25/11/2024

Cần một ‘cái bắt tay’ chặt hơn trong giáo dục nghề nghiệp

Đây là nội dung được tập trung trao đổi tại hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019 diễn ra ngày 20-9, bàn về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

 

Cần một ‘cái bắt tay’ chặt hơn trong giáo dục nghề nghiệp

 

Đây là nội dung được tập trung trao đổi tại hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019 diễn ra ngày 20-9, bàn về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

 
 
 
 
Cần một cái bắt tay chặt hơn trong giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

Học sinh ngành công nghiệp ôtô Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Hội thảo do Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Trường đã có quan hệ với 300 doanh nghiệp với các hoạt động đa dạng và kết quả nhìn thấy rõ ngay là 85% sinh viên ra trường có việc làm, với mức lương khởi điểm từ 5,5-6 triệu đồng/tháng”.

Bà Phạm Thị Hường, Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội

Quan hệ với trường nghề: 46,2% doanh nghiệp không có

Đây là con số trong kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 79 doanh nghiệp và chỉ có 12,3% doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên. Tuy nhiên, hình thức hợp tác phổ biến nhất của các doanh nghiệp cũng chỉ dừng lại ở tiếp nhận người học đến thực tập. Một số doanh nghiệp tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp và cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo.

“Việc doanh nghiệp tham gia từ khâu tuyển sinh, xây dựng giáo trình, tổ chức đào tạo còn rất hạn chế” – ông Nguyễn Hồng Minh, tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết.

Bà Hoàng Thị Minh Phương, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh (Nghệ An), mô tả chi tiết: “Trường nghề chưa chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp thì thụ động trong hỗ trợ sinh viên đến tham quan, thực tập, không có đề xuất với các trường trong định hướng phát triển đào tạo gắn với nhu cầu xã hội và doanh nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên nhân dẫn đến hạn chế mối quan hệ này là do khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa được áp dụng trong thực tiễn, thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp còn chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp, thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, lợi ích khi đào tạo nghề nên không xem đây là nhiệm vụ phải quan tâm.

Trao đổi tại hội thảo, ông Bùi Phương Việt Anh – chuyên gia nghề, Công ty đào tạo nhân lực EAS – chia sẻ bản thân là chủ doanh nghiệp hiện đang thiếu 14 kế toán nhưng không tuyển được, có chuyên môn thì không giỏi ngoại ngữ, không giỏi máy tính.

Thực tế này cho thấy để tìm được nhân lực đúng với doanh nghiệp cần rất khó nếu không có liên hệ chặt chẽ với cơ sở đào tạo.

Cần luật hóa để tạo đột phá

 

Ông Đồng Văn Ngọc, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, cho rằng trong những yếu tố nâng chất lượng đào tạo nghề thì việc liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp phải xác định là khâu đột phá.

Ông Ngọc đề cập đến “hệ thống đào tạo kép” mà nhiều nước tiên tiến đã áp dụng. Đặc điểm chính của “đào tạo kép” là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề được tài trợ công khai. Sự hợp tác này được quy định trong luật. Theo đó, doanh nghiệp tham gia chương trình “đào tạo kép” coi việc tham gia đào tạo nghề là hình thức tuyển dụng tốt nhất.

Lợi ích của người học trong “đào tạo kép” là được đào tạo liên quan tới nhu cầu thị trường, giúp họ cải thiện cơ hội việc làm, cơ hội nâng cao kỹ năng đáp ứng những đổi mới mới nhất của thời đại kỹ thuật số, công nghệ lần thứ tư, mở rộng cơ hội tham gia xã hội và hội nhập.

Từ đó, giải pháp đột phá trước hết cần luật hóa các quy định tại các luật (Luật doanh nghiệp, Luật giáo dục nghề nghiệp…), các chính sách quy định công khai quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Nhà nước cũng cần trao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo để linh hoạt trong quá trình đào tạo, cùng với đó là trách nhiệm giải trình, thực hành giám sát xã hội.

“Một anh thợ hàn giỏi, khi có robot hàn thay thế người thì anh thợ hàn phải trở thành người điều khiển robot. Muốn thế, người lao động cần qua đào tạo, có kỹ năng tiếp xúc với công nghệ mới và nắm vững nó” – ông Phan Thanh Bình, chủ nhiệm Uỷ ban Văn h, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ quan điểm.

Đây cũng là vấn đề khiến ông Bình cho rằng “gắn đào tạo với doanh nghiệp” là ba chân kiềng tạo nên sự bứt phá cho giáo dục nghề nghiệp.

Tại hội thảo, một số ý kiến cũng đề nghị có chính sách khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp, một số ý kiến cũng cho rằng cần tạo điều kiện để xây dựng mô hình doanh nghiệp trong cơ sở đào tạo.

Ông Dương Nam, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho rằng cần có cơ sở pháp lý để cho phép các trường CĐ chất lượng cao, trường CĐ trọng điểm tổ chức các hoạt động như một doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Đồng Văn Ngọc cũng cho rằng nếu luật có thể cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp trong trường sẽ linh hoạt hơn trong việc đào tạo gắn kết với nhu cầu việc làm.

Bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội, cho biết hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng phân tầng. Trong đó, tầng giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao được Nhà nước đầu tư có trọng điểm. Tầng giáo dục nghề nghiệp tự chủ gắn với đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp. Tầng giáo dục nghề nghiệp đặc thù được Nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo đề án phát triển và nâng cao chất lượng đã được phê duyệt.

 

VĨNH HÀ – HÀ THANH