng mặt
Chóng mặt kịch phát lành tính là cơn chóng mặt thường ngắn, vài giây đến vài phút, có thể kèm theo buồn nôn, nôn. Dạng này có thể do nhiễm siêu vi, viêm tai, nằm nhiều ngày trên giường hoặc cũng có thể xảy ra tự phát do thoái hoá tự nhiên của mô tai trong ở người lớn tuổi.
Viêm mê đạo tai: Chóng mặt liên tục, chuyển động mắt nhanh, không kiểm soát được, có thể kèm theo sốt, mất thính giác, ù tai và đau tai.
Bệnh Menier: Các cơn chóng mặt đột ngột kéo dài từ 1 đến 6 giờ, đau trong tai kèm với ù tai, buồn nôn và nôn dữ dội, và mất thính lực tiến triển không hồi phục.
Viêm dây thần kinh tiền đình: Chóng mặt kèm mất thính giác hoặc ù tai, chuyển động mắt không kiểm soát được bên tai bị ảnh hưởng. Có thể là do nhiễm siêu vi, tự hết sau 7- 10 ngày.
Không phải chóng mặt
Não cần rất nhiều oxy và glucose do máu đưa đến. Bất cứ điều gì ngăn chặn việc cung cấp thường xuyên O2 hoặc đường trong máu đều gây ra một cảm giác choáng váng, mệt mỏi, hay cảm thấy xây xẩm, muốn ngất.
Các nguyên nhân choáng váng thường là huyết áp thấp, hạ đường huyết, thiếu máu, bệnh đường hô hấp, tác dụng phụ của thuốc… Choáng váng cũng gặp trong nhược giáp, căng thẳng mãn tính và mang thai, thiếu ngủ, uống không đủ nước.
Choáng váng cũng có thể là một triệu chứng của các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, cơn hoảng loạn và các tình trạng tăng thông khí.
Cách phòng và trị bệnh
Muốn khỏi bệnh, cần phải xác định chính xác đây là choáng váng hay chóng mặt và nguyên nhân cụ thể là gì.
Nếu chóng mặt bạn nên đến bác sĩ tai mũi họng khám. Ăn uống chế độ lành mạnh, ngủ đúng và đủ giờ, tập thể dục đều đặn mỗi ngày, uống nhiều nước.
Nếu choáng váng, mệt mỏi không cải thiện thì nên khám kiểm tra tổng quát.
4 biểu hiện cần đi cấp cứu ngay
– Đau đầu hoặc đau cổ dữ dội
– Không thể đi thẳng được
– Ngất (thậm chí chỉ trong thời gian ngắn)
– Bị chóng mặt dữ dội, liên tục trong hơn 1 giờ.
Chóng mặt quay cuồng kéo dài 20 giây
Khi chóng mặt nhiều nên đi bác sĩ khám – Ảnh: Hoàng Đông
Chị T.T.H. (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Tôi 53 tuổi, thời gian gần đây tôi thường xuyên đột ngột chóng mặt, chẳng hạn như đang nằm và quay người, ngay lập tức tôi bị chóng mặt, cảm giác mọi vật xung quanh đảo lộn, cảm giác rất khó chịu. Mỗi lần bị như thế, tôi cố gồng mình nằm cố định thì mới qua cơn chóng mặt. Thậm chí tôi còn thấy buồn nôn mỗi khi chóng mặt”.
Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng – phó trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào.
Triệu chứng đơn giản là chóng mặt thật sự, người bệnh cảm giác mọi thứ quay cuồng chứ không đơn giản là xây xẩm hay choáng váng thông thường.
Các triệu chứng thường xuất hiện như: chóng mặt, cảm giác khó chịu, mất cân bằng, buồn nôn, một số trường hợp có tình trạng ói mửa.
Từng cơn chóng mặt xuất hiện chỉ kéo dài khoảng 20-30 giây, khi bệnh nhân nằm yên hoặc giữ yên vị trí đầu một lúc thì chóng mặt tự hết.
ThS.BS Đỗ Hồng Giang – trưởng khoa thính học, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM – cho biết chóng mặt tư thế kịch phát thường có thể tự khỏi.
90% khỏi không cần dùng thuốc – là chia sẻ của ThS.BS Đỗ Hồng Giang khi nói về phương pháp tái định vị sỏi tai. Đây là một kỹ thuật khá đơn giản, hiệu quả cao khi điều trị chóng mặt kịch phát lành tính.
Hồng Phương