24/11/2024

Tình yêu tự do và thanh khiết kín múc từ Mình và Máu Đức Kitô làm cho ta trở nên chứng nhân của Người

Qua bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã thiết lập cùng với các môn đệ và cùng với nhân loại Giao ước mới không phải qua những của lễ sát sinh các con vật, như trong quá khứ, nhưng bằng Máu của Người trở nên “Máu của Giao ước mới”.

 Tình yêu tự do và thanh khiết kín múc từ Mình và Máu Đức Kitô làm cho ta trở nên chứng nhân của Người

 

Thánh lễ và kiệu Mình Thánh Chúa tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả
Tại tiền đường Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô
Thứ Năm, Lễ Mình Máu Thánh Chúa, 11/6/2009 

            “Này là Mình Ta, này là Máu Ta” 

 

Anh chị em thân mến, 

 

Những lời Đức Giêsu nói trong bữa Tiệc Ly đều được lập lại qua mỗi Hiến tế Thánh Thể. Chúng ta vừa lắng nghe những lời nói ấy qua Phúc Âm theo Thánh Marco, và chúng còn âm vang mạnh mẽ trong ngày lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay. Lời Chúa dẫn chúng ta đến phòng Tiệc ly, và làm cho chúng ta sống lại bầu khí thiêng liêng của đêm hôm ấy, khi Người cử hành lễ Vượt qua với các Tông đồ, mà qua mầu nhiệm, Chúa đã thể hiện trước hy tế sẽ được kiện toàn vào ngày hôm sau trên Thánh giá. Như thế, chúng ta thấy khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã thể hiện trước và chấp nhận cái chết. Về điểm này, Thánh Ephrem de Syrie đã viết như sau: trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu tự hiến mình; trên Thánh giá, Người bị người ta sát tế (x. Bài ca đóng đinh Khổ giá, 3,1). 

Này là Mình Ta“. Ở đây, ta thấy rõ lời Chúa quy chiếu về ngôn ngữ hiến tế của dân Israel: Đức Giêsu tự giới thiệu mình như của lễ đích thực sau cùng, của lễ mà qua đó việc xoá tội đã được thực hiện, sự xoá tội mà các nghi lễ trong Cựu Ước đã không bao giờ thực hiện được một cách trọn vẹn. Ngoài lời nói này ra còn có hai lời nói khác cũng rất ý nghĩa. Trước tiên, Đức Giêsu Kitô nói rằng Máu của Người “sẽ đổ ra cho nhiều người”, ta có thể dễ dàng hiểu được lời nói này quy chiếu về những bài ca của người Tôi tớ mà ta có thể tìm thấy trong sách Tiên tri Isaia (x. chương 53). Ngoài ra, cùng với câu “Máu của Giao ước”, Đức Giêsu còn cho biết rằng, nhờ cái chết của Người, đã ứng nghiệm lời sấm về Giao ước mới dựa trên lòng trung tín và trên tình yêu vô biên của Con Thiên Chúa làm người, một Giao ước mạnh hơn mọi tội lỗi của nhân loại. Giao ước cổ xưa đã được thiết lập trên núi Sinai qua một nghi thức hiến tế các con vật, như chúng ta đã lắng nghe qua bài đọc một, và dân tộc được Chúa chọn, được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, đã hứa là sẽ thi hành tất cả những giới răn do Thiên Chúa ban truyền (x. Xh 24,3). 

Thật thế, ngay từ lúc khởi đầu, khi đúc con bò vàng, dân Israel đã chứng tỏ họ không thể nào sống trung thành được với lời hứa này và như thế với khế ước mà sau đó thậm chí họ đã còn vi phạm rất nhiều lần, và thích nghi Luật Chúa vào trong quả tim bằng đá của họ, Luật mà đáng lý ra phải dạy cho họ con đường sự sống. Nhưng Chúa không bội hứa, và qua các Tiên tri, Người luôn để tâm nhắc cho họ nhớ lại chiều kích nội tâm của Giao ước, và loan báo rằng Người sẽ viết một Giao ước trong lòng các tín hữu của Người (x. Gr 31,33), và biến đổi họ nhờ ơn Thần Khí (x. Ed 36,25-27). Và qua bữa Tiệc ly, Người đã thiết lập cùng với các môn đệ và cùng với nhân loại Giao ước mới này, phê chuẩn Giao ước mới này không phải qua những của lễ sát sinh các con vật, như trong quá khứ, nhưng bằng Máu của Người trở nên “Máu của Giao ước mới”. Như thế, Người đã thiết lập Giao ước này qua việc Người vâng lời Chúa Cha, và như tôi đã nói, giao ước ấy còn mạnh thế hơn mọi tội chúng ta phạm. 

Điều chúng ta vừa đề cập đến ở trên cũng được nói rõ qua Bài đọc hai được trích từ Thư gởi tín hữu Do Thái. Qua lá Thư này, tác giá thánh tuyên bố Đức Giêsu là “trung gian của một Giáo ước mới” (9,15). Người đã trở nên trung gian nhờ Máu của Người, hay đúng hơn, nhờ việc Người hiến tế chính bản thân mình, một hiến tế mang lại đầy đủ giá trị cho Máu của Người đã đổ ra. Trên Thánh giá, Đức Giêsu đồng thời là hiến lễ và là tư tế: hiến lễ xứng đáng của Thiên Chúa, bởi vì không tì ố, và tư tế tối cao hiến dâng chính mình, dưới tác động của Thánh Thần, và bầu cử cho toàn thể nhân loại. Như thế, Thánh giá là mầu nhiệm tình yêu cứu độ, một mầu nhiệm thanh luyện chúng ta – như Thư gởi tín hữu Do Thái đã nói – khỏi những “công việc chết chóc”, nghĩa là tội lỗi, và Thánh giá thánh hoá chúng ta bằng cách ghi khắc Giao ước mới vào trong tâm hồn chúng ta; Thánh Thể, khi làm cho hy tế Thánh giá hiện diện, đã làm cho chúng ta có khả năng sống hiệp thông trung thành với Thiên Chúa. 

Anh chị em thân mến – tôi xin thân ái chào tất cả mọi người – bắt đầu bằng Đức Hồng y giám quản và các Hồng y khác, cũng như các Giám mục đang hiện diện nơi đây – như dân Chúa chọn quy tụ lại thành cộng đoàn núi Sinai, chúng ta cũng thế, chiều nay, chúng ta cũng muốn nói lại với Chúa lòng trung thành của chúng ta. Cách đây vài ngày, khi khai mạc đại hội thường niên của giáo phận, tôi đã nhắc lại rằng Giáo Hội cần phải lắng nghe Lời Chúa qua kinh nguyện và khi tìm hiểu Sách Thánh, đặc biệt là qua lectio divina, nghĩa là suy niệm và tôn thờ khi ta đọc Sách Thánh. Tôi biết có nhiều sáng kiến đã được cổ vũ trong các giáo xứ, trong các chủng viện, trong các cộng đoàn dòng tu, các hội ái hữu, các đoàn thể và các phong trào tông đồ đã làm cho cộng đoàn giáo phận chúng ta được phong phú hoá. Tôi xin gởi lời chào huynh đệ đến các thành viên trong các tổ chức của Giáo Hội. Các bạn thân mến, sự hiện diện thật đông đảo của các bạn qua buổi cử hành phụng vụ hôm nay đã làm nổi bật sự kiện cộng đoàn chúng ta có đặc tính đa dạng về mặt văn hoá và các kinh nghiệm khác nhau, cộng đoàn đã được Thiên Chúa tác tạo thành dân riêng “của Người”, thành Nhiệm thể duy nhất của Đức Kitô, qua việc chúng ta chân thành tham dự vào hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Được Đức Kitô nuôi dưỡng, là môn đệ của Người, chúng ta lãnh nhận sứ mạng làm “linh hồn” cho thành phố chúng ta (x. Thư gửi Diognète, 6: Nxb Funk, I, o. 400; xem thêm LG, 38), làm men canh tân, làm tấm bánh “được bẻ ra” cho mọi người, đặc biệt cho những ai đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói, đau khổ về mặt thể lý và tinh thần. Chúng ta trở nên những chứng nhân cho tình yêu Chúa. 

Tôi đặc biệt ngỏ lời với anh em, hỡi các linh mục thân mến, anh em là những người đã được Đức Kitô chọn, để cùng với Người, anh em có thể biến cuộc đời của mình thành hiến tế ca ngợi để cứu cứu độ trần gian. Chỉ khi nào kết hiệp với Đức Giêsu, anh em mới có thể rút ra được sự phong nhiêu về mặt tinh thần làm nẩy sinh niềm hy vọng trong thừa tác mục vụ của anh em. Thánh Lêô Cả nhắc lại “việc chúng ta rước Mình và Máu Đức Kitô không hướng về điều gì khác ngoài việc trở nên điều chúng ta đã lãnh nhận” (Bài giảng 12, Về cuộc Khổ nạn 3,7, PL 54). Nếu điều này là đúng cho mọi Kitô hữu, thì đối với các linh mục lại càng đúng hơn nữa. Trở nên Thánh Thể! Ước gì đây là ước muốn và sự dấn thân không ngừng của chúng ta, để cho hồng ân Mình và Máu Chúa mà chúng ta cử hành trên bàn thờ, cùng đồng hành với hy tế của cuộc đời chúng ta. Mỗi ngày chúng ta đều đến kín múc nơi Mình và Máu Chúa tình yêu tự do và tinh tuyền, một tình yêu làm cho chúng ta trở nên những thừa tác viên xứng đáng của Đức Kitô và những chứng nhân cho niềm vui của Người. Điều mà tín hữu mong đợi nơi linh mục là mẫu gương tôn sùng Bí tích Thánh Thể một cách đích thực; họ muốn thấy linh mục quỳ lâu giờ bên nhà tạm, yên lặng và thờ lạy Chúa Giêsu, giống như Cha thánh xứ Ars đã làm, mà chúng ta sẽ nhắc lại một cách đặc biệt nhân Năm thánh Linh mục sắp tới. 

Thánh Gioan Maria Vianney thích nói với giáo dân của mình: “Anh chị em hãy rước lễ… Thật ra anh chị em không xứng đáng, nhưng anh chị em lại cần rước Chúa” (Bernard Nodet, Cha sở Ars. Tư tưởng và con tim của người, NXB Xavier Mappus, Paris 1995, tr. 119). Với ý thức rằng chúng ta không xứng đáng vì tội lỗi, nhưng cần phải cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu mà Chúa tự hiến cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chiều nay chúng ta canh tân niềm tin vào Đức Kitô đang hiện diện thật sự trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta đừng cho rằng mình đã có được niềm tin này rồi! Ngày hôm nay chúng ta thấy có một nguy cơ tục hoá đang đánh lừa chúng ta trong lòng Giáo Hội, nguy cơ tục hoá này có thể biểu lộ qua việc tôn thờ Bí tích Thánh Thể một cách hình thức và trống rỗng, qua những cuộc cử hành mà không có sự tham dự của tâm hồn được biểu lộ qua sự tôn thờ và tôn trọng phụng vụ. Cơn cám dỗ muốn giản lược việc cầu nguyện vào những khoảng thời gian nông cạn và vội vã, bằng cách để cho mình bị cuốn hút bởi những hoạt động và những mối bận tâm trần thế. Lát nữa đây, khi đọc Kinh Lạy Cha là lời kinh tuyệt hảo của chúng ta, chúng ta sẽ thưa với Chúa: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”, dĩ nhiên chúng ta nghĩ đến của ăn hàng ngày cho chúng ta và cho tất cả mọi người. Nhưng lời cầu này còn chứa đựng một cái gì đó sâu xa hơn. Từ Hy Lạp epioúsios, từ mà chúng ta dịch là “ngày hôm nay”, cũng có thể quy về lương thực “vượt lên trên mọi chất thể”, về lương thực “của thế giới mai sau”. Một số Giáo phụ đã thấy nơi đây một quy chiếu về Bí tích Thánh Thể, là bánh ban sự sống vĩnh cửu, là bánh của thế giới mới, bánh ngày hôm nay Chúa ban cho chúng ta trong Thánh lễ, để ngay từ bây giờ, thế giới mai hậu đang bắt đầu trong chúng ta. Như thế, cùng với Bí tích Thánh Thể, trời đã bước xuống trần gian, ngày mai của Thiên Chúa đang hoà trộn với thời hiện tại và thời gian thì như thể đang được sự vĩnh cửu của Thiên Chúa ôm ấp. 

Anh chị em thân mến, cũng như mọi năm, sau Thánh lễ, chúng ta sẽ tổ chức cuộc rước kiệu Thánh Thể theo truyền thống, và qua những lời kinh, những bài ca, chúng ta dâng lên Chúa đang hiện diện trong tấm bánh đã được truyền phép lời cầu khẩn của hết mọi người. Nhân danh toàn Thành phố, chúng ta thưa với Chúa: lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với chúng con, xin ban cho chúng con con người của Chúa, và xin ban cho chúng con của ăn để được sống đời đời! Xin giải thoát thế giới này khỏi nọc độc của ác tà, của bạo lực và hận thù đang đầu độc lương tâm con người, xin dùng sức mạnh quyền năng của tình yêu giàu lòng nhân hậu của Chúa mà thanh luyện thế giới. Và lạy Mẹ Maria, Mẹ là người nữ “Thánh Thể” trong suốt cả cuộc đời, xin giúp chúng con cùng nắm tay nhau tiến về cùng đích nước trời, được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Đức Kitô, là Bánh ban sự sống vĩnh cửu và phương dược mang lại sự bất tử thần linh. Amen!