02/01/2025

CHÚA NHẬT XXXII TN – B -Dâng hiến những gì thiết thân

Tuần này các bài Thánh Kinh như mời gọi chúng ta tìm cách diễn tả tình yêu Chúa thương người cách cụ thể trong đời sống qua hành động gương mẫu của các bà goá.Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích hành động của các bà để có thể vượt qua tình trạng suy đồi của chính mình cũng như của xã hội.

 

Dâng hiến những gì thiết thân
Hành khất Kitô
Lời mở
Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về nguyên tắc phải “mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và thương người thân cận như chính mình”. Tuần này các bài Thánh Kinh như mời gọi chúng ta tìm cách diễn tả tình yêu thương ấy cách cụ thể trong đời sống qua hành động gương mẫu của các bà goá.
Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích hành động của các bà để có thể vượt qua tình trạng suy đồi của chính mình cũng như của xã hội.
1. Suy đồi đạo đức cá nhân dẫn đến suy thoái dân tộc
Đất nước Israel vào thời tiên tri Elia bị hạn hán nặng nề, dân chúng đói khổ cùng cực. Ông được Chúa gửi đến một bà goá thành Sarepta. Tình trạng khốn khổ của dân tộc Israel bắt nguồn từ việc họ bỏ Chúa để tôn thờ các thần tượng khác, không còn giữ giao ước “Mười Điều Răn” với Chúa. Đây là giao ước đặt nền tảng trên bản tính tự nhiên của con người. “Mười Điều Răn tạo nên một con đường sống đặc biệt và an toàn nhất để được tự do khỏi bị nô lệ tội lỗi, cũng là cách diễn đạt của luật tự nhiên” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 22). Khi con người từ bỏ Chúa Trời, Đấng tạo dựng nên họ, để đi tôn thờ ngẫu tượng bằng vàng bạc gỗ đá hay một con người nào đó, khi người ta không còn thảo kính cha mẹ, giết hại nhau vì một mối lợi, dâm đãng, giả dối, trộm cắp, tham lam thì xã hội suy đồi là lẽ tự nhiên. Tình trạng suy đồi của dân tộc Israel cũng có thể là bài học cho dân tộc Việt Nam thời nay.
Tuần trước, chúng ta được mời gọi nhìn vào đất nước và phân tích tình trạng luân lý suy đồi, xã hội rối loạn chỉ vì thiếu vắng tình yêu, huỷ diệt tình yêu đối với Chúa cũng như đối với con người. Người ta hô hào sống tin tưởng như cha ông thuở trước vì “trời cao có mắt, thiên bất dung gian” và tổ chức những lễ hội hy vọng đạt được niềm tin đó. Bộ Văn hoá Thông tin cho chúng ta biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 5.000 lễ hội, ngày nào cũng có vài lễ, thế nhưng lòng tin càng ngày càng giảm sút, tình yêu đối với con người càng ngày càng kém đi và người ta không dám nhắc đến Chúa Trời như nền tảng căn bản của xã hội.
2. Hành động gương mẫu của các bà goá
Hôm nay các bài Kinh Thánh mời gọi chúng ta diễn tả tình yêu ấy một cách cụ thể trong đời sống. Hành động bà goá Sarepta (x. 1V 17,10-16) chia sẻ nắm bột và chút dầu cuối cùng cho tiên tri Êlia, nói lên tình yêu trọn vẹn đối với con người, bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì Êlia là “người của Thiên Chúa” nên bà goá Sarepta không ngại ngùng chia sẻ như vậy và Chúa đã cho hũ bột không vơi, bình dầu không cạn cho đến khi đất nước tìm lại được sự ổn định, an bình.
Hành động bà goá bỏ hai đồng tiền kẽm cho quỹ đền thờ trong bài Tin Mừng (x. Mc 12,38-44), diễn tả một tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa. Hai đồng xu nhỏ bé giá trị khoảng 10 ngàn đồng Việt Nam bây giờ chỉ đủ mua được một cái bánh mì. Đó là tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống của bà ngày hôm đó, nhưng bà sẵn sàng dâng hiến cho Chúa, chấp nhận sự đói khát vì hiểu rằng Chúa là chủ sự sống của mình, Chúa là tất cả của mình, cho nên khi mình dám dâng hiến cho Chúa tất cả thì Chúa cũng gìn giữ và ban cho mình tất cả. Bà đã dâng cho Chúa không phải những gì thừa thãi như những người giàu có khác, mà dâng cho Chúa những gì thiết thân của mình vì Chúa là Thiên Chúa.
Hành động dâng hiến của “bà goá ẩn mặt” trong bài đọc II hôm nay (Dt 9,24-28) còn thôi thúc chúng ta hơn cả. Bà goá ấy đã dâng Con một cao quý để người Con ấy chết cho chúng ta khi “hiến tế chính mình” trên thập giá. Bà vui lòng hiến dâng người con mà bà quý trọng hơn mình để xoá bỏ tội lỗi và cứu độ muôn người nên bà đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ thánh của chúng ta.  
Điều chúng ta cần lưu ý hôm nay đó là Thiên Chúa rất gần với con người, nhìn thấu tất cả hành động đóng góp của các bà để thưởng công cho các bà. Vị Thiên Chúa đó chính là Đức Giêsu, Ngài ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng và quan sát mọi người bỏ tiền vào. Vị Thiên Chúa trở thành người ấy rất thông cảm với con người, ở sát bên con người và nhìn thấu mọi hành động của con người.
3. Dâng hiến cho Chúa những gì thiết thân nhất của mình
Những hành động gương mẫu của các bà goá mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, nhìn vào thực trạng xã hội để vượt qua tình trạng đức tin yếu kém, dẫn đến tình trạng suy đồi đạo đức cá nhân cũng như tình trạng hỗn loạn của xã hội hôm nay. Tất cả đều đặt căn bản trên lòng tin vào sự hiện diện của một Thiên Chúa rất gần với con người: Ngài nhìn thấu mọi hành động bắt nguồn từ tình yêu của chúng ta, và khi chúng ta đưa tình yêu vào từng hành động của mình dành cho Chúa và cho mọi người thì tất cả sẽ được Chúa ban thưởng.
Trong đời sống thường ngày, dưới ánh sáng Thánh Kinh hôm nay, ta cảm thấy hình như những cái ta dành cho Chúa chỉ là thứ dư thừa, chưa phải là những gì thiết thân. Nhiều linh mục, tu sĩ chúng tôi theo đuổi các chương trình, lo lắng những công việc như dâng Thánh lễ, ban các bí tích, giảng dạy giáo lý, xây nhà thờ… vì nghĩ đó mới là những việc của Chúa và chỉ dành những gì thừa thãi, những giờ nhàn rỗi nếu có, để lo cho những người nghèo khổ, tàn tật, mồ côi, goá bụa quanh mình. Chúng tôi đã quên họ là những người của Thiên Chúa và không dám chia sẻ cho họ những gì thiết thân như bà goá Sarepta.
Còn anh chị em giáo dân có lẽ cũng như thế. Chúng ta dành thời giờ dự lễ, đọc kinh, học hỏi về Chúa cũng chỉ là những thời giờ thừa thãi trong cuộc đời chứ không như bà goá góp 2 đồng xu nhỏ thiết thân cho Chúa. Khi nào có việc bận, chúng ta sẵn sàng bỏ mọi thứ để lo cho công việc của mình. Nhiều người còn thích đi dự lễ ở nhà thờ có linh mục giảng thật ngắn, làm lễ thật nhanh. Chỉ cần bài giảng kéo dài thêm 5 phút là người ta khó chịu, bực bội trong khi họ có thể dành cả buổi để ngồi ở quán nhậu hoặc xem báo, xem truyền hình. Thú thật, nhiều khi linh mục chúng tôi rất căng thẳng khi phải giảng lễ: làm sao nói đủ ý, đủ lời mà không mất giờ của anh chị em. Chúng ta tiếc với Chúa vài ba phút trong khi Chúa ban cho ta cả một đời! Hơn nữa, nếu anh chị em nghe những lời thô thiển của chúng tôi trong tình yêu dành cho Chúa, trong niềm tin vào Chúa Thánh Thần soi sáng, chỉ dạy, những lời ấy chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp cho tất cả chúng ta.
Đất nước và dân tộc Việt Nam chúng ta ngày nay chẳng còn dâng cả những gì thừa thãi cho Chúa Trời để tôn vinh và tạ ơn Ngài. Thời quân chủ, dù chuyên chế độc tài đến đâu, trong cả ngàn năm qua, không ai dám bỏ lễ tế Trời đất và nhiều vị vua anh minh còn biết nhắc nhở dân phải tin vào “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian” cũng như thay mặt toàn dân trong các nghi lễ tế Trời. Tế đàn Nam Giao còn đó như nhắc nhở chúng ta niềm tin này. Tuy nhiên, một khi người ta cố ý xoá bỏ niềm tin vào Trời ra khỏi lòng người bằng những bài học dạy học sinh từ những lớp tiểu học về vật chất tự nhiên mà có, chẳng có thần thánh tôn giáo nào đáng có, con người chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành động của mình, xem thường sự đóng góp của tôn giáo trong đời sống, thậm chí một số người còn cổ vũ cho những thái độ chống phá tôn giáo vì những mưu đồ chính trị… thì làm sao xây dựng được niềm tin vào  Chúa Trời như tổ tiên xưa để tạo được sự ổn định trong xã hội?
Nhân dịp sửa đổi hiến pháp này, chúng tôi mong những người ý thức về sự suy đồi đạo đức trong xã hội hãy can đảm yêu cầu đưa vào Bản Dự thảo Hiến pháp Mới một điều khoản về Lòng tin của dân tộc vào Vị Chúa của Trời đất để thúc đẩy mọi người sống theo lương tâm ngay chính của mình và chịu trách nhiệm về hành động trước cả toà án lương tâm. Chúng tôi hy vọng trong cuộc đổi mới toàn diện giáo dục các nhà biên soạn sách giáo khoa sẽ đưa những bài học liên hệ đến lòng tin đó vào trong chương trình giáo dục. Nếu hay hơn nữa, chúng ta dám in cả lời “tín thác vào Chúa” như dân tộc Mỹ đang in trên từng đồng bạc của họ “In God we trust.
Lời kết
Những hành động gương mẫu của các bà goá trong tình mến Chúa yêu người như thúc đẩy chúng ta tăng cường tình yêu trong đời sống hằng ngày khi biết dâng lên Chúa và chia sẻ cho người những gì thiết thân của chúng ta. Chúa không đòi chúng ta dâng hiến nhiều tiền của, bạc vàng nhưng trước khi làm một việc trong ngày, ta có thể nói thầm với Chúa: “Lạy Chúa, con xin làm việc này vì yêu Chúa, vì yêu các linh hồn”. Làm như thế là chúng ta đang xây dựng một nền văn minh tình yêu để tạo sự ổn định cho chính mình và xã hội.