25/11/2024

Bộ trưởng Y tế lên tiếng vụ VN Pharma: ‘Cứ làm theo pháp luật’

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên tiếng về vụ việc này. Vụ Công ty VN Pharma mua bán, nhập khẩu thuốc giả gây chú ý vì em ruột chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng giữ vị trí phó TGĐ Công ty VN Pharma.

 

Bộ trưởng Y tế lên tiếng vụ VN Pharma: ‘Cứ làm theo pháp luật’

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên tiếng về vụ việc này. Vụ Công ty VN Pharma mua bán, nhập khẩu thuốc giả gây chú ý vì em ruột chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng giữ vị trí phó TGĐ Công ty VN Pharma.
 
 
 

Bộ trưởng Y tế lên tiếng vụ VN Pharma: Cứ làm theo pháp luật - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (người đứng) tại buổi công bố kết luận thanh tra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế sáng nay 20-9 – Ảnh: THUÝ ANH

 

Sáng 20-9, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, liên quan việc cục này cấp phép cho 10 thuốc nhập khẩu từ ‘công ty ma’ Helix.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tổ chức sáng nay 20-9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ý kiến của bà về vụ VN Pharma mua bán, nhập khẩu thuốc từ Công ty “ma” Helix. 

Cứ theo cơ quan điều tra, theo pháp luật đúng người đúng tội, đúng sự việc, không oan sai và không bỏ sót tội

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có ý kiến về vụ việc này.

Cũng trong sáng nay Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra Cục Quản lý dược tại trụ sở Bộ Y tế. Dự buổi thông báo có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, là cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thời điểm được thanh tra.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, nhưng ngành y tế đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký, cấp phép nhập khẩu thuốc, cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời thanh tra xác định có vi phạm trong đấu thầu thuốc vào cơ sở khám chữa bệnh.

 

Cụ thể, Bộ Y tế ban hành thông tư 22 năm 2009 còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, là sơ hở dẫn đến hồ sơ cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không phát hiện kịp thời. Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược năm 2009 và thời kỳ 2011-2014.

Được biết, Bộ trưởng Bộ Y tế thời điểm năm 2009 là ông Nguyễn Quốc Triệu, cục trưởng Cục Quản lý dược là ông Trương Quốc Cường. Ông Trương Quốc Cường cũng làm cục trưởng Cục Quản lý dược giai đoạn 2011-2014, Bộ trưởng thời kỳ này là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện là bộ trưởng đương nhiệm.

Thanh tra cũng cho rằng Bộ Y tế có thiếu sót khi chưa quy định trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc phải có giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam theo điều 5 quyết định 151 của Thủ tướng.

Trong 3 năm (2012-2014), Bộ Y tế đã cấp giấy phép nhập khẩu 607 thuốc nước ngoài mà không yêu cầu nộp giấy này, trong đó có 3 thuốc H-Capita, H- Epra 40 và H- Lastapen 500mg- 3 loại thuốc giả nguồn gốc xuất xứ của Công ty VN Pharma. Sơ hở của Bộ Y tế cũng dẫn việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu khi giấy phép hoạt động của công ty cơ liên quan đã hết hạn từ trước đó hơn 2 tháng.

Thanh tra Chính phủ cho biết đã chuyển kết luận thanh tra đến Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng để tiếp tục làm rõ, xử lý. 

Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online nắm được, cuộc thanh tra này bắt đầu từ 26-9-2017, dự định ban đầu kéo dài trong 60 ngày làm việc, nhưng thực tế đã kéo dài trong khoảng 2 năm. Một số thành viên trong đoàn thanh tra theo quyết định ban đầu thậm chí đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần được làm rõ, đặc biệt là số lượng thuốc giả được VN Pharma nhập khẩu.

Vụ Công ty VN Pharma mua bán, nhập khẩu thuốc giả đã được phát hiện từ năm 2014, gây nhiều bức xúc trong dư luận vì công ty này đã làm giả nguồn gốc thuốc điều trị ung thư.

Bên cạnh đó, vụ án gây chú ý vì em ruột chồng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng giữ vị trí phó TGĐ Công ty VN Pharma.

 

LAN ANH