Âm ngữ trị liệu
Là một lĩnh vực rất quan trọng của y khoa nhưng tại Việt Nam, âm ngữ trị liệu vẫn chưa được nhiều người biết đến. Hiện nay, âm ngữ trị liệu đóng vai trò then chốt trong việc điều trị rối loạn giao tiếp và rối loạn nuốt ở cả trẻ em lẫn người lớn.
Là một lĩnh vực rất quan trọng của y khoa nhưng tại Việt Nam, âm ngữ trị liệu vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Hiện nay, âm ngữ trị liệu đóng vai trò then chốt trong việc điều trị rối loạn giao tiếp và rối loạn nuốt ở cả trẻ em lẫn người lớn. Lĩnh vực này được phát triển từ rất lâu tại các nước Âu – Mỹ. Pháp đã thành lập Hiệp hội Âm ngữ trị liệu từ năm 1924 và đến năm 1947, bảo hiểm xã hội bắt đầu chấp nhận chi trả cho các hoạt động điều trị về ngôn ngữ và lời nói. Hội Âm ngữ trị liệu Úc được thành lập năm 1944 tại Sydney sau những khởi đầu vào năm 1929. Tại Việt Nam, âm ngữ trị liệu gần đây được quan tâm đầu tư và phát triển ở một số bệnh viện có khoa vật lý trị liệu – phục hồi chức năng.
|
PV Thanh Niên đến đơn vị Âm ngữ trị liệu thuộc Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện An Bình để tìm hiểu về lĩnh vực này. Sau một thời gian được điều trị mất ngôn ngữ do đột quỵ, chị M. nói chuyện với người nhà ngày càng dễ dàng hơn. Chị đã rất nỗ lực để vượt qua khởi đầu nhiều khó khăn của việc tập luyện. Giúp người bệnh phục hồi khả năng giao tiếp là một quá trình rèn luyện mà cả thầy thuốc, người bệnh lẫn người nhà đều cần sự kiên nhẫn và “hợp tác” để đạt kết quả tốt nhất. Ngoài việc xác định chính xác loại rối loạn giao tiếp hoặc rối loạn nuốt, các chuyên viên âm ngữ trị liệu còn phải tìm hiểu những điều kiện xã hội, văn hóa, nhu cầu giao tiếp, và tình trạng tâm lý của người bệnh nhằm đưa ra một chương trình điều trị hoặc phục hồi thích hợp cho từng cá nhân.
Không thể bỏ qua
|
Theo giảng viên bộ môn Vật lý trị liệu Đại học Y Dược TP.HCM Lê Khánh Điền, rối loạn ngôn ngữ thường gặp ở những bệnh nhân bị tổn thương não do đột quỵ, chấn thương sọ não hoặc viêm não. Những người này có thể gặp khó khăn trong các vấn đề như: diễn tả thông tin bằng lời nói hoặc chữ viết; nghe hiểu hoặc đọc hiểu. Sự bế tắc trong giao tiếp hằng ngày gây ra lúng túng, căng thẳng cho người bệnh lẫn người nhà, lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm và sự cô lập.
Ở người trưởng thành bình thường, não bộ sẽ xử lý thông tin tiếp nhận qua nghe hoặc đọc và kết hợp với “kho ngôn ngữ” tích lũy sẵn từ trước nhằm đưa ra từ ngữ thích hợp để đáp lại thông qua việc nói và viết. Ở người bệnh, hệ thống này bị rối loạn và tùy từng trường hợp sẽ gây ra những khó khăn khác nhau. Do đó, chuyên viên âm ngữ trị liệu phải xác định được bệnh nhân gặp vấn đề gì ở trung khu ngôn ngữ để có phương pháp điều trị thích hợp. Chẳng hạn, một bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ do đột quỵ có thể vẫn tiếp nhận thông tin tốt qua nghe và đọc nhưng không làm cách nào truyền đạt lại suy nghĩ của mình được do các “kênh” diễn tả đã bị “tắc nghẽn”. Trong trường hợp này, nhiệm vụ của chuyên viên âm ngữ trị liệu không chỉ giúp bệnh nhân phục hồi khả năng diễn đạt ngôn ngữ mà còn hướng dẫn người nhà các phương pháp nắm bắt được thông tin một cách hiệu quả nhất trong khi giao tiếp với người bệnh. Ngoài ra âm ngữ trị liệu còn giải quyết các trường hợp rối loạn lời nói và rối loạn giọng.
Riêng rối loạn nuốt cũng được xếp vào nhóm được điều trị và phục hồi bởi âm ngữ trị liệu. Trong 3 giai đoạn của nuốt là miệng, hầu và thực quản thì âm ngữ trị liệu điều trị rối loạn ở 2 giai đoạn đầu, giai đoạn còn lại do chuyên khoa tiêu hóa phụ trách.