Thông phần vào tư tưởng và ước muốn của Chúa trong suốt cả cuộc đời ta

“Cả các con nữa, các con cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Đứng trước câu hỏi của Đức Giêsu, Thánh Phêrô đã trả lời nhân danh các Tông đồ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con sẽ biết đi theo ai? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thầy mới là Đấng Thánh của Thiên Chúa”

 Thông phần vào tư tưởng và ước muốn của Chúa trong suốt cả cuộc đời ta

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin tại Dinh Tông Toà Castel Gandolfo
Chúa Nhật XXI Thường Niên, 23/8/ 2009

Anh chị em thân mến,

Anh chị em đã thấy tay tôi không còn phải băng bột nữa, nhưng bàn tay vẫn chưa hoàn toàn bình phục; tôi còn phải kiên nhẫn thêm một ít thời gian nữa, nhưng dầu sao thì chúng ta cũng phải tiến bước!

Anh chị em biết rằng từ vài Chúa Nhật nay, phụng vụ đề nghị chúng ta suy nghĩ về chương 6 của Phúc Âm theo Thánh Gioan, qua chương này, Đức Giêsu tự giới thiệu mình như “bánh từ trời xuống”, và Người nói thêm: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Đối với những người Do Thái đang hăng hái thảo luận và họ hỏi nhau: “Làm sao ông nầy có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” (c.52), Đức Giêsu nhắc lại với họ: “Nếu anh em không ăn thịt Con Người và uống máu Người, thì anh em sẽ không có sự sống nơi mình” (c.53). Hôm nay, Chúa Nhật XXI Thường Niên này, chúng ta suy niệm về phần kết trong chương 6, trong phần kết luận, Phúc Âm thứ 4 tường thuật phản ứng của dân chúng và của cả các môn đệ, họ cảm thấy chướng tai khi nghe những lời Chúa phán, đến độ nhiều người đã đi theo Người cho đến giờ phút ấy đều kêu lên: “Lời này thật cứng cỏi! Ai mà nghe cho được?” (c.60). Và từ giờ phút ấy trở đi, “nhiều môn đệ đã rút lui, và không còn đi theo Người nữa” (c. 66). Nhưng Đức Giêsu vẫn không giảm nhẹ những lời khẳng định của Người, mà trái lại, Người ngỏ lời trực tiếp với Nhóm 12: “Cả các con nữa, các con cũng muốn bỏ đi hay sao?” (c.67).

Câu hỏi có tính thách thức này không những chỉ nói với cử toạ lúc đó, mà còn liên hệ đến những có người niềm tin và mọi người thuộc mọi thời đại. Ngày hôm nay cũng thế, nhiều người cảm thấy “kỳ chướng” trước nghịch lý của đức tin Kitô giáo. Giáo huấn của Đức Giêsu có vẻ “cứng cỏi”, khó mà chấp nhận và đem ra thực hành được. Lúc ấy, một số người từ chối giáo huấn của Đức Kitô và từ bỏ Người; còn một số người khác thì lại tìm cách thích nghi lời Chúa theo những cách thức của thời đại, bằng cách làm biến thể ý nghĩa và giá trị của lời Chúa. “Cả các con nữa, các con cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Lời thách thức làm cho chúng ta phải lo lắng này vang lên trong tâm hồn chúng ta, và chờ đợi một câu trả lời có tính cách cá nhân từ mỗi người trong chúng ta. Thật thế, Đức Giêsu không bằng lòng với một mối dây lệ thuộc hời hợt và có tính hình thức, đối với Chúa, thì một sự đón nhận đầu tiên đầy hứng khởi vẫn chưa đủ; mà trái lại, ta phải thông phần vào “tư tưởng và ý muốn của Người” suốt cả cuộc đời. Đi theo Người làm cho tâm hồn chúng ta tràn đầy niềm vui, và mang lại cho cuộc hiện sinh của chúng ta trọn vẹn ý nghĩa của nó, nhưng bao hàm những khó khăn và những từ bỏ, bởi vì nhiều khi, ta phải đi ngược lại trào lưu của trần gian này.

Cả các con nữa, các con cũng muốn bỏ đi hay sao?“. Đứng trước câu hỏi của Đức Giêsu, Thánh Phêrô đã trả lời nhân danh các Tông đồ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con sẽ biết đi theo ai? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thầy mới là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c.68-69). Anh chị em thân mến, phần chúng ta cũng thế, chúng ta có thể lập lại câu trả lời của Thánh Phêrô, dĩ nhiên là ý thức đến sự mỏng giòn của con người chúng ta, nhưng tin tưởng vào quyền năng của Thánh Thần, Đấng biểu lộ và tỏ mình ra trong sự hiệp thông với Đức Giêsu. Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa tặng ban cho con người, và đồng thời, là một sự phó thác của con người cho Thiên Chúa, tự do và trọn vẹn, đức tin là một sự ngoan ngoãn lắng nghe lời Chúa là “ngọn đèn” soi bước chúng ta đi và là “ánh sáng” chiếu dọi trên con đường chúng ta đi (x. Tv 119,105). Nếu chúng ta tin tưởng mà mở lòng ra với Đức Kitô, nếu chúng ta để cho Người chinh phục chúng ta, thì chính chúng ta, chúng ta cũng có thể trải nghiệm được, như Cha Thánh quản xứ Ars rằng “hạnh phúc duy nhất của chúng ta trên trần gian này, đó là yêu mến Thiên Chúa và biết rằng Người yêu mến chúng ta”. Hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria luôn duy trì trong lòng chúng ta niềm tin thấm nhuần tình yêu này, niềm tin đã làm cho Đức Maria là người thiếu nữ khiêm nhường thành Nazareth trở thành Mẹ Thiên Chúa, và trở thành Mẹ và là mẫu gương của mọi tín hữu.

Cuối giờ Kinh Truyền Tin

“Hội nghị vì tình hữu nghị giữa các dân tộc” lần XXX đã được khai mạc ngày hôm nay tại Rimini, với chủ đề năm nay là: “Sự hiểu biết luôn là một biến cố”. Tôi xin gởi lời chào thân tình đến tất cả những ai đang tham dự buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa này, và cầu chúc cho buổi gặp gỡ này là một dịp thuận tiện để cho chúng ta hiểu rằng “Hiểu biết không chỉ là một thái độ thể lý, bởi vì (…) cứ mỗi lần chúng ta hiểu biết và cứ mỗi lần chúng ta hành động vì tình yêu, là tâm hồn chúng ta trải nghiệm được một “cái gì đó cao hơn” gần giống như một ân huệ nhận được, một độ cao mà chúng ta muốn vươn lên” (Thông điệp Caritas in Veritate – Bác ái trong chân l‎ý, số 77)

Tôi thân ái chào anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp quy tụ về đây để đọc Kinh Truyền Tin thân mến, đặc biệt là các bạn trẻ thuộc giáo phận Beauvais. Giữa những biến đổi của thế giới, phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chọn lựa, biện phân những gì làm cho chúng ta được sống. Để được thế, chúng ta cần dựa vào Lời Đức Kitô, bởi vì Lời Chúa là Thần Trí và là Sự Sống. Trước khi lại bắt đầu những hoạt động thường lệ của chúng ta, tôi mời gọi anh chị em, trong những ngày cuối tháng 8 này, dùng thời giờ để suy niệm Lời Chúa, và nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể, là nguồn mạch và là đỉnh cao của mọi cuộc sống. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!

Tôi xin chào những người Ba Lan. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người rằng: “Trong các con có những kẻ không tin” (Ga 6,64). Trong Năm linh mục này, chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục, một khi dõi theo gương Thánh Phêrô và các Tông đồ, “đã tin và nhận biết rằng Đức Kitô là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69), họ có thể kiên vững những ai đang nghi ngờ, nhờ chứng tá đời sống của họ. Ước gì mọi người, nhờ thừa tác vụ của các linh mục, có thể cảm nghiệm được hồng ân trở lại và canh tân tâm hồn.

Tôi xin chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.