Ôm nợ vì ‘giấc mộng’ nước Anh
Đến Anh là giấc mơ của nhiều người lao động nhập cư từ Việt Nam sang châu Âu, nhưng không phải ai đã đặt chân đến được “miền đất hứa” cũng thành công.
Ôm nợ vì ‘giấc mộng’ nước Anh
Đến Anh là giấc mơ của nhiều người lao động nhập cư từ Việt Nam sang châu Âu, nhưng không phải ai đã đặt chân đến được “miền đất hứa” cũng thành công.
Một người cha ở Hà Tĩnh buồn bã, lo lắng sau khi con trai vượt biên từ Pháp sang Anh bị mất liên lạc từ mấy ngày qua Ảnh: Phạm Đức
Với nhiều người “đi cỏ”, giấc mộng ấy đã trở thành cơn ác mộng khi họ bị cảnh sát sở tại phát hiện, trục xuất về nước.
Nợ đè lên đầu
Đã 9 năm trôi qua, kể từ ngày “giấc mộng nước Anh” bị vỡ, với ông V.M.G (ngụ xã Thiên Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) chỉ còn lại là nỗi ám ảnh như một cơn ác mộng.
Ông G. kể với PV Thanh Niên, năm 2010, khi đang làm thuê ở một tỉnh miền Bắc, ông được một người môi giới ở TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) giới thiệu sang Anh làm việc với thu nhập cao. Họ nói, ông chỉ cần bỏ ra 400 triệu đồng là đường dây sẽ đưa sang đến nơi. Tin lời, ông G. về quê cầm cố sổ đỏ và vay mượn người thân để lên đường “xuất ngoại” làm ăn.
Sau khi làm xong một số giấy tờ, ông G. từ Việt Nam bay sang Nga. Khi đến nơi, ông được người trong đường dây môi giới đưa lên xe tải bịt kín chở đi, nhưng không rõ chiếc xe đã chở ông vượt qua những nước nào.
Một gia đình ở Hà Tĩnh lập bàn thờ sau khi con trai hoàn toàn mất liên lạc trong lúc vượt biên từ Pháp sang Anh từ ngày 22.10 Ảnh: Phạm Đức
|
Sau nhiều ngày di chuyển, ông G. cùng với 10 người Việt được bố trí trốn trong thùng xe container để “đi cỏ” sang Anh. Chuyến đi trót lọt, nhưng lúc nhóm của ông đang ở trong khu rừng, chuẩn bị tìm đường đến khu vực có người Việt sinh sống thì tất cả bị cảnh sát Anh ập đến bắt giữ.
“Bị giam cầm, tôi mới biết là mình đã bị lừa. Sau khi bị giam 7 tháng, tôi bị trục xuất về nước”, ông G. kể. Trở về nhà, ông G. quay ra TP.Bắc Giang tìm người môi giới đòi lại tiền nhưng dù đã “lục tung cả thành phố này” ông cũng không tìm được. Ông đành ngậm ngùi quay về quê, cố gắng “cày cuốc” để trả nợ. Suốt 9 năm nay, ông ở nhà cùng vợ trồng trọt, chăn nuôi và làm nhiều công việc khác, nhưng vẫn chưa thể trả hết được nợ.
Một “nạn nhân” khác của giấc mộng đổi đời ấy là anh P.V.K (ở TP.Vinh, Nghệ An). Dù đã đến châu Âu 4 năm trời, nhưng khi bị trục xuất, cũng như ông G., anh K. vẫn chỉ mang về hai bàn tay trắng và số nợ ngập đầu. Anh K. kể, năm 2012, được một người ở Nghệ An môi giới, anh bay sang Nga theo dạng đi du lịch.
Đến được Nga, anh K. phải mất hơn 1 năm mới đến được nước Đức bằng cách vượt biên từng chặng theo đường bộ. Ở Nga, một nhóm người Việt tổ chức cho anh K. và 16 người Việt khác vượt biên sang Ukraine rồi qua Ba Lan và đến Đức. Đó là một hành trình đầy nguy hiểm, thậm chí luôn đối mặt với cái chết.
Một gia đình ở Nghệ An lập bàn thờ con gái nghi gặp nạn ở Anh Ảnh: K.Hoan |
Sang Đức, một chữ tiếng Anh, tiếng Đức bẻ đôi cũng không biết, nên anh K. được người quen giới thiệu đến làm thuê cho một nhà hàng của ông chủ người Việt với mức lương 1.000 euro mỗi tháng. Trước khi ra đi, do mới cưới vợ nên anh K. chẳng có vốn liếng gì nên để sang được Đức, chi phí mất gần 400 triệu đồng, anh phải vay mượn hoàn toàn. “Lúc đó, bạn tôi ở Anh nói công việc bên đó nhiều, mỗi tháng cũng kiếm được 50 – 60 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu, nên tôi quyết định sang Anh”, anh K. nhớ lại.
Vậy là anh K. quyết định sang Anh. Từ Đức, anh K. phải mất 10.000 USD để được đưa sang Anh bằng cách chui vào thùng xe container chở hàng từ Pháp. “Đường dây này do những người “Tây” tổ chức, một người Việt làm trung gian gom những người muốn vượt biên lại, thỏa thuận giá cả và bàn giao cho nhóm người Tây này. Khi sang Anh thành công, chúng tôi gọi điện về cho gia đình chuyển tiền theo tài khoản họ cung cấp”, anh K. kể.
Chuyến vượt biên đầy mạo hiểm này may mắn trót lọt. Sang đến Anh, anh K. vào làm thuê cho một nhóm người trồng cần sa bất hợp pháp ở vùng ngoại ô thủ đô London, với mức lương 1.500 bảng Anh mỗi tháng. Công việc trồng cần sa trong căn nhà đóng kín luôn rình rập hiểm nguy.
Sau gần 2 năm làm thuê, anh K. cùng 2 người bạn Việt Nam quyết định góp vốn thuê một căn nhà của người Anh ở vùng ngoại ô London để trồng cần sa, làm ăn lớn. Những đồng tiền kiếm được gần 1 năm vẫn chưa đủ cho phi vụ đầu tư này, anh K. phải gọi điện về nhà chi viện thêm. Gần 3 tháng trôi qua trong căng thẳng, lứa cần sa đầu tiên sắp đến kỳ thu hoạch thì bọn cướp ập vào, cướp sạch.
Đã trót “đâm lao” và cũng nhằm “vớt lại những gì đã mất”, anh K. lại gọi điện về nhà, xin chi viện thêm tiền để “theo lao”. Nhưng khi cần sa sắp cho thu hoạch thì cảnh sát ập đến. Anh K. và 2 “đồng phạm” cùng quê Nghệ An bị phạt 8 tháng tù, sau đó bị trục xuất về nước. “Sau hơn 4 năm sang châu Âu, về đến nhà, tôi ôm một khoản nợ lớn, hai đứa ở, làm chung với tôi cũng vậy”, anh K. kể.
Vì sao Anh là “miền đất hứa” ?
Một người Việt Nam từng sinh sống, làm ăn nhiều năm nay ở Đức, cho biết sau khi đến được châu Âu, hầu hết lao động Việt Nam nhập cư bất hợp pháp đều không biết tiếng Anh, nên họ chỉ có thể làm thuê cho những ông chủ quán ăn, tiệm nail của người Việt. Ở đó, vừa khó bị cảnh sát phát hiện và giao tiếp cũng dễ dàng. Tuy nhiên, ở nhiều nước, việc làm không nhiều và thu nhập không cao nên cái đích đến của họ là Anh quốc. “Ở Anh, người Việt đông, lương cao và đồng bảng Anh có giá hơn đồng euro, nên thu nhập hằng tháng cao hơn nhiều so với các nước khác ở châu Âu”, người này lý giải.
Trong vai người nhà có nhu cầu đi châu Âu làm việc, vào đầu năm 2018, PV Thanh Niên tiếp cận bà H. (ngụ TP.Vinh, Nghệ An), được giới thiệu là đã có nhiều năm đưa người sang châu Âu lao động. Bà H. cho biết, bà có người nhà đang ở Anh, nếu chưa có người thân ở bên đó, khi sang Anh sẽ được người nhà của bà hướng dẫn và thu xếp công việc.
Có 2 cách để sang châu Âu là đi “cỏ” và đi chính thống. “Đi cỏ” là sang Nga theo đường du lịch, rồi đi bằng đường bộ sang các ngả Ukraine, Belarus hoặc Latvia. Sau đó, sang Ba Lan, Đức, Pháp rồi sang Anh. Đi chính thống là đi theo đường xuất khẩu lao động đến các nước châu Âu đã có hợp tác lao động với Việt Nam. Chi phí cho việc “đi cỏ” thường thấp hơn đi chính thống, nhưng rủi ro cũng nhiều hơn. Bà H. gợi ý nên sang Anh, dù chi phí cao hơn nhiều, nhưng “ở đó, việc làm nhiều, thu nhập cao”.
Từ những thông tin ít ỏi mà những người từng sang Anh kể và qua tìm hiểu của Thanh Niên, thì từ nhiều năm nay ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã từng tồn tại một đường dây đưa người sang Anh hết sức quy mô với nhiều chân rết. Để vượt qua biên giới mỗi nước, người nhập cư “lậu” phải trả chi phí hàng chục ngàn USD cho đường dây tổ chức vượt biên…
Khó khăn nhất vẫn là vượt eo biển Dover từ Pháp sang Anh. Nhiều người Việt đã phải sống chui lủi trong những căn nhà hoang ở Pháp hàng tháng trời để tìm cách sang Anh. Tuy nhiên, không phải ai chạm đến “miền đất hứa” Anh quốc cũng đều thành công, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng của mình.
KHÁNH AN – PHẠM ĐỨC