Đại kết, một chủ đề trung tâm của CĐ. Vatican II
“Đại kết là một ‘chủ đề trung tâm’ của Công đồng Vatican II”, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ việc Hiệp nhất các Kitô hữu, đã tuyên bố như trên trong một cuộc trao đổi mới đây được thuật lại trên tờ L’Osservatore Romano ngày 3-8-2012, ấn bản tiếng Ý. ĐHY nhắc nhở là các văn kiện của Công đồng có tính quy tắc, kể cả sắc lệnh về việc Đại kết.
Đại kết, một chủ đề trung tâm của CĐ. Vatican II
WHĐ (29.08.2012) / ZENIT – “Đại kết là một ‘chủ đề trung tâm’ của Công đồng Vatican II”, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ việc Hiệp nhất các Kitô hữu, đã tuyên bố như trên trong một cuộc trao đổi mới đây được thuật lại trên tờ L’Osservatore Romano ngày 3-8-2012, ấn bản tiếng Ý. ĐHY nhắc nhở là các văn kiện của Công đồng có tính quy tắc, kể cả sắc lệnh về việc Đại kết.
Đức Hồng y cũng cho biết: Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ việc Hiệp nhất các Kitô hữu cùng với Liên hiệp các Giáo hội Luther thế giới đang chuẩn bị một bản tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 500 cuộc Cải cách vào năm 2017 tới đây. Các Hội đồng Giám mục địa phương cũng sẽ có các hoạt động riêng nhân dịp này.
Đức Hồng y khẳng định: Đại kết “không phải là một chủ đề thứ yếu, nhưng là chủ đề trung tâm của Công đồng” và do đó, cũng là của Giáo hội ngày nay.
Ngài nhắc lại rằng các nguyên tắc trong sắc lệnh về Đại kết Unitatis redintegratio đã được “rút ra từ Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium”. Đàng khác, “chính Đức Giáo hoàng Phaolô VI cũng đã nhấn mạnh về điểm này khi công bố sắc lệnh”. Cũng vậy, tuyên ngôn về quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate, đặc biệt với Do Thái giáo, cũng có “các cơ sở trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội”.
Nhắc tới các ý kiến tỏ ra nghi ngờ về tính cách bắt buộc của các bản văn của Vatican II, Đức Hồng y Kurt Koch lưu ý: “Vatican II đã thông qua 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn” trong khi “Công đồng Tridentino (1545-1563) đã chỉ công bố các sắc lệnh mà không có một hiến chế nào”.
Tuy nhiên, ngài nhận xét, không ai dám khẳng định rằng “Công đồng Tridentino thuộc hàng thứ yếu”. Cuối cùng, Đức Hồng y kết luận: Bởi vậy, chúng ta có thể nhìn nhận có các sự khác biệt giữa các loại văn kiện trên bình diện hình thức, nhưng “chúng ta không thể thực sự chấp nhận là có các khác biệt trong tính cách bắt buộc của nội dung các văn kiện này”.
Đức Hồng y Kurt Koch khẳng định: “Văn kiện khác nhau, nhưng chỉ có một tinh thần duy nhất”.
(Zenit, 27-08-2012)