31/12/2024

Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi về đặc khu

Đó là trao đổi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV diễn ra ngày 19-6 tại đơn vị số 1 (Q.1, Q.3, Q.4 – TP.HCM).

 

Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi về đặc khu

Đó là trao đổi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV diễn ra ngày 19-6 tại đơn vị số 1 (Q.1, Q.3, Q.4 – TP.HCM).


Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi về đặc khu - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt tay với các cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và 4 (TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

Trước một số băn khoăn, chia sẻ của cử tri về dự luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (dự luật đặc khu), Chủ tịch nước nói đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng khu vực đặc biệt, có sức cạnh tranh, phát triển mạnh nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

“Việc xây dựng luật này là đặc biệt quan trọng, cấp thiết. Quá trình xây dựng dự thảo luật diễn ra trong nhiều năm, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, người dân. Tuy nhiên tới hôm nay, tôi nhận thấy vẫn chưa đủ rộng rãi và sâu rộng, sau hôm nay chúng tôi sẽ có ý kiến tiếp tục” – Chủ tịch nước nói.

Liên quan tới Luật an ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định đây là xu thế chung của quốc tế. 

Việc ban hành luật là nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức cũng như Nhà nước, chứ không xâm phạm đời tư của công dân. 

 

Nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.HCM là do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo phá rối an ninh trật tự, nhiều trường hợp đã bị bắt giữ, xử lý.

Cùng ngày, tại các buổi tiếp xúc cử tri tại quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, quận Phú Nhuận, nhiều cử tri cũng đã đề nghị Quốc hội xem xét để sớm đưa luật biểu tình vào đời sống xã hội cho phù hợp với sự phát triển, nhu cầu của người dân và đáp ứng quản lý việc biểu tình có khuôn khổ. 

Trả lời cử tri, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết ông sẽ kiến nghị Quốc hội đưa vào chương trình họp bàn vào kỳ họp tới để bàn bạc, xem xét.

* Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ. Trả lời cử tri về dự thảo luật đặc khu, bà Ngân cho biết đây là vấn đề dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự ở một số địa phương. 

Quốc hội biểu dương và hoan nghênh tinh thần yêu nước nhưng đừng để lòng yêu nước bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động, gây rối nhằm phá hoại đất nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

“Nếu xây dựng đặc khu mà ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì nhất định không làm” – bà Ngân khẳng định.

Liên quan đến Luật an ninh mạng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Luật an ninh mạng không cấm người dân vào Internet, nhưng không được dùng công cụ này để phá hoại an ninh quốc gia cũng như xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân nào”.

Tại hội nghị báo cáo viên TP.HCM tháng 6-2018 do Ban tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM tổ chức chiều 19-6, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – chủ tịch HĐND TP – cho rằng: Luật an ninh mạng sẽ tạo ra hành lang pháp lý giúp bảo vệ an ninh quốc gia, xử lý nghiêm các thế lực thù địch lợi dụng mạng Internet để xâm hại lợi ích, chống đối Nhà nước. Đồng thời sẽ đảm bảo cho quyền công dân luôn được tôn trọng.