Muốn khoẻ phải lắng nghe cơ thể
Mỗi người nên được bác sĩ gia đình quản lý bằng một hồ sơ cá nhân xem ăn, uống như thế nào cho tốt, vận động như vậy đã được chưa để từ đó thay đổi hành vi, lối sống.
Muốn khoẻ phải lắng nghe cơ thể
Mỗi người nên được bác sĩ gia đình quản lý bằng một hồ sơ cá nhân xem ăn, uống như thế nào cho tốt, vận động như vậy đã được chưa để từ đó thay đổi hành vi, lối sống.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, hiệu phó Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), tư vấn như trên. Ông còn nhấn mạnh khi trẻ người luyện tập nhiều, có chế độ ăn uống hợp lý, tinh thần lạc quan, về già sẽ giữ được sức khoẻ, ít bị bệnh.
“Một điều rất quan trọng là cần lắng nghe cơ thể mình. Khi thấy cơ thể mệt thì phải nghỉ ngơi. Không nên trông chờ vào sự chăm sóc của bác sĩ mà mỗi cá nhân trong sinh hoạt hằng ngày sẽ quyết định sức khoẻ mình tốt hay không tốt
PGS NGUYỄN THANH HIỆP
Đừng để bệnh mới đến bác sĩ
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn sảng khoái về mặt tinh thần và thể chất, chứ không phải chỉ là không có bệnh, không tàn tật. Như vậy một người bình thường, không có bệnh, không tàn tật cũng chưa phải là người đã có sức khoẻ.
Hiện nay, rất nhiều người quan niệm khi có bệnh mới đến bác sĩ. BS Hiệp cho rằng để có sức khoẻ tốt nhất thì cần phải thay đổi quan niệm này. Đó là ngay từ khi chưa có bệnh đã phải đi gặp bác sĩ để được bác sĩ gia đình theo dõi tình trạng sức khoẻ, tư vấn cách giữ sức khoẻ tốt nhất.
Bác sĩ gia đình không phải là bác sĩ của gia đình đó, hoặc gọi điện bác sĩ tới nhà. Bác sĩ gia đình là bác sĩ có kiến thức đa khoa tổng quát, có cơ sở khám chữa bệnh gần với người dân. Những bác sĩ ở các phòng mạch gần nhà cũng có thể là bác sĩ gia đình. Khi người dân có vấn đề gì về sức khoẻ thì bác sĩ này chính là người đầu tiên xử lý trong khả năng, định hướng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nào.
PGS Hiệp cũng nêu ra diễn tiến tự nhiên của một người bình thường đến lúc bệnh. Đó là lúc đầu sức khoẻ bình thường, sau đó có những hành vi, yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, ít vận động, stress, gen di truyền, ô nhiễm môi trường… Theo thời gian, những yếu tố nguy cơ này sẽ có những biểu hiện gọi là triệu chứng và từ nhiều triệu chứng sẽ chẩn đoán ra bệnh. Khi đã mắc bệnh, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây biến chứng, di chứng, giảm chất lượng cuộc sống, phải chăm sóc suốt đời, tử vong. Do vậy, sức khoẻ cần phải được chăm sóc càng sớm càng tốt để giữ sức khoẻ luôn trong trạng thái tốt. Hoặc nếu có phát hiện ra bệnh cũng là phát hiện sớm, kịp thời. Để được bảo vệ sức khoẻ tốt, cần có bác sĩ riêng để hiểu hết những vấn đề sức khoẻ của mỗi người và phải được bác sĩ theo dõi, cập nhật, quản lý liên tục.
Từ cân nặng, điều chỉnh ăn uống
Một người muốn có sức khoẻ tốt cần có chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý và có một tinh thần tốt.
Vậy uống nước thế nào cho đủ và làm thế nào để biết mình đã uống đủ nước chưa? Muốn biết cần đong nước vào chai, ngày uống bao nhiêu chai sẽ biết lượng nước đã uống hoặc quan sát màu sắc nước tiểu, nếu màu vàng quá là thiếu nước. Nguyên tắc là đừng để khát mới uống.
Muốn có chế độ ăn đúng thì phải kiểm soát được cân nặng tốt. Tức là phải có một chỉ số trọng lượng cơ thể hợp lý theo chiều cao, cân nặng. Từ cân nặng điều chỉnh sự ăn uống của mình. Người ốm là do mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn lượng ăn vào, còn người mập là lượng tiêu thụ năng lượng ít hơn lượng ăn vào. Nên có cuốn sổ theo dõi cân nặng. Người trẻ nên có chế độ ăn đa dạng. Người cao tuổi nên hạn chế ăn chất béo, những món ăn chiên, xào, giảm tinh bột, ăn nhiều chất xơ. Trong một bàn ăn bày nhiều đồ ăn thì nên ăn rau trước, sau đó mới ăn các loại thức ăn khác. Nên ăn đồ tươi sống, ít chế biến. Tuy nhiên đồ tươi sống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế ăn những đồ rã đông, rau nên mua và ăn trong ngày để không mất vitamin.
Ai cũng biết mỗi ngày nên vận động ít nhất 30 phút, nhưng không phải ai cũng biết vận động đúng cách. Nếu đi bộ trong 30 phút mà chỉ đi thong thả, không đi nhanh, không ráng sức, không ra mồ hôi thì chưa đạt được mức vận động này. Với những người có bệnh lý thì không nên cố tập, khi thấy mệt thì nên nghỉ. Người trẻ càng nên vận động thể thao càng nhiều càng tốt. Lứa tuổi học sinh nên vận động như một vận động viên thì sau này sẽ có sức khoẻ tốt.
Ngoài những tư vấn nói trên, PGS Nguyễn Thanh Hiệp còn nhấn mạnh những người sống khoẻ, sống thọ đều có một tinh thần lạc quan. Tinh thần vui vẻ sẽ sản xuất ra những chất tốt để bảo vệ sức khoẻ cho cơ thể. Trong cuộc sống hằng ngày luôn có những vấn đề xảy ra nhưng nên tập nghĩ theo hướng tích cực. Nên có những suy nghĩ và việc làm tươi mát tâm hồn cho mình, làm tăng vẻ đẹp của tâm hồn. Và luôn có ý thức tự bảo vệ sức khoẻ trước những hành vi nguy cơ như hút thuốc lá, uống bia, rượu…
Cần có hồ sơ sức khoẻ cá nhân
PGS Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng mỗi người nên được quản lý bằng một hồ sơ sức khoẻ cá nhân, được bác sĩ gia đình theo dõi thường xuyên và liên tục. Bác sĩ sẽ theo dõi chế độ ăn, uống, ngủ nghỉ, vận động thể lực phù hợp với từng giai đoạn của lứa tuổi. Bác sĩ cũng kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bản thân, tiền căn bệnh sử của cá nhân và gia đình, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường làm việc, sinh sống, tầm soát bệnh, đánh giá thường xuyên tâm lý và giáo dục sức khoẻ…