29/11/2024

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một năm ở nước ngoài 163 ngày!

Ông Vũ Huy Hoàng thời còn làm bộ trưởng Bộ Công thương có năm ở nước ngoài tổng cộng 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm.

 

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một năm ở nước ngoài 163 ngày!

Ông Vũ Huy Hoàng thời còn làm bộ trưởng Bộ Công thương có năm ở nước ngoài tổng cộng 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm.


Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một năm ở nước ngoài 163 ngày! - Ảnh 1.

 

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương giai đoạn từ 2012-2016.

Cựu bộ trưởng một năm đi nước ngoài 23 lần

Đoàn đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại các bộ: Tài chính, Công thương, Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Thanh Hoá, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang.

Kết quả thanh tra đã phát hiện tại một số bộ ngành, việc lập, phê duyệt đoàn đi nước ngoài còn rất nhiều điều đáng nói.

 

Đặc biệt, Bộ Công thương đã bố trí lãnh đạo đi công tác nước ngoài rất nhiều. Người có “kỷ lục” đi nước ngoài trong các bộ ngành, địa phương thuộc đối tượng thanh tra là ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương.

Cụ thể, năm 2014 ông Hoàng tham gia tới 23 đoàn đi nước ngoài, năm 2015 tham gia 22 đoàn. Riêng năm 2015, tổng số thời gian ông Hoàng ở nước ngoài là 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra không chỉ ông Hoàng mà hầu hết các thứ trưởng khác cũng tham gia đi nước ngoài nhiều hơn 2 lần/năm. Riêng ông Hoàng năm nào cũng đi vượt quá số lần này, trong đó năm đi ít nhất là 2016 tham gia 3 đoàn, năm đi nhiều nhất là 2014 tham gia 23 đoàn, các năm khác tham gia từ 12-22 đoàn.

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một năm ở nước ngoài 163 ngày! - Ảnh 2.

Đồ hoạ: VĨ CƯỜNG

Ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Công thương (thời gian thanh tra là thứ trưởng), cũng liên tục từ năm 2013-2016 đều đi nước ngoài trên 2 lần/năm.

Trong đó năm 2016 ông Tuấn Anh tham gia đến 13 đoàn, các năm khác tham gia từ 6-8 đoàn. Tương tự các thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Trần Quốc Khánh, Nguyễn Cẩm Tú… cũng đi nước ngoài trên 2 lần/năm.

Riêng ông Tú số lần đi nước ngoài chỉ xếp sau ông Vũ Huy Hoàng, vì liên tiếp từ 2014-2016 vị thứ trưởng này mỗi năm tham gia hơn 20 đoàn.

Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến ở các bộ ngành khác. Tại Bộ Tài chính, thứ trưởng Trương Chí Trung năm nhiều nhất 13 lần đi nước ngoài, năm ít nhất là 5 lần.

Bà Mỹ Thanh giữ “kỷ lục”

Theo kết luận thanh tra, trong các lãnh đạo địa phương, bà Phan Thị Mỹ Thanh (thời điểm bị thanh tra là phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cũng bị xếp vào danh sách “cá biệt” vì có số lần đi nước ngoài quá nhiều trong năm.

Bà Thanh giữ “kỷ lục” số lần đi nước ngoài vì có năm bà đi đến 10 lần. Từ năm 2012-2017, bà Thanh làm trưởng đoàn của 17 đoàn tỉnh Đồng Nai đi nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều bộ ngành, địa phương vẫn còn tổ chức đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt.

Kiến nghị Uỷ ban Kiểm tra trung ương xem xét

Ngoài các kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển kết luận thanh tra và kiến nghị Uỷ ban Kiểm tra trung ương xem xét trách nhiệm cụ thể của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã tham gia các đoàn đi nước ngoài không đúng quy định.

Đi nước ngoài kết hợp… du lịch

Theo Thanh tra Chính phủ, việc các bộ ngành, địa phương tổ chức đoàn đi nước ngoài cũng mang lại một số lợi ích như góp phần thành công trong các đàm phán các hiệp định thương mại, quảng bá hình ảnh, tiếp thu kinh nghiệm… Tuy nhiên có nhiều đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là để kết hợp đi tham quan, du lịch.

Theo kết luận thanh tra, vẫn còn đoàn có số lượng quá 10 người, thời gian đi của một đoàn quá 10 ngày và nhiều lãnh đạo cơ quan tham gia các đoàn đi nước ngoài do doanh nghiệp mời.

Riêng Bộ Công thương có 23 chuyến ra nước ngoài sử dụng kinh phí do doanh nghiệp mời, tài trợ. Năm 2016, bộ này cử đoàn đi nước ngoài bằng tiền của Tổng công ty Thuốc lá, chi phí cho 5 cán bộ là gần 1,4 tỉ đồng. Tỉnh Đắk Lắk có các ông Nie Thuật (bí thư Tỉnh uỷ), Mai Hoan Niê và Đinh Văn Khiết (phó chủ tịch) cũng có 5 chuyến đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng ban hành các văn bản yêu cầu các bộ ngành và địa phương chấn chỉnh việc thực hiện quy định về hợp tác quốc tế nói chung và cử đoàn đi nước ngoài nói riêng.

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành và địa phương tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý tương xứng với các vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.

 

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một năm ở nước ngoài 163 ngày! - Ảnh 4.

Đoàn cán bộ VN trong một lần đi học tập ở nước ngoài – Ảnh: CHÂU ANH

Tri ân bằng các chuyến đi nước ngoài

Nhiều đoàn có thành phần là những người chuẩn bị nghỉ hưu cho đi nước ngoài mang tính “tri ân”, mời thành phần là người của đơn vị khác không phù hợp nội dung chuyến đi. Cụ thể, một số đoàn của tỉnh Vĩnh Phúc đi nước ngoài để xúc tiến đầu tư nhưng thành phần đi lại là chủ nhiệm UBKT tỉnh, phó trưởng Ban tuyên giáo, chánh án TAND, phó giám đốc công an, phó viện trưởng Viện KSND tỉnh…

* Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Khó giữ định mức đi nước ngoài không quá 2 lần/năm

tuan

 

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng rất khó có thể giữ được định mức đi công tác nước ngoài không quá 2 lần trong năm bằng tiền ngân sách, vì hiện nay VN đã hội nhập.

Cần hiểu rõ thực tế, có nhiều chuyến công tác của cán bộ ngành tài chính không dùng tiền ngân sách mà của các đơn vị, tổ chức quốc tế tài trợ.

Cụ thể, Bộ Tài chính có 7 dự án hợp tác quốc tế trợ giúp kỹ thuật không hoàn lại gồm Ngân hàng Thế giới, JICA (Nhật Bản), Thuỵ Sĩ… những đoàn đó đi học tập thì các tổ chức này chi trả kinh phí đi lại và nghiên cứu.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh là không chấp nhận việc cán bộ đi công tác bằng tiền của doanh nghiệp và nên cấm việc này. Mặt khác, để đi công tác nước ngoài của cán bộ có hiệu quả, không lãng phí thì có chương trình từ đầu năm và phải được Thủ tướng, Bộ Ngoại giao phê duyệt.

“Nói thật lãnh đạo Bộ Tài chính cũng rất ngại đi những chuyến công tác nước ngoài mang tính hình thức. Như năm 2016 và 2017, Bộ Tài chính đã ủy quyền cho đại sứ ký một số hợp tác. Còn hợp tác về thuế, về tài chính thì buộc phải đi đàm phán vì phía đối tác không muốn đàm phán, trao đổi qua mạng. Như việc ký các hiệp định vay nợ hàng tỉ USD thì bộ phải đi đàm phán trực tiếp chứ” – ông Tuấn chia sẻ.

* Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước: Phần lớn là tháp tùng nguyên thủ quốc gia, ký kết hiệp định…

 

Về việc Thanh tra Chính phủ kết luận việc lãnh đạo Ngân hàng (NH) Nhà nước đi nước ngoài nhiều lần, một lãnh đạo NH Nhà nước, giải thích: Lãnh đạo NH Nhà nước đi công tác theo đoàn của Văn phòng Chính phủ, đi đàm phán, ký kết cũng bị Thanh tra Chính phủ tính cộng dồn vào chứ không phải chỉ đoàn của NH Nhà nước thành lập riêng.

Cứ đi nước ngoài là họ tính vào. Còn về nguồn tiền, có chuyến công tác do Bộ Ngoại giao chi, có chuyến do Văn phòng Chính phủ chi. Chỉ có chuyến nào do NH Nhà nước thành lập thì NH Nhà nước mới chi tiền.

“NH Nhà nước làm trưởng đoàn thì giỏi lắm một năm có một đoàn thôi. Như phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, theo thống kê của Thanh tra Chính phủ năm 2014 có 9 chuyến đi nước ngoài nhưng phần lớn chị Hồng đi là tháp tùng nguyên thủ quốc gia, hay đi đàm phán ký kết các hiệp định… vì chị Hồng phụ trách mảng hợp tác quốc tế” – vị quan chức này chia sẻ.

Về quy định chỉ được đi công tác nước ngoài không quá 2 lần/năm, vị này băn khoăn vì không hiểu căn cứ vào đâu để đưa ra mức này. Theo ông, do yêu cầu công việc một số lãnh đạo sẽ khó đảm bảo đúng quy định này.

“Bản thân tôi được giao làm việc với Lào và Campuchia nên một năm phải đi làm việc ít nhất một lần với họ. Với những hội nghị mà bắt buộc mình phải có mặt hay những chương trình đi theo Thủ tướng, phó thủ tướng… thì phải tham gia. Nếu áp dụng cứng nhắc 2 lần/năm thì rất khó” – ông nói.

* Bà Nguyễn Phương Lan (giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Nai): Chuyển cấp trên xem xét những trường hợp đặc biệt

lan

 

Cán bộ lãnh đạo đi nước ngoài dù việc công hay riêng đều phải có ý kiến của Tỉnh ủy, có công văn của đơn vị phụ trách. Quy định nêu đi nước ngoài không quá 2 lần/năm nhưng trong trường hợp đặc biệt thì sở chuyển cơ quan cấp trên xem xét.

Trường hợp của chị Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên phó bí thư Tỉnh uỷ) chúng tôi cũng từng giải thích với đoàn Thanh tra Chính phủ về số lần đi nước ngoài vượt quy định. Bởi thời điểm khoảng năm 2014, chị Thanh là phó chủ tịch phụ trách công tác đối ngoại nên có nhiều lần đi theo các đoàn xúc tiến thương mại ở Hoa Kỳ, Canada, Dubai…

Có trường hợp đặc biệt được xem xét là chị ấy có nguyện vọng đi khám bệnh, đi nước ngoài thăm con… nên đi khoảng 10 lần/năm.

Khi có ý kiến về số lần cán bộ đi công tác nước ngoài vượt số lần quy định, tỉnh đã chỉ đạo sở phải rà soát kỹ hơn các hồ sơ của các bộ, kể cả lãnh đạo xin đi nước ngoài. Cụ thể, khi kiểm tra hồ sơ chúng tôi đánh giá tần suất đi nước ngoài trong năm của cán bộ để lưu ý, trình hồ sơ cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xem xét cho ý kiến.

 

LÊ THANH – SƠN ĐỊNH