24/11/2024

Tấm Khăn Liệm thành Torino

Lời Đức Gioan Phaolô II nói ngày 24-5-1998 trước Tấm Khăn Liệm phải là kim chỉ nam hướng đẫn nhà nghiên cứu: “Giáo Hội khuyến khích các nhà khoa học đương đầu với việc nghiên cứu Tấn Khăn Liệm mà không có các lập trường chế sẵn coi các kết quả như đương nhiên, mà thực ra không phải như vậy. Giáo Hội mời gọi họ hành động với sự tự do nội tâm và sốt sắng tôn trọng phương pháp khoa học cũng như sự nhạy cảm của các tín hữu”.

Tấm Khăn Liệm thành Torino 

 

Phỏng vấn Giáo sư Bruno Barberis (1/3)

Vào hạ tuần tháng 5 năm nay – 2012 – Giáo sư Bruno Barberis, chuyên viên nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino, đã thuyết trình các bài cuối cùng trong chương trình khoá học lấy bằng chuyên môn về khoa nghiên cứu Tấm Khăn Liệm, do Đại học Giáo hoàng Nữ Vương các Tông Đồ ở Rôma tổ chức.

Giáo sư Barberis đã bắt đầu nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino năm 1975, và từ năm 1977, giáo sư là thành viên Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh thành Torino và của Trung tâm Quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm học, là cơ quan tổ chức các cuộc nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăm Liệm. Từ năm 1983, ông là giáo sư Vật lý Toán học tại Phân khoa “Khoa học toán, Vật lý và Thiên nhiên” của Đại học Torino. Trong các năm 1988-2002, giáo sư đã là Chủ tịch Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh và là Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm thành Torino. Từ năm 2002, Giáo sư là Giám đốc Khoa học của Trung tâm. Giáo sư Barberis cũng là tác giả của hơn 20 cuốn sách và hơn 150 bài viết về Tấm Khăn Liệm trên bình diện khoa học cũng như trên bình diện phổ biến kiến thức đại đồng. Các bài nghiên cứu này được đăng trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế, cũng như trên các nhật báo Italia và quốc tế. Giáo sư cũng đã chủ toạ 2.000 buổi diễn thuyết về Tấm Khăn Liệm tại Itaia cũng như tại hải ngoại.

Hỏi: Thưa Giáo sư Barberis, theo giáo sư đâu là các tiêu chuẩn lượng định các nghiên cứu và tìm tòi về Tấm Khăn Liệm thành Torino?

Đáp: Trong hơn 100 năm chia cách chúng ta với bức hình chụp Tấm Khăn Liệm lần đầu tiên hồi năm 1898, đã có hàng “sông mực” chảy ra để nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăn Liệm. Thư mục về Tấm Khăn Liệm hiện bao gồm hàng ngàn tác phẩm được công bố trên năm châu. Nhưng không luôn luôn dễ dàng minh giải và gỡ rối các tác phẩm khác nhau, thường đưa ra các giả thuyết mới, các phê bình hay chỉ trích ít nhiều xây dựng liên quan tới các nghiên cứu đi trước, hoặc các đề nghị nghiên cứu tìm tòi mới. Làm thế nào để lựa chọn các công việc nghiêm chỉnh và có ý nghĩa trong hàng đống tác phẩm như thế?

Khía cạnh thứ nhất quan trọng cần chú ý gắn liền với sự kiện Tấm Khăn Liệm liên kết các lý do và các lợi ích khoa học cũng như tôn giáo. Điều này đương nhiên không có gì là tiêu cực cả, trái lại còn vô cùng hấp dẫn và lý thú nữa. Nhưng rất thường khi người ta có nguy cơ lẫn lộn hay trộn lẫn hai bình diện với nhau, và đánh mất đi giá trị và hiệu lực của sự truyền thông, nhất là khi người ta phạm lỗi lầm nghiêm trọng đương đầu với các vấn đề có tính cách tôn giáo với các phương pháp khoa học, và ngược lại, đương đầu với các vấn đề khoa học với các phương pháp loại tôn giáo.

Có một nguy cơ nghiêm trọng khác nữa: đó là để cho các xác tín cá nhân liên quan tới đức tin ảnh hưởng trên các cứu xét và các kết quả nghiên cứu lịch sử khoa học. Điều này thường dẫn tới các kết luận gò ép, được đưa ra bởi ý muốn chứng minh bằng mọi cách các luận thuyết chế sẵn, hay để chống lại các luận thuyết không trùng hợp với các xác tín cá nhân của mình.

Hỏi: Và như thế là dễ rơi vào một khuynh hướng cuồng tín, có đúng thế không, thưa Giáo sư?

Đáp: Vâng, như thế là dễ rơi vào khuynh hướng quá khích, và như vậy không phải là việc tìm tòi khoa học nghiêm chỉnh. Khuynh hướng quá khích này thường gây ra sự lẫn lộn nơi người đọc, khiến cho họ có cảm tưởng đang chứng kiến một cuộc chiến giữa các luận thuyết chống đối nhau hơn là một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh và chính xác. Cuộc đối thoại ấy có thể chặt chẽ, nhưng để thực sự khoa học, thì phải có tính cách xây dựng, biết tôn trọng các ý kiến của người khác, và chỉ có mục đích tìm hiểu sự thật.

Nhiệm vụ của nhà khoa học nghiêm túc là nhiệm vụ thông tin một cách đúng đắn, bằng cách luôn luôn phân biệt giữa các tin tức và các sự kiện chắc chắn với các giả thuyết chỉ dựa trên một phần các dữ kiện và tài liệu, hay dựa trên các dữ kiện và tài liệu không đáng tin cậy chút nào. Do đó khó mà phân biệt được một cách rõ ràng giữa các sách vở tài liệu tuyệt đối nghiêm chỉnh và chính xác với các sách vở tài liệu không nghiêm chỉnh và chính xác.

Hỏi: Vậy thì, thưa giáo sư, đâu là các đặc thái của cuộc thảo luận về Tấm Khăn Liệm trong 20 năm qua?

Đáp: Trong các năm qua, người ta đã chứng kiến một cuộc thảo luận khá sôi nổi chung quanh Tấm Khăn Liệm, có lẽ chưa bao giờ xảy ra như thế trong quá khứ. Được như thế cũng là nhờ cái loa phóng thanh của các phương tiện truyền thông.

Cuộc tranh luận này đã bắt đầu bởi việc xác định thời gian của Tấm Khăn Liệm qua tia hồng ngoại tuyến hồi năm 1988. Và kết quả của nó khẳng định rằng Tấm Khăm Liệm thuộc thời Trung Cổ, đã khơi dậy một cuộc đối đầu sôi nổi, không chỉ giữa các nhà khoa học và chuyên viên nghiên cứu, mà cả trong dư luận công cộng nữa. Cũng như đã xảy ra trong quá khứ, cuộc tranh luận không chỉ giới hạn giữa hai phe chống đối nhau kịch liệt: một bên bênh vực tính cách xác thực tuyệt đối không thể thảo luận của Tấm Khăn Liệm vì cho rằng nó là tấm khăn liệm xác Đức Giêsu thành Nazareth; và bên kia ủng hộ luận thuyết cho rằng nó là tấm khăn liệm giả, hay không dính dáng gì tới Đức Giêsu thành Nazareth. Sau cùng, nó cũng lôi cuốn nhiều nhà khoa học và các chuyên viên vào cuộc: họ bị lôi kéo bởi việc kiếm tìm sự thật hơn là khả năng chứng minh một luận thuyết làm sẵn. Dù muốn hay không, họ tự đặt mình vào trong một lập trường dung hoà ở giữa hai phe chống đối nhau, và thường không phải là lập trường thuận tiện nhất.

Và như thế, người ta đã chứng kiến một loạt các can thiệp bất tận, đôi khi nặng nề, theo sau đó là các phản bác không kém nặng nề. Một vài nghi ngờ được nêu lên với các sự kiện rõ ràng có chứng cứ tài liệu; các nghi ngờ khác thì tự ý và có thể theo ý kiến này hay ý kiến nọ. Kết quả đã là sự chia rẽ ngày càng rõ ràng và vô lý trong cuộc tranh cãi của hai bên chống đối nhau, làm giảm sự chú ý tới các lý lẽ tuyệt đối có tính cách khoa học đáng lý ra phải là các lý lẽ duy nhất cần lưu tâm; đàng khác là tình trạng dậm chân tại chỗ như hiện nay. Trong khi đó, còn có rất nhiều việc phải làm để kiểm thực cặn kẽ các phê bình chỉ trích nghiêm chỉnh liên quan tới việc dùng phương pháp tia hồng ngoại than để xác định thời gian của Tấm Khăn Liệm, và nhất là để giải thích các dự kiện đã đạt được một cách đúng đắn.

Hỏi: Nhưng mà đáng lý ra thì cuộc tranh luận khoa học phải phải xảy ra giữa các nhóm khoa học gia và các chuyên viên nghiên cứu thôi chứ, thưa Giáo sư?

Đáp: Vâng, đáng lý ra thì phải như vậy, vì đó là điều đúng đắn theo luận lý. Nghĩa là cuộc thảo luận chỉ ở giữa các nhà khoa học và chuyên viên nghiên cứu Tấm Khăn Liệm để xác định Tấm Khăn Liệm đã được dệt khi nào ra sao và gồm các chất liệu gì, với khả thể là công bố các kết quả thử nghiệm và các nhận định lý thuyết trong các cuộc gặp gỡ và các hội nghị khoa học. Nhưng thật ra đã không xảy ra như thế, bởi vì trong cuộc thảo luận đã có các lý luận không khoa học liên quan tới việc lấy mẫu thử nghiệm và định thời gian không theo các tiêu chuẩn khoa học, mà đúng hơn là theo tiêu chuẩn luân lý đạo đức và sự liêm chính trong cung cách hành xử của những người tham dự công việc điều tra với các tước hiệu khác nhau.

Hỏi: Giới truyền thông có phần lỗi nào trong cảnh hỗn loạn này không?

Đáp: Có. Giới truyền thông chắc chắn đã không giúp cho công việc được dễ dàng hơn, vì họ thường can thiệp một cách rộng rãi vào một ít tin tức nhỏ nhặt, mà lại im lặng đối với các tin nghiêm chỉnh quan trong. Họ hầu như chỉ chú ý tới các tin giật gân trong xác tín vô lý và nguy hiểm rằng đối với giới độc giả trung bình việc hiểu biết các bước tiến, đôi khi rất nhỏ và không có tính cách định đoạt, của việc nghiên cứu, tuyệt đối không quan trọng. Và hậu quả là dư luận công cộng hầu như chỉ biết tới các thảo luận thô kệch và vô nghĩa, mà không biết gì về các nghiên cứu có ý nghĩa và quan trọng.

Thế rồi còn có cuộc tranh cãi giữa hai khuynh hướng quá kích. Một bên bênh vực lập trường chắc chắn Tấm Khăn Liệm này là Tấn Khăn Liệm thật đã bọc xác Chúa Giêsu Kitô, và một bên cho rằng không có tương quan nào giữa hai Tấm Khăn Liệm. Có thể bênh vực lập trường của mình, nhưng cũng phải tôn trọng các tiêu chuẩn của khoa học tân tiến. Ở đây, trái lại, người ta chứng kiến nhiều khẳng định và các tranh luận, khởi hành từ các giả thuyết tuyệt đối tự do và chế sẵn. Người ta sử dụng các lý luận đi ngược lại các luật lệ luận lý sơ đẳng nhất, để đi đến các kết luận không thể chứng minh được.

Hỏi: Thế người ta đi đến các kết luận nào?

Đáp: Nhiều thứ lắm: nào là trên Tấm Khăn Liệm có vẽ hình của nhà danh hoạ và khoa học gia Leonardo di Vinci; nào là Tấm Khăn Liệm là khăn giả thuộc thời Trung Cổ đã dùng các kỹ thuật lạ không được biết ngày nay. Rồi Tấm Khăn Liệm là bằng chứng khoa học của sự sống lại, hay là hậu quả của hiện tượng phóng xạ đặc thù của sự sống lại, làm như thể sự sống lại là một điều tự nhiên, có thể lặp lại được trong phòng thí nghiệm, và vì vậy, có thể xem xét được với các phương pháp khoa học. Và danh sách còn dài lắm.

Gò ép các dữ kiện khoa học hay hoàn toàn lơ là chúng và khởi hành từ các giả thuyết tuyệt đối không có các nền tảng có nghĩa là gây thiệt hại và làm mất uy tín ý nghĩa và sứ điệp khiến cho Tấm Khăm Liệm là vật duy nhất trên thế giới này. Khởi hành từ giả thuyết Tấm Khăn Liệm là khăn bọc xác Chúa Kitô, và tìm mọi cách chứng minh cho điều đó mà không chú ý tới các lý lẽ nghiêm chỉnh và khách quan, hay khởi hành từ việc coi Tấm Khăn Liệm là một tác phẩm giả thời Trung Cổ, thì không chỉ là làm một việc không đúng đắn trên bình diện khoa học, mà còn là lừa dối tất cả những người muốn biết nhiều hơn về Tấm Khăn Liệm, coi các kết luận ấy là thật.

Hỏi: Như vậy, đâu là thái độ đúng đắn nhất, thưa Giáo sư?

Đáp: Thái độ đúng đắn nghiêm chỉnh và liêm chính duy nhất là của người ước muốn hiểu biết sự thật, khiêm tốn kiếm tìm, mà không yêu sách nuốn chứng minh luận thuyết chế sẵn nào cả; trái lại, khước từ tất cả những gì không được chứng minh một cách nghiêm chỉnh và khoa học.

Lập trường của người tìm kiếm quân bình và liêm chính thì khá phiền toái, và ai chọn nó thì phải có can đảm và kiên trì theo đuổi cho đến cùng, bởi vì nó là con đường duy nhất dẫn tới chỗ thực hiện các cuộc tìm kiếm nghiêm chỉnh và có nền tảng, giúp thông tin cho dân chúng một cách trung thực và liêm chính. Lời Đức Gioan Phaolô II nói ngày 24-5-1998 trước Tấm Khăn Liệm phải là kim chỉ nam hướng đẫn nhà nghiên cứu: “Giáo Hội khuyến khích các nhà khoa học đương đầu với việc nghiên cứu Tấn Khăn Liệm mà không có các lập trường chế sẵn coi các kết quả như đương nhiên, mà thực ra không phải như vậy. Giáo Hội mời gọi họ hành động với sự tự do nội tâm và sốt sắng tôn trọng phương pháp khoa học cũng như sự nhạy cảm của các tín hữu”.

(ZENIT 8-6-2012)