26/11/2024

Khơi thông sông Cổ Cò, lo nhiễm mặn sông Cẩm Lệ

Theo đánh giá tác động môi trường sau khi khơi thông sông Cổ Cò với chế độ dòng chảy thay đổi thì độ mặn trên sông Cổ Cò tăng mạnh. Đáng chú ý, trên sông Cẩm Lệ tại vị trí Nhà máy nước Cầu Đỏ độ mặn có thời điểm sẽ tăng gấp đôi.

 

Khơi thông sông Cổ Cò, lo nhiễm mặn sông Cẩm Lệ

Theo đánh giá tác động môi trường sau khi khơi thông sông Cổ Cò với chế độ dòng chảy thay đổi thì độ mặn trên sông Cổ Cò tăng mạnh. Đáng chú ý, trên sông Cẩm Lệ tại vị trí Nhà máy nước Cầu Đỏ độ mặn có thời điểm sẽ tăng gấp đôi.


 

Khơi thông sông Cổ Cò, lo nhiễm mặn sông Cẩm Lệ - Ảnh 1.

Đoạn sông Cổ Cò chảy qua địa phận Đà Nẵng – Ảnh: TẤN LỰC

 

Chiều 16-9, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh – phó chủ tịch tỉnh – làm trưởng đoàn để bàn thảo, thúc đẩy triển khai dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò.

Sông Cổ Cò nối liền từ Đà Nẵng đến Hội An dài hơn 28km, trong đó có 20km nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã thống nhất phương án nạo vét, khơi thông dòng sông này để phát triển kinh tế, phát triển du lịch giữa Hội An và Đà Nẵng.

Theo đó, dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đã được 2 địa phương thông qua. Tỉnh Quảng Nam sẽ nạo vét hơn 20km với nguồn kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt dự án sông Cổ Cò gần 500 tỉ đồng, trong đó trung ương hỗ trợ 245 tỉ đồng.

Để khơi thông sông Cổ Cò, phải tháo dỡ 3 đập ngăn mặn hiện hữu có trên sông là đập Hà My (Quảng Nam), đập Đồng Nò, Bờ Quan (Đà Nẵng). Tuy nhiên, theo đánh giá tác động môi trường sau khi khơi thông sông Cổ Cò với chế độ dòng chảy thay đổi thì độ mặn trên sông Cổ Cò tăng mạnh.

Đáng chú ý, trên sông Cẩm Lệ tại vị trí Nhà máy nước Cầu Đỏ độ mặn có thời điểm sẽ tăng gấp đôi.

Ông Lê Trí Thanh khẳng định dự án khơi thông sông Cổ Cò là cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và hai địa phương đang quyết tâm triển khai.

Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu báo cáo tác động môi trường và nghiên cứu giải pháp để hạn chế nhiễm mặn trên sông Cẩm Lệ ảnh hưởng nguồn cấp nước cho người dân Đà Nẵng và nguồn nước sản xuất nông nghiệp của thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh đề nghị ban quản lý dự án, nhóm tư vấn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại các số liệu về tác động môi trường khi tiến hành nạo nét sông Cổ Cò một cách khoa học trước khi triển khai.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cùng thống nhất phương án quy hoạch, khớp nối, thông luồng tuyến đường thủy quan trọng này vào tháng 9-2022.

Trước mắt, 2 địa phương cần gấp rút triển khai việc nạo vét như kế hoạch đã đề ra. Đồng thời tăng cường cơ chế tham vấn, phối hợp của ban điều phối dự án để hạn chế thấp nhất những phát sinh, nhất là tác động xấu đến môi trường.

 

HỮU KHÁ