23/11/2024

Tài liệu khoá tập huấn của UBCLHB

Tài liệu của LS Nguyễn Văn Phương trong khoá tập huấn: “Để tìm được bình an trong bối cảnh kinh tế xã hội, chính trị hiện nay”

 

          NGUYÊN TẮC NỀN TẢNG       
 
               II-             CÔNG ÍCH                                           
                         
Công ích là một quan niệm thiết yếu của mọi lý thuyết xã hội, vì nó là lý do hiện hữu của các cộng đồng chính trị, các tổ chức xã hội và đặc biệt là của Nhà nước. Vì vậy, công ích là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để định hướng, lượng giá và phê phán các chính sách kinh tế – chính trị.
1-         Định nghĩa công ích
Quan niệm công thiện công ích đóng một vai trò rất quan trọng trong đạo đức chính trị. Thánh Tôma sử dụng từ “bonum commune” (mà chúng tôi tạm dịch là công ích) để ám chỉ điều thiện hảo cho mọi người trong xã hội. Đây là điều thiện hảo nền tảng, bởi vì bao gồm thiện hảo của các cá nhân, các cộng đồng cũng như của các quốc gia. Công ích bắt nguồn nơi xã hội tính của con người và trở thành mục đích của tất cả các xã hội muốn xây dựng một cuộc sống chung phát triển, đạo đức, công bằng, hạnh phúc và nhân ái. Đây vừa là thiện ích riêng của mỗi cá nhân, vừa là thiện ích chung của mọi người và của toàn thể xã hội. Chính nơi công ích mỗi phần tử tìm thấy thiện ích của riêng mình và đạt tới sự viên mãn.
Công ích không chỉ là một tổng hợp thuần túy những thiện ích riêng lẻ của các thành phần, và cũng chẳng đồng hoá với thiện ích của Nhà nước hay các đảng phái chính trị. Trong một mức độ nào đó, chúng ta phải nói rằng công ích không phải là một tổng hợp thuần túy những lợi ích vật chất, mà còn bao gồm giá trị tinh thần, gia tài văn hoá, truyền thống dân tộc, lý tưởng cao đẹp của cuộc sống và tất cả những gì mà quan niệm cổ điển gọi là “bonum honestum”, thiện hảo. Từ công ích vì thế luôn được hiểu theo nghĩa tích cực và bao hàm nét đẹp đạo đức. Do đó, không bao giờ có thể gọi công ích của quân cướp, của nhóm mafia hay bọn sát nhân.
Hiện nay, “công thiện-công ích” đã trở thành một trong các nguyên tắc nền tảng của GHXH-CG. Chúng ta gặp thấy nó trong tất cả các văn kiện quan trọng từ thời Đức Leô XIII cho đến thời đại chúng ta. Theo thông điệp Tân sự, “nhà cầm quyền cần dựa trên hệ thống luật pháp và chế độ chính trị để điều khiển và quản trị Nhà nước, nhằm đạt tới sự thịnh vượng chung và riêng. Đó là mục đích của chính trị và trách nhiệm của các nhà cầm quyền. Sự thịnh vượng của các quốc gia phát xuất một cách đặc biệt từ thuần phong mỹ tục, từ trật tự gia đình tốt đẹp, từ việc thực hành tôn giáo và công lý, từ chế độ thuế khoáhợp lý và từ hành động phân phối một cách quân bình chức vụ công quyền, từ sự tiến triển về công nghiệp và thương nghiệp, từ sự phát triển nông nghiệp và từ tất cả các hoạt động mà càng tăng triển càng tạo thêm phúc lợi cho toàn dân”.
Thông điệp “Mẹ và Thầy” giản lược “công ích” vào “tất cả các điều kiện cần thiết giúp con người đạt được sự phát triển toàn diện”. Để thực hiện điều đó, thông điệp “Hoà bình trên thế giới” nhấn mạnh đến vai trò của nhà cầm quyền: “Trong thời hiện đại, thiện ích chung hệ tại việc bảo vệ những quyền lợi và những nghĩa vụ của con người. Vì thế, mối quan tâm chính của nhà cầm quyền là nhìn nhận, tôn trọng, kết hợp, bảo vệ và thăng tiến những quyền lợi đó, nghĩa là phải làm thế nào để mỗi người dễ dàng thực hiện nghĩa vụ của mình. Bởi vì, nhiệm vụ chính của tất cả công quyền là bênh vực những quyền bất khả xâm phạm của con người và làm cho mỗi người dễ dàng chu toàn trách vụ của mình”.
Hiến chế “Gaudium et Spes” cho chúng ta một định nghĩa ngắn gọn và chính xác như sau: “Công ích là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các tập thể hay các phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn”(số 26). Theo bản văn số 74, công ích “bao gồm tất cả những điều kiện của cuộc sống xã hội cho phép cá nhân, gia đình và đoàn thể được phát triển cách trọn vẹn và dễ dàng”.
Qua những trình bày sơ lược ở trên, chúng ta có thể kết luận như sau: Theo nghĩa rộng và bình dân, công ích đồng nghĩa với bất cứ tài sản ngoại tại nào đó, được coi như đích điểm của vô số cá nhân. Tuy nhiên, chúng ta không thể đồng hoá công ích với tổng hợp những ích lợi vật chất hoặc tinh thần của các phần tử trong một xã hội, và cũng chẳng thể định nghĩa nó theo chủ nghĩa duy lợi khi cho rằng công ích là “lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất” bất chấp những thiệt thòi cho những người khác. Theo bản chất, công ích phải là tổng hoà thiện ích của tất cả và của mỗi cá nhân. Xét như là thiện ích chung, công ích phải diễn tả một tình trạng nhân bản và xã hội có phẩm chất cao hơn. Đây là tổng kết tất cả gia tài vật chất lẫn tinh thần, truyền thống và hiện đại của một cộng đồng. Hơn nữa, nó là “gia sản độc đáo”, thiêng liêng và bất khả phân ly của một cộng đồng, vì chính nó đem lại ý nghĩa, lý do hiện hữu và bản sắc cho các sinh hoạt cũng như sự hiện hữu của cộng đồng.  
Trong ý nghĩa đó, công ích không bao giờ tách rời khỏi thiện hảo của con người, nhưng luôn vượt trên ích lợi của mỗi cá nhân riêng lẻ. Công ích đặt nổi chiều kích nhân bản, tinh thần phục vụ và khả năng sáng tạo để năng động hoá cấu trúc xã hội trong toàn bộ, cũng như trong mỗi một khu vực cụ thể, thúc đẩy sự biến đổi ở chiều sâu theo tiêu chuẩn công bằng xã hội. Nhiệm vụ của mọi người, đặc biệt của Nhà nước và hiệp hội dân sự, là tạo nên những mối tương quan tốt đẹp giữa người với người, mối tương quan rất cần thiết để thực hiện những quyền lợi và nghĩa vụ của đời sống xã hội.
2-         Phạm vi bó buộc của công ích
Công ích đòi hỏi mọi người phải tích cực chu toàn bổn phận của mình. Trước hết, công ích đòi hỏi người dân phải tuân hành mệnh lệnh và chỉ thị của nhà cầm quyền để phục vụ thiện ích chung, vì mọi người có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ gia tài chung. Theo Công đồng, “hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi phải cấp bách vượt khỏi thứ luân lý duy cá nhân, bất chấp những diễn tiến của thời cuộc. Đòi hỏi công bằng và bác ái được thực hiện mỗi ngày một hơn nhờ mỗi người, tùy theo khả năng của mình và nhu cầu của những người khác, biết góp phần thực hiện công ích, bằng cách cổ võ và hỗ trợ các tổ chức công cũng như tư nhằm cải thiện điều kiện sống của con người”.
Xã hội dân sự, các hiệp hội, các tổ chức nghề nghiệp, nghiệp đoàn, các tổ chức tôn giáo… đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ công ích. Ở thời đại chúng ta, sự lệ thuộc giữa các nhân vị, giữa các xã hội và các quốc gia mỗi ngày một chặt chẽ hơn. Vì thế, “bất cứ tổ chúc nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, cũng như thiện ích chung của toàn thể gia đình nhân loại”.
Tuy nhiên, công ích đòi buộc một cách đặc biệt những ai đang nắm vai trò lãnh đạo hay có trách nhiệm trong cộng đồng. Trách nhiệm hàng đầu của Nhà nước là thiết lập một hệ thống pháp lý, phù hợp với luật tự nhiên và nhân quyền, cũng như đòi hỏi của thời đại, để giải quyết một cách hợp lý không những mối tương quan giữa các cá nhân với nhau, mà còn giữa cá nhân với xã hội. Nói cách khác, chính Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng những điều kiện thiết yếu về trật tự công cộng, an ninh xã hội, tăng trưởng kinh tế, môi trường văn hoá, đạo đức, giáo dục thích hợp cho việc thực hiện thiện ích của mỗi người và của toàn thể xã hội.
Theo Vatican II, nhà cầm quyền chỉ thi hành quyền bính một cách hợp pháp “khi mưu cầu công ích cho tập thể liên hệ và đạt tới mục đích này bằng những phương tiện mà luân lý cho phép. Nếu nhà cầm quyền đưa ra những luật lệ bất công hay sử dụng những biện pháp trái đạo đức, lương tâm không buộc phải theo. Trong trường hợp này, quyền bính không còn chính nghĩa nữa, mà đã thoái hoá thành áp bức”
Sách “Giáo lý Hội Thánh Công giáo” khai triển quan niệm trên và đúc kết vào ba điểm căn bản sau đây:
a)- “Trước hết, công ích đòi phải tôn trọng con người với tư cách là nhân vị. Nhân danh công ích, chính quyền có bổn phận tôn trọng các quyền căn bản và bất khả nhượng của con người. Xã hội phải giúp cho các thành viên thực hiện ơn gọi của mình. Đặc biệt, công ích tạo điều kiện để con người có thể thực thi các quyền tự do tự nhiên không thể thiếu để phát triển ơn gọi làm người như “quyền hành động theo quy tắc ngay thẳng của lương tâm, quyền bảo vệ đời tư và quyền tự do chính đáng, cả trong phạm vi tôn giáo nữa”.
b)- “Kế đến, công ích phải dẫn đến sự sung túc xã hội và sự phát triển tập thể. Phát triển là tổng hợp của mọi bổn phận xã hội. Dĩ nhiên, nhiệm vụ của nhà cầm quyền là, nhân danh công ích, đứng ra làm trọng tài giữa các quyền lợi riêng tư khác nhau. Tuy nhiên, công quyền phải giúp mỗi người có được những gì cần thiết để sống đúng với phẩm giá con người: lương thực, y phục, sức khỏe, việc làm, giáo dục, văn hoá, được thông tin đầy đủ, quyền xây dựng một gia đình, v.v.
c)- “Sau hết, công ích còn phải kiến tạo hoà bình, tức là một trật tự đúng đắn, ổn định và lâu dài. Điều kiện này giả thiết rằng Nhà cầm quyền phải bảo đảm an ninh cho xã hội và cho các thành viên trong xã hội bằng những phương thế liêm chính. Công ích cũng đặt nền tảng cho quyền tự vệ chính đáng của cá nhân và tập thể” (số 1906-1909).
Tóm lại, đòi hỏi của công thiện công ích luôn hướng tới sự phát triển toàn diện con người và mọi người, nhưng chúng lệ thuộc vào điều kiện xã hội và kỹ thuật của mỗi giai đoạn lịch sử. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, công ích đặt ưu tiên nơi việc “dấn thân xây dựng hoà bình, tổ chức công quyền, định chế pháp lý vững chắc, bảo vệ môi sinh, cung ứng những dịch vụ thiết yếu cho con người, mà một phần cũng thuộc về nhân quyền, như: thực phẩm, nhà ở, việc làm, giáo dục, văn hoá, chuyên chở, sức khỏe, thông tin tự do và tự do tôn giáo”[1].
3- Tương quan giữa công ích và nhân vị
Công ích là đối tượng trực tiếp của tất cả các hoạt động chính trị – xã hội và là trách nhiệm của mọi người, đặc biệt của cơ quan công quyền. Nhưng đâu là mối tương quan giữa công ích với nhân vị?
Giữa lợi ích cá nhân và xã hội luôn hiện diện những căng thẳng muôn thuở. Mối tương quan phức tạp này cần được giải quyết, trong từng trường hợp cụ thể, dựa trên mức thang giá trị và vai trò ưu tiên. Chính vì vậy, không thể nhân danh sức nặng của nguyên tắc công ích để thẳng tay loại trừ bất cứ lợi ích cá nhân nào: Khi các cá nhân phục vụ công ích, thì trong dài hạn cũng đảm bảo cho lợi ích của chính mình, và mỗi khi các cá nhân được phát triển thì tập thể cũng được phát triển.
 Theo quan điểm Công giáo, “nhân vị không bị tan biến trong cộng đồng nhân loại, tính tự trị cũng không bị huỷ diệt, như từng xảy ra trong các hình thức khác nhau của chế độ toàn trị, trái lại nhân vị được tôn trọng hơn, bởi vì tương quan giữa cá nhân và cộng đồng là tương giữa một tổng thể đối với một tổng thể khác. Cũng như cộng đồng gia đình không xoá bỏ các nhân vị của thành viên và cũng như Giáo hội đánh giá cao “thụ tạo mới”, được hội nhập vào Nhiệm thể sống động nhờ bí tích thánh tẩy, thì sự hợp nhất của gia đình nhân loại không làm tan biến các nhân vị, các dân tộc và các văn hoá, mà làm cho chúng được trong sáng hơn đối với nhau và được kết hợp hơn trong sự đa dạng hợp pháp”. Nói rõ hơn, xét theo phương diện công dân, mỗi người là thành phần xã hội và có nhiệm vụ phục vụ công thiện công ích; nhưng xét theo tư cách nhân vị, con người lại chính là chủ thể của xã hội và ở trên công thiện, công ích.
Công ích là mục đích và lý do hiện hữu của cộng đồng chính trị, nhưng không phải là giá trị tuyệt đối khi đối diện với nhân vị. Vì thế, ở đâu không bảo đảm phẩm giá con người, ở đâu thiếu vắng trật tự công cộng, ở đâu vắng bóng công lý hay an hoà xã hội, nơi đó không thể tìm gặp sự thăng tiến con người và khó có thể đạt tới mục đích của công ích. Nói cách khác, công ích chỉ vượt trên ích lợi cá nhân theo nghĩa mỗi cá nhân có bổn phận và trách nhiệm phục vụ lợi ích của xã hội hay tổ chức, mà người đó là thành viên. Nhưng, như chúng ta đã trình bày ở trên, GHXH-CG không chấp nhận giản lược con người vào thành phần xã hội hay hội viên của một tổ chức mà thôi. Trên hết và trước hết, con người vẫn là nhân vị, nghĩa là chủ thể và mục đích của mọi tổ chức xã hội, cơ cấu chính trị, cũng như của chính công ích.    
Chính trong bối cảnh đó, Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Trật tự xã hội và tất cả tiến bộ của nó phải luôn luôn hướng tới lợi ích của các nhân vị, bởi vì trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không phải ngược lại. Điều này chính Chúa đã ám chỉ khi Người nói rằng ngày hưu lễ được lập nên vì con người chứ không phải con người được dựng nên cho ngày hưu lễ (…). Để chu toàn những điều trên, cần đổi mới tâm thức và có những thay đổi sâu rộng trong xã hội”.
Cuốn “Toát yếu Học thuyết xã hội của Giáo hội” rất có lý để tái xác quyết rằng “công ích của xã hội không phải là một mục đích tự tại. Nó chỉ là một giá trị phụ thuộc để đạt tới những mục đích sau cùng của nhân vị và công ích tổng quát của toàn thể thụ tạo. Thiên Chúa mới là mục đích cuối cùng của tất cả thụ tạo và chẳng bao giờ người ta có thể tước đoạt khỏi công ích chiều kích siêu việt, một chiều kích vừa vượt lên trên, vừa hoàn thành chiều kích lịch sử”. Loại trừ chiều kích tâm linh, tôn giáo và đạo đức sẽ giản lược công ích vào chiều kích thuần túy lịch sử và vật chất. Vô hình trung, công thiện công ích sẽ chỉ còn là một thiện ích thuần túy xã hội và kinh tế, mà chẳng còn những chiều kích chân, thiện, mỹ sâu thẳm đã từng là lý do hiện hữu của nó.
III-    NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ
 
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, nguyên tắc bổ trợ đang trở thành một quan niệm thời thượng và thực sự đã đóng góp tích cực trong những cuộc tranh luận về mô hình cộng đồng châu Âu. Chính hiệp ước Maastricht cũng nhìn thấy nơi nguyên tắc bổ trợ định hướng hữu ích cho việc hội nhập tương lai của cộng đồng châu Âu (art. 3b). Có người gọi nó là mô hình tân thời để điều phối mối tương quan phức tạp giữa các tổ chức quốc tế với các quốc gia, giữa Nhà nước với xã hội dân sự, giữa cơ quan trung ương với các cộng đồng địa phương, cũng như giữa cơ chế chính trị với các tổ chức khác.
1-         Một cái nhìn lịch sử
Diễn ngữ “nguyên tắc bổ trợ” tương đối mới xuất hiện, nhưng đã được sử dụng nhiều trong triết lý xã hội Công giáo suốt mấy thế kỷ vừa qua. Hơn nữa, xét về nội dung, nguyên tắc này bắt nguồn từ kinh nghiệm ngàn đời của các hiền nhân và khá quen thuộc trong tư tưởng nhân loại.       
Theo nguyên ngữ, bổ trợ diễn tả ý tưởng trợ giúp và can thiệp của một tổ chức cấp trên để yểm trợ các cơ cấu xã hội hay tổ chức thấp hơn, nhưng không chủ trương làm thay hay làm suy giảm trách nhiệm của các tổ chức này. Đây là hành động “can thiệp kỹ thuật” của thẩm quyền hay tổ chức cấp trên để hỗ trợ các cấp dưới. Hành động này chỉ thực hiện khi cấp dưới không thể hay không đủ khả năng để tự mình thực hiện một công tác nào đó, hoặc thực hiện nó một cách kém hiệu quả.
Nguyên tắc bổ trợ đòi hỏi tôn trọng sự hiện hữu, tính tự lập và thẩm quyền của các tổ chức trung gian như hiệp hội, nhà trường, tôn giáo, nghiệp đoàn, khu phố, làng xóm… Những cơ cấu trung gian này tạo nên nền tảng của một cộng đồng nhân vị đích thực và cho phép hình thành các cấu trúc xã hội cao hơn. Do đó, Nhà nước nên cổ võ sự phát triển của “xã hội dân sự” và không nên làm thay những gì các cấp dưới có thể làm được.
Thánh Tôma đề cao nguyên tắc bổ trợ và yêu cầu tôn trọng tính tự lập, cũng như hình thức đa dạng của xã hội. Ngài cho rằng chủ trương nhất loạt hoá hay đồng nhất hoá đe dọa sự hiện hữu của nền Cộng hoà được kiến tạo bởi nhiều thành phần, cũng như trong một buổi hoà nhạc âm điệu và sự hoà hợp của các bè bị phá vỡ khi mọi người chỉ hát cùng một nốt nhạc. Theo thi hào Dante, hoàng đế không nên trực tiếp nhúng tay vào những chuyện nhỏ nhặt của mỗi thành thị, bởi vì mỗi quốc gia, vương quốc và thành thị có những đặc tính và những sắc thái riêng. Do đó cần phải có những luật lệ riêng phù hợp với mỗi hoàn cảnh.
Vào thế kỷ XIX, trước khi GHXH-CG chính thức ra đời, Giám mục Ketteler đã trình bày một cách rõ nét mối tương quan giữa Nhà nước với các thành phần xã hội khác theo nguyên tắc bổ trợ. Nhà nước không phải là một cỗ máy vô hồn, mà là một cơ thể sống cấu tạo bởi những thành phần sống động, trong đó mỗi thành phần có quyền lợi, có trách nhiệm và có vận hành riêng, như   biểu lộ của chính cuộc sống tự do. Các thành phần này có thể là cá nhân, gia đình, cộng đồng hay những tổ chức trung gian. Trong trường hợp bình thường, nên để các thành phần cấp dưới được tự do vận hành, chọn lựa, quyết định và tự trị trong lãnh vực riêng. Chỉ khi nào các thành phần cấp dưới không đủ khả năng để tự mình đạt tới mục tiêu hoặc không thể đương đầu với những vấn đề quan trọng, và sự bất lực này có nguy cơ gây tổn thương cho sự phát triển hay sinh tồn của chính tổ chức, lúc đó thẩm quyền cấp cao mới can thiệp để bổ trợ.
2-         Theo Giáo huấn xã hội của Giáo hội
Các văn kiện của Giáo hội khai triển nguyêntắc bổ trợnày và biến nó thành một trong những quan niệm bền vững và độc đáo của GHXH-CG.  Đức Leô XIII yêu cầu để cho gia đình quyền được quyết định độc lập trong phạm vi riêng và cho giới thợ thuyền quyền được tổ chức nghiệp đoàn. Ngài nhắc nhở các nhà cầm quyền nhiệm vụ bảo vệ các hiệp hội hợp pháp của các công dân, “tuy nhiên không nên nhúng tay vào lãnh vực quản trị và kỷ luật nội bộ; bởi vì một trào lưu sống động luôn phát sinh từ nguyên tắc nội tại, trong khi những áp lực bên ngoài thường bóp nghẹt nó”.
Đức Piô XI tiếp tục khai triển và bảo vệ nguyên tắc này, bất chấp bối cảnh chính trị – xã hội khắc nghiệt của các chế độ độc tài và toàn trị ở giai đoạn đó. Thông điệp “Quadragesimo anno” chủ trương rằng Nhà nước và thẩm quyền cấp cao không được vô hiệu hoá thẩm quyền cấp thấp. Trái lại, Nhà nước cần đề cao và bảo vệ tính tự lập của các hiệp hội và nhóm nhỏ hơn: “Nếu như việc tước đoạt khỏi các cá nhân điều mà họ có thể chu toàn với khả năng riêng để trao nó cho cộng đồng là không hợp lý, thì cũng chẳng hợp lý tý nào việc trao phó cho một xã hội lớn và cao cấp hơn những gì mà những cộng đồng nhỏ và thấp hơn có thể làm được. Điều đó gây ra một thiệt hại lớn và một sự đảo lộn trật tự hữu lý của xã hội; bởi vì mục đích tự nhiên của bất cứ sự can thiệp nào của chính xã hội là để giúp đỡ bằng cách bổ trợ các thành phần của cơ cấu xã hội, chứ không phải nhằm phá đổ và huỷ diệt chúng”.
Đức Gioan XXIII cho rằng việc Nhà nước can thiệp vào sinh hoạt xã hội là hợp pháp và cần thiết để bảo đảm an ninh, bảo vệ công bằng xã hội, cổ võ sự phát triển và mưu cầu công ích. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, hành động can thiệp của Nhà nước để khuyến khích, thúc đẩy, phối hợp, bổ túc và hội nhập chỉ đem lại hiệu quả nếu tôn trọng sáng kiến, sự tự lập và thẩm quyền của các cá nhân, cũng như các tổ chức trung gian, theo định hướng của nguyên tắc bổ trợ.
Trong thông điệp “Hoà bình trên thế giới”, Ngài tiếp tục khai triển quan điểm này và đề nghị nới rộng tầm ảnh hưởng của nó sang các lãnh vực tương quan quốc tế: “Trong mỗi nước, mối quan hệ giữa công quyền với công dân, với gia đình, cũng như với các đoàn thể trung gian phải được điều hành theo nguyên tắc bổ trợ. Cũng từ nguyên tắc này, nên điều hành mối quan hệ giữa quyền bính quốc tế với chính quyền các quốc gia. Quyền bính của các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ cứu xét và giải quyết những gì mà công ích toàn cầu nêu ra trong lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị hay văn hoá. Vì đây là những vấn đề phức tạp, bao la và khẩn cấp, nên nhà cầm quyền các quốc gia không hy vọng một mình có thể giải quyết nổi. Tuy nhiên, quyền bính của cộng đồng quốc tế không được hạn chế phạm vi hoạt động của thẩm quyền các quốc gia và càng không nên thay thế họ. Trái lại, mục đích của cơ quan quốc tế là góp phần kiến tạo, trên bình diện thế giới, một môi trường cho phép các chính quyền quốc gia, các công dân và các tổ chức trung gian có thể chu toàn trách nhiệm, thi hành nghĩa vụ và sử dụng quyền lợi của mình một cách an toàn hơn”.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã tóm lược một cách rõ ràng và giản dị nguyên tắc bổ trợ như sau: “Giáo huấn xã hội của Giáo hội đã đưa ra nguyên tắc bổ trợ, theo đó “một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp, làm mất thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết và giúp nó phối hợp hành động của mình với những hoạt động của tập thể khác, để mưu cầu công ích”. Thiên Chúa không muốn dành cho riêng mình việc thi hành mọi quyền hành. Người trao lại cho mỗi thụ tạo những phận vụ có thể thi hành theo khả năng của bản tính riêng. Cách lãnh đạo này phải được noi theo trong đời sống xã hội. Đường lối hành động của Thiên Chúa khi cai trị thế giới cho thấy Người rất tôn trọng quyền tự do của con người. Đó phải là đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền trong các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những người thừa tác viên của Chúa quan phòng. Nguyên tắc bổ trợ đi ngược với mọi hình thức duy tập thể, nêu lên những giới hạn cho hành động can thiệp của Nhà nước, dung hoà mối tương quan giữa cá nhân với xã hội, và hướng tới việc thiết lập một trật tự quốc tế đích thực”.
3-        Trong lãnh vực kinh tế – chính trị
Nhìn lại lịch sử thế giới trong hai thế kỷ vừa qua, chúng ta thấy rằng trong một thời gian khá dài, nhân loại phải hứng chịu nhiều hậu quả khốc hại của cuộc đối đầu gay gắt giữa mô hình kinh tế tự do và mô hình kinh tế chỉ huy. Tại một số nơi và vào một số giai đoạn, chủ trương bảo vệ mậu dịch, quốc hữu hoá và kế hoạch hoá kinh tế được đề cao như những biện pháp hữu hiệu nhất để phát triển đất nước. Quyền tư hữu, sáng kiến cá nhân và tự do thị trường hoàn toàn bị phủ nhận. Từ khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ do chính những mâu thuẫn và yếu kém nội tại, mọi người thấy rõ chính bao cấp đã dẫn đưa kinh tế đến chỗ bế tắc, lạc hậu và tốc độ tăng trưởng thấp. Kinh tế tự do trở thành mô hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế đau thương đã cải chính quan niệm “lạc quan ngây thơ” coi thị trường tự do như thuốc thần trị bách bệnh, giải quyết được mọi khó khăn kinh tế và đem lại phúc lợi đồng đều cho mọi người, mọi nước và mọi nơi.
Chính trong bối cảnh đó, nguyên tắc bổ trợ đang cống hiến cho nhân loại một đóng góp thật ý nghĩa: Cần nối kết hài hoà hành động hỗ tương giữa thị trường, Nhà nước và xã hội dân sự. Để đạt tới một phát triển toàn diện và bền vững, cần khai thác những ưu điểm của thị trường và tránh những hình thức can thiệp vô ích của Nhà nước vào lãnh vực sản xuất. Nhưng để thị trường tiếp tục phát triển sở trường và giảm thiểu sở đoản của nó, rất cần đến “bàn tay pháp lý” của Nhà nước và “bàn tay liên đới” của xã hội dân sự. Đó là một trong những đề nghị nòng cốt của nguyên tắc bổ trợ.
Ngay trong thông điệp xã hội đầu tiên, Đức Leô XIII đã đề cập đến vai trò phục vụ công ích của Nhà nước: khi các cá nhân hay các cơ chế trung gian không thể chu toàn nhiệm vụ của mình, hoặc không có phương tiện để phục vụ công ích thì Nhà nước cần mạnh dạn can thiệp vì thiện ích chung. Tuy nhiên, theo đúng tinh thần của nguyên tắc bổ trợ, “ngay từ đầu cần khẳng định rằng trong lãnh vực kinh tế phải dành vai trò ưu tiên cho các sáng kiến cá nhân, dù họ hoạt động một mình hay liên kết với người khác dưới nhiều hình thức để cùng nhau theo đuổi công ích”.
 Nói rõ hơn, “các hoạt động dự phòng của Nhà nước trong lãnh vực kinh tế, dù rộng rãi và sâu sắc đến đâu chăng nữa, vẫn không được hạn chế tự do sáng kiến của công dân. Trái lại phải gia tăng tự do này bao lâu quyền căn bản của mỗi người vẫn được bảo vệ hữu hiệu. Trong các quyền này, phải kể đến quyền và bổn phận của mỗi người là chu cấp cho các nhu cầu cuộc sống của mình và của gia đình mình. Điều này giả định rằng mỗi người phải được phép và được tạo cơ hội để dấn thân vào hoạt động sản xuất trong các hệ thống kinh tế”.
Thông điệp “Hoà bình trên thế giới” mở rộng nguyên tắc bổ trợ sang lãnh vực quốc tế. Tương tự như những gì đã trình bày trong phạm vi quốc gia, trên bình diện quốc tế “nhà cầm quyền của cộng đồng quốc tế phải đối phó và giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá do công ích toàn cầu đặt ra”. Dĩ nhiên, đây là “những vấn đề lớn lao, phức tạp và khẩn cấp mà nhà cầm quyền của mỗi cộng đồng chính trị không đủ khả năng để giải quyết”, chính vì vậy cần đến sự bổ trợ của cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm bách chu niên thông điệp “Tân Sự”, Đức Gioan Phaolô II mời gọi mọi người nhìn lại quá khứ và đọc lại bản văn của các thông điệp xã hội để tái khám phá các nguyên tắc nền tảng hàm chứa trong đó. Được công bố sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, thông điệp “Bách chu niên” nhìn nhận vai trò quan trọng của thị trường trong sinh hoạt kinh tế ở thời đại chúng ta. Thông điệp yêu cầu cổ võ tự do và sáng kiến cá nhân trong sinh hoạt kinh tế, nhưng cũng mạnh mẽ phản kháng quan điểm coi thị trường như “thuốc thần trị bách bệnh”, đồng thời kêu gọi Nhà nước cũng như xã hội dân sự tích cực bảo vệ quyền lợi của người lao động nói riêng và nhân quyền nói chung trong lãnh vực kinh tế.
 Đây là một công tác quan trọng, nhưng phức tạp và tế nhị. Cần tránh những bất cập và thái quá. Trong mọi trường hợp, “phải tôn trọng nguyên tắc bổ trợ: một xã hội cấp trên không được can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của xã hội cấp dưới đến độ tước đoạt thẩm quyền riêng của xã hội này. Tốt hơn nên bổ trợ trong trường hợp cần thiết và giúp đỡ để nối kết hoạt động của tổ chức này với các tổ chức xã hội khác, trong ý hướng phục vụ công ích”.
Đồng thời, ngài đã sáng suốt cảnh giác những người nghĩ rằng, với sự thất bại của “chủ nghĩa xã hội hiện thực”, kinh tế thị trường sẽ là mô hình kinh tế duy nhất và lý tưởng nhất cho nhân loại. Bởi vì, “giải pháp Mácxít thất bại, nhưng vẫn còn đó hiện tượng bị loại trừ và bóc lột trong thế giới, đặc biệt ở Thế giới Thứ ba, cũng như tình trạng vong thân trong các nước phát triển (…). Hơn nữa, còn có nguy cơ bành trướng ý thức hệ quá khích mang màu sắc chủ nghĩa tư bản, triệt để tín nhiệm nơi giải pháp tự do phát triển những năng lực của thị trường”. Vì vậy, cần cố gắng hơn nữa để kiếm tìm một mô hình kinh tế phù hợp hơn, trong đó thị trường “được giám sát bởi các lực lượng xã hội và Nhà nước, ngõ hầu thoả mãn những đòi hỏi căn bản của tất cả xã hội”.
Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho nhật báo “La Stampa” (1993) ở Torino (Italia), Đức Gioan Phaolô II đã trình bày, một cách thẳng thắn, quan điểm của ngài trước những diễn biến của lịch sử và mối quan tâm đối với tương lai của nhân loại. Theo ngài, “cuộc chiến chống lại các chế độ bất công và toàn trị rất chính đáng (…). Tuy nhiên, nhận định của Đức Leô XIII cũng rất đúng khi cho rằng trong hệ thống chủ nghĩa xã hội cũng có “một số mầm chân lý”. Chúng ta không thể để những mầm chân lý này “bị phá huỷ hoặc cuốn theo chiều gió”. Đã hẳn, “chủ nghĩa tư bản hiện tại không còn là thứ chủ nghĩa tư bản ở thời Đức Leô XIII”. Nhưng bất chấp những biến đổi quan trọng trong các nước phát triển, “tại một số nước trên Trái đất, chủ nghĩa tư bản vẫn xuất hiện ở dạng thức hoang dã, y nguyên như trong các thế kỷ đã qua”.
Nhìn lại những đau thương, sóng gió và xung đột trong quá khứ, chúng ta có thể coi nguyên tắc bổ trợ như một mô hình vừa hiện đại, vừa hài hoà trong tương quan giữa Nhà nước, thị trường và xã hội dân sự, cũng như giữa cộng đồng quốc tế và cộng đồng địa phương. Nguyên tắc này không hề phủ nhận quyền và bổn phận can thiệp của thẩm quyền cấp trên, nhưng đề nghị một “hình thức can thiệp tích cực” trong đó luôn luôn nhìn nhận vai trò của thẩm quyền cấp dưới, cũng như tính tự lập và sáng kiến của mỗi tổ chức. Đây là một mô hình quân bình và hài hoà, nằm giữa mô hình “Nhà nước bao cấp” với thứ mô hình “Nhà nước từ nhiệm” hay “thị trường hoang dã”, phó mặc cho các cá nhân tự do chọn lựa và quyết định hoàn toàn theo tiêu chuẩn của xã hội tiêu thụ.
Đức Biển Đức XVI cho rằng nguyên tắc bổ trợ sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động chung giữa tín hữu với các thành phần khác trong xã hội, vào thời đại dân chủ, tự do, đa văn hoá và đa tôn giáo. “Xét như một cách diễn tả sự tự do bất khả chuyển nhượng của con người, nguyên tắc bổ trợ là một biểu lộ đặc biệt về tình yêu và tiêu chuẩn hướng dẫn việc cộng tác huynh đệ giữa tín hữu với những người vô tín. Trước tiên, bổ trợ là một trợ giúp cho con người, ngang qua sự tự lập của các cơ quan trung gian. Sự trợ giúp này được đề nghị khi con người và các chủ thể xã hội tự mình không thể thực hiện được phận vụ của mình và nó luôn hàm chứa mục tiêu giải phóng, bởi vì nó tạo điều kiện cho tự do và tham gia với tinh thần trách nhiệm. Bổ trợ tôn trọng phẩm giá con người khi nhìn họ như một chủ thể có khả năng trao ban một cái gì đó cho người khác”.
 Được công bố vào giữa cuộc khủng hoảng sâu thẳm của toàn cầu hoá, thông điệp “Caritas in veritate” nhìn thấy nơi nguyên tắc bổ trợ “một nguyên tắc đặc biệt thích hợp để hướng dẫn toàn cầu hoá và để định hướng nó về một phát triển đích thực nhân bản. Để không phát sinh một quyền lực toàn cầu nguy hiểm mang tính chuyên chế, việc lãnh đạo toàn cầu hoá phải mang tính bổ trợ, được nối kết ở nhiều cấp đô và theo nhiều bình diện cộng tác khác nhau. Chắc chắn toàn cầu hoá phải có một quyền bính, bởi vì liên hệ đến vấn đề theo đuổi công ích toàn cầu. Tuy nhiên quyền bính này phải được hành xử theo cách thế bổ trợ và phân tầng, để không làm tổn thương đến tự do, cũng như thực sự hữu hiệu”.
 
IV-   NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI
 
            Chưa bao giờ nhân loại sở hữu nhiều của cải, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ và tri thức như hôm nay, nhưng cũng chưa bao giờ số người bị đói tăng cao và hố phân cách giàu nghèo sâu thẳm như ở giai đoạn toàn cầu hoá này. Số người bị đói tăng cao chưa từng thấy! Tại sao có hiện tượng phi lý và phi nhân này?
            Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh lương thực năm 1996 do FAO tổ chức đã đưa ra mục tiêu toàn cầu là đến năm 2015 sẽ giảm 50% số người bị đói trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu đó, mỗi năm nhân loại phải giảm 24 triệu người đói. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2000, mỗi năm chỉ giảm khoảng 2,5 triệu người đói, trong khi đó số người chết đói hàng năm cao gấp đôi con số này.
Cũng theo báo cáo của FAO, năm 1998-2000 số người đói ăn trên thế giới đã lên tới khoảng 840 triệu, trong số đó 799 triệu thuộc các nước nghèo, 30 triệu thuộc các nước mới phát triển và 11 triệu thuộc các nước đã phát triển. Mặc dù Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục tái khẳng định cam kết đến năm 2015 sẽ giảm một nửa số người bị đói, nhưng trên thực tế số người bị đói cứ vùn vụt tăng cao: Năm 2008 là 915 triệu người, nhưng năm 2009 đã lên tới 1,2 tỷ người bị đói. Đây là con số người bị đói lớn nhất trong lịch sử và như vậy, cứ 6 người đang sống trên hành tinh này thì có một người bị đói.
Tại sao càng chống đói thì số người bị đói lại càng tăng? Tại sao ở thời toàn cầu hoá, giữa lúc nhân loại đã lên mặt trăng và đang thám hiểm sao hoả, thế mà cứ 6 giây thì ở đâu đó trên địa cầu này, có một trẻ em chết vì đói?
Người ta đã đưa ra nhiều lối giải thích, trong đó yếu tố tăng dân số, chiến tranh, mất mùa, khủng hoảng kinh tế và thiếu đầu tư cho nông nghiệp… được coi là nguyên nhân. Cũng có người đổ lỗi cho các tập đoàn đa quốc gia đã mua hoặc thuê dài hạn đất nông nghiệp của các nước nghèo để sản xuất các loại nông sản nguyên liệu phục vụ lợi ích của người giàu chứ không nhằm bảo đảm an ninh lương thực trên thế giới.
Bất chấp nguyên do và lối giải thích như thế nào đi chăng nữa, thì không ai có thể chấp nhận tình trạng đói ăn của 1,2 tỷ người giữa nhân loại giàu sang và có đầy đủ khả năng kỹ thuật để loại trừ nghèo đói. Giáo chủ Biển Đức XVI đã khẳng khái nói lên tiếng nói của lương tri trước Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh lương thực của tổ chức Lương – Nông Liên Hiệp Quốc (FAO): “Nạn đói không do thiếu tài nguyên vật chất cho bằng thiếu tài nguyên xã hội, trong đó thiếu hụt quan trọng nhất thuộc về cơ cấu tổ chức. Thực vậy, hiện đang thiếu một cơ cấu các tổ chức kinh tế có khả năng bảo đảm lương thực và nước uống một cách thường xuyên và thích hợp, cũng như có thể đáp ứng các nhu cầu căn bản và khẩn thiết do cuộc khủng hoảng lương thực gây ra”.
Nói cho cùng, nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng nghèo đói ở thời toàn cầu hoá này không chỉ nằm ở điều kiện vật chất hay khả năng kỹ thuật, mà trước tiên do thiếu quyết tâmthiếu tình liên đới. Một dẫn chứng điển hình là “Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về An ninh Lương thực” được tổ chức tại Roma, vào tháng 11 năm 2009, chỉ vỏn vẹn khoảng 60 nguyên thủ quốc gia tham dự, trong số đó có Giáo chủ Biển Đức XVI. Điều đáng lưu ý nhất là không có một nguyên thủ nào của nhóm quốc gia giàu nhất – G8 – hiện diện tại Hội nghị, ngoại trừ Thủ tướng Ý với lý do là nước chủ nhà.
1.         Quan niệm liên đới
            Xây dựng trên nền tảng triết lý xã hội, liên đới (solidarité, solidarity, solidaridad) nhìn con người như một hữu thể xã hội, một đồng bào, một thành phần của nhân loại và nhất là một nhân vị. Vận mệnh của mỗi người được nối kết và gắn chặt với vận mệnh của bao nhiêu người khác. Chiều kích liên đới này là yếu tố nền tảng của con người sống bên nhau và sống với nhau trong một thế giới.
Ở đây, tình liên đới bao hàm ý tưởng hiệp thông, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy có trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho đồng loại. Vượt trên những đòi hỏi của pháp lý theo nghĩa chặt, liên đới mời gọi mọi thành viên trong xã hội cố gắng thực hiện những công tác cứu trợ, giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tương thân tương ái hay đấu tranh nhằm xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái hơn.
            Mặc dù ý tưởng liên đới đã hiện diện nơi nhiều tôn giáo và văn hoá, nhưng quan niệm liên đới được sử dụng trong triết lý xã hội hiện đại khai sinh ở giai đoạn cách mạng Pháp 1789 và phổ biến rộng rãi vào thời hậu cách mạng. Nó được sử dụng trước tiên trong lãnh vực tư pháp để diễn tả sự ràng buộc pháp lý giữa chủ nợ với con nợ. Trách nhiệm pháp lý này có thể được thay thế bởi một người khác, nếu chính đương sự không có khả năng chu toàn lời cam kết của mình. Khi quan niệm này được sử dụng trong lãnh vực nhân học và xã hội học thì càng làm rõ nét hơn ý nghĩa nhân bản của “sợi dây liên đới”: không còn là một thứ vị tha chủ nghĩa hay thái độ quảng đại chung chung trong tương quan đối với người khác, mà trước hết là một trách nhiệm mang tính bổn phận đối với tha nhân trong lãnh vực xã hội.
            Với thời gian, liên đới trở thành một thứ “chìa khoá” vàmột “diễn ngữ giàu ý nghĩa” để diễn tả mối dây liên kết chặt chẽ và linh thiêng trong lãnh vực đạo đức xã hội: Xét như là con người, chúng ta kết thành một khối, một thực tại bền vững và một gia đình nhân loại. Chính bản tính con người, ý thức nhân loại và nghĩa đồng bào của những người cùng một giống nòi hay cùng đồng hành trên con thuyền nhân loại, đòi hỏi chúng ta phải có tâm tình, hành vi, trách nhiệm liên đới với nhau. Chúng ta đồng trách nhiệm với nhau và phải đối xử với nhau theo quy luật liên đới: Ý thức, cảm thông và chấp nhận điều kiện nhân loại như một thân phận chung, trong đó mọi người liên đới và đồng hành với nhau.
                Quan niệm liên đới này dẫn chúng ta đến trung tâm điểm của đạo đức học hiện đại: Đề cao mối tương quan giữa chủ thểtha tính. Triết gia Emmanuel Levinas và Paul Ricoeur là hai người tranh đấu không mệt mỏi cho chiều kích liên đới này. E. Levinas đề nghị làm triết học theo hướng khác: Thay vì khép kín trong “tự thân” để rồi rơi vào cá nhân chủ nghĩa, ông đề nghị mở rộng cánh cửa cho tha nhân. Thay vì thứ “hữu thể thuần túy” theo lối nhìn của Heidergger, Levinas trình bày mối tương quan sinh động mới, trong đó không còn giản lược tất cả vào tương quan giữa chủ thể với đối tượng, mà nhằm hướng tới một lối tiếp cận khác, một tương quan đặc biệt với tha nhân.
            Dưới cái nhìn của Levinas, “tha tính” chính là một cách thế khác để hiện hữu, cho phép con người thực hiện chính mình một cách phong phú và tốt đẹp hơn. Nói cách khác, để đạt tới việc thực hiện “tự thân” đích thực thì cần phải thực hiện “tự tha”. Levinas thú nhận: “Tương quan với tha nhân bắt buộc tôi phải đặt lại vấn đề về chính mình. Nó lột trần chính bản thân tôi và không ngừng lột trần tôi, giúp tôi luôn khám phá trong chính mình những nguồn năng lực mới”.
“Tha tính” của Levinas vừa là một “cái tôi khác”, vừa là “người khác tôi”. Tha tính vượt ra ngoài chiều kích thuần túy hữu thể, đoạn tuyệt với tính tự túc và tự lập của một lý trí xây dựng trên cái tôi tuyệt đối, cô đơn và khép kín, để đặt mình trong chiều kích tương quan của viễn cảnh đạo đức liên đới.
Trong viễn tượng triết lý xã hội đó, liên đới trở thành một vấn đề khẩn thiết cho nhân loại hôm nay. Nó luôn giả thiết công lý, nhưng đi xa hơn công lý hay công bằng xã hội. Một mặt, như Victoria Camps đã ghi nhận, “lòng chung thuỷ đối với bạn bè, lòng cảm thương đối với một người bị ngược đãi, việc hỗ trợ người bị bách hại, hành động dấn thân vào những chuyện coi như thất bại hoặc không được đại chúng ái mộ, không thể tạo thành một bổn phận đích thực của công bằng, nhưng chắc chắn là bổn phận của liên đới”.
Mặt khác, với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và nền kinh tế tri thức, sự phát triển của các nước giàu lệ thuộc nhiều ở khả năng sáng tạo và việc biến đổi kỹ thuật nội tại hơn là hành động trấn lột các nước nghèo. Chính vì thế, không thể dễ dàng đồng hoá những “người bị loại trừ” trong nền kinh tế tri thức với những “người bị bóc lột”, hiểu theo quan niệm Mác-xít. Lý do giản dị là trong hệ thống kinh tế hiện nay, những người nghèo không hẳn là những người bị bóc lột, mà đúng hơn là những người bị loại trừ. Bởi vì họ chỉ là những lao động phổ thông hay bị thất nghiệp, nên đã trở thành những cánh tay thừa thãi trong một nền kinh tế ngày càng chuyên nghiệp, đề cao chất xám và sáng tạo. Do đó, không dễ dàng dựa trên công bằng xã hội theo nghĩa cổ điển để đòi hỏi quyền lợi cho họ, nhưng luôn luôn vẫn có thể nêu lên những yêu sách đạo đức từ viễn tượng liên đới với những người ít may mắn, bị thiệt thòi hay bất cứ vì lý do bất hạnh nào khác.
 
2-         Liên đới, một nhân đức Kitô giáo
Ngay trong những dòng đầu tiên của Hiến chế “Giáo hội trong thế giới hôm nay”, Công đồng Vatican II long trọng xác quyết tình liên đới với con người và thế giới hôm nay: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, nhất là của những người nghèo và của những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, buồn khổ và âu lo của các môn đệ Đức Kitô. Không có gì đích thực nhân loại mà lại không có âm vang nơi cõi lòng người môn đệ Đức Kitô”.
            Công đồng đặt nguyên tắc liên đới trên căn bản thần học về tạo dựng: “Thiên Chúa đã muốn rằng tất cả mọi người làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ. Thật thế, mọi người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng đã “tạo thành họ từ một người duy nhất và cho họ ở trên khắp mặt đất” và họ cũng được gọi tới cùng một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa”.
Nhân danh tình huynh đệ đại đồng, Công đồng kêu gọi mọi người quảng đại chiến thắng cá nhân chủ nghĩa và vụ lợi chủ nghĩa để mưu cầu công ích, đặc biệt cần nghĩ đến nhu cầu của những người nghèo: “Mỗi người phải nhìn nhận và tôn trọng liên đới như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay. Bởi vì thế giới càng hợp nhất thì hiển nhiên những bổn phận của con người càng vượt lên trên những nhóm riêng rẽ và dần dần sẽ lan rộng tới toàn thế giới”.
Thông điệp “Phát triển các dân tộc” (1967) của Giáo chủ Phaolô VI đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển và liên đới giữa các dân tộc, “nhất là các dân tộc đang cố gắng thoát khỏi đói nghèo, lầm than, bệnh tật, ngu dốt”. Trước hố cách biệt giàu nghèo quá sâu thẳm và quá phi nhân, “các dân tộc đói khổ đang cật vấn các dân tộc giàu sang một cách bi thảm. Giáo hội run rẩy trước tiếng kêu bi thảm và mời gọi mọi người đáp trả lời kêu cứu của anh em mình bằng tình yêu”.
 Phát triển con người toàn diện và mọi dân tộc là chủ đề của thông điệp. Đây là một sứ vụ khó khăn và là trách nhiệm của mọi người. Bởi vì, “mọi người là thành phần của xã hội và thuộc về toàn thể nhân loại. Vì vậy, không phải chỉ là người này hay người kia, mà là tất cả mọi người đều được mời gọi thực hiện phát triển toàn diện (…). Được thừa hưởng từ các thế hệ đi trước và đang thụ hưởng thành quả lao động của những người đương thời, chúng ta có trách nhiệm đối với tất cả và chúng ta không thể thờ ơ với những người đến sau chúng ta để nới rộng đại gia đình nhân loại. Liên đới phổ quát là một hiện thực, một lợi ích cho mọi người và đồng thời là một trách nhiệm”.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ban hành thông điệp “Phát triển các dân tộc”, Giáo chủ Gioan Phaolô II công bố thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội”(1987). Xoay quanh lý tưởng liên đới và tương quan giữa thái độ liên đới với phát triển, Đức Gioan Phaolô II đã phác họa bức tranh toàn cảnh về thế giới hiện đại, đầy ánh sáng và bóng tối, đồng thời đưa ra những đề nghị nhằm thăng tiến con người cũng như các dân tộc.
Theo thông điệp, “hành động liên đới không phải là một thứ tình cảm mơ hồ hay xúc động hời hợt trước những khổ đau của bao nhiêu người xa gần. Ngược lại, đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững dấn thân cho công ích, nghĩa là cho lợi ích của mọi người và của từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về mọi người. Một quyết tâm như vậy dựa trên xác tín vững chắc rằng việc phát triển toàn diện đang bị cản trở bởi lòng ham muốn lợi nhuận và khát khao quyền lực. Chỉ có thể chiến thắng những thái độ và những “cơ cấu tội lỗi” ấy – dĩ nhiên là với ơn Chúa – nhờ một thái độ hoàn toàn đối nghịch: Dấn thân phục vụ lợi ích của tha nhân, sẵn sàng chết, theo tinh thần Tin Mừng, cho người khác thay vì bóc lột họ và “phục vụ” thay vì đàn áp họ để mưu cầu tư lợi”.     
            Đề tài liên đới này, trước tiên được áp dụng cho lãnh vực kinh tế – xã hội. Đây là lãnh vực khó khăn và nan giải nhất, nhưng cũng chính ở nơi đây tình liên đới mới mang tính chất hiện thực và hữu hiệu. Trong phạm vi quốc gia, “việc thi hành tình liên đới trong mỗi xã hội chỉ hiện thực khi các thành viên nhìn nhận nhau như nhân vị. Những người có nhiều của cải, cần ý thức trách nhiệm đối với những người yếu kém hơn và sẵn sàng chia sẻ với họ tài sản của mình. Trong cùng một chiều hướng liên đới, những người kém may mắn, không được chọn lựa thái độ thuần túy thụ động hoặc phá huỷ mối tương quan xã hội. Ngay cả khi tranh đấu cho những quyền lợi chính đáng của mình cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình đối với công ích. Về phần mình, những nhóm trung gian không được nhấn mạnh một cách ích kỷ quyền lợi riêng của mình, mà cần tôn trọng quyền lợi của những người khác”.
            Thông điệp nhìn thấy một số hình thức liên đới mới mẻ và tích cực trong thế giới hôm nay: “Sự gia tăng ý thức về tình liên đới giữa người nghèo với nhau, các sáng kiến của họ để ủng hộ nhau, các cuộc biểu tình công khai bất bạo động trên diễn đàn xã hội để đòi hỏi quyền lợi và nhu cầu của họ, trước sự bất lực và thối nát của nhà cầm quyền. Vì dấn thân theo Tin Mừng, Giáo hội cảm thấy được mời gọi đứng về phía quần chúng nghèo đói này để phân biện tính công lý trong những yêu sách này và góp phần thoả mãn chúng, mà không lãng quên lợi ích của các nhóm khác trong khuôn khổ công ích”.
            Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hoá như ở thời đại chúng ta, không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được mọi vấn đề. Do đó, vấn đề phát triển toàn diện trong tình liên đới chỉ có thể thực hiện được khi có sự cộng tác của các nước trên thế giới, nhất là các nước giàu. Thông điệp đề nghị phải làm sao để “việc đồng lệ thuộc (giữa các nước trên thế giới) biến thành liên đới, dựa trên nguyên tắc vận mệnh phổ quát của tài sản: Tất cả những gì mà công nghiệp sản xuất, bằng cách biến chế nguyên liệu thiên nhiên với sự đóng góp của lao động con người, phải phục vụ lợi ích của mọi người”.
            Từ viễn cảnh đó, Giáo chủ Gioan Phaolô II mời gọi các nước giàu mạnh nhất thế giới biết vượt qua chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi để “ý thức trách nhiệm đạo đức đối với các nước khác, với mục tiêu thiết lập một cơ cấu quốc tế đích thực, xây dựng trên sự bình đẳng giữa mọi dân tộc và trên nghĩa vụ tôn trọng sự khác biệt hợp pháp của các dân tộc. Các nước yếu kém nhất về mặt kinh tế hoặc đang ở ranh giới của sự sống còn, cần được các nước khác và cộng đồng quốc tế hỗ trợ, nhưng chính họ cũng có thể đóng góp cho công ích bằng kho tàng nhân bản và văn hoá của mình”.
                Theo truyền thống lâu đời của Kitô giáo, nguyên tắc liên đới nối kết một cách sâu thẳm với nguyên tắc công ích và định mệnh phổ quát của tài sản. Chính vì vậy, sau khi đã tỉ mỉ phân tích ý nghĩa và trách nhiệm của liên đới ở lãnh vực vi mô cũng như vĩ mô, thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội” viết thêm: “Thiết tưởng cần nhắc lại một lần nữa nguyên tắc đặc biệt của Giáo huấn xã hội Kitô giáo: Ban đầu, tài sản của thế giới được trao phó cho mọi người. Dù quyền tư hữu hợp pháp và cần thiết đến đâu đi chăng nữa, cũng không huỷ bỏ giá trị của nguyên tắc nói trên. Thật vậy, trong quyền tư hữu đã khắc ghi một “cầm cố xã hội”, nghĩa là được nhìn nhận, như phẩm chất nội tại, một trách nhiệm xã hội được xây dựng và biện minh một cách thực sự nơi nguyên tắc định mệnh phổ quát của tài sản”.
            Sâu xa và quan trọng hơn, liên đới không phải chỉ là những điều kiện cần thiết cho công cuộc phát triển con người toàn diện, mà hơn nữa còn là một “thái độ luân lý” và “một nhân đức Kitô giáo”. Sau khi đề cập đến điểm tương đồng giữa tình yêu và liên đới, Đức Gioan Phaolô II viết thêm mấy dòng thật sâu sắc và thâm thuý về liên đới. Vì tính chất độc đáo của vấn đề, chúng tôi xin trích dẫn hai đoạn chính sau đây:
“Dưới ánh sáng đức tin, liên đới vươn tới việc vượt qua chính mình, để mặc lấy những chiều kích đặc thù của Kitô giáo về thái độ hoàn toàn vô vị lợi, thứ tha và hoà giải. Như vậy, tha nhân không chỉ là một hữu thể nhân loại, có quyền lợi và sự bình đẳng nền tảng với mọi người, nhưng trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa (…). Do đó, tha nhân phải được yêu mến, ngay cả khi họ là thù địch, bằng chính tình yêu mà Chúa đã yêu thương họ, và phải sẵn sàng hy sinh cho họ, ngay cả với hành động cực độ: “Thí mạng sống vì anh em mình”.
Ngỏ lời với các tham dự viên trong phiên họp khoáng đại lần II của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Xã hội, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố: “Cuộc cạnh tranh chính đáng đang năng động hoá đời sống kinh tế không được chống lại quyền lợi căn bản của con người là có việc làm để nuôi sống gia đình. Thật vậy, làm sao gọi một xã hội là giàu có, nếu trong đó nhiều người không có điều kiện cần thiết để sống? Bao lâu một con người bị tổn thương và biến dạng vì nghèo đói, thì chính xã hội, trong một nghĩa nào đó, cũng bị tổn thương”.
3-         Liên đới trong thời toàn cầu hoá
 GHXH-CG công nhận toàn cầu hoá là một thực tại lịch sử, nhưng vẫn không ngừng mời gọi nhân loại cố gắng loại bỏ mặt trái bi thảm của nó. Vì vậy, Giáo hội vẫn không ngừng nêu lên thách đố cho thời đại là làm sao xây dựng một toàn cầu hoá bớt loại trừ và một xã hội thực sự liên đới? Làm sao để mô hình toàn cầu hoá hiện tại sẽ đem lại phúc lợi và vận may cho nhiều người hơn? Giáo chủ Biển Đức XVI sẽ giúp chúng ta tiếp tục đào sâu vấn đề quan trọng này.
Mấy năm gần đây, đầu tư vào nông nghiệp đang ở mức rất cao trên thế giới. Nhưng điều đáng lo ngại là sự mất quân bình trầm trọng về an ninh lương thực cũng tăng theo, bởi vì nhu cầu về lương thực tiếp tục gia tăng do sự thay đổi trong ẩm thực, do thu nhập gia tăng ở các thị trường mới nổi, do một số chính phủ và tập đoàn lớn đang tìm cách sở hữu đất đai ở các nước nghèo để đảm bảo an ninh lương thực cho nước họ hay để tạo ra năng lượng sinh học từ cây lương thực với mục đích kiếm nhiều tiền hơn… Ngỏ lời trước Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh lương thực của tổ chức Lương – Nông thế giới (FAO), Giáo chủ Biển Đức XVI đã thẳng thắn nêu vấn đề đau lòng và phi lý nhất của thời đại: Tại sao ở thời đại toàn cầu hoá, giữa lúc nhân loại có nhiều của cải và khả năng kỹ thuật nhất để tận diệt nghèo đói, thì số người bị đói lại tăng cao nhất? Đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề nhức nhối này?
Sau những lời chào nghi thức, Giáo chủ Biển Đức XVI đã đi thẳng vào vấn đề nhận diện nguyên nhân gây nên nạn đói và đề nghị một số giải pháp: “Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế phải đương đầu với cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và tài chánh. Các thống kê cho thấy sự gia tăng bi thảm số người bị đói. Góp phần vào tình trạng này có việc tăng giá lương thực, sự suy giảm khả năng kinh tế của tầng lớp dân chúng nghèo nhất, việc thu hẹp khả năng tiếp cận thị trường cũng như thực phẩm. Tất cả những điều đó xảy ra giữa lúc người ta xác nhận rằng Trái đất có khả năng nuôi sống tất cả mọi người dân trên thế giới. Thật vậy, cho dù tại một số miền, sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục ở mức độ thấp, đôi khi do thay đổi khí hậu, nhưng nói chung nông sản thế giới đủ để thoả mãn nhu cầu hiện nay cũng như nhu cầu có thể dự kiến trong tương lai. Những dữ kiện đó chứng tỏ nạn đói không phải do sự gia tăng dân số, và chúng ta càng thấy rõ điều đó qua sự kiện đáng tiếc là người ta tiêu huỷ lương thực để bảo toàn lợi tức”.
   Ngay trong thông điệp “Tình yêu trong chân lý” ban hành mấy tháng trước đó, Đức Giáo chủ cho rằng sự yếu kém về cơ cấu xã hội – chính trị – kinh tế trên mức độ toàn cầu là nguyên nhân chính của tình trạng khủng hoảng hiện nay. Theo thông điệp, “nạn đói ít tùy thuộc vào việc thiếu tài nguyên vật chất cho bằng thiếu các tài nguyên xã hội, trong đó quan trọng hơn cả là thiếu về cơ chế. Thực vậy, hiện đang thiếu một tổ chức về các cơ cấu kinh tế có khả năng bảo đảm lương thực và nước uống một cách thường xuyên và thích hợp, cũng như có thể đáp ứng các nhu cầu căn bản và cấp thiết do cuộc khủng hoảng lương thực gây ra (…). Vấn đề thiếu an ninh lương thực phải được cứu xét và giải quyết trong viễn cảnh dài hạn, nhằm loại bỏ các nguyên nhân cơ cấu gây ra tình trạng ấy, đồng thời thăng tiến sự phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo nhất, qua sự đầu tư vào những cơ cấu hạ tầng ở nông thôn, hệ thống dẫn thuỷ nhập điền, chuyên chở, tổ chức thị trường, huấn luyện và phổ biến các kỹ thuật canh tác thích hợp, nghĩa là có khả năng sử dụng tốt nhân lực, cũng như các tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên kinh tế xã hội dễ tìm thấy nhất tại địa phương, bằng cách bảo đảm cho chúng sự bền vững trong dài hạn”.
Chủ trương liên đới được coi là một con đường thích hợp để giúp các nước nghèo sớm thoát khỏi tình trạng chậm tiến và tránh những căng thẳng xã hội hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh viện trợ kinh tế và kỹ thuật, cần phải có những canh tân về cơ cấu xã hội – chính trị thích hợp. Rất tiếc nhân loại vẫn thiếu một cơ cấu xã hội – chính trị phù hợp với giai đoạn toàn cầu hoá, cho nên nhiều chương trình và kế hoạch của cộng đồng quốc tế chưa có hiệu năng và chưa trả lời cho yêu sách của thời đại. Do đó, “cho dù các nước nghèo nhất ngày nay được hội nhập vào nền kinh tế thế giới nhiều hơn so với trước kia, nhưng cách thức vận hành của thị trường quốc tế làm cho các nước này dễ bị tổn thương hơn và buộc họ phải cần đến sự trợ giúp của các tổ chức liên chính phủ, dù rằng các cơ quan này mang lại một sự hỗ trợ quý giá và không thể thiếu được”.
Để chương trình liên đới trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế đạt được hiệu quả, Đức Biển Đức XVI đề nghị, một mặt, cần duyệt xét lại những hình thức tài trợ cho nông phẩm đang gây xáo trộn trầm trọng cho lãnh vực nông nghiệp và những hình thức đầu tư duy lợi nhuận đặt lương thực ngang hàng với các loại hàng hoá khác; mặt khác, các chương trình hợp tác cần đếm kể đến nguyên tắc bổ trợ và phải làm sao để có sự tham gia tích cực của xã hội dân sự. Bản văn sau đây của thông điệp “Tình yêu trong chân lý” cho thấy rõ hơn vấn đề:
Nguyên tắc bổ trợ cần liên kết chặt chẽ với nguyên tắc liên đới và ngược lại, bởi vì bổ trợ mà thiếu vắng liên đới thì sẽ rơi vào một thứ địa phương xã hội, trong khi đó liên đới mà không có bổ trợ sẽ dẫn đến một thứ trợ cấp xã hội, dễ hạ giá những người túng thiếu. Cần lưu ý đến quy luật tổng quát nói trên, nhất là khi đối diện với những vấn đề liên hệ đến viện trợ quốc tế cho phát triển (…). Viện trợ kinh tế, để thực sự giữ được bản chất của nó, không được theo đuổi những mục đích phụ. Viện trợ này được trao tặng không những với sự tham gia của chính quyền những nước tiếp nhận, mà còn với các tác nhân kinh tế địa phương và những người hoạt động văn hoá trong xã hội dân sự, bao gồm cả các Giáo hội địa phương. Các chương trình viện trợ phải ngày càng mang đặc tính hội nhập và tham gia từ cơ sở. Nên lưu ý rằng tài nguyên có giá trị nhất trong các nước đang phát triển chính là tư bản nhân văn: Đó chính là tư bản đích thực cần làm tăng trưởng để đảm bảo cho các nước nghèo nhất một tương lai độc lập thực sự. Cần nhớ rằng, trong lãnh vực kinh tế, hình thức viện trợ chính mà các nước đang phát triển cần thiết đó là cho phép và khuyến khích việc từng bước đưa sản phẩm của họ vào thị trường quốc tế, nhờ vậy các nước này có thể tham gia vào đời sống kinh tế quốc tế”.
Chiều kích liên đới cũng bao hàm trách nhiệm liên đới với thế hệ tương lai. Chính ở nơi đây cần đặt lại mối tương quan giữa phát triển và bảo vệ môi trường. “Các dự án phát triển nhân bản toàn diện không thể lãng quên các thế hệ tương lai, nhưng phải xây dựng trên tình liên đới và công bằng liên thế hệ, bằng cách để ý đến các chiều kích đa diện: môi sinh, pháp lý, kinh tế, chính trị, văn hoá”.
 Dưới cái nhìn của GHXH-CG, liên đới có tương quan rất mật thiết, phong phú và độc đáo với tình yêu: liên đới giả thiết công bằng, nhưng đi xa hơn công bằng để vươn tới tình yêu. Từ quan điểm Kitô giáo, Giáo chủ Biển Đức XVI đã cống hiến cho chúng ta một suy tư thần học thật sâu sắc và thâm thúy: “Liên đới được năng động hoá bởi tình yêu thì vượt qua công bằng, bởi vì yêu thương là trao tặng, dâng hiến “điều thuộc về tôi” cho người khác. Liên đới chẳng có thể hiện hữu khi vắng bóng công bằng. Chính công bằng thúc đẩy ta trả lại cho người khác “điều thuộc về họ” và điều thuộc về họ theo phương diện hữu thể cũng như hành động. Thật thế, tôi không thể trao tặng người khác “điều thuộc về tôi” mà trước tiên không trả lại cho họ điều thuộc về họ theo công bằng. Nếu muốn hướng tới việc loại trừ nạn đói thì hoạt động quốc tế không những phải ưu đãi một tăng trưởng kinh tế quân bình và bền vững cũng như ổn định chính trị, mà còn tìm kiếm những tham số mới – thiết yếu là đạo đức, kế đó là pháp lý kinh tế – có khả năng gây cảm hứng để sáng tạo một mô hình hợp tác có thể tạo nên mối tương quan bình đẳng giữa những quốc gia có mức độ phát triển khác biệt nhau”.
Một lần nữa Giáo chủ tái khẳng định hành động dấn thân cố hữu của Giáo hội để khích lệ phát triển toàn diện cũng như để chống lại nghèo đói. “Nạn đói là dấu hiệu tàn ác nhất và cụ thể nhất của nghèo đói. Không thể tiếp tục chấp nhận cuộc sống sung túc và hoang phí khi thảm cảnh của nghèo đói ngày càng bành trướng (…). Giáo hội Công giáo luôn quan tâm đến những cố gắng chống đói. Giáo hội luôn luôn hỗ trợ những nỗ lực chống đói. Giáo hội luôn ủng hộ, bằng lời nói và hành động, các hoạt động liên đới mà tất cả các thành viên của Cộng đồng quốc tế được mời gọi thực hiện. Giáo hội không chủ trương can thiệp vào những lựa chọn chính trị. Tôn trọng kiến thức và thành quả khoa học, cũng như những chọn lựa theo quyết định của lý trí (…), Giáo hội liên kết các cố gắng với nhau để loại trừ nạn đói. Đó là dấu hiệu trực tiếp và cụ thể nhất của liên đới được năng động hoá bởi tình yêu (…). Tình liên đới này đặt tin tưởng nơi kỹ thuật, pháp luật và các cơ cấu để trả lời cho khát vọng của các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc, nhưng nó cũng không loại trừ chiều kích tôn giáo, một chiều kích ẩn chứa sức mạnh tâm linh có khả năng phục vụ sự thăng tiến của con người”.
 
V- ƯU TIÊN CHỌN LỰA NGƯỜI NGHÈO
 
Nguyên tắc “Ưu tiên chọn lựa người nghèo” là một đề tài rất quen thuộc trong truyền thống Kitô giáo. Chúng ta gặp thấy nội dung của đề tài này trong nhiều sứ điệp của Cựu và Tân Ước, cũng như nơi nhiều bản văn của các Giáo phụ và các thánh Tiến sĩ Hội Thánh. Tuy nhiên, dụng ngữ “ưu tiên chọn lựa người nghèo” chỉ mới xuất hiện ở giai đoạn hậu Công đồng Vatican II và có một nguồn gốc rõ rệt. Thật vậy, chính tại châu Mỹ Latin đã khai sinh quan điểm này và sau đó được phổ biến rộng rãi khắp hoàn cầu.
1-         Thời hậu công đồng Vatican 2
Thông điệp “Tân Sự” và tất cả các thông điệp kế tiếp đều không ngừng quan tâm đến giới thợ thuyền và tất cả lớp người nghèo khổ được Đức Kitô yêu thương cách đặc biệt. Tuy nhiên, quan niệm mà hiện nay chúng ta gọi là “ưu tiên chọn lựa người nghèo” thực sự chỉ bắt nguồn từ một lời mời gọi mang “tính ngôn sứ” của Đức Gioan XXIII và hình thành ở châu Mỹ Latin vào giai đoạn cuối thập niên 60’ của thế kỷ XX. Đây là chương trình mục vụ của Giáo hội tại châu Mỹ Latin và là một nét đặc trưng của nền thần học tại lục địa này.
Chúng ta biết rằng một tháng trước khi khai mạc Công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đề xuất đề tài Giáo hội của những người nghèo: “Đối diện với các nước đang phát triển, Giáo hội là, và muốn là, Giáo hội của mọi người và đặc biệt Giáo hội của những người nghèo”. Đây là một trong ba đề tài căn bản của ngài. Hai đề tài kia là: vấn đề đại kết và đối thoại với thế giới hôm nay. Một số Nghị phụ mong ước ba chủ đề trên trở thành ba định hướng của Công đồng.
Nhưng bất chấp những lời lẽ chân thành và thấm đượm tính ngôn sứ trong một vài bản văn, đề tài Giáo hội của người nghèo chưa trở thành chủ đề của Vatican II. Hai chủ đề của Công đồng vẫn là: Vấn đề hiệp nhất giữa các Kitô hữu và đối thoại với thế giới hôm nay, vì chúng có một tầm quan trọng đặc biệt đối với các Giáo hội ở Tây phương.
Nếu tại phương Tây, một số người cho rằng Công đồng Vatican II đến quá muộn và có những người đã nghĩ đến một Vatican III, thì đối với nhiều Giáo hội địa phương, Công đồng thực sự đã mở ra một viễn cảnh mới. Tất cả vấn đề hệ tại môi trường xã hội và khả năng tiếp thu, cũng như áp dụng Công đồng vào thực tại cuộc sống của mỗi nước. Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể nói rằng Đại Hội các Giám mục châu Mỹ Latin tại Medellín (1968) đã thực hiện thành công việc tiếp thu văn kiện và tinh thần của Công đồng Vatican II cho thực tại riêng của châu Mỹ Latin. Có thể coi đây là một tiếp nối linh động và độc đáo, với nhiều tính sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa mục vụ nhất.
Để trả lời cho thách đố đặc biệt của một lục địa mà đại đa số dân chúng là người Công giáo – nhưng trớ trêu thay lại là một trong những lục địa nghèo đói và bất công nhất – đề tài “Giáo hội nghèo và của người nghèo”, bị xếp vào hàng thứ yếu trong Công đồng, đã trở thành đề tài chính ở châu Mỹ Latin. Tài liệu Đại hội lần II của các Giám mục châu Mỹ Latin tại Medellín, có một chương đặc biệt về “Giáo hội nghèo”, với chủ trương “ưu tiên thực sự cho thành phần nghèo, thiếu thốn và những người bị bỏ rơi, bất cứ vì lý do nào”. Ưu tiên này có nghĩa là Giáo hội tại châu Mỹ Latin “đảm nhận những vấn đề và cuộc tranh đấu của những người nghèo như của chính mình, biết nói thay cho họ. Điều này được cụ thể hoá qua việc tố cáo bất công và áp bức, qua cuộc chiến Kitô giáo chống lại tình trạng bất bao dung mà thông thường người nghèo là nạn nhân”.
Lời mời gọi này được các phong trào, các cộng đồng nền tảng, các giáo xứ và, đặc biệt, các nhà thần học nhiệt liệt hưởng ứng, rồi triển khai qua những hành động dấn thân cụ thể nhằm phục vụ người nghèo. Chính trong bối cảnh đó, khuynh hướng thần học mục vụ dành ưu tiên cho những người bị thua thiệt trong xã hội đã phát triển tại châu Mỹ Latin. Sau này, Đại Hội các Giám mục châu Mỹ Latin tại Puebla đã công nhận và khai triển nó thành nguyên tắc “ưu tiên chọn lựa người nghèo”.
Theo nhận định sâu sắc của thần học gia Gustavo Gutiérrez, ở châu Mỹ Latin vào giai đoạn đó, “ưu tiên chọn lựa người nghèo, nói cho cùng, có nghĩa là một chọn lựa Thiên Chúa mà Đức Kitô loan báo cho chúng ta (…). Tất cả Kinh Thánh, kể từ trần thuật về Cain và Abel, được đánh dấu bởi tình yêu ưu tuyển của Thiên Chúa đối với những người bé mọn và bị ngược đãi trong lịch sử nhân loại. Ưu tiên chọn lựa này biểu lộ rõ rệt tình yêu cho không của Thiên Chúa. Các mối phúc của Tin Mừng mạc khải cho chúng ta một cách hết sức giản dị rằng ưu tiên chọn lựa người nghèo, người đói khát và khổ đau có nền tảng nơi lòng từ bi nhân hậu của Chúa.
Động lực cuối cùng của hành động dấn thân phục vụ người nghèo và người bị áp bức không nằm trong những phân tích xã hội mà chúng ta sử dụng, trong niềm cảm thương nhân bản của chúng ta hay trong kinh nghiệm trực tiếp mà chúng ta có thể tìm gặp nơi cảnh nghèo. Tất cả những cái đó là lý do hữu lý đóng một vai trò quan trọng trong hành động dấn thân của chúng ta, tuy nhiên, đối với Kitô hữu, ưu tiên chọn lựa này được xây dựng một cách triệt để nơi Thiên Chúa của niềm tin. Đây là một chọn lựa quy thần và mang tính ngôn sứ, được bén rễ trong tình yêu cho không của Thiên Chúa và đòi hỏi bởi tình yêu này”.
2- Trong truyền thống của Giáo hội
Một trăm năm sau đọc lại thông điệp “Tân Sự”, Đức Gioan Phaolô II làm sáng tỏ “mối quan tâm cũng như hành động liên tục của Giáo hội nhằm nâng đỡ những người được Đức Kitô đặc biệt yêu thương”. Theo ngài, nội dung của một số bản văn trong thông điệp “Tân Sự” là một bằng chứng tuyệt vời về tính liên tục trong Giáo hội đối với điều mà người ta gọi là “ưu tiên lựa chọn người nghèo”, một sự lựa chọn mà thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội” định nghĩa như một “hình thức đặc biệt ưu tiên trong việc thực thi đức bác ái Kitô giáo”. Như vậy, thông điệp về “vấn đề thợ thuyền” (Tân Sự)là một thông điệp về người nghèo và về điều kiện lầm than, trong đó đa số quần chúng phải ngụp lặn, vì tiến trình kỹ nghệ hoá mới mẻ và thường tàn bạo vào lúc đó. Ngay cả hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, những tiến trình biến đổi kinh tế, xã hội và chính trị cũng đang tạo nên tệ nạn tương tự’”.
Đứng trên phương diện phân tích lịch sử, mặc dù chúng ta có gặp thấy nội dung của “ưu tiên chọn lựa người nghèo” trong truyền thống lâu đời của Giáo hội đi chăng nữa, thì dụng ngữ này chỉ chính thức xuất hiện trong các văn kiện của giáo triều Roma vào thập niên 80’ của thế kỷ XX. Có lẽ lần đầu tiên Đức Gioan Phaolô II đề cập đến đề tài “ưu tiên chọn lựa người nghèo” là trongbài diễn văn khai mạc Đại hội lần III (1979) của các Giám mục châu Mỹ Latin tại Puebla. Sau đó là huấn thị “Libertatis Conscientia” của Bộ Giáo lý Đức tin. Huấn thị nêu rõ một số điểm bất đồng, căng thẳng hay cần làm sáng tỏ đối với “thần học giải phóng”. Nhưng cũng có nhiều điểm đồng thuận và “ưu tiên chọn lựa người nghèo” là một trong những điểm đồng thuận đó. Chính Huấn thị đã sử dụng quan niệm “ưu tiên chọn lựa người nghèo” trong một văn bản chính thức của giáo triều:
“Sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức: thiếu thốn vật chất, bất công và đàn áp, bệnh hoạn thể xác và tâm thần, cuối cùng là cái chết. Sự khốn cùng này là dấu chỉ nhãn tiền tình trạng yếu đuối tự nhiên mà con người phải gánh chịu từ khi phạm tội, song cũng là dấu chỉ con người cần được cứu độ. Vì thế, Đức Kitô đã động lòng trắc ẩn và mang lấy thân phận khốn cùng ấy, tự đồng hoá với “người bé mọn nhất”. Ngay từ đầu, Giáo hội ưu ái đặc biệt những người cùng khổ để nâng đỡ, bảo vệ và giải phóng họ, mặc dù có nhiều phần tử đã không làm như vậy. Giáo hội đã thể hiện (sự ưu ái này) qua vô số công tác từ thiện mà ở thời nào và ở đâu cũng không thể thiếu”.
Một năm sau, Đức Gioan Phaolô II chính thức sử dụng diễn ngữ “ưu tiên chọn lựa hay tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo” để diễn tả một hình thức đặc biệt của đức bác ái Kitô giáo. Đối với ngài, “đây là một ưu tiên chọn lựa hay một hình thức ưu tiên đặc biệt trong việc thực hành bác ái Kitô giáo, mà tất cả truyền thống của Giáo hội đều chứng thực. Nó liên hệ đến đời sống của mỗi Kitô hữu, xét như là người bước theo Đức Kitô. Nhưng đồng thời còn phải áp dụng cho những trách nhiệm xã hội của chúng ta và, đương nhiên, cho nếp sống cũng như quyết định đúng đắn về quyền tư hữu và việc sử dụng tài sản.
Nhưng hôm nay, vì vấn đề xã hội mang chiều kích quốc tế, tình yêu ưu tiên này với những quyết định mà nó gợi lên, không thể không bao gồm biển người đói khát, hành khất, không cửa không nhà, thiếu thuốc men và trên hết, những người không còn chút hy vọng nào về một tương lai tốt đẹp hơn: Không thể quên sự hiện hữu của thực tại này. Phủ nhận nó có nghĩa là chúng ta tự đồng hoávới “người giàu với yến tiệc linh đình”, làm ngơ không biết đến người hành khất Lazarô đang nằm trước cửa”.
Thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Thế” cũng đề cập đến vấn đề này dưới một góc độ và chiều hướng khác. Khi chú giải kinh Magnificat, thông điệp viết: “Tình thương ưu tiên dành cho người nghèo được ghi lại cách tuyệt diệu trong kinh Magnificat của Đức Maria. Thiên Chúa của Giao ước, mà người Trinh nữ Nazareth ca ngợi trong niềm hân hoan của tâm trí, chính là Đấng “hạ bệ những ai quyền thế, nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (…); Người ban của đầy dư cho người nghèo đói, còn những người giàu có lại bị đuổi về tay không (…); Người dẹp tan phường lòng trí kiêu căng và tình thương của Người trải bao thế hệ, dành cho ai biết kính sợ Người” (Lc 4,48-53). Đức Maria được thấm nhuần tinh thần của những người nghèo Giavê. Theo kinh nguyện trong các Thánh vịnh, họ mong đợi ơn cứu độ từ Thiên Chúa và hoàn toàn tín thác nơi Người”.
Trong thông điệp xã hội cuối cùng của triều đại Giáo chủ của mình, Đức Gioan Phaolô II quả quyết: “Hơn bao giờ hết, hôm nay Giáo hội ý thức được rằng sứ điệp xã hội chỉ trở nên khả tín qua hành động chứng tá hơn là qua sự nhất quán và hợp lý nội tại của nó. Từ ý thức đó dẫn đến ưu tiên chọn lựa người nghèo, một chọn lựa không mang tính chất loại trừ và phân biệt đối xử đối với các nhóm khác. Thật sự, đây là một chọn lựa không chỉ giới hạn nơi cái nghèo vật chất, bởi vì chúng ta biết rằng trong xã hội hiện đại có nhiều hình thức nghèo, không những về kinh tế, mà còn về văn hoá và tôn giáo. Tình yêu của Giáo hội đối với người nghèo, một điểm quyết định và thuộc về truyền thống bền vững, đã thúc đẩy hướng về thế giới, trong đó bất chấp sự phát triển kỹ thuật và kinh tế, thứ nghèo đói đe dọa đã trở nên trầm trọng hơn”.
Cuốn “Giáo lý Giáo hội Công giáo” và “Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội” không những đã sử dụng diễn ngữ “ưu tiên chọn lựa người nghèo”, mà còn trích dẫn một số bản văn căn bản ở trên. “Tình yêu của Giáo hội đối với người nghèo bắt nguồn từ Tin Mừng của bát phúc, từ nếp sống nghèo của Đức Giêsu và sự ân cần của Người đối với người nghèo. Tình yêu này liên quan đến cái nghèo vật chất, cũng như nhiều hình thức khác của cái nghèo văn hoá và tôn giáo”.
Đức Biển Đức XVI đặc biệt đề cập đến “ưu tiên chọn lựa người nghèo” trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brazil, nhân dịp tham dự Đại hội lần V các Giám mục châu Mỹ Latin. Trong diễn văn đọc trước Hội đồng Giám mục Brazil, tại Vương cung Thánh đường São Paulo, ngài trình bày một cái nhìn tổng quát về tình trạng tôn giáo, văn hoá và xã hội của Brazil, một nước có số người Công giáo đông nhất hoàn cầu, nhưng lại là một trong những nước mà hố phân cách giàu nghèo sâu thẳm nhất. Hiện tượng “cải đạo” cũng là một băn khoăn và âu lo chung của Giáo hội tại Brazil. Loan báo Tin Mừng phải được coi là trọng điểm của mọi chương trình mục vụ của tương lai.
Nhưng trong nỗ lực rao giảng Tin Mừng này không bao giờ được lãng quên người nghèo khổ. Đức Giáo chủ tuyên bố: “Người nghèo phải là những người ưu tiên được đón nhận Tin Mừng, và giám mục, được đào tạo theo hình ảnh Mục tử Nhân lành, phải đặc biệt chú tâm trao ban sự an ủi linh thiêng của niềm tin, mà không quên lãng “bánh vật chất”. Như tôi đã nhấn mạnh trong Thông điệp Thiên Chúa Tình yêu, “Giáo hội không thể lãng quên công tác phục vụ bác ái – từ thiện, cũng như Giáo hội không thể quên các Bí Tích và Lời Chúa”.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội các Giám mục châu Mỹ Latin, tại Aparecida, sau khi ôn lại quá trình lịch sử của bốn Đại hội trước, ngài khai triển chủ đề của Đại hội lần V này: “Trở nên môn đệ và thừa sai của Đức Giêsu Kitô để, trong Người, các dân tộc chúng ta được sống dồi dào”. Một lần nữa, tiếp nối truyền thống cố cựu của Giáo hội, ngài đề cập đến chỗ đứng đặc biệt của những người cùng khổ trong lòng cộng đồng Dân Chúa: “Trong cố gắng để nhận biết sứ điệp của Chúa Kitô và lấy sứ điệp này làm kim chỉ nam cho cuộc đời, chúng ta cần phải nhớ rằng rao giảng Tin Mừng luôn đi đôi với hành động thăng tiến nhân bản và công cuộc giải phóng đích thực theo Kitô giáo. “Mến Chúa và yêu người quyện lẫn với nhau: trong người nghèo hèn nhất chúng ta gặp thấy chính Đức Giêsu và trong Đức Giêsu chúng ta gặp được Thiên Chúa”. Cũng thế, luôn cần thiết một giáo lý xã hội đối với Thiên Chúa và một chương trình đào tạo tương xứng về Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Về điểm này, thật rất hữu ích cuốn Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội. Cuộc sống Kitô hữu không chỉ diễn tả qua các nhân đức cá nhân, mà còn qua các nhân đức xã hội và chính trị”[2].
Riêng đối với châu Á, một lục địa có tài nguyên phong phú, nền văn minh cổ đại và là quê hương của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng lại là vùng đất của bất công, nghèo đói và vi phạm nhân quyền nhất, thì “ưu tiên chọn lựa người nghèo” càng trở nên cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết. Đối với các Nghị Phụ của Thượng Hội đồng Giám mục châu Á, “khi tìm cách thăng tiến nhân phẩm, Giáo hội cho thấy một ưu tiên chọn lựa dành cho người nghèo và những người không có tiếng nói, bởi vì Chúa đã đồng hoá với họ một cách đặc biệt (x. Mt 25,40). Tình yêu không loại trừ ai, nhưng có ưu tiên chọn lựa mà toàn thể truyền thống Kitô giáo minh chứng (…). Điều này càng khẩn thiết đối với châu Á, một lục địa nhiều tài nguyên và có những nền văn minh lớn, nhưng cũng là nơi chúng ta gặp thấy một số nước nghèo nhất thế giới, đồng thời cũng là nơi mà một nửa dân chúng sống thiếu thốn, nghèo nàn và bị bóc lột”.
Người nghèo tại châu Á hiện nay mang những khuôn mặt cụ thể: Đó là những người di dân, dân tộc ít người, phụ nữ, trẻ em, người già, nông dân, người thất nghiệp … Họ thường là nạn nhân của những hình thức khai thác tồi tệ nhất của nền kinh tế thị trường hoang dã. Rất nhiều người trong số họ còn phải gánh chịu phân biệt đối xử vì lý do văn hoá, màu da, chủng tộc, đẳng cấp xã hội, nếp nghĩ hay niềm tin. Hơn bao giờ hết, người Công giáo cần đẩy mạnh nguyên tắc “ưu tiên chọn lựa người nghèo”.
 
o-o-0-o-o
 
Phẩm GIÁ con ngưỜi
Con người là ai? Có vai trò và sứ mệnh gì trong trời đất? Trong lịch sử nhân loại, chưa có giai đoạn nào người ta tôn vinh con người nhiều như ở thời hiện đại, nhưng có lẽ cũng chưa bao giờ con người bị chà đạp và hy sinh như ở thời đại chúng ta. Tái xác định phẩm giá và sứ vụ của con người được GHXH-CG coi là một nhiệm vụ khẩn thiết.      
 
1-        Con người, tiểu vũ trụ
            Trào lưu platonisme đề cao quan niệm về con người như « tiểu vũ trụ », trong đó phản ánh toàn thể vũ trụ thu nhỏ. Triết gia Platon diễn tả một cách biểu tượng như sau : « Chỗ đứng của con người nằm giữa Thần linh và súc vật, đôi khi nghiêng về bên này đôi khi nghiêng về bên kia. Một số người thì giống các Thần linh, số người khác lại như súc vật và đại đa số thì ở giữa ».
Đối với Scotto Eriugena, “con người được gọi là văn phòng của vạn vật. Thật vậy, tất cả tạo vật đều hàm chứa trong nó. Con người hiểu như thiên thần, suy nghĩ như sinh vật có lý trí, cảm giác như thú vật không có lý trí, sống như cỏ cây, được kết hợp bởi hồn và xác, và chẳng thiếu một sự vật nào cả”.
 
          Ở thế kỷ XV, Pico della Mirandola lấy lại và khai triển đề tài “bản tính trung gian” của con người. Trong lời cầu nổi tiếng “De hominis dignitate”, ông đặt vào miệng Chúa đoạn văn sau: “Hỡi Adam, Ta đã không ban cho ngươi một địa vị cố định, một khuôn khổ riêng hay một quyền lợi riêng, bởi vì địa vị, khuôn khổ và quyền lợi mà ngươi ước muốn, tất cả lệ thuộc nơi ý nguyện và quyết định của ngươi, ngươi sẽ đạt được và duy trì nó. Bản tính giới hạn của các vật khác được chứa đựng trong luật lệ do Ta xếp đặt. Còn ngươi, ngươi không bị giới hạn bất cứ rào chắn nào, mà hoàn toàn được tự do. Địa vị của ngươi nằm giữa thế giới, bởi vì ở đó người có thể chọn lựa tất cả những gì hiện hữu trong vũ trụ. Ta không dựng nên ngươi như thiên thần hay trần tục, bất tử hay phải chết, bởi vì ngươi hầu như được tự do đạt tới khuôn thức mà ngươi chọn lựa. Ngươi có thể bị trụy lạc nơi sự vật thấp hèn, nhưng ngươi cũng có thể, do ý chí của mình, vươn tới thực tại cao cả của thần linh”.
Dưới cái nhìn của triết gia Aristote, con người là “con vật duy nhất biết sử dụng ngôn ngữ”. Đặc biệt, nơi con người “lời nói được sử dụng để diễn tả điều may lành cũng như điều nguy hại, cái đúng và cái sai. Đây là đặc điểm của con người đối chiếu với các động vật khác, vì chỉ duy con người có khả năng nhận thức tốt và xấu, công bằng và bất công”. Cũng bắt nguồn từ quan điểm triết học của Aristote, phát sinh định nghĩa thời danh về con người như “con vật có lý trí” (Zoón logikón). Định nghĩa này được chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp và trở thành một trong những định nghĩa cổ điển.
2- Con người, một hữu thể xã hội
 Aristote cũng là triết gia đầu tiên đề cao xã hội tính của con người. Theo ông, con người là một hữu thể xã hội, một hữu thể sống trong cộng đồng chính trị (Zoón politikon). Xét theo tư cách hữu thể xã hội, con người cần cộng đồng để sống và phát triển. Một người hoàn toàn tách rời khỏi cộng đồng, sống bất chấp xã hội thì hoặc là thần thánh (idion), hoặc là súc vật (idiota). Lý do đơn giản là để thành người, chúng ta cần được nuôi dưỡng, yêu thương, giáo dục và tương giao với người khác. Tiến trình thành nhân là một tiến trình tiệm tiến, phức tạp và nhiêu khê trong đó gia đình và xã hội đóng vai trò thiết yếu.
Xét như hữu thể xã hội, con người không thể tự túc tự mãn, khép kín nơi chính bản thân, mà phải trở thành một hữu thể tương quan. Chẳng ai có thể nên người mà không được yêu thương và giáo dục, nghĩa là không cần đến gia đình, xã hội và cộng đồng nhân loại. Quan niệm này gặp được sự đồng thuận nơi nhiều triết gia và tư tưởng gia. Đối với bác học Newton, sở dĩ hôm nay chúng ta nhìn xa hơn các thế hệ đi trước, không đương nhiên vì chúng ta giỏi hơn cổ nhân, mà vì chúng ta như những anh lùn được may mắn đứng trên vai của những chàng khổng lồ là hàng trăm ngàn thế hệ trước chúng ta. Văn hào Goethe thú nhận: “Cái gọi là gia tài riêng của chúng ta theo nghĩa chặt quả thật rất ít ỏi. Tất cả chúng ta đã phải lãnh nhận và học hỏi nơi bao nhiêu người đi trước chúng ta và nơi bao nhiêu người sống đồng thời với chúng ta. Chẳng có đại thiên tài nào có thể đi thật xa, nếu muốn tự mình bắt đầu mọi sự từ số không”…
Thánh Tôma Aquinô cũng lấy lại quan điểm của triết gia Aristote để đề cao chiều kích xã hội nơi bản tính con người. Theo thánh nhân, xã hội tính nằm trong bản chất của con người, chứ không phải chỉ là cái gì tùy tiện hay phụ thuộc, cho nên khuynh hướng tự nhiên của con người là hướng về cộng đồng xã hội. Nhờ cộng đồng và xã hội, con người có khả năng vượt qua những giới hạn tất nhiên của thân phận con người để chế ngự thiên nhiên, và để thực hiện những điều mà mỗi người riêng lẻ không thể thực hiện được. Thật vậy, không một sinh vật nào tự bản chất yếu đuối như con người và cũng chẳng sinh vật nào cần được săn sóc và giáo dục để phát huy khả năng của mình như con người. Mặc dù con người là một cá thể, nhưng không phải là một cá nhân đơn độc, mà còn là thành phần của xã hội.
Từ viễn cảnh Kinh Thánh, chiều kích xã hội nơi con người càng hiện rõ: Không những con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, mà hơn thế nữa giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói khác đi, theo ngôn từ của Henri de Lubac, phải chăng “xã-hội-tính của Thiên Chúa phản ảnh nơi xã-hội-tính của loài người”? Phải chăng Thiên Chúa Ba Ngôi đã không long trọng tuyên bố: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”, nghĩa là cộng đồng tính của Chúa Ba Ngôi là cội nguồn sâu xa của xã hội tính nơi con người?
Công đồng Vatican II đặc biệt làm sáng tỏ chiều kích xã hội nơi bản tính nhân loại. Hiến chế “Giáo hội trong thế giới hôm nay” viết: “Thiên Chúa đã không tạo nên con người cô độc, bởi vì từ khởi thuỷ “Người sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Mối liên kết giữa họ đã tạo nên hình thức đầu tiên của cộng đồng giữa người với người. Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể xã hội và không thể sống cũng như phát triển, nếu thiếu vắng tương quan với người khác”.
Văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo về vấn đề đào tạo linh mục cũng nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của con người: “Con người là một hữu thể xã hội tự bản tính: nghĩa là do sự nghèo nàn bẩm sinh và do khuynh hướng tự nhiên đòi hỏi phải tương giao với người khác. Xã-hội-tính nơi con người là nguồn gốc của mọi hình thức xã hội và của những đòi hỏi đạo đức được khắc ghi trong đó. Vì thế, để đạt tới sự phát triển viên mãn, con người không thể tự túc tự mãn, mà cần đến người khác và xã hội”.
Sâu thẳm và triệt để hơn nữa, Công đồng đã đặc biệt đề cao chiều kích xã hội trong lãnh vực cứu độ. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” tuyên bố: “Như Thiên Chúa đã sáng tạo con người không phải để sống riêng rẽ, mà để tạo nên những liên kết xã hội, cũng thế “Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi con người cách riêng lẻ, ở ngoài mọi tương quan, mà muốn quy tụ họ thành một dân tộc, để nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện”. Nói cách khác, “chính Thiên Chúa đã chọn con người, không chỉ với tính cách cá nhân, mà còn như phần tử của một cộng đồng nào đó. Thực thế, trong việc chọn lựa này Thiên Chúa biểu lộ ý định của Người, gọi họ là Dân riêng và ký kết giao ước tại Sinai”.
3-        Con người, một nhân vị
Đối với truyền thống Nho giáo ngày xưa và ngay cả quan niệm Mác-xít hôm nay, con người chỉ là một thành phần hoàn toàn dựa dẫm và lệ thuộc vào tập thể để sống còn. Chưa hề xuất hiện mô hình nhân cách và quan niệm con người như một cá thể tự do, tự tại, tự lập… Không ai phủ nhận giá trị của tình liên đới trong gia tộc và làng xã ngày xưa, nhưng tính cộng đồng theo lối “khép kín sau luỹ tre làng” nhiều lần đã dẫn đến thói “đố kị cào bằng” và không tôn trọng nét độc đáo của mỗi cá nhân. Trong xã hội xưa, ít ai dám vượt qua hương ước. Tính tập thể và ngay cả tâm lý bầy đàn đã trở thành tiêu chuẩn của cuộc sống: “xấu đều hơn tốt lỏi”, “khôn độc không bằng ngốc đàn” hay “chết một đống hơn sống một mình”.
Theo Gs Trần Đình Hựu, con người Việt Nam ngày xưa là “con người của gia đình, của dòng họ, của làng, nước. Bản thân họ không có gì là của mình: thân thể là của cha mẹ cho, phận vị là của vua cho, số mệnh là của Trời cho. Có được cái gì cũng là nhờ ơn vua, ơn Trời. Giá trị của nó được tính theo chỗ nó là con ai, thuộc họ nào, làng nào, có chức sắc gì, chứ không theo chỗ bản thân nó là gì. Trong xã hội tất cả là thần dân của vua, đều được xếp vào bậc thang tước vị, rồi lại chia thành hạng cha chú hay con cháu. Con người phải nhìn xuống, nhìn lên trong cái thang trật tự trên dưới đó, tự xác định vị trí của mình mà ăn mặc, nói năng, đi đứng cho phải phép. Đó là con người chức năng trong xã hội luân thường chứ không có nhân cách độc lập”.
Dưới thời bao cấp, vai trò của Nhà nước, tổ chức, đoàn thể cũng được triệt để đề cao, trong khi đó vị trí của gia đình và cá nhân bị thu hẹp quá đáng. Con người chủ nghĩa xã hội chủ yếu sống cho đoàn thể, có thói quen hành xử như một thành viên của tổ chức, một bộ phận phụ thuộc và triệt để phục tùng tổ chức, chứ không phải là một nhân vị tự tại, tự lập, có trách nhiệm và phẩm giá vô song. Nhà văn Nguyễn Khải thú nhận: “Cuộc sống tập thể đã nhấn chìm cuộc sống cá nhân, cuộc sống trong chiến tranh đã xoá nhoà mọi thói quen của cuộc sống thời bình. Lúc nào cũng có kẻ thù rình rập đâu đó để tìm cớ lật đổ chế độ bằng vũ trang, hay bằng diễn biến hoà bình. Lúc nào cũng được đồng chí trong chi bộ, bạn bè cơ quan giám sát mọi tư tưởng và hành vi để ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân của mỗi thành viên ». Và ông lấy làm lạ « là trong hoàn cảnh sống không có một tí tự do nào cho cá nhân mà (…) vẫn sống được, lại còn viết văn làm thơ được!”
Hiểu theo ý nghĩa đó, ông Roger Garaudy, một tư tưởng gia người Pháp và cựu Mácxít, có lý khi viết: “Kitô giáo đã sáng tạo một chiều kích mới về con người: đó là chiều kích nhân vị. Thật vậy, quan niệm nhân vị hoàn toàn xa lạ với triết học duy lý cổ điển, đến độ các Giáo phụ Hy Lạp không thể tìm thấy trong triết học Hy Lạp những phạm trù và những ngôn từ để diễn tả thực tại mới mẻ này”.
Mặc dù ở thế kỷ XVIII-XIX, một số lần hàng giáo phẩm tỏ ra “dị ứng” hay chống đối một số bản “tuyên ngôn nhân quyền”, nhưng truyền thống Kitô giáo xác quyết con người là hình ảnh Thiên chúa và luôn đề cao phẩm giá con người. Thật vậy, quan niệm “nhân vị” xuất hiện vào những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo. Đây là giai đoạn mà các nhà tư tưởng Kitô giáo đang cố gắng tìm kiếm một quan niệm thích hợp để trình bày một đề tài thần học cam go: Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Làm sao giải thích Một Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi khác nhau bằng nhau? Để trình bày mối tương quan phong phú và phức tạp này, các Giáo phụ Hy Lạp đã sử dụng và nối kết hai từ Hy Lạp: “hypostasis” (bản thể) và“prosôpon” (ngôi vị). Hạn từ “hypostasis”, được hiểu như nguyên tắc duy nhất hoá của một ngôi vị, kết hợp với từ “prosôpon” – mà theo nguyên ngữ là chiếc mặt nạ mà các diễn viên dùng để diễn tả diện mạo của một nhân vật nào đó mà họ muốn trình bày – để diễn tả tính cá biệt. muốn diễn tả
cho thấy rằng quan niệm một Thiên Chúa Ba ngôi không phải chỉ trình bày việc Người biểu lộ cho nhân loại, mà còn diễn tả phần nào huyền nhiệm và thần tính vừa duy nhất, vừa phong phú và khác biệt giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Quan niệm thần học của các Giáo phụ Hy Lạp luôn đặt nổi chiều kích tương quan nơi bản tính Thiên Chúa và diễn tả sự duy nhất về bản tính và khác biệt về sứ vụ của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong đó mỗi ngôi đều là Thiên Chúa như nhau, nhưng vẫn duy trì trọn vẹn nét cá biệt, sứ vụ và tương quan riêng.
 Khi du nhập sang phương Tây thì các thần học gia thuộc văn hoá Latin lại có khuynh hướng nhấn mạnh đến tính chất pháp lý và chiều kích cá nhân, hơn là chiều kích tương quan. Severino Boetius (tk. VI) đã hiểu và giải thích quan niệm nhân vị dưới góc độ này và dịch từ «prosôpon» thành từ «persona». Chính ông đã đưa ra một định nghĩa thời danh: Nhân vị là cá thể của bản tính có lý trí (persona est rationalis naturae individua substantia). Như vậy, nhân vị là một hữu thể cá biệt, tự tại, có lý trí và bất khả thay thế, nhưng thiếu chiều kích tương quan nguyên thuỷ.
Thánh Tôma tiếp thu tư tưởng của Boetius, nhưng đã cố gắng giải thích bản thể tự tại của nhân vị trong chiều kích tương quan. Theo thánh nhân, chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa sâu thẳm của nhân vị, nhất là ngôi vị nơi Thiên Chúa, ngang qua chiều kích tương quan. Ngài đã nêu câu hỏi: “Phải chăng danh từ nhân vị ám chỉ mối tương quan”? Sau khi phân tích những ý kiến khác nhau, ngài kết luận: “Theo những gì đã trình bày ở trên, phải nói rằng hạn từ nhân vị trực tiếp có nghĩa là tương quan và gián tiếp mới là yếu tính”
Nhìn từ viễn cảnh đó, nhân vị là một hữu thể tự tại, bất khả phân chia, cá biệt và do đó độc nhất vô nhị, bất khả thay thế. Nhưng nhân vị không bao giờ là một hữu thể cô độc và khép kín, mà tự bản chất là một hữu thể có tương quan phẩm chất với người khác, cái khác và Đấng khác. Mối tương quan này không phải là cái gì tùy nghi hay phụ thuộc, mà là một tương quan cốt yếu và mang tính bản thể.      
Đối với Tôma Aquinô, nhân vị là một thụ tạo đẹp nhất và cao quý nhất trên đời, bởi vì là một hữu thể tự tại, có lý tính và có khả năng tâm linh. Ngài sử dụng một diễn ngữ rất đẹp để diễn tả vị thế độc đáo của con người trong trời đất: con người là một hữu thể biên cương nằm giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa thân xác và tinh thần: “Hồn được quan niệm như chân trời hay biên cương ở giữa thân xác và phi thân xác, xét như là một bản thể phi vật chất, nhưng lại trở thành mô thức cho thân xác”. Mặc dù hồn có khả năng siêu vượt trên thế giới vật chất, không hoàn toàn bị tràn ngập và nhận chìm trong vật chất như các sinh vật khác, nhưng nó phải luôn luôn kết hợp mật thiết với thân xác để trở thành người. Chính vì vậy, con người vừa mang thân xác và bị chi phối một cách thật nghiệt ngã bởi điều kiện vật chất, vừa đồng thời có khả năng vượt qua thế giới vật chất để vươn tới chiều kích vô biên.
Nói theo ngôn ngữ của Tôma Aquinô, con người không những là một hữu thể có khả năng tự lập, tự quyết và biến đổi thế giới, mà còn có khả năng đi vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa và đối thoại với Người: “homo est Dei capax” (con người có khả năng vươn tới Thượng Đế). Và Công đồng Vatican II giải thích thêm: “Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa yêu thương một cách nguyên thường”.
Tiếp nối truyền thống các Giáo phụ và các Tiến sĩ Hội Thánh, Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo xác quyết phẩm giá vô song và bất khả xâm phạm của các nhân vị. Đức Giáo chủ Piô XII đề cao vai trò chủ thể và trung tâm của nhân vị trong mọi cơ cấu cũng như sinh hoạt xã hội: “Theo yếu tính, con người không phải là một đối tượng hay một yếu tố thụ động trong đời sống xã hội; trái lại, con người phải là chủ nhân, là nền tảng, là cứu cánh”. Phẩm giá con người còn có quyền đòi pháp luật bảo vệ những quyền lợi riêng của mình, bảo vệ một cách hữu hiệu, tất cả mọi người bằng nhau, và chiếu theo những nguyên tắc công bằng”.
Vì là nhân vị, con người là chủ thể của mọi sinh hoạt xã hội. Nhà nước, đảng phái chính trị, cơ cấu tổ chức cũng như các hoạt động xã hội khác đều nhằm mục đích tạo ra những phương tiện và điều kiện thích hợp để giúp con người đạt tới sự phát triển toàn diện. Chính vì vậy, Giáo hội không mệt mỏi đề cao nhân vị, chống lại mọi hình thức nô lệ và bóc lột làm tổn thương phẩm giá con người, không những trong lãnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, mà cả trong phạm vi văn hoá – y tế. Dưới nhãn quan của Kitô giáo, con người không phải chỉ thuần túy là một hữu thể xã hội hay một phần tử trong cấu trúc xã hội. Trước hết và trên hết, con người còn là một nhân vị. Đây là hai chiều kích căn bản không những không đối lập nhau mà còn bổ sung và phong phú hoá cho nhau.
Trong thông điệp “Hoà bình trên thế giới”, Đức Gioan XXIII tái xác định giá trị của nhân vị và yêu cầu lấy việc phục vụ con người làm mục đích của xã hội: “Một cộng đồng nhân loại có trật tự và phong phú phải được thiết lập trên nguyên tắc căn bản này: Mỗi cá nhân là một nhân vị, nghĩa là một bản tính có lý trí và ý chí tự do. Vì thế, do chính bản tính, con người là chủ thể của các quyền lợi và nghĩa vụ. Các quyền lợi và nghĩa vụ này thì phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả chuyển nhượng dưới bất cứ hình thức nào”.
Khởi đi từ nguyên tắc căn bản của Kinh Thánh, theo đó “con người được dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Người như Đấng Tạo hoá, được Người uỷ thác quản trị mọi tạo vật trên Trái đất”, Giáo huấn xã hội của Giáo hội trân trọng đề cao điều mà tư tưởng gia Pascal đã diễn tả một cách sâu sắc: “Con người vượt trên con người một cách vô cùng tận”. Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, trong mỗi người và trong mọi người hiện diện một cái gì linh thiêng, bất khả thay thế và bất khả xâm phạm, nhân danh Đấng Tuyệt Đối đã dựng nên con người theo hình ảnh của Người.
Chính từ nhân sinh quan này Giáo huấn xã hội Công giáo đã phê phán nhân sinh quan Mácxít. Trong thông điệp “Bách Chu Niên”, Đức Gioan Phaolô II nêu rõ: “Sai lầm căn bản của Chủ nghĩa xã hội nằm ở quan niệm về con người. Thực vậy, chủ nghĩa này xem con người toàn diện chỉ như một yếu tố và một phần tử trong cấu trúc xã hội, đến độ điều thiện hảo của mỗi cá nhân hoàn toàn tùy thuộc vào sự vận hành của bộ máy kinh tế – xã hội. Mặt khác, chủ nghĩa này cho rằng có thể đạt được điều thiện hảo nói trên bất chấp chọn lựa tự do, quyết định duy nhất, triệt để và có trách nhiệm của cá nhân trước điều tốt hay điều xấu. Như thế, con người bị giản lược vào một tổng hoà các tương quan xã hội và do đó làm tiêu tan quan niệm nhân vị như chủ thể có quyền tự quyết về luân lý, nhờ đó con người xây dựng nên trật tự xã hội”.
4-         Con người trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa
Nhìn dưới ánh sáng mạc khải và qua biến cố Nhập thể, giá trị của nhân vị càng được đề cao. Thật vậy, “hình ảnh Thiên Chúa chiếu sáng và biểu lộ tất cả vẻ sung mãn khi Con Thiên Chúa mặc lấy thân xác con người: “Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), là “ánh sáng rạng ngời của Thiên Chúa, mang dấu ấn của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3).
Trong thư gửi tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô đã diễn tả một cách tài tình mầu nhiệm “Con Thiên Chúa làm người” để cứu độ nhân loại và cho “con người được làm con Chúa”. Ngay trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã muốn cho các Nghĩa tử của Ngài được tăng số chung quanh Người Con duy nhất và trong Người Con này họ có thể đón nhận Thần Khí của Người. Chính trong Người Con này chúng ta trở thành “con Thiên Chúa”, được hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi, theo lượng ân sủng phong phú của Người.
Trong Lời từ biệt các môn đệ thân yêu, Chúa Giêsu Kitô đã tha thiết cầu xin Thiên Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho tất cả những ai nhời lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ ở trong Chúng ta” (Ga 17, 20-21). Qua lời cầu nguyện này Đức Giêsu đã mở ra cho chúng ta chân trời mới: nhận diện một mối tương đồng nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hiệp của con cái Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu.
Vì được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Người, tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Do đó, con người chỉ có thể thực hiện được lý tưởng đời mình qua mối tương quan yêu thương, công bằng và liên đới với người khác. Cũng chính trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa, chúng ta khám phá vai trò và phẩm giá bất khả chuyển nhượng của con người. Vì là tạo vật duy nhất trong vũ trụ được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương một cách nguyên thường, con người có một giá trị tự tại, vượt trên mọi cơ cấu, tổ chức và giá trị trần gian.
Từ viễn tượng đó, cái hữu thể nhân loại bé nhỏ này, mang tên là người, xét về phương diện vật chất hình như chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ bao la, nhưng lại hàm chứa một giá trị và phẩm giá vô biên, vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được nâng lên bình diện ân sủng, vượt trên mọi giá trị trần thế. André Gide có lý để ngỡ ngàng thốt lên: “Ôi người, sinh vật bất khả thay thế nhất trong các sinh vật”.
Chính vì vậy, nếu vì một lý do nào đó, giả sử một người đã hoàn toàn trở thành phi sản xuất xét về khía cạnh kinh tế, vô lại về mặt xã hội, vô tích sự về mặt tâm lý và “phản động” đứng trên phương diện chính trị, thì trong con người đó vẫn luôn hiện diện vẻ cao quý và phẩm giá bất khả xâm phạm, mà chính đương sự và mọi người phải tôn trọng một cách vô điều kiện. Không ai có quyền bóc lột hay đàn áp con người, nhân danh bất cứ lý do, danh nghĩa hay chủ nghĩa nào. Cũng chẳng ai có quyền huỷ diệt “nhân cách” hay “nhân vị” của con người, hoặc cưỡng bức họ hành động trái với lương tâm và xác tín của họ. Tất cả mọi giá trị trên đời – dù là của cải vật chất, văn hoá, hay tinh thần – nói cho cùng chỉ là phương tiện để phục vụ con người, chứ không thể trở thành mục đích để bắt con người làm “dê tế thần”. Nói cách khác, theo ngôn từ của Đức Kitô, “ngày sabát được lập nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát” (Mc 2,27).
5-         Bảo vệ phẩm giá con người
Dựa trên giá trị tối thượng của nhân vị, hiến chế “Giáo hội trong thế giới hôm nay” nhấn mạnh đến việc tôn trọng con người, đối xử nhân bản với nhau, ngay cả đối với các địch thủ, và khuyến khích cơ chế xã hội bình đẳng giữa người với người: “Cần phải vượt qua và loại trừ mọi hình thức kỳ thị về quyền lợi căn bản của con người, trong lãnh vực xã hội cũng như văn hoá, vì lý do phái tính, chủng tộc, màu da, điều kiện xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, vì điều đó trái với ý định của Thiên Chúa”. Lý do giản dị là “mặc dù có những khác biệt chính đáng giữa người với người, nhưng sự bình đẳng về nhân phẩm vẫn đòi hỏi phải tiến tới một điều kiện sống nhân bản và công bằng hơn. Thực vậy, sự chênh lệch quá mức về kinh tế và xã hội giữa những thành phần (trong cùng một xã hội) hay giữa các dân tộc của cùng gia đình nhân loại, gây công phẫn và đi ngược với công bằng xã hội, quân bình, nhân phẩm cũng như hoà bình xã hội và quốc tế”.
Từ chủ trương lấy con người làm gốc cho mọi sinh hoạt xã hội, Công đồng nêu lên một nguyên tắc nền tảng cho hoạt động của con người: “Vì sinh hoạt nhân bản phát xuất từ con người, cho nên cần qui hướng về con người (…). Con người có giá trị nơi “cái con người là” hơn là nơi “cái con người có”. Cũng vậy, tất cả những gì con người thực hiện nhằm đạt tới mức độ công bằng hơn, huynh đệ hơn và một trật tự nhân bản hơn trong tương quan xã hội, mang nhiều giá trị hơn những tiến bộ kỹ thuật. Thực vậy, các tiến bộ này có thể cung cấp chất liệu để thăng tiến con người, nhưng tự chúng mà thôi không bao giờ thực hiện được điều đó”.
Đối với Đức Gioan Phaolô II, ý nghĩa sâu thẳm của giá trị nhân vị và của việc “bá chủ của con người trên thế giới hữu hình, theo ý định của chính Đấng Tạo hoá, biểu lộ nơi ưu tiên của đạo đức trên kỹ thuật, nơi quyền tối thượng của nhân vị trên sự vật, nơi sự siêu việt của tinh thần trên vật chất”. Từ đó, áp dụng vào lãnh vực kinh tế – xã hội, quan niệm về con người – chủ thể của lao động “phải chiếm vị trí trung tâm trong tất cả các lãnh vực chính trị, xã hội và kinh tế trong phạm vi quốc gia, cũng như trong tương quan rộng lớn trên bình diện thế giới và liên lục địa”.
Bộ Giáo dục Công giáo cũng nhắc lại vai trò tối thượng của nhân vị trong truyền thống của tư tưởng xã hội Kitô giáo: “Phẩm giá của nhân vị xây dựng trên sự kiện con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được nâng lên tới mục đích siêu nhiên, siêu vượt cuộc sống trần thế. Do đó, con người, xét như hữu thể thông minh và tự do, chủ thể của các quyền lợi và nghĩa vụ, là nguyên tắc thứ nhất và có thể nói là trái tim và linh hồn của Giáo huấn xã hội của Giáo hội”.
Với tư cách là chủ nhân và chủ thể của tất cả quyền lợi cũng như nghĩa vụ, con người có một phẩm giá và một quyền tối thượng đòi hỏi phải được tôn trọng một cách vô điều kiện và phải được đối xử như nhân vị, mà không bao giờ bị hạ xuống hàng dụng cụ sản xuất hay phương tiện để phục vụ chế độ chính trị hoặc bất cứ ý thức hệ nào. Chính vì vậy, Đức Gioan Phaolô II định hướng Giáo huấn xã hội của Giáo hội nơi “mối tuơng quan đúng đắn giữa nhân vị và giá trị độc nhất của nó, xét theo phương diện “con người… là thụ tạo duy nhất trên Trái đất được Thiên Chúa yêu thương một cách nguyên thường”. Trong mỗi người, Thiên Chúa đã khắc ghi hình ảnh của Người và phú bẩm cho nó một phẩm giá không thể so sánh”.
Trong thông điệp “Tín hữu giáo dân”, Đức Gioan Phaolô II vừa khai triển quan niệm nhân vị nói trên, vừa đẩy xa hơn nữa trách nhiệm tôn trọng phẩm giá con người. Ngài viết: “Phẩm giá con người biểu lộ rạng ngời khi ta nhìn vào nguồn gốc và vận mệnh con người: được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa và được cứu độ bằng máu châu báu của Đức Kitô, con người được mời gọi làm “con trong Chúa Con” và là “Đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần”, được ban tặng sự sống đời đời trong sự kết hiệp hồng phúc với Thiên Chúa. Do đó, mọi xúc phạm đến phẩm giá của mỗi một nhân vị đều đòi được Thiên Chúa báo oán, và là một xúc phạm đến Đấng sáng tạo nên con người”
6-         Con người, con đường của Giáo hội
Nếu nhân quyền bắt nguồn từ quan niệm Kitô giáo về con người và nếu như suốt dọc lịch sử hiện hữu của mình, Kitô giáo luôn gắn bó với văn hoá Tây phương, thì rất tiếc trong quá khứ có những lúc Giáo hội không những đã không hăng say bảo vệ phẩm giá con người, mà còn chủ trương sử dụng bạo lực hay những hình thức cưỡng chế phi nhân bản. Đặc biệt, vào cuối thế kỷ XVIII, khi những bản tuyên ngôn lịch sử về quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do, tự quyết … ra đời, thì hàng Giáo phẩm hình như đã quay lưng lại với tiến trình tranh đấu cho nhân quyền này.
Có rất nhiều nguyên nhân của sự chống đối và phản ứng tiêu cực về phía giáo quyền. Một trong những lý do chính là thái độ quá khích của một số chủ trương cổ võ một thứ nhân quyền hoàn toàn chỉ dựa trên giá trị tư nhiên của lý trí và nhất quyết loại trừ tất cả mọi qui chiếu vào Thiên Chúa. Thật thế, “Tuyên ngôn quyền con người và quyền Công dân” của Cách mạng Pháp 1789, “Quy chế dân sự của giới giáo sĩ” (1790) cũng như “Hiến pháp 1791” đều nhắm thực hiện “quyền mà công lý tự nhiên trao cho tất cả các cá nhân” và thiết lập cơ chế chính trị độc lập với quyền bính tôn giáo, nhưng trong nhiều trường hợp đã can thiệp quá đáng vào những lãnh vực thuộc thẩm quyền của Giáo hội, biến Giáo hội Pháp thành một “Giáo hội quốc gia” và nhất là muốn thay thế Kitô giáo bằng “thờ Nữ thần lý trí”.
 Phản ứng của giáo quyền dĩ nhiên tức thời và mạnh mẽ. Trong Tông thư “Quod Aliquantum”, ban hành ngày 10-3-1791, Đức Piô VI tuyên bố là giáo quyền “không nhằm cổ võ việc tái lập chế độ cũ của nước Pháp”, nhưng cũng không ngần ngại gọi các quyền tự do mới là “những quyền kỳ quái” hay “quyền ảo tưởng”. Vào hậu bán thế kỷ XIX, Đức Piô IX còn đưa ra một cáo trạng gay gắt và mạnh mẽ hơn nhiều. Thông điệp “Quanta cura”, ban hành ngày 8-12-1864, với bản phụ lục “Danh mục các sai lầm” (Syllabus errorum), đã liệt kê 80 quan điểm mang tính chất triết học – chính trị- tôn giáo bị phê phán là những “dịch bệnh” nguy hiểm của thời đại. Ngay cả Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) của Liên Hiệp Quốc, trong một thời gian khá dài, cũng bị giáo quyền e dè, nghi ngờ và chỉ trích.
Một số tác giả xem bài phát biểu, ngày 7 tháng 9 năm 1955, của Đức Piô XII như một cử chỉ cởi mở đầu tiên trong tiến trình đối thoại với thời đại và chấp nhận nguyên tắc dân chủ và đa nguyên. Nhưng phải đợi đến Đức Gioan XXIII, quan niệm về các quyền của con người dựa trên nhân phẩm mới chính thức được chấp nhận. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, thông điệp “Hoà bình trên thế giới”(1963) chính thức đề cao Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 và khai mở một giai đoạn mới trong tương quan với nhân quyền.
Kể từ đây “nhân quyền và nhân phẩm” đã trở thành đề tài quan trọng trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Tiếp nối đường hướng của Đức Gioan XXIII, Công đồng Vatican II đề cao tầm quan trọng của nhân quyền ở thời đại chúng ta: “Con người ngày càng ý thức hơn phẩm giá cao cả của nhân vị, vượt trên tất cả mọi vật. Do đó, quyền lợi và bổn phận của con người thì phổ quát và bất khả xâm phạm. Vì thế, cần phải giúp con người tiếp cận với nhu cầu thiết yếu để có một cuộc sống đích thực nhân bản, chẳng hạn như: lương thực, y phục, nhà ở, quyền tự do chọn lựa lối sống, quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, có việc làm, được bảo vệ thanh danh, được kính trọng, được thông tin đầy đủ, được hành động theo luật ngay thẳng của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống riêng tư và hưởng tự do chính đáng, kể cả trong lãnh vực tôn giáo”.
Theo Công đồng, chính “Tin Mừng loan báo và công bố tự do của con cái Chúa, phủ nhận mọi hình thức nô lệ (…). Tin Mừng cũng triệt để tôn trọng phẩm giá và quyền tự do chọn lựa của lương tâm, nhưng không ngừng nhắc nhở ta phát huy mọi tài năng để phục vụ Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người”. Dựa trên sứ điệp giải thoát của Tin Mừng, “Giáo hội công bố nhân quyền, nhìn nhận và tuyên dương tính năng động của thời hiện đại nhằm cổ võ nhân quyền đó khắp nơi”. Nhưng đồng thời cũng ước mong “trào lưu này thấm nhuần tinh thần Tin Mừng và biết dự phòng khỏi tất cả các ý tưởng tự trị sai lầm”.
Chính nhờ những kinh nghiệm lịch sử đan xen ánh sáng và bóng tối, mà trong gần một thế kỷ vừa qua Giáo hội luôn thiết tha với nhân quyền và cổ võ mối tương quan bình đẳng giữa các nước. Trong thông điệp đầu tay “Ecclesiam suam”, Đức Phaolô VI viết những dòng sâu sắc về định hướng loan báo Tin Mừng của Giáo hội ở thời hiện đại: “Không thể cứu rỗi thế giới từ bên ngoài. Tương tự như Ngôi Lời đã làm người, trong một mức độ nào đó, chúng ta cũng phải thực hiện như vậy đối với cách thế sống của những người mà chúng ta muốn đem sứ điệp của Đức Kitô cho họ (…). Trước tiên, cần phải nói, lắng nghe tiếng nói, nhất là, con tim của con người. Cần cố gắng bao nhiêu có thể để hiểu con người, tôn trọng họ và yểm trợ họ khi cần thiết. Cần thiết phải trở nên bạn hữu của con người, nếu chúng ta muốn trở thành mục tử, phụ tử và thầy dạy của họ. Bầu khí đối thoại phải là tình bằng hữu, và hơn nữa, việc phục vụ”.
Một trang sử mới đã khởi đầu. Con đường của Giáo hội trong thế giới đương đại ngày càng được biểu lộ rõ nét hơn. Nếu như Đức Kitô là con đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa, thì phải chăng con người sẽ là con đường mà Giáo hội phải kinh qua khi thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng? Quan niệm này được Đức Gioan Phaolô II khai triển dưới nhiều hình thức và qua nhiều văn kiện. Trong thông điệp “Đấng Cứu chuộc loài người” chúng ta gặp thấy một bản văn thâm thúy và tiêu biểu, mà hôm nay đã trở thành cổ điển: “Con người là con đường của Giáo hội, con đường mở ra, một cách nào đó, từ nền tảng mọi con đường Giáo hội phải đi, bởi vì con người – mọi người, không trừ một ai – đã được Đức Kitô cứu chuộc, bởi vì Đức Kitô kết hợp cách nào đó với con người, với từng người một, không trừ bất cứ ai, ngay cả khi họ không ý thức điều đó (…).
“Vì con người là con đường của Giáo hội, con đường cho cuộc sống và những kinh nghiệm hằng ngày, cho sứ mệnh và lao nhọc của Giáo hội, cho nên Giáo hội ở thời đại chúng ta phải luôn ý thức và làm mới ý thức về hoàn cảnh của con người. Như vậy, Giáo hội phải ý thức về các khả năng của con người được biểu lộ theo một phương hướng mới; đồng thời Giáo hội phải ý thức về mối đe dọa xảy đến cho con người. Giáo hội cũng phải ý thức về tất cả những gì xem ra trái ngược với cố gắng làm cho cuộc sống con người được nhân bản hơn, ngõ hầu tất cả những gì kiến tạo nên cuộc sống đó tương ứng với nhân phẩm”.
Khi nhìn lại những ánh sáng và bóng tối chập chùng trong quá khứ, Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II đã bày tỏ nỗi đau buồn sâu xa trước những hành động vi phạm nhân quyền và hoàn toàn đi ngược với Tin Mừng của Đức Kitô. Trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ III, ngài tha thiết khẩn nguyện: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của mọi người, trong một vài giai đoạn lịch sử, đôi lúc Kitô hữu đã sống không bao dung và không trung thành với giới luật yêu thương lớn lao, vì thế đã làm hoen ố khuôn mặt Giáo hội, Hiền thê của Người. Xin tỏ lòng xót thương đối với những người con tội lỗi của Người và xin thương đón nhận quyết tâm của chúng con nhằm kiếm tìm và cổ võ chân lý trong thái độ dịu dàng của đức ái, với niềm xác tín rằng chân lý chỉ có thể chiến thằng bằng chính chân lý mà thôi”.
Trong viễn cảnh đó, nền tảng, mục đích và lý tưởng của tất cả các tổ chức trần thế phải là con người, xét như là một nhân vị có nhân tính, tự do và tự lập. Nhưng, theo Giáo huấn xã hội của Giáo hội, con người này chỉ thực hiện trọn vẹn lý tưởng làm người của mình khi cố gắng xây dựng một xã hội phát triển, công bằng, liên đới và nhân ái hơn, cũng như trong tương quan hài hoà với vũ trụ, với người khác và với Đấng Khác.
Đối với Giáo chủ Biển Đức XVI, mặc dù Giáo hội không có những giải pháp kỹ thuật để cống hiến cho nhân loại, nhưng luôn luôn Giáo hội mang trong mình sứ vụ phục vụ chân lý và phục vụ con người để kiến tạo “một xã hội xứng hợp với con người, với phẩm giá và với ơn gọi của chính con người”. Tiếp nối định hướng kiếm tìm công bằng xã hội nhằm phục vụ thiện ích chung của Giáo huấn xã hội Công giáo, Đức Biển Đức XVI muốn hiện đại hoá nó trong bối cảnh toàn cầu hoá bằng cách tán dương kinh tế thị trường, nhưng với điều kiện phải “quan niệm lợi nhuận như một phương tiện để thực hiện những mục tiêu nhân bản và xã hội”. Chương trình phát triển toàn diện, trong đó con người được xem như “tư bản quan trọng nhất phải bảo toàn và đề cao”. Cùng với Đức Phaolô VI, Đức Biển Đức XVI quan niệm “phát triển, hiểu theo nghĩa nhân bản và kitô, như trọng tâm của sứ điệp xã hội Kitô giáo và đề nghị bác ái Kitô giáo như sức mạnh chính yếu để phục vụ phát triển” .
Từ quan niệm “phát triển con người toàn diện và mọi người như một ơn gọi”, Đức Biển Đức XVI chỉ trích mô hình toàn cầu hoá hiện nay. Thật vậy, nếu chúng ta tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của chậm phát triển, chúng ta sẽ thấy nó không phải chỉ thuộc lãnh vực kinh tế – xã hội, mà nằm ở lãnh vực sâu xa hơn: Đó là “thiếu vắng tình huynh đệ giữa con người và giữa các dân tộc”. Một thực tế phũ phàng là: “Xã hội càng toàn cầu hoá càng làm cho chúng ta gần gũi nhau hơn, nhưng không biến chúng ta thành anh em. Lý trí tự nó có thể hiểu sự bình đẳng giữa người với người và thiết lập một cuộc sống dân sự, nhưng không thể kiến tạo tình huynh đệ. Tình huynh đệ này bắt nguồn từ một ơn gọi siêu việt của Thiên Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta trước, rồi qua Người Con, dạy chúng ta biết bác ái huynh đệ là gì”.
 
o-o-0-o-o
 
NGUỒN GỐC & HÌNH THÀNH
 
GHXH-CG bao gồm hai yêu sách căn bản: Một mặt, sứ vụ muôn thuở của Kitô giáo về việc rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân; mặt khác, đòi hỏi thích nghi không ngừng với những thách đố và biến đổi khôn lường của thế giới. Việc nối kết giữa truyền thống với đương đại, giữa nguyên tắc nền tảng và giá trị muôn thuở với những vấn đề thời sự tạo thành nét tiêu biểu và đặc sắc của GHXH.
Trong ý hướng đó, chúng tôi muốn giới thiệu “nguồn gốc v qu trình hình thnh của Gio huấn X hội của Gio Hội”.
I-       NGUỒN GỐC
Về nguồn gốc Kinh Thánh của Giáo huấn Xã hội Công giáo, Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II đã viết những dòng that sâu sắc: “Giáo huấn Xã hội của Giáo hội bắt nguồn từ Kinh Thánh, khởi đi từ sách Sáng Thế, đặc biệt từ Tin Mừng, và từ các văn kiện của các thánh Tông đồ. Ngay từ đầu, giáo huấn này đã nằm trong giáo huấn của chính Giáo hội, trong quan niệm của Giáo hội về con người và về đời sống xã hội, đặc biệt trong nền luân lý xã hội đã được dày công xây dựng và phát triển dần dần tùy theo nhu cầu của các giai đoạn lịch sử. Gia sản truyền thống này sau đó đã được kế thừa và khai triển bằng giáo huấn của các Giáo chủ về “các vấn đề xã hội” hiện đại, khởi đầu bằng thông điệp Tân sự(Lao động con người, số 3).
Thời giờ giới hạn của bài thuyết trình không cho phép trình bày mọi góc cạnh của vấn đề. Dưới đây là một vài nét chấm phá.
1-      Vận mệnh phổ quát của tài sản
Đây là một đề tài căn bản và xuyên suốt từ Cựu Ước sang Tân Ước. Ruộng đất chính là một tặng vật Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại. Ngài là sở hữu chủ duy nhất và tất cả hoa màu ruộng đất vẫn thuộc về Ngài. Để tránh tình trạng tài sản tập trung vào tay một số điền chủ, nhất là để người nghèo có cơ hội tham dự vào tài sản chung này, Luật Giao ước cấm bán đứt ruộng đất. Sách Lêvi ghi rõ: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta. Trong toàn xứ sẽ thuộc quyền sở hữu của các ngươi, các ngươi phải cho người ta quyền chuộc lại đất. Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu và phải bán một phần sở hữu của nó, thì người có quyền chuộc, tức là người bà con gấn nhất, sẽ đến chuộc lại cái mà người anh em nó đã bán”.
Trong xã hội tiền công nghiệp, ruộng đất đóng một vai trò rất quan trọng. Quyền có ruộng đất là một quyền sinh tử, được Thiên Chúa ban đồng đều cho mọi người, không loại trừ một ai và cũng chẳng hề thiên vị riêng ai. Cựu Ước đặt việc chiếm hữu tài sản trong mối tương quan không những giữa con người với của cải, mà trước hết trong mối tương quan liên đới với đồng loại và với Thiên Chúa. Tất cả hữu thể nhân loại đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và có tương quan bình đẳng với người khác như những thành viên của gia tộc, xã hội, đất nước.
Tác giả Thánh Vịnh viết: “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” (Tv 24,1). Ngài trao tặng trái đất cho con người để “cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Nhưng quản trị nói đây không đồng nghĩa với sở hữu chủ, nhất là sở hữu chủ tuyệt đối, bởi vì Thiên vẫn là sở hữu chủ duy nhất của tất cả ruộng đất.
Toàn bộ Cựu Ước, đặc biệt Ngũ Thư và các Ngôn sứ, giới thiệu mô hình một xã hội mới tự do, bình đẳng, huynh đệ và liên đới, hoàn toàn đối lập với chế độ chính trị của các nước lân cận. Trong giai đoạn đầu, dân tộc Israel đã cố gắng thể hiện mối tương quan công bằng, huynh đệ và liên đới này qua cơ chế chính trị – xã hội đặc biệt: Cơ cấu xã hội được tổ chức dựa trên tương quan huyết thống của các chi tộc. Hoàn toàn chưa có vua quan hay giai cấp thống trị. Đức Chúa là Vua của dân tộc, còn tất cả mọi người Israel đều là anh em với nhau, có cùng quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá như nhau.
Qua trung gian của Mosê, Thiên Chúa đã thiết lập với dân tộc Israel một giao ước tại Sinai: Ngài sẽ là Đức Chúa của dân Israel, trong khi đó Israel sẽ trở thành “dân tộc được tuyển chọn” (Xh 19, 3-8). Thiên Chúa hứa ban cho dân Israel “một vùng đất chảy sữa và mật” làm gia nghiệp, nhưng đồng thời đòi hỏi vùng đất hứa này phải ở trong tầm tay của tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo hèn và khốn khổ nhất. Sách Dân số và sách Giosuê kể lại tỉ mỉ cách thức phân chia đất đai để làm sao mỗi gia đình có một nguồn vốn kinh tế như nhau:
“Đức Chúa phán với ông Mosê rằng: Đất đai sẽ được phân chia cho những người ấy theo số tên đã ghi. Đông người thì ngươi sẽ chia cho phần lớn hơn làm gia nghiệp, và ít người thì ngươi sẽ chia cho phần nhỏ hơn làm gia nghiệp; ngươi sẽ cho mỗi chi tộc phần gia nghiệp tương xứng với số người đã được kiểm tra. Nhưng phải bắt thăm để chia đất”(Ds 26, 52-55).
Với tư cách là tài sản của Thiên Chúa, đất là một gia sản bất khả sang nhượng. Cựu Ước cũng công nhận quyền tư hữu và triệt để ngăn cấm không được lấy tài sản của tha nhân. Luật giao ước ghi rõ: “Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, bò lừa hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,15.17). Nhưng vượt bên trên quyền tư hữu này, Kinh Thánh luôn nhấn mạnh đến một quyền nguyên thuỷ, nền tảng và tự nhiên, đó là cho phép mọi người được tham dự vào tài sản chung của trái đất, nhất là khi họ ở trong hoàn cảnh khốn cùng.
2- Yêu sách về công bằng và liên đới
Các Ngôn sứ đào sâu và khai triển hơn nữa quyền lợi của người nghèo. Chính các vị đã đưa ra nhiều xác quyết triệt để, theo đó các nghi thức thờ phượng Yahvé, các lễ nghi phụng tự, các buổi cầu kinh, các ngày lễ, các lễ vật toàn thiêu, hành hương hay các đền đài tráng lệ … chẳng có giá trị tôn giáo nào cả, nếu không chu toàn những đòi hỏi căn bản về công bằng và liên đới.
Ngôn sứ Jeremias cho chúng ta thấy công bằng và liên đới chính là hành động tôn thờ đích thực nhất mà Đức Chúa mong đợi. Trái lại, bất công đồng nghĩa với hành động thất trung. Vì vậy, Đức Chúa lên án vua Yoyaquim:
            “Khốn thay kẻ xây nhà xây cửa
            mà không đếm xỉa đến lẽ công bình
            Khốn thay kẻ xây lầu son gác tía
            mà chẳng màng chi đến điều chính trực
            Khốn thay kẻ bắt anh em mình làm lụng vất vả
            mà không tính công sá, không trả thù lao (Gr 22, 13).
Ngôn sứ Amos cũng đi theo định hướng chung này. Ông kịch liệt chống lại các thứ tế tự nặng hình thức, nhưng vắng bóng công bằng và thiếu tâm tình tôn giáo:
            Những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận
            Chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế,
            Ta chẳng đoái hoài.
            Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
            Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.
            Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,
            cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn (Am 5,21-24)
Theo ngôn sứ Isaia, để lời cầu nguyện được Thiên Chúa chấp nhận, “phải tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ (Is.1,13-17). Chúng ta có thể trích dẫn nhiều bản văn tương tự. Dựa trên tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong Kinh Thánh, G. von Rad có lý để kết luận rằng “trong Cựu Ước chẳng có một quan niệm nào giữ vai trò quan trọng trong mối tương quan sinh tử giữa người với nhau như quan niệm công bằng (sedaqah)”. Và ông lưu ý thêm: cần ý thức rằng “chữ công bằng trong ngôn ngữ của chúng ta không những phiến diện, mà nhiều lần còn dịch sai nguyên ngữ (sedaqah) trong tiếng Hebreo”.
Thật vậy, Sedaqah có một nội dung rất phong phú và phức tạp. Nhãn giới của nó cũng rất rộng, vượt khỏi những phạm trù chật hẹp của quan niệm pháp lý, triết học và ngay cả ý nghĩa luân lý của “công bằng”. Người công bằng không phải được đánh giá tốt chỉ vì đã giữ trọn một số luật lệ, mà đúng hơn, đây là một thái độ sống theo giao ước, trong đó luôn đề cao mối tương quan tôn giáo đối với Thiên Chúa và chiều kích huynh đệ – liên đới đối với anh chị em.
Trước hết, đối với Thiên Chúa, sedaqah (công bằng) là một nhân đức tôn giáo, một thái độ sống của một người tín đồ đạo hạnh. Người công bằng là người tín đồ sống và hành động phù hợp với giới răn của Đức Chúa, luôn thực thi ý định của Đức Chúa, cố gắng bước đi trong huấn giới của Ngài. Do đó, người công bằng trở thành người tôi tớ hoàn thiện và bạn hữu của Ngài.
Theo ý nghĩa này, công bằng đồng nghĩa với công chính. Người công bằng là người chính trực và thánh thiện, hay ít nhất không bị chỉ trích và lên án, bởi vì đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tôn giáo. Trái lại, bất công đồng nghĩa với thất trung, gian tà, lươn lẹo, tội lỗi (St 18,22tt). Đối với anh chị em đồng loại, người công bình là người có mối tương quan tốt, sống công chính và liêm khiết, nhưng đồng thời cũng là người nhân hậu và bác ái (Tb 7,6; 9,6; 14,9), yêu thương mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ, vì họ thường là nạn nhân của bạo lực và bất công.
3-         Quyền lợi của người nghèo
Một nét độc sáng của Cựu ước là quan niệm về quyền lợi. Nhưng khi Kinh Thánh nói về “quyền lợi” thì thường không nhằm bảo vệ quyền lợi của những người có tiền, có của, có danh vọng và chức quyền, mà trước tiên là quyền lợi của những người không tiền, không quyền, không thế, sống vất vưởng bên lề xã hội. Các tiên tri nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng bênh vực quyền lợi của đám lê dân chống lại tầng lớp giáo sĩ và vua quan. Tiếng nói sang sảng của các vị đã đánh thức lương tâm ngái ngủ của Dân Chúa suốt dọc lịch sử dân tộc Israel. Khi suy niệm về Giao ước và tình yêu của Thiên Chúa đối với dân tộc được tuyển chọn, tác giả sách Đệ nhị luật kêu gọi dân Israel trung thành với Giao ước, đặc biệt những gì liên hệ đến công bình và liên đới:
 “Anh (em) không được bóc lột người làm thuê nghèo khó bần cùng, dù người ấy là một người của anh (em) hay là một ngoại kiều ở trong đất nước của anh (em). Chính trong ngày hôm ấy, anh (em) phải trả công cho họ, đừng để mặt trời lặn mà không trả công, vì họ nghèo khổ và nóng lòng mong đợi được trả công; như vậy họ sẽ không kêu lên Đức Chúa tố cáo anh (em), và anh (em) sẽ không mang tội (…)..
Khi anh (em) gặt lúa trong ruộng mình, mà bỏ sót một bó lúa trong ruộng, thì không được quay lại để lấy; bó lúa ấy dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ; như vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ chúc phúc cho anh (em) trong mọi việc anh (em) làm. Khi hái oliu, thì anh (em) không được trở lại tìm trái sót; những trái đó dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ” (Đnl 24, 14-15, 17-20).
Các ngôn sứ tiếp tục truyền thống này và hăng say bảo vệ quyền lợi người nghèo chống lại chính vua quan, cũng như những người quyền thế trong dân tộc Israel. Một lần nữa, ngôn sứ Amos lên tiếng:
“Hãy nghe đây, hỡi những kẻ đàn áp người cùng khổ
            và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
            Các ngươi thầm nghĩ:
            (…) Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
            đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ;
            cả lúa nát, gạo mục, ta cũng đem ra bán”.
            Đức Chúa đã lấy thánh danh
            Là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề:
            Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”.
            Đối với tác giả sách Isaia đệ tam, cách ăn chay đích thực, mà Thiên Chúa mong muốn, luôn đòi hỏi phải nối kết công bình với liên đới và yêu thương. Vắng bóng liên đới và yêu thương mọi hình thức khổ chế, cũng như lễ nghi tế tự sẽ đánh mất ý nghĩa tôn giáo của nó. Chỉ khi thực hiện công bằng, liên đới và yêu thương như cho người đói ăn, tiếp rước người nghèo khổ, mở xiềng xích bạo tàn, tranh đấu cho người bị áp bức… thì :
            Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
            vết thương ngươi sẽ mau lành.
            Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,
            vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.
            Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
            ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây!” (Is 58, 6-9).
Thái độ công bằng, nhân ái và liên đới hàm chứa một giá trị tôn giáo cao hơn lễ nghi tế tự. Dĩ nhiên, các ngôn sứ không phủ nhận giá trị của các lễ nghi tế tự. Tuy nhiên, theo các ngài, lễ nghi tế tự chỉ mang ý nghĩa tôn giáo khi đi đôi với liên đới. Chính trong viễn tượng đó, ngôn sứ Osea dám xác quyết: “Ta muốn công bằng chứ không phải tế tự, và nhận biết Thiên Chúa hơn là lễ vật toàn thiêu” .
4-         Sứ điệp của Đức Giêsu
Theo các trình thuật Tin Mừng, Con Thiên Chúa giáng trần đã tự nguyện chia sẻ kiếp người với anh em đồng loại, đảm nhận những vấn đề nhân loại với tư cách một con người như trăm triệu con người khác. Tinh thần nhập thế và nhập thể của Đức Kitô không chỉ thu gọn vào việc mặc lấy thân xác con người, mà Ngài còn muốn trở nên người tôi tớ để phục vụ anh em đồng loại và mời gọi mọi người sống theo tinh thần phục vụ ấy.
Đức Kitô yêu thương mọi người, nhưng đặc biệt ưu ái những người nghèo khổ, những người bị áp bức, đày đọa hay bị xã hội bỏ quên. Ngài đã sinh ra trong hang bò lừa, giữa chốn không cửa không nhà, như trăm triệu “con nhà kẻ khó khác” . Tại Nazareth, Ngài đã chính thức công bố với đồng hương chương trình hành động: “Thần linh Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức và công bố năm hồng ân của Chúa”(Lc. 4,18). Ngài đã tự đồng hoá với những người bé mọn nhất trong nhân loại khi xác quyết rằng tất cả những gì chúng ta làm hay không làm cho họ là làm hay không làm cho chính Ngài.
Trước đó ít lâu, khi ông Gioan tiền hô từ trong tù ông sai môn đệ đến hỏi Ngài có phải là Đấng thiên sai hay không? Ngài thẳng thắn trả lời họ: “Các anh về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què đi được, người phong cùi được lành sạch, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng”(Mt. 11,4-5). Qua câu trả lời gián tiếp này, Ngài muốn khẳng định rằng dấu chỉ hiển nhiên của Đấng thiên sai là hành động lựa chọn đứng về phía những người nghèo khổ, bé mọn, tật nguyền và xấu số.
Đạo tình thương và Tin Mừng cứu độ của Ngài được gởi đến mọi người, nhưng luôn ưu tiên cho những người nghèo khổ và tội lỗi. Ngài triệt để đấu tranh chống lại tội lỗi, bất công, hận thù, nhưng luôn đối xử từ bi, nhân hậu và nhẫn nại đối với các tội nhân. Phải chăng, Ngài đến trần gian để cứu chữa những người tội lỗi, chứ không phải những người mạnh khỏe? Vì vậy, Ngài sẵn sàng bỏ lại đó 99 con chiên không lạc, để lên đường vất vả, ngược xuôi kiếm tìm một con chiên lạc?.
Với cách hiểu như vậy, chúng ta thấy rằng Đạo của Đức Giêsu là Đường dẫn đưa chúng ta tiến về Nhà Cha, nhưng không bao giờ cho phép chúng ta hờ hững, lãnh đạm với anh em đồng loại. Đạo của Ngài cũng chẳng hề giới hạn trong những “cấm giới”: đừng giết người, đừng trộm cắp, chớ gian dâm…, mà còn là đạo hành động, đạo làm. Đối với Ngài, chẳng ai có thể theo Đạo chỉ bằng môi miệng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thực hiện ý muốn của Cha Thầy”.
Tông đồ Gioan giải thích thêm: “Ai không yêu thương, thì không nhận biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (…). Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nhưng nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo”
Trước giờ ly biệt các môn đệ thân yêu, Ngài đã để lại lời chứng và luật truyền căn bản về dấn thân phục vụ: rửa chân cho các môn đệ. Thánh sử Gioan tường thuật: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó đúng lắm, vì thật vậy, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.
5-         Cộng đồng Kitô hữu tiên khởi
Cộng đồng Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem cố gắng thể hiện lý tưởng hiệp thông huynh đệ của Tin Mừng. Theo thánh Luca, các tín hữu tiên khởi “chuyên cần nghe giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông với nhau (Koinônia), tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2,42). Nếu được phép giản lược, chúng ta có thể nhìn sự hiệp thông này dưới hai chiều kích: hành động để tài sản làm của chung và tình hiệp thông huynh đệ.
Công vụ Tông đồ tường thuật: “Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán đất đai của cải, rồi lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,44-45). Ở chương bốn, tác giả nhắc lại ý tưởng căn bản trên, với chi tiết rõ rệt hơn: “Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng giữa họ, vạn sự là của chung” (Cv 4,32).
Phân tích đoạn trích dẫn ở trên và tất cả những đoạn văn liên hệ, chúng ta thấy rằng các Kitô hữu tiên khởi vẫn duy trì quyền sở hữu trên những gì họ đang chiếm hữu. Nhưng thay vì quyền tư hữu tuyệt đối và bất khả xâm phạm, nhiều người đã để tài sản làm của chung, nhằm thoả mãn nhu cầu của các anh em nghèo túng trong cộng đồng. Vì vậy, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy sau khi xác quyết, các tín hữu “đã để mọi sự làm của chung” (Cv 2,44), thánh Luca viết thêm: “Họ đem bán đất đai và của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,45). Và rồi, ở chương 4, thánh sử lại giải thích: “Trong cộng đồng, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất hay nhà cửa đều bán đi, lấy tiền và đặt dưới chân các Tông đồ. Số tiền này được phân chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu”(Cv 4,34-35)
Tiếp theo đó, tác giả trình bày trường hợp ông Barnaba, một người sau này giữ vai trò khá quan trọng trong sinh hoạt của cộng đồng: “Ông là sở hữu chủ một thửa đất, ông bán mảnh đất ấy đi, rồi đem tiền đặt dưới chân các Tông đồ”(Cv 4,37). Rõ ràng tác giả muốn giới thiệu ông như một tấm gương và một dẫn chứng điển hình của tình liên đới. Tuy nhiên, nếu tất cả các tín hữu đã bán hết tài sản và để mọi sự làm của chung, thì khi dâng cúng trọn vẹn tài sản cho cộng đồng, thì phải chăng ông Barnaba cũng xử sự như bao nhiêu người khác thôi? Hành động của ông đâu có gì ngoại thường và đáng nêu gương? Và như vậy, tác giả cũng chẳng cần dẫn chứng trường hợp của ông như một mẫu gương điển hình?
Câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của Anania và Saphira (Cv 5,1-11) giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn. Lỗi lầm của hai vợ chồng này không phải là “đã giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các Tông đồ” (Cv 5,2). Thực sự, họ có quyền bán hay không bán thửa đất đó. Khi bán xong, họ cũng có quyền nộp tất cả hay chỉ nộp một phần thôi. Thành ra, tội của họ không hẳn là đã giữ lại một phần tiền bán đất, mà chính là âm mưu đánh lừa các Tông đồ.
 Có thể coi việc chia cơm sẻ bánh này như hệ quả tất nhiên của hiệp thông trong đức tin. Dưới sức tác động của Thần khí, các tín hữu thực hiện nó qua nhiều dạng thức và mức độ khác nhau. Họ có quyền duy trì tài sản và đóng góp cho cộng đồng tùy lòng hảo tâm. Nhưng một số tín hữu đã quảng đại dâng hiến tất cả tài sản của mình cho cộng đồng, như trường hợp của ông Barnaba. Thánh Luca điển hình hoá và lý tưởng hoá trường hợp đặc biệt này như một nếp sống lý tưởng cho tất cả các Kitô hữu. Có lẽ vì vậy thánh nhân đã giản lược hoá thực tế phức tạp và đặc biệt đề cao những trường hợp điển hình để giới thiệu cộng đồng Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem như một mô hình lý tưởng cho tất cả các tín hữu ở mọi thời và mọi nơi.
 Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô không phải là một giáo huấn xã hội theo nghĩa chặt, nhưng trong ngọn nguồn sâu thẳm cũng như trong tiến trình lịch sử, Tin Mừng không những chứa đựng toàn bộ giáo huấn liên quan đến mầu nhiệm cứu độ, mà còn kèm theo những sứ điệp về mối tương quan giữa người với người và nghĩa vụ dấn thân để xây dựng một thế giới huynh đệ, an hoà và nhân bản hơn. Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, các cộng đồng Kitô giáo luôn cố gắng thực hiện sứ điệp này qua những lối sống, hành động dấn thân phục vụ và tổ chức bác ái – xã hội rất đa dạng, tùy theo môi trường văn hoá, chế độ chính trị và điều kiện kinh tế đặc thù của mỗi địa phương.
II-     QuÁ trÌnh hÌnh thÀnh
GHXH-CG có một quá trình hình thành và phát triển rất lâu dài, tùy thuộc bối cảnh riêng của từng giai đoạn lịch sử. Trong quá trình hình thành tiệm tiến này, kinh nghiệm sống của các cộng đồng Kitô hữu quyện lẫn với suy tư của các Giáo phụ, các thánh tiến sĩ, các tư tưởng gia Kitô giáo và nhất là Huấn quyền… để tạo thành những nét độc đáo của mỗi giai đoạn, cũng như của toàn bộ giáo huấn xã hội.
1-         Các Giáo phụ và công bằng xã hội
Các Giáo phụ đào sâu sứ điệp xã hội trong Kinh Thánh và mạnh mẽ lên tiếng tố cáo tình trạng bất công xã hội. Đồng thời, các vị cống hiến cho Giáo hội nhiều suy tư và giải pháp tích cực để tranh đấu cho quyền lợi của người nghèo, theo tinh thần Kitô giáo. Hai chủ đề thường gặp thấy trong các bài viết và bài giảng của các vị là: vận mệnh phổ quát của tài sản quyền của người nghèo được dự phần vào tài sản chung.
Sống trong một nền kinh tế nông nghiệp, khi mà tăng trưởng kinh tế thường là zero, các Giáo phụ rất dị ứng với cảnh giàu sang, vì nghĩ rằng để một người giàu lên thì nhiều người phải nghèo đi. Chính trong viễn tượng đó, thánh Basiliô thẳng thắn cật vấn người giàu: “Bạn không phải là kẻ trộm đó sao? Tiền của trao cho bạn quản trị, bạn lại chiếm hữu. Kẻ trấn lột người khác được gọi là tên cướp, còn người không cho kẻ rách rưới mặc, khi anh ta có thể làm được điều đó, thì có xứng đáng mang một tên gọi khác chăng? Chiếc bánh mà bạn cất giữ thuộc về người đói. Áo khoác mà bạn cất kỹ trong rương là của người trần trụi. Giày để mốc meo trong nhà bạn là giày của người chân không. Tiền bạc bạn chôn giấu thuộc về người cùng khổ”.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã nêu câu hỏi thời danh về nguồn gốc của tài sản: “Bạn hãy nói cho tôi biết nguồn gốc tài sản của bạn? Bạn đã lãnh nhận nó từ tay ai? Và kẻ đó đã nhận nó từ người nào? Người ta sẽ trả lời: từ ông, từ cha. Nếu thế, cứ đi ngược lên các thế hệ, bạn có thể chứng minh quyền sở hữu của ông ta là chính đáng không? Có lẽ bạn không làm nổi đâu, vì nguyên lý và cội rễ của nó nhất thiết là một sự kiện bất công nào đó. Tại sao? Bởi vì, từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã không làm nên kẻ này giàu, người kia nghèo (…). Ngài đã cho tất cả mọi người cùng một trái đất. Do đó, nó là của chung, vậy thì tại sao bạn đã dư thừa ê hề của cải, trong khi láng giềng của bạn lại chẳng có một đồng xu dính túi?”
Theo thánh nhân, mỗi người có quyền sử dụng của cải trần gian để thoả mãn nhu cầu chính đáng của bản thân và của gia đình. Tất cả những gì còn lại thuộc về người nghèo và chúng ta có trách nhiệm chuyển giao những của cải đó cho họ: “Không chia sẻ cho người nghèo của cải thuộc về họ là ăn cắp và cướp lấy mạng sống của họ. Của cải chúng ta đang chiếm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ” (Laz. 1,6). Sâu thẳm hơn, ngài yêu cầu các tín hữu thể hiện hành động bác ái – yêu thương và cố gắng nhận diện khuôn mặt của Đức Kitô nơi những người nghèo khổ. Trong đời sống tôn giáo, cần đề cao giá trị tâm linh và nhân bản trên việc xây dựng những đền đài vật chất. Ngài nói: “Bạn muốn tôn vinh Thân thể Đức Kitô ư? Vậy đừng ngoảnh mặt làm ngơ khi thấy Ngài trần trụi. Xin đừng tôn thờ Ngài ở đây, trong thánh đường, đầy nhung lụa gấm vóc, trong khi lại bỏ mặc Ngài ở bên ngoài, trần truồng và giá lạnh. Đấng đã tuyên bố: “Này là mình Thầy”, cũng chính là Đấng đã nói: “Anh thấy Tôi đói mà không cho ăn”(…). Nào có ích gì nếu bàn tiệc Thánh thể đầy những bình bằng vàng, trong khi chính Chúa đang chết đói? Hãy lập tức làm dịu cơn đói của Ngài và sau đó, với những gì còn sót lại, bạn sẽ trang hoàng bàn thờ”.
Bên phương Tây, thánh Ambrosiô cũng luôn lặp đi lặp lại nguyên tắc căn bản: trái đất là gia tài chung và tặng vật để mọi người cùng hưởng dụng, người giàu cũng như người nghèo. “Thế nhưng, lòng tham đã phân chia ra quyền sở hữu. Đòi cho riêng mình cái thuộc về toàn thể nhân loại hay đúng hơn, cái dành cho mọi sinh vật, cũng có thể được coi là chính đáng, nếu như ngươi biết chia sẻ ít nhất một phần cho những người nghèo”.
Thánh Giám mục Milano lấy lại quan điểm của thánh Basiliô và cho rằng người tham lam là “người không bằng lòng với những nhu cầu cần thiết. Kẻ cướp là ai? Là người cướp đoạt, vơ vét tài sản của người khác. Anh tưởng rằng anh không phải là kẻ tham lam hay kẻ cướp sao? Của chung thiên hạ giao cho anh điều hành, anh lại giữ lấy cho riêng mình, như thế không phải là tham lam, hoặc ăn cướp thì còn gì nữa? Lột áo kẻ khác là ăn cướp. Có dư áo mà thấy người khác ở trần cũng thây kệ, thì cũng là một hình thức ăn cướp. Anh nên nhớ: gạo anh tích trữ trong kho là gạo của người nghèo, áo anh cất trong tủ là áo của người trần trụi, giày anh để mốc meo trong xó là giày của kẻ chân không”.
Dựa trên lập luận và quan điểm thần học đó, thánh Grêgoriô Cả có lý để quả quyết: “Khi trao tặng những thứ cần thiết cho người nghèo, chúng ta không làm vì lòng quảng đại cá nhân, nhưng chỉ trả lại cho họ những gì thuộc về họ. Qua đó, chúng ta chu toàn trách nhiệm công bằng hơn là thực hiện một hành vi bác ái”.
Đối với thánh Augustinô, làm phúc bố thí, chia cơm sẻ áo là cần, nhưng chưa đủ. Điều thiết yếu là phải làm sao để không còn ai nghèo đói và cũng chẳng cần ai phải làm phúc cho ai: “Chúng ta không nên ước ao có những người nghèo khổ để có dịp làm phúc. Nếu bạn đem cơm gạo cho kẻ đói ăn, tốt hơn là làm thế nào để chẳng còn ai đói khát, và bạn sẽ không cần cho ai cả. Bạn cho người rách mặc, nhưng nếu ai cũng có áo thì chẳng cần cho ai nữa… Tình yêu chân thật là ước muốn cho người khác được hạnh phúc, không thiếu thốn gì cả… Vì nếu bạn muốn giúp đỡ người nghèo khổ có lẽ bạn muốn coi mình hơn họ và coi họ kém bạn, vì cần đến bạn. Điều lý tưởng là làm sao chẳng ai phải cần đến ai và tất cả chúng ta chỉ lệ thuộc vào Thiên Chúa thôi”.
2-         Một số hình thức thực hiện
Bất chấp những khó khăn và tình trạng tranh tối tranh sáng của thời Phong kiến, một số vị hữu trách trong Giáo hội đã cố gắng đưa ra các luật lệ và biện pháp cụ thể nhằm thực hiện lý tưởng bác ái và huynh đệ của Kitô giáo.
Kể từ năm 321, Giáo hội cho phép thâu nhận và quản lý tiền của do các tín hữu dâng cúng. Người ta thường gọi những tài sản này là “tài sản của Thiên Chúa” hay “tài sản của người nghèo”. Từ thế kỷ V, dưới thời Giáo chủ Simplicio (468- 483), Giáo luật bắt buộc các vị lãnh đạo trong Giáo hội phải chia cho người nghèo ¼ tài sản này. Một số Công đồng Miền được triệu tập trong thế kỷ V và VI còn xác định hành động trợ giúp người nghèo nói trên là một bổn phận pháp lý. Ai giữ lại những tài sản đó sẽ bị vạ và coi như một kẻ giết hại người nghèo (necator pauperum).
Giáo chủ Gregoriô Cả (590–604) áp dụng cho toàn thể Giáo hội mệnh lệnh bắt buộc phải chia cho người nghèo ít nhất ¼ lợi tức. Đối với các chủ chăn âm mưu tránh né thi hành mệnh lệnh này, Công đồng Arles (836) tuyên bố: “Các chức sắc của Giáo hội cần biết rằng tài sản của Giáo hội được giao phó cho các vị quản trị, không theo tư cách là tài sản riêng, mà là tài sản của Chúa để thoả mãn nhu cầu của tha nhân. Cũng cần biết rằng tài sản của Giáo hội không có gì khác hơn là những gì mà các tín hữu đã dâng cúng, như giá chuộc tội của họ và gia tài của những người nghèo khổ”.
Với thời gian, từ trong Giáo hội đã hình thành nhiều tổ chức để cung cấp lương thực cho những người đói khát, giáo dục trẻ em, chữa trị các bệnh nhân và săn sóc những người già nua. Tại mỗi giáo xứ có nhà cứu trợ và tại trụ sở của mỗi giáo phận có “Domus Dei” (Nhà Đức Chúa Trời). Đây là những trung tâm đón tiếp khách hàng hương và chăm nuôi những người nghèo khổ, già nua, bệnh tật.
Giám mục thường được gọi là “cha của người nghèo” và “trạng sư của những người bé mọn”. Công đồng Toledo IV (633) tuyên bố: “Các Giám mục không được từ chối trách nhiệm mà Thiên Chúa đã giao phó để bảo vệ và bênh vực dân chúng. Bởi vậy, khi thấy các quan toà và những sở hữu chủ trở thành kẻ thù của những người nghèo, trước tiên, với tư cách Giám mục, phải khiển trách họ. Nếu họ không muốn hối lỗi, thì trình lên nhà Vua thái độ cao ngạo đó, bởi vì những ai mà không chịu thi hành công lý do lời cảnh cáo của Giám mục, thì hoặc là quyền lực của nhà vua sẽ khuất phục họ hay sẽ bị coi là phạm nhân trước Công đồng”.
Để có thể thi hành một cách hữu hiệu vai trò “người cha và người bênh vực những người nghèo”, công đồng Macon (585) đã đưa thêm một số quyết định cụ thể: Các toà Giám mục không nuôi chó. Các nghị phụ tuyên bố: “Chúng tôi muốn rằng các toà Giám mục, do hồng ân của Chúa được xây dựng để niềm nở đón tiếp mọi người, không hề có bất cứ sự phân biệt nào, không được nuôi chó. Phải làm sao để những người tin tưởng tìm gặp nơi các Giám mục sự nâng đỡ cho cảnh khốn cùng của họ, không rơi vào cảnh thân thể bị rách nát vì chó cắn. Bởi vì toà Giám mục phải được bảo vệ bởi tình thương, chứ không bằng bạo lực, bằng việc phước đức, chứ không bằng những vết cắn độc hại. Do đó, thật là quái đản và bất kính, nơi mà danh Chúa luôn được ca tụng, lại có chó dữ và chim săn mồi” (Can. 13).
3- Người nghèo giữa lòng Giáo hội giàu sang
Rất tiếc, với thời gian, tương tự nhiều tổ chức nhân loại khác, các tổ chức phục vụ người nghèo của Giáo hội đã bị biến chất và suy đồi! Các sử gia vẫn gọi thế kỷ X là “thế kỷ sắt” của giáo triều, thế kỷ vô luân nhất trong lịch sử của Giáo hội. Với sự xuất hiện của “Nước Toà Thánh”, cơ cấu của Giáo hội đã biến thành một “thế lực chính trị” và tài sản của Giáo hội không còn là tài sản của những người nghèo nữa, mà được dùng để phục vụ các thế lực chính trị và cuộc sống vương giả của các chức sắc trong Giáo hội. Vào giai đoạn này, nhiều bậc vị vọng trong Giáo hội thường chủ tâm kiếm tìm quyền bính, tiền bạc và đời sống vương giả. Các vị bận tâm nhiều đến “tài sản của người nghèo” hơn là “chính người nghèo”. Công tác phục vụ người nghèo không những giảm dần và, hơn nữa, những quà tặng ít ỏi dành cho người nghèo thường chỉ tới tay một nhóm người phần nào có liên hệ với Giáo hội. Những người nghèo đích thực, thê thảm và đáng thương nhất đã bị bỏ rơi. Người nghèo bấy giờ trở thành lớp người đáng ngờ vực và gây âu lo. Họ sống bên lề xã hội, du thủ du thực, tụ tập trong những khu rừng hay kéo nhau về vùng ven đô để kiếm sống qua ngày.
Tình trạng căng thẳng xã hội và tôn giáo này nhiều lần đã bùng phát, một cách rất rõ nét, qua các “phong trào người nghèo” suốt dọc thế kỷ XI và XII. Nói chung, những phê phán trước đây thường được đưa ra để chống lại người giàu, bấy giờ lại trở thành lời tố cáo chống lại nhà cầm quyền và hàng Giáo phẩm. Có những trường hợp lời tố cáo gay gắt và cực đoan của phong trào này đã dẫn đến bạo động hay ly giáo.
Phong trào người nghèo không phải chỉ là đất dụng võ của lạc giáo và nhóm phản chứng mà thôi. Nó cũng là nguồn gốc của nhiều Hội Dòng và phong trào canh tân trong Giáo hội. Joachim de Fiore, thánh Bernađô, Stefano de Muret, thánh Phanxicô khó nghèo, thánh Đa-Minh … là những khuôn mặt chính ở thời Trung Cổ đã lựa chọn khó nghèo Tin Mừng và đồng hành với người nghèo giữa lòng một Giáo hội giàu sang và quyền thế. Chúng ta có thể nói lý do của Tin Mừng và lý do của người nghèo nối kết chặt chẽ với nhau trong chọn lựa của các vị.
 Khi đối diện với một hàng giáo phẩm quá giàu sang giữa lúc đại đa số dân chúng sống trong cảnh lầm than, nhiều nhà giảng thuyết cho rằng để có thể rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu khó nghèo phải sống nghèo và phải đứng về phía người nghèo như Ngài đã thực hiện. Tiếng nói của các vị đôi khi rất gay gắt, na ná như ngôn từ của các ngôn sứ trong Cựu Ước hay của “phong trào người nghèo” ở thời đó. Bản văn của thánh Bernađô là một dẫn chứng hùng hồn. Ngỏ lời với các Giám mục, thánh nhân thẳng thắn đặt vấn đề: “Những người trần trụi kêu la, những người đói khổ chất vấn: Hỡi các chức sắc của Giáo hội, các vị hãy trả lời cho chúng tôi, tại sao các vị dùng vàng để làm thắng ngựa? Tại sao không sử dụng vàng đó để giảm thiểu đói lạnh? Khi chúng tôi chết một cách thê thảm vì đói rét, các vị làm gì với bao nhiêu áo bông thêu thùa lộng lẫy và cất kỹ trong tủ? Thuộc về chúng tôi những gì các vị đã lấy một cách bất công. Những gì các vị đang tiêu xài phung phí, các vị đã tước đoạt của chúng tôi một cách dã man. Chúng tôi không phải là tạo vật của Thiên Chúa và được máu Đức Kitô cứu chuộc như các vị sao?(…). Các vị đã sử dụng cuộc đời chúng tôi để làm giàu. Tất cả những gì làm tăng thêm vẻ phù hoa của các vị đã được lấy từ nhu cầu thiết yếu của chúng tôi. Và tật xấu luôn phát sinh từ gốc rễ tham dục. Chính nó dẫn đưa các vị đến hư mất, trói ghì các vị và đe doạ, trấn lột chúng tôi”.
Để giảm bớt tình trạng lầm than của người nghèo, các luật gia và luân lý gia đã đưa ra một số tiêu chuẩn đạo đức xã hội. Họ phân biệt rõ rệt trường hợp ăn trộm vì thói xấu và ăn trộm vì đói khổ. Trường hợp sau cùng này được đối xử một cách nhân từ và cảm thông, nhiều khi không bị qui trách. Trước câu hỏi mang tính luân lý: Có được phép lấy của người khác để cứu mạng sống trong trường hợp túng đói hay không? Một số luật gia và thần học gia khẳng định là được, bởi vì mọi sự trở thành tài sản chung trong trường hợp khẩn thiết do túng đói. Uguccio de Pisa công thức hoá như sau: Theo luật tự nhiên, mọi sự là của chung, vì vậy trong trường hợp khẩn thiết được sử dụng tài sản của người khác để cứu mạng sống.
Một số thần học gia và các nhà giảng thuyết đã đào sâu đề tài khó nghèo và phẩm giá của người nghèo từ viễn tượng Kitô học. Dấn thân tranh đấu cho quyền lợi của người nghèo và đề cao nhân phẩm của họ không phải chỉ dựa trên lý do nhân bản, mà trước hết và trên hết là do đòi hỏi của niềm tin. Từ đó nở rộ một trào lưu thần học lên án sự giàu sang của hàng Giáo phẩm và chủ trương rằng sống khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng như điều kiện tất yếu để bước theo Đức Kitô.
Theo Hiduin (1188-1193), Đức Giêsu không những đã sống nghèo, mà hơn nữa “đã chọn những người đơn sơ và dốt nát chứ không chọn các triết gia, mời gọi người nghèo chứ không phải những người mặc áo gấm”. Raul Ardent nhấn mạnh tầm quan trọng của một châm ngôn tu đức thời danh: “Nudus nudum Christum sequi” (trần trụi để bước theo Đức Kitô trần trụi).Ông lấy khó nghèo tình nguyện làm yếu tố căn bản của nền tu đức mới. Maurice de Sully (1160-1196), Giám mục Paris, gọi những người nghèo hèn, bệnh tật, bé mọn là “gia nhân” và người “thân cận” của Chúa.
Pièrre de Blois (1130-1200) đi xa hơn nữa. Ông gọi “người nghèo là Đại diện của Đức Kitô”. Trong lá thư khá gay gắt, gởi một Giám mục đã không thi hành việc phân phát tài sản cho người nghèo, ông viết : “Người nghèo là đại diện của Đức Kitô. Chính vì thế Chúa đã đau lòng biết bao khi thấy bị từ chối và khinh miệt trong người nghèo, đồng thời Ngài vui mừng khi được đón nhận trong người nghèo. Do đó, nếu ngài mở kho lẫm của ngài cho những người hành khất, ngài sẽ không bị lời chúc dữ: “Vô phúc cho ai giấu lương thực của dân chúng”. Xin hãy rọng tay phân phát những gì mà ngài đã tham lam tích luỹ”.
3- Quan điểm của thánh Tôma Aquinô
Truyền thống Kitô giáo đưa ra hai xác quyết đối nghịch : Quyền của người nghèo được tham dự vào tài sản chung và phải tôn trọng quyền tư hữu, nhưng hầu như không bận tâm đến sự mâu thuẫn nội tại của chúng. Ít nhất chúng ta chưa thấy một khảo luận nghiêm túc nào để đưa ra một giải thích nhất quán về hai xác quyết căn bản, nhưng hàm chứa sự mâu thuẫn và đối nghịch nhau. Thánh Tôma đã cố gắng trình bày một tổng hoà hữu lý giữa vận mệnh phổ quát của tài sản và quyền tư hữu.
 Theo Tôma Aquinô, bản tính con người được thể hiện đích thực trong mỗi cá nhân, nên quyền tư hữu, cũng như tất cả các quyền khác, đều bắt nguồn nơi mỗi cá nhân, chứ không phải nơi bất cứ quyền tập thể giả định nào của xã hội, được hiểu như “pháp nhân”. Tuy nhiên, vì bản tính con người, tự bản chất, hàm chứa chiều kích xã hội, quyền tư hữu này chỉ là một hình thức tham dự vào quyền tự nhiên và công cộng. Về điểm này, Tôma Aquinô viết những dòng độc đáo : “Tính tập thể của tài sản thuộc về quyền tự nhiên, không theo nghĩa là quyền này đòi hỏi rằng tất cả mọi sự đều phải thuộc về tập thể và chẳng có gì riêng tư, mà có ý nói rằng việc phân chia các hình thức chiếm hữu không thuộc về luật tự nhiên, mà phát xuất từ quy ước của dân luật. Do đó, các hình thức tư hữu trong việc chiếm dụng tài sản không tương phản với luật tự nhiên, trái lại bổ túc cho nó nhờ lý trí”.
Như vậy, thay vì huỷ bỏ tính tập thể tự nhiên của tài sản, tư hữu đã bổ túc và phong phú hoá nó. Quyền lợi nguyên thuỷ của mọi người được tham dự vào tài sản chung, nhất là khi rơi vào cảnh khốn cùng, vẫn tiếp tục hiện hữu. Bản văn sau đây nói rõ vị thế ưu tiên của quyền tự nhiên đối với tài sản chung : “Những gì thuộc về luật lệ của con người thì không thể vô hiệu hoá luật tự nhiên hay luật thần linh. Thế mà, theo luật tự nhiên, được thiết lập do sự quan phòng thánh thiêng, thì những vật hạ đẳng phải nhằm thoả mãn nhu cầu của con người. Đây cũng là lý do nhằm giải quyết phần tài sản mà một số người chiếm hữu một cách thừa thãi, phải được sử dụng để nuôi sống người nghèo, theo luật tự nhiên. Đó cũng là điều mà nhiều người cho rằng thánh Ambrosio đã nói và được trích dẫn trong các Sắc lệnh : “Bánh anh tích trữ là bánh của người nghèo đói, áo anh cất trong tủ là áo của người trần trụi, tiền bạc của anh là tiền chuộc và giải thoát những người khốn cùng, nhưng anh chôn kỹ trong lòng đất”.
Tiếp nối quan điểm của các Giáo phụ, thánh Tôma vẫn chủ trương tất cả những gì dư thừa nơi tài sản của người giàu thuộc về người nghèo. Do đó, người giàu bắt buộc phải phân phát của cải dư thừa này cho người nghèo. Thánh nhân coi đây là một một nghĩa vụ thuộc đức công bằng. Để hiểu rõ hơn giải pháp dung hoà của Tôma giữa quyền tư hữu và quyền tự nhiên cho phép người nghèo được tham dự vào tài sản chung của nhân loại, cần thiết một vài biện phân nho nhỏ sau đây :
· Nếu chúng ta chỉ nhìn quyền lợi như hậu quả và hệ luận của việc trao đổi, nghĩa là theo công bằng giao hoán, thì người nghèo chẳng có quyền đòi hỏi gì cả, vì chẳng có gì để trao đổi. Tuy nhiên, đây là một lối giải thích sai lầm, bởi vì đã giản lược tất cả các chiều kích rộng lớn của công bằng vào công bằng giao hoán mà thôi.
· Ngược lại, nếu hiểu quyền lợi này theo công bằng phân phối thì mọi người, với tư cách là thành viên của cộng đồng – xã hội, đều có quyền tham dự vào tài sản chung và được nhận “phần riêng của mình”. Vì thế, công bằng phân phối bao trùm một lãnh vực rộng lớn hơn điều mà người ta thường nghĩ.
· Khi xác định những gì mà cộng đồng phải phân phối cho các thành viên để mỗi người có thể sống một cách thoả đáng, công bằng phân phối không loại bỏ tất cả mọi hình thức bất quân bình tự nhiên (như sức khỏe, khả năng thiên phú, tỉ lệ đóng góp…) để chủ trương một thứ “quân bình cào bằng” theo kiểu bần cùng hoá. Tuy nhiên, cũng không thể chấp nhận hiện tượng cách biệt quá sâu thẳm giữa giàu – nghèo, để duy trì và bảo vệ tình trạng kẻ ăn không hết, người lần không ra. Chính vì vậy, thánh Tôma đề nghị một thứ « quân bình tỷ lệ » trong hành động phân phối: “Trong công bằng phân phối, người ta trả lại cho mỗi người cái mà toàn thể mắc nợ mỗi thành viên và món nợ này càng lớn khi thành viên đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng (…). Do đó, công bằng phân phối không xác định mức độ phân phối dựa trên sự bình đẳng vật đối vật, mà theo tương quan tỉ lệ giữa sự vật với con người. Nói cách khác, khi một người đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn các người khác thì sẽ được phân phối nhiều hơn”. Trái với công bằng giao hoán, trong công bằng phân phối tính bình đẳng được thiết lập theo “tỉ lệ số học”.
Sau khi đã phân tích quan niệm công bằng theo thánh Tôma, Th. Delos đã kết luận với một nhận định sâu sắc như sau: Quan niệm công bằng phân phối của thánh Tôma dựa trên thực tế bất quân bình xã hội để thay thế quân bình chủ nghĩa bằng “công bằng tỉ lệ” và dựa trên nguyên tắc bình đẳng nền tảng giữa người với người, bất chấp những bất bình đẳng về xã hội, để đảm bảo cho mỗi người những điều kiện sống xứng đáng với nhân phẩm. Nhân danh tính bình đẳng tự nhiên giữa người với người này, mỗi cá nhân có quyền căn bản trong công bằng phân phối.
Thánh Tôma đã bảo vệ một cách dứt khoát quan niệm công bằng này, vì thực ra đây chỉ là một hệ luận tất nhiên của quan điểm nền tảng về vận mệnh phổ quát của tất cả tài sản trên trái đất và quyền của người nghèo được tham dự vào tài sản đó. Thành ra, nghĩa vụ của các sở hữu chủ là làm sao quản trị tốt tài sản đang nắm giữ, đồng thời tạo điều kiện để người nghèo được tham dự vào tài sản chung này, nhất là khi họ lâm cảnh khốn cùng.
Đối diện với câu hỏi: Con người có được phép chiếm hữu một cái gì làm của riêng không?, Tôma không trả lời có hay không, mà đã đưa ra một biện phân thời danh có khả năng tổng hợp tư tưởng của các Giáo phụ.
 Về phương diện quản trị : Theo thánh Tôma, con người được phép chiếm hữu tài sản một cách riêng tư, vì khi mỗi người trách nhiệm một công việc thì tốt hơn tình trạng “cha chung không ai khóc”. Ngoài ra, việc quản trị tài sản cũng có trật tự và an hoà hơn khi giao cho mỗi người coi sóc một công việc, trong khi đó sẽ phát sinh xáo trộn nếu mọi người trách nhiệm một cách không rõ rệt về mọi sự.
Như vậy, đối với Tôma, không hề có một quyền “tư hữu” tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Quyền “tư hữu” được chấp thuận và biện minh vì lý do quản trị, kinh tế và tâm lý. Nó được coi là một phương tiện để quản trị tốt hơn tài sản chung, chứ không huỷ bỏ nguyên tắc nền tảng về vận mệnh phổ quát của tài sản và quyền căn bản của người nghèo được tham dự vào tài sản chung của nhân loại.
 
III-   Những bước Đầu chập chững
GHXH-CG có một quá trình hình thành phức tạp và phong phú. Chúng ta thử nhìn lại những bước đầu chập chững và khó khăn của nó.
1-         Lương tâm Công giáo đối diện cuộc xâm chiếm châu Mỹ
Cuộc chinh phục hay xâm chiếm Mỹ châu đã trở thành một thách thức cho lương tâm Kitô giáo nói chung và thần học luân lý nói riêng. Dưới cặp mắt của Cristóbal Colón, đây là một biến cố “làm rạng danh kitô giới, chưa từng thấy trong lịch sử”. Tuy nhiên, từ viễn tượng đức tin, sự kiện này phức tạp, rắc rối và nhiêu khê hơn nhiều. Thần học gia Gustavo Gutiérrez nêu câu hỏi: “Phải nghĩ gì về cái giá nhân mạng quá đắt trong thực tế đã gắn liền với việc loan báo Tin Mừng tại Indias? Nên hiểu vai trò của Giáo hội trong những biến động này ra sao? Những phản ứng đầu tiên của các Kitô hữu trước sự ngược đãi, khinh khi và tàn sát đối với người dân bản địa nói gì với chúng ta hôm nay? Trong mức độ nào những phản kháng, suy tư và hành động dấn thân của rất nhiều thừa sai khi đối diện với cảnh khốn cùng của người dân bản địa trở thành định hướng cho chúng ta hôm nay?”. 
a)- Chập chùng ánh sáng và bóng tối : Khi nhìn lại công cuộc loan báo Tin Mừng ở Mỹ châu La Tinh, chính Hội nghị của các Giám mục Mỹ châu La Tinh lần III tại Puebla cũng công nhận rằng “xét về phương diện nhân loại, công cuộc loan báo Tin Mừng lần thứ nhất bị tác động bởi những bất trắc của lịch sử”, với tất cả sự phức tạp, chập chùng ánh sáng và bóng tối. Không thiếu những trường hợp các thừa sai rơi vào tình trạng “thiếu nhuệ khí, liên minh với quyền bính trần gian, thiếu cái nhìn mục vụ và hiện rõ sức mạnh tàn phá của tội lỗi”. Thật vậy, trong bối cảnh xã hội – chính trị của thời đó, Giáo hội là thành phần thiết yếu của xã hội dân sự và trong thực tế bị lệ thuộc Nhà nước do cơ chế Bảo trợ. Hậu quả tất nhiên của cơ chế này là các thừa sai trở thành một viên chức của Triều đình Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Người ta đã loan báo Tin Mừng từ quyền lực hay tệ hơn nữa từ quyền lực thống trị, biến người dân bản địa thành lớp người bị trị. Dĩ nhiên, mô hình truyền giáo này vẫn chủ tâm hướng tới sự cứu độ, nhưng đồng thời cũng bao hàm trách nhiệm hỗ trợ và biện minh cho chế độ xâm lược, ngay cả những hành động xâm lược được thực hiện bằng vũ lực bạo tàn.
Bất chấp một số bóng đen dày đặc đó, chẳng ai có thể phủ nhận những ánh sáng và thành quả của công cuộc loan báo Tin Mừng lần thứ I. Trước hết, cần phải xác quyết rằng không phải tất cả các nhà truyền giáo đã tự đồng hoá với kế hoạch thực dân. Hơn thế nữa, nhiều nhà truyền giáo, trong đó các tu sĩ chiếm đa số, đã thực sự hy sinh cuộc đời để loan báo sứ điệp cứu độ của Tin Mừng và dấn thân bảo vệ quyền lợi của dân bản địa. Các giám mục Mỹ châu La Tinh gọi họ là những “người đấu tranh kiên cường cho công lý, những người loan báo Tin Mừng của hoà bình như Antonio Montesinos, Bartolomé de Las Casas, Juan de Zumárraga, Vasco de Quiroga… và nhiều người khác đã bảo vệ người bản địa chống lại quân xâm lược, ngay cả đến hy sinh tính mạng như trường hợp giám mục Antonio Valdivieso”
b)- Tiếng kêu thất thanh từ Mỹ châu La Tinh : Đứng trên bình diện lý thuyết, Giáo triều và triều đình Bồ Đào Nha, cũng như Tây Ban Nha muốn thiết lập một định chế để bảo vệ và Tin Mừng hoá dân bản địa tại Mỹ châu La Tinh. Các nhà cầm quyền địa phương, các quan toà, các thừa sai và ngay cả các ông chủ thực dân… là những người có trách nhiệm pháp lý phải bảo vệ quyền lợi của người dân bản địa. Họ được coi như lớp người yếu đuối và vị thành niên, cần được giáo hoá và nâng đỡ.
Trên thực tế, dự án đẹp đẽ này đã thất bại từ trong trứng nước, bởi vì sự vận hành của chế độ bảo trợ luôn giả thiết việc bóc lột dân bản địa bởi chính những người chiếm thuộc địa. Hơn nữa, triều đình thì ở quá xa và thiếu vắng thanh tra, cho nên chính những người có trách nhiệm bảo vệ dân bản địa đã trở nên những người bóc lột tàn nhẫn và khủng khiếp nhất. Rất may, đại đa số các tu sĩ là những người đã sáng suốt chọn lựa mô hình truyền giáo theo tinh thần Tin Mừng và can đảm dấn thân bảo vệ dân bản địa, bất chấp mọi khó khăn và ngay cả những đe dọa đến tính mạng.
Các thừa sai Đa Minh đặt chân lên Tân Thế giới vào năm 1511, dưới sự hướng dẫn của Pedro de Córdoba. Mười chín năm đã trôi qua, kể từ khi Cristóbal Colón khám phá ra vùng đất này (1492). Số phận của dân bản địa không những không được cải thiện, mà ngày càng khốn khổ và bi thảm hơn, bởi vì người da trắng đã làm giàu trên xương máu của họ. Dân bản địa bị biến thành những “nô lệ” trá hình. Một số nơi, họ hầu bị diệt chủng vì bị giết chết trong chiến trận, do cưỡng bức lao động và do thiếu sức đề kháng đối với một số chứng bệnh người da trắng mang tới.
Đứng trước thảm cảnh bất công, phi nhân bản và phản Tin Mừng đó, các tu sĩ Đa Minh quyết định công khai tố cáo tội ác của các “đồng hương thực dân”. Vào Chúa nhật thứ IV, Mùa Vọng 1511, Anton Montesinos, đại diện cộng đồng, bước lên toà giảng và dõng dạc nói lên tiếng nói của lương tâm và công lý:
“Tất cả các ông phạm tội trọng. Các ông sống và chết trong tội đó, do hành động dã man và độc ác đối với lớp người vô tội này. Nhân danh luật pháp và công lý nào, các ông đã đối xử tàn bạo và khủng khiếp với những người dân bản địa như thế? Quyền bính nào cho phép các ông gây chiến một cách khả ố với những người dân đang sống yên hàn trên những miền đất an lành?… Tại sao các ông bóc lột và đàn áp họ cùng kiệt đến thế, bỏ đói, không chữa trị những bệnh tật phát sinh từ việc lao động quá mức do các ông cưỡng bức? Đúng hơn phải nói rằng quý ông giết họ từng ngày để đào bới và tìm vàng? Các ông có quan tâm dạy đạo cho họ, giúp họ nhận biết Thiên Chúa, được chịu phép thánh tẩy, tham dự thánh lễ, nghỉ ngơi trong các ngày lễ và chủ nhật hay không? Họ không phải là người sao? Họ không có linh hồn hay sao? Các ông không bó buộc phải yêu thương họ như yêu chính mình sao? Tại sao các ông không hiểu điều đó? Các ông không cảm nhận điều đó hay sao?”.
Đây là một bài giảng lịch sử mang tính ngôn sứ. Chúng ta biết rằng, ở thời kỳ đó, các tác giả vẫn tranh luận với nhau để xác định xem dân bản địa đã là người hay chưa? Mãi sau này nhiều người vẫn đinh ninh rằng dân bản địa mới chỉ là “ngợm”, chứ chưa có linh hồn, chưa phải là người và vì vậy không được rước lễ! Montesinos xác quyết họ là người, vì vậy phải được yêu thương và tôn trọng theo đúng tinh thần của Tin Mừng. Bài giảng kịch liệt chống lại những hình thức áp bức, bóc lột, trấn áp… và đòi hỏi phải đối xử công bằng, nhân ái và huynh đệ hơn đối với dân bản địa.
Cử tọa hôm đó hiểu rất rõ nội dung ngôn sứ và phản kháng của bài giảng. Vì vậy, Diego Colón, con trai của Cristóbal Colón và là tổng trấn của đảo, lập tức triệu tập tất cả các viên chức và sĩ quan trong quân đội hoàng gia để đưa ra biện pháp chế tài. Họ quyết định đi thẳng đến tu viện để chất vấn vụ “xì căng đan” này, đồng thời dọa trừng trị nhà giảng thuyết và tất cả các tu sĩ về tội đã gieo mầm tạo phản bằng “thứ đạo lý mới” chống lại nhà Vua và quyền thống trị của triều đình.
Bất chấp những đe dọa, cũng như áp lực chính trị và kinh tế của giới thực dân, các tu sĩ Đa Minh vẫn nhất quyết giữ vững lập trường. Chúa nhật tiếp theo, Montesinos lại lên toà giảng và lập lại ý tưởng của bài giảng lần trước. Nhà giảng thuyết đưa thêm nhiều lý lẽ và xác quyết mạnh mẽ hơn, đồng thời tuyên bố sẽ không giải tội cho những ai tiếp tục bóc lột, đàn áp và giết hại dân bản xứ.
Vua Fernando V cũng bất bình với bài giảng của Montesinos và dọa sẽ gọi các tu sĩ này về nước. Nhờ sự vận động từ nhiều phía, các tu sĩ Đa Minh vẫn ở lại Espanola. Hơn nữa, với sự ủng hộ của các tu sĩ Phan sinh, các tu sĩ Đa Minh quyết tâm dấn thân vào cuộc chiến cam go chống lại cơ chế Encomienda, vì chính nó là một trong những công cụ bóc lột và áp bức dân bản địa. 
c)- Đấu tranh để bảo vệ dân bản địa            
Las Casas đến Mỹ châu vào năm 1502 với tư cách là một thực dân. Ít lâu sau ông được thụ phong linh mục, nhưng vẫn an nhiên tiếp tục cuộc sống thực dân với một “encomienda”. Bài giảng của Montesinos đã chất vấn lương tâm ông và giúp ông biến đổi cuộc đời. Ông tự nguyện bỏ “encomienda” và trở về Tây Ban Nha để bênh vực dân bản địa trước triều đình. Ngày 17-9-1517, Las Casas được bổ nhiệm làm “Tổng Bảo vệ dân bản địa”. Với sắc lệnh này, ông hồ hởi đi México, vì kể từ đây, việc bảo vệ dân bản địa được coi như trách nhiệm chính của các thừa sai. Nhưng kế hoạch bất thành vì gặp sức kháng cự mãnh liệt của các viên chức và thực dân Tây Ban Nha. Để có thể tiếp tục sứ vụ đấu tranh bảo vệ sinh mạng và phẩm giá dân bản địa, ông gia nhập Dòng Đa Minh.
Dựa trên nguyên tắc thần học của thánh Tôma Aquinô, Las Casas xác quyết quyền tối thượng của dân bản địa : Trước khi người Tây Ban Nha đến Mỹ châu, dân bản địa đã có vua chúa và chủ quyền riêng. Hoàng đế Tây Ban Nha hoàn toàn không có thẩm quyền chính trị nào trên họ. Ngay cả Chiếu chỉ của đức Giáo Chủ cũng không thể trao cho vua Tây Ban Nha thẩm quyền này, ngoại trừ khi chính vua chúa và dân bản địa tự nguyện chấp thuận làm thần dân vua Tây Ban Nha.
Las Casas vận dụng KT, thần học và luật học để chứng minh rằng tất cả vàng bạc và tài sản tại Mỹ châu đều thuộc sở hữu của các vua chúa và dân bản địa. Chẳng một ai trên trái đất này, kể cả vua Tây Ban Nha, có quyền chiếm đoạt những tài sản đó. Hệ luận tất nhiên, theo nguyên tắc thần học luân lý, người Tây Ban Nha phải hoàn trả cho dân bản địa tất cả những gì đã chiếm hữu trái phép
Las Casas đệ trình hoàng đế những kế hoạch nhằm loại bỏ hậu quả bi thảm của chính sách thực dân. Kế sách thứ 8 trình bày rõ rệt những tiêu chuẩn căn bản liên quan đến việc cải cách luật lệ tại châu Mỹ Latinh. Ông đề nghị nhà vua truyền lệnh rằng tất cả dân bản địa tại Mỹ châu đều trực thuộc triều đình Castilla & León như thần dân tự do, và chẳng ai bị trao phó cho các chủ nhân thực dân Tây Ban Nha trong tình trạng bán nô lệ như trước đây.
Hoàng đế Carlos V bộc lộ mối quan tâm đặc biệt đối với vấn đề quan trọng này. Để giải quyết vấn đề, hoàng đế quyết định triệu tập Hội đồng Mỹ châu. Có nhiều ý kiến khác nhau giữa các thành viên của Hội đồng, nhưng cuối cùng đa số đồng thuận với Hồng y García de Loaysa: chấp thuận những đề nghị của Las Casas. Thế rồi, ngày 20-11-1542, hoàng đế ban hành “Đạo luật Mới”. Đạo luật Mới này đánh dấu một tiến bộ rõ rệt về chiều hướng nhân bản và tinh thần Tin Mừng, mà chúng ta không hề gặp thấy trong bất cứ chế độ thuộc địa nào khác trên thế giới. Nhưng Đạo luật này đã trở thành một cú sốc và gặp phải sự phản kháng kịch liệt của giới thực dân.
Năm 1545, Las Casas được chọn làm giám mục Chiapa (Méjico) và tân Giám mục nhất quyết áp dụng “Đạo luật Mới” trong giáo phận. Lập tức, giới thực dân Tây Ban Nha nổi loạn chống đối tân giám mục và đệ đơn lên triều đình vu khống ông nhiều tội. Năm 1550, Las Casas vượt đại dương lần thứ 8 để tường trình trước triều đình. Sau buổi đàm luận lịch sử với hoàng đế Carlos V, Hội đồng Mỹ châu cho ông trắng án. Las Casas từ chức giám mục và ở lại làm cố vấn trong triều đình để có thể tranh đấu cho dân bản địa một cách hiệu quả hơn. Mãi đến năm 82 tuổi, Las Casas còn yết kiến vua Felipe II để bênh vực quyền lợi dân bản địa. Nhờ ông mà trong các sắc lệnh nhà vua ban hành năm vào 1574 không còn các quan niệm « xâm chiếm thuộc địa » như trước đây.
Cuộc đấu tranh của Las Casas và các thừa sai đồng chí hướng thuộc Dòng Đa Minh, Dòng Phanxicô, Dòng Augustinô, Dòng Tên… đã làm sáng tỏ đường hướng truyền giao theo tinh thần Tin Mừng và lương tâm Kitô giáo trước cảnh bất công, áp bức, phi nhân bản. Rất tiếc, vì giới hạn của thời đại và những nghịch lý của lịch sử, ngoài một số đạo luật tiến bộ và một vài cải tiến trong cách đối xử, dân bản địa vẫn tiếp tục sống trong tình trạng áp bức và bóc lột. Nguyên nhân sâu xa và đơn giản là không những giới thực dân không dễ dàng buông tha những con mồi béo bở của họ, mà chính nhà vua tuy ký một số đạo luật nhân đạo, nhưng vẫn luôn trông chờ vàng bạc và lợi lộc đến từ Mỹ châu. Vì vậy, tất cả đạo luật tiến bộ và đường hướng loan báo Tin Mừng rất cận nhân tình, mà Las Casas đã gian khổ đấu tranh và dày công kiến tạo, cuối cùng chỉ dừng lại ở những biện pháp nửa vời
2- Thần học đối diện với chủ nghĩa thực dân
Thần học luân lý của Công giáo suốt dọc thế kỷ XVI-XVII được trình bày dưới một dạng thức mới: các khảo luận “Về Công lý và Pháp lý” (De Justitia et Jure). Các khảo luận này là một cố gắng để nghiên cứu và giải thích vấn đề luân lý xã hội theo phương pháp liên ngành: triết học, thần học, luật học, kinh tế… Từ đó khai sinh một phong thái làm thần học luân lý khá độc đáo: Một cuộc đối thoại sinh động và phong phú giữa niềm tin Kitô giáo với thực tại xã hội. Có người nhìn thấy nơi đây một hình thức chuẩn bị và dọn đường cho hiến chế mục vụ “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” của Công đồng Vatican 2.
Francisco de Vitoria (1484-1546), thần học gia Đa Minh thời danh của Đại học Salamanca, là khuôn mặt tiêu biểu cho “thế kỷ vàng” của Giáo hội Tây Ban Nha. Ông là một trí thức khoa bảng, một lý thuyết gia uy tín, một nhà tư tưởng sâu sắc, uyên bác và hăng say dấn thân cho công bình xã hội.
a)- Công pháp quốc tế : Ở thời đại của Vitoria chưa có sự phân biệt rõ rệt giữa “Jus gentium”(Luật của các dân tộc) và “Jus internationale” (Luật quốc tế) như ngày nay. Vì vậy, trong “Jus gentium” đã bao hàm nội dung của luật quốc tế hiện thời. Khi khảo luận về “Jus gentium”, Vitoria đưa ra một cái nhìn mới về định nghĩa, nội dung và tương quan. Biến đổi đôi chút quan điểm của Gaio, Vitoria định nghĩa “Jus gentium” như một thứ luật quốc tế : “Quod naturalis ratio inter omnes gentes constituit, vocabitur jus gentium”(“Điều mà lý trí tự nhiên thiết lập giữa các dân tộc thì gọi là luật các dân tộc”).
Mới nhìn qua định nghĩa này có vẻ trùng ý, tuy nhiên nó cho chúng ta thấy luật quốc tế là thành phần của luật tự nhiên. Thật thế, chính Vitoria cũng từng tuyên bố “luật của các dân tộc hoặc là luật tự nhiên hoặc bắt nguồn từ luật tự nhiên”.Vitoria khai mở một quan niệm tân thời về luật quốc tế. Kể từ đây, quyền lợi của các dân tộc mang tính chất siêu quốc gia và có sắc thái mới, vì không còn giới hạn trong tương quan liên cá nhân, mà mở rộng sang chiều kích các dân tộc, các quốc gia và các Nhà nước độc lập. Đây là một luật xây dựng trên xã hội tính tự nhiên, nghĩa là dựa trên quyền tự do giao thương giữa các dân tộc, trên nguyên tắc liên đới, bình đẳng và tự do của cộng đồng nhân loại.
Tự do mậu dịch vì thế thuộc về quyền của các dân tộc. Do đó ai ngăn cấm hay gây trở ngại việc giao thương này, mà không có một lý do chính đáng nào để biện minh cho việc bế quan toả cảng của mình, thì chống lại luật tự nhiên. Quyền có quốc tịch cũng nằm trong luật các dân tộc. Do đó không thể từ chối quyền này đối với bất cứ một công dân nào. Vấn đề chiến tranh tự vệ hoặc những biện pháp can thiệp để chống lại những dân tộc không tôn trọng công ước quốc tế hoặc nền hoà bình giữa các dân tộc cũng thuộc về luật các dân tộc, và được xây dựng trên luật tự nhiên về quyền tự vệ chính đáng.
Nhìn từ viễn tượng này, toàn thể thế giới (totus orbis) tạo thành một cộng đồng có quyền lập luật. Ý muốn của nhân loại, được biểu lộ một cách rõ rệt hay ám tàng, là nguồn gốc luật thiết định của các dân tộc, bởi vì dưới một hình thức nào đó tất cả thế giới tạo thành “một Cộng hoà” có thẩm quyền ban hành luật lệ, buộc mọi người phải tuân hành. Vitoria nói đến một thẩm quyền quốc tế có khả năng làm cho mọi người phải tôn trọng quyền lợi của các dân tộc và trừng phạt những ai vi phạm quyền lợi này, nhưng chưa xác định một cách cụ thể cấu trúc của cơ quan quốc tế này.
b)- Đối diện với thực tại Mỹ châu La Tinh : Sự cao cả và lương thiện trí thức của Vitoria không nằm ở chỗ đã viết một khảo luận về luật quốc tế, mà nơi thái độ can đảm dấn thân để giải quyết một vấn đề lịch sử cam go và nóng bỏng: cuộc chinh phục Mỹ châu La Tinh của người Tây Ban Nha được thực hiện theo công lý hay không?
Vitoria phân tích vấn đề chính trị sôi bỏng này trong nhiều tập khảo luận về “Tổng luận Thần học” của thánh Tôma, đặc biệt trong khảo luận thời danh “De Indis” (Về Thổ dân) (1538-1539). Ngay ở lời dẫn nhập, Vitoria xác định rõ rệt : “Khảo luận này sẽ gồm ba phần. Phần thứ nhất sẽ tìm hiểu quyền mà dân man di bị lệ thuộc người Tây Ban Nha ; phần thứ hai đề cập đến quyền mà các vua Tây Ban Nha có trên các vua của dân man di trong lãnh vực trần thế và dân sự ; trong phần thứ ba thảo luận về quyền mà các vua Tây Ban Nha hay Giáo hội có trên các vua man di trong lãnh vực tinh thần và trong những gì liên hệ đến tôn giáo”.
Trong bối cảnh nghiệt ngã của chế độ quân chủ thời đó, Vitoria đã phải trình bày vấn đề rất « nhạy cảm’ này với tất cả sự thận trọng cần thiết, nhưng cũng đầy tính ngôn sứ và lương thiện trí thức. Áp dụng đúng đắn quan điểm của ông về quyền lợi căn bản của mỗi người và mỗi dân tộc trong việc bảo tồn sự hiện hữu và mạng sống, ông đưa độc giả đến chỗ công nhận rằng dân bản xứ ở Mỹ châu phải được nhìn nhận như những nước đích thực, tự lập và độc lập. Do đó, trước khi nghiên cứu vấn đề nổi tiếng về các “danh nghĩa”, Vitoria xác định một nguyên tắc rõ rệt và táo bạo : “Trước khi người Tây Ban Nha đặt chân đến (Mỹ châu La Tinh), dân bản xứ đã là những chủ nhân ông đích thực, dưới dạng thức công cũng như dưới dạng thức tư”. Vì vậy, người Tây Ban Nha không thể giản lược họ vào tình trạng thuộc địa được.
Vitoria phân tích tất cả các “danh nghĩa”, nghĩa là các lý do, mà ở thời đó những người ủng hộ chủ nghĩa thực dân thường viện dẫn để biện minh cho sự có mặt của người Tây Ban Nha tại Mỹ châu: Hoàng đế có quyền bá chủ trên toàn trái đất; đức Giáo chủ của Giáo hội Công giáo cũng là lãnh chúa của thế giới; quyền được đi chinh phục; việc chối từ đón nhận niềm tin Kitô giáo; những tội ngược với luật tự nhiên của dân bản xứ; một tặng vật đặc biệt Thiên Chúa trao tặng người Tây Ban Nha …
Với kiến thức uyên bác và tài năng của một tôn sư, Vitoria tỉ mỉ phân tích từng danh nghĩa một và tuyên bố rằng chẳng có danh nghĩa nào trong các danh nghĩa nói trên có thể biện minh cho chính sách thuộc địa và việc tuyên chiến của người Âu châu đối với dân bản xứ ở Mỹ châu. Theo Vitoria, các vua của vương quốc Inca và Aymara, chẳng hạn, có thực quyền trên vương quốc của họ. Hoàng đế Tây Ban Nha chẳng có một thẩm quyền nào trên các vương quốc này, nên không có quyền xâm chiếm hay can thiệp vào nội bộ của họ, khi họ chưa hề gây hấn với người Tây Ban Nha. Còn Đức Giáo chủ là vị lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo và có thẩm quyền trên các tín hữu Công giáo, nhưng chẳng có thẩm quyền nào trên “dân ngoại’’ tại Tân Thế giới, do đó chẳng có thể trao tặng vùng đất này cho người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Tám danh nghĩa khác cũng thường được nhóm thuộc địa sử dụng : xã hội tính và việc giao thương tự nhiên; trách vụ loan báo Tin Mừng; bổn phận bảo vệ những người bản xứ đã trở lại Kitô giáo; Giáo chủ có thẩm quyền trao cho ông hoàng Kitô giáo một nước nào, trong đó con số những người trở lại Đạo đạt tới một tỉ lệ đáng kể; hành động bảo vệ các người vô tội chống lại các bạo chúa bản xứ; hậu quả của liên minh và bằng hữu; sự bất lực của dân bản xứ trong việc tự cai trị…
Nhưng tất cả các “danh nghĩa’’ này cũng chẳng biện minh cho hành vi xâm lược của các vua Tây Ban Nha, ngoại trừ danh nghĩa về “tính xã hội”. Vitoria bình giải cặn kẽ danh nghĩa sau cùng này và đây là đề tài đã làm cho ông trở thành người sáng lập luật quốc tế. Tính xã hội của con người được xây dựng trên quan niệm về một trật tự quốc tế mà Vitoria đã đề cập trong “Totus orbis”. Đây là một đặc tính chung của các hữu thể nhân loại. Do đó, dân bản địa ở châu Mỹ Latinh không thể ngăn cản quyền giao thương giữa các dân tộc. Nếu họ ngăn cấm một cách vô lý, người Tây Ban Nha –sau khi đã thương thảo và trao đổi với họ – có thể sử dụng võ lực, trong trường hợp người bản xứ đã sử dụng bạo lực để ngăn cản việc giao thương.
Dựa trên danh nghĩa này, Vitoria công nhận là người Tây Ban Nha có quyền khám phá những miền đất mới và ở lại đó, mà người bản xứ không thể ngăn cấm. Tuy nhiên, không được gây nên bất cứ thiệt hại nào cho dân bản xứ. Nếu người bản xứ cho phép người Tây Ban Nha buôn bán một cách hoà bình, thì người Tây Ban Nha không còn một lý do chính đáng nào để chiếm hữu đất nước và tài sản của họ.
Theo định hướng đó, Vitoria khai triển các danh nghĩa khác và đi đến kết luận thời danh: Danh nghĩa hay nhất và duy nhất biện minh cho sự cai trị của người Tây Ban Nha tại Mỹ châu La Tinh là tính nhân bản và khả năng thuyết phục của chế độ cai trị của họ. Nói rõ hơn, đứng trên phương diện công pháp quốc tế, chế độ cai trị của người Tây Ban Nha tại Mỹ châu chỉ được biện minh nếu dân bản địa – các lãnh chúa cũng như thứ dân – nhận thấy tính nhân bản và khôn ngoan của chính quyền Tây Ban Nha nên tự nguyện nhận vua của Tây Ban Nha làm thủ lãnh. Bartolomé de Las Casas cũng coi đây là một danh nghĩa hữu lý, cận nhân tình và đắc ý nhất.
Mặc dù có những thiếu sót và giới hạn tất nhiên như bao nhiêu quan điểm khác, những khảo luận “De Justitia” của thánh Tôma và “De Justitia et Jure” của Vitoria đã đóng góp tích cực cho thần học luân lý nói chung và Gíao huấn Xã hội của Giáo hội nói riêng. Các thần học gia như Domingo Soto (1494-1560), Roberto Bellarmino (1542-1621), Francisco Suarez (1548-1617), Tomas de Mercado… tiếp tục khai triển vấn đề “công lý và pháp lý », với những khảo luận về mối tương quan giữa Giáo hội với Quốc gia, kinh tế với đạo đức, vấn đề tiền tệ, lợi tức…
3-         Giáo hội đối diện với cách mạng công nghiêp
Cuối thế kỷ XVIII, với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa tự do kinh tế, xã hội Tây phương ở vào một khúc quanh quan trọng: các giá trị và nếp sống cổ truyền bị lung lay tận gốc rễ, trong khi đó những giá trị mới đang hình thành và chưa thể định hình. Anh quốc là nước kỹ nghệ hoá đầu tiên và trong suốt một thời gian dài nước Anh được coi là “xưởng máy của thế giới”. Tiến trình kỹ nghệ hoá tại Anh khai sinh hai giai cấp mới trong xã hội: giai cấp tư sản công nghiệp và giai cấp công nhân. Vào giai đoạn tranh tối tranh sáng này, những người nghèo khổ và thấp cổ bé miệng đã thở thành những con dê tế thần. Hàng hàng lớp lớp nông dân bỏ làng mạc kéo nhau về những khu nhà ổ chuột ở ven đô để làm việc trong các xưởng máy. Họ phải làm việc trong những điều khắc nghiệt, phi nhân và bất công. Họ phải lao động liên tiếp khoảng 12 – 14 giờ mỗi ngày, với đồng lương chết đói, trong điều kiện thiếu vệ sinh và không có hợp đồng lao động. Người ta cũng thường đẩy các trẻ em ốm đói mới 13, 14 tuổi vào những căn phòng chật chội và hôi hám để làm những công việc cực nhọc như người lớn.
Vì quá gắn bó với giai cấp thống trị, Giáo hội Công giáo lúc đó đã thiếu nhạy cảm trước những biến chuyển của thời đại và hờ hững trước nỗi thống khổ của giới thợ thuyền. Vào giai đoạn đó, Giáo hội vẫn tiếp tục kết án những cuộc đình công, phản kháng hay nổi loạn của những người bị áp bức chống lại “quyền bính hợp pháp’’ của trật tự thiết định. Khá nhiều lần giáo quyền đã thần thánh hoá quyền tư hữu và chấp thuận việc sử dụng những biện pháp mạnh, ngay cả việc sử dụng bạo lực, để bảo vệ tình trạng bất công.
Hình như đại đa số các nhà lãnh đạo Giáo hội ở thời đó vẫn giả định tính chất thần thánh của trật tự hiện hành và quan niệm trật tự thiết định như một trật tự được Chúa chúc lành. Họ không ngừng xác quyết sự cần thiết của cơ chế xã hội hiện hành, với các mối tương quan, hệ thống tổ chức, ngay cả những đặc quyền đặc lợi, kèm theo những bất công của nó. Họ ít khi nhìn thấy mặt trái thê thảm và phi nhân của chế độ tư bản ở giai đoạn khai sinh, mà sau này người ta gọi là tư bản hoang dã.
Triết gia Jacques Maritain nhận định sâu sắc về sự vắng bóng của các Kitô hữu ở giai đoạn lịch sử này: Trong rất nhiều thế kỷ, các thánh, những con người của niềm tin, đã là những nhà đại cách mạng và canh tân xã hội Tây phương. Rất tiếc, vào giai đoạn khủng hoảng do cuộc cách mạng công nghiệp tạo nên, khi mà cơ chế phi nhân của giai cấp tư sản công nghiệp đã đẩy hàng triệu người vào tình cảnh khốn cùng thì vai trò lãnh đạo cách mạng không còn nằm trong tay các thánh nhân. Có nhiều trường hợp, những người vô thần đã thay thế các thánh nhân để tranh đấu cho những người cùng khổ đó.
Jacques Maritain cho rằng nguyên nhân sâu xa của tình trạng đáng tiếc này là vì Giáo hội không ý thức được tầm quan trọng của yếu tố kinh tế – xã hội trong những vấn đề thời đại. Ông viết : “Nếu trong nhiều thế kỷ Giáo hội đã thiếu các hoạt động trực tiếp hướng đến việc biến đổi cơ chế theo tiêu chuẩn của công bằng xã hội, là vì Giáo hội không có các phương tiện tương xứng để thực hiện: ở thế kỷ XVII, thánh Vinh Sơn Phaolô đã có thể xây bệnh viện, chứ không thành lập nghiệp đoàn. Nhưng, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, người ta đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động trực tiếp xã hội và sự cần thiết của một hoạt động xã hội trực tiếp như thế, chứ không chỉ thuần túy tâm linh hay từ thiện’’.
Đức Biển Đức XVI cũng chân thành thú nhận sự vắng bóng và thiếu sót đáng trách của giới Công giáo trong việc tranh đấu cho công bằng xã hội, vào giữa lúc mà giới thợ thuyền bị bóc lột dã man nhất. Ngài viết: “Phải công nhận rằng các vị đại diện Giáo hội thật chậm trễ khi nhận ra phản kháng về cơ cấu công bằng của xã hội được đặt ra một cách mới mẻ”. Hậu quả thê thảm của sự chậm trễ đáng trách này là Giáo hội đã đánh mất giới thợ thuyền.
Nếu năm 1848 Karl Marx đã công bố “Tuyên ngôn Cộng sản” và năm 1864 tổ chức thành công “Hội Liên hiệp Quốc tế Lao động”, thì đại đa số giáo quyền và giáo dân vẫn chưa thấy rõ những thách đố mới mà cuộc cách mạng công nghiệp đang khẩn thiết đặt ra cho lương tâm Công giáo. Chính vì vậy, họ không nhận thức được rằng, trong bối cảnh xã hội mới, vấn đề người nghèo nói chung và vấn đề thợ thuyền nói riêng không thể chỉ giải quyết bằng công tác bác ái – từ thiện, mà cần đi vào căn nguyên của vấn đề công bằng xã hội. Giới Công giáo cũng thường nuối tiếc nếp sống nông nghiệp và trật tự xã hội ở giai đoạn tiền cách mạng – cách mạng Pháp 1789 cũng như cách mạng công nghiệp – do đó họ hờ hững với sứ vụ cải tổ cơ cấu xã hội đương thời. Quá âu lo bảo vệ trật tự ổn định và tính thần thiêng của “quyền tư hữu’’, họ lo sợ và rất dị ứng với thuyết tự do chính trị, cũng như tự do kinh tế. Vì vậy, Giáo hội, ở giai đoạn đó, vắng mặt trong cuộc chiến đấu cho công bằng xã hội và cho sự hình thành phong trào thợ thuyền nhằm chống lại cơ cấu phi nhân của xã hội tư bản hoang dã.
Cần phải nói thêm rằng suốt dọc các thế kỷ này, người Công giáo đảm nhận rất nhiều hoạt động bác ái, từ thiện và thiêng liêng. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, có rất ít hoạt động xã hội trực tiếp hướng tới giới thợ thuyền và nhằm biến đổi cơ cấu phi nhân của xã hội công nghiệp. Càng rất ít Kitô hữu dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội, nhằm biến đổi từ nền tảng những cơ chế bất công và áp bức, vì vậy ít đạt được những thành quả xã hội mong muốn. Theo kiểu nói ví von của Ed. Thurneysen, các hoạt đồng này giống như một cái vung quá nhỏ đậy trên một chiếc nồi quá lớn! Theo ngôn ngữ của Tin Mừng, đây cái hội chứng “bình cũ rượu mới”! Phải chăng để đối phó hữu hiệu với những thách đố mới của thời đại, cần thiết những suy tư, những quan niệm, phương pháp và giải pháp mới?
4-            Những bước chân khai phá
Von Ketteler, giám mục Mainz, được coi là một trong những người tiên phong của phong trào xã hội Công giáo. Mặc dù xuất thân từ một gia đình quý tộc miền Wesphalen, ông mạnh mẽ lên tiếng chống lại tất cả mọi hình thức áp bức đối với dân nghèo và chủ trương tìm giải pháp cho vấn đề thợ thuyền bằng cách cải tổ cơ cấu bất công hơn là công tác từ thiện.
Trong quan niệm xã hội của Kettler, nghiệp đoàn đóng vai trò quan trọng.   Ông kêu gọi sự hoà giải giữa công nhân với tư bản và đòi hỏi Nhà nước phải quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của giới công nhân. Trước 10.000 công nhân kỹ nghệ, ông dõng dạc tuyên bố: Nguyên nhân tình trạng khốn khổ của giới công nhân không phải là tôn giáo, như những người Mác-xít quả quyết, mà là cơ chế bất công, thái độ vô tôn giáo và cá nhân chủ nghĩa. Và ông đã nêu một câu hỏi mà cho đến hôm nay vẫn mang tính thời sự: “Ai có thể đảm bảo được rằng một ngày nào đó, những người lãnh đạo công nhân lại không lạm dụng quyền hành như các chủ nhân ông tư bản trước họ?” Bởi vì, “thiếu vắng tôn giáo, tất cả chúng ta sẽ rơi vào ích kỷ chủ nghĩa, bất kể chúng ta giàu hay nghèo, tư bản hay công nhân”.
Năm 1864, giám mục Kettler xuất bản tác phẩm “Vấn đề người lao động và Kitô giáo”, đúc kết thành quả của 15 năm suy tư và dấn thân hoạt động cho công bằng xã hội. Cuốn sách này đã là nền tảng cho GHXH-CG, đối lập với cá nhân chủ nghĩa của thuyết tự do kinh tế, cũng như chủ trương trung ương tập quyền và phủ nhận quyền tư hữu của phái xã hội chủ nghĩa.
Linh mục Adolf Kolping đặc biệt để ý đến tình trạng khốn cùng của các trẻ em từ miền quê lên tỉnh học nghề hay đang lao động trong điều kiện khốn khổ, phi nhân bản. Kolping ngậm ngùi trình bày nỗi khổ nhục của đám trẻ hẩm hiu, thất học, nghèo đói như sau: “Người ta đẩy đám trẻ 13, 14 tuổi còn mơn mởn vào các xưởng thợ… Quả là một phép lạ khi các em không bị héo tàn từ tinh thần đến thể xác. Người ta bắt hàng ngàn các em học nghề ngồi đó, ít ai để ý đến chúng, đến tình trạng rách rưới, bẩn thỉu và nỗi khổ cực ngày càng chồng chất trong đầu óc của chúng. Ra khỏi xưởng, chúng sẽ làm gì? Bao lâu còn đang học nghề, chúng phải giữ mồm giữ miệng, nhưng khi học xong, đi làm ở những nơi xa lạ, lúc đó những uẩn ức chất chứa trong suốt thời gian học sẽ có dịp bộc phát, càng bị ức chế nhiều thì uẩn ức càng bùng nổ mạnh hơn”.
Năm 1846, Kolping thành lập “Hội học nghề” đầu tiên ở Đức. Năm 1851, khai sinh “Hội học nghề Công giáo”. Chỉ ít lâu sau, hội lan rộng xuống miền nam nước Đức, nước Áo, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Khi Kolping từ trần, Hội học nghề này đã lên tới 418 cơ sở với khoảng 24.000 hội viên.
Tại Áo, dựa trên tư tưởng của Von Ketteler, nam tước Von Vogelsang mạnh mẽ chỉ trích chế độ tư bản phát xuất từ cuộc cách mạng công nghiệp. Ông tán đồng hành động can thiệp của Nhà nước để chấm dứt tình trạng hỗn loạn do cá nhân chủ nghĩa tạo nên. Nhờ sự cộng tác tích cực của nhóm Công giáo trẻ, ông xuất bản tạp chí, tổ chức hội thảo và thực hiện nhiều công tác xã hội.
Albert de Mun tổ chức các “Câu lạc bộ thợ thuyền Công giáo” tại Pháp. Mặc dù còn mang nặng tâm tình luyến tiếc thời đại cũ, nhưng những câu lạc bộ này đã thực sự ảnh hưởng trên phong trào xã hội Kitô giáo tại Pháp.Một số chính trị gia Công giáo quy tụ chung quanh ông đã tích cực góp phần vào việc soạn thảo các đạo luật xã hội đầu tiên dựa trên căn bản nghiệp đoàn. Vì quan điểm của nhóm về quyền tư hữu và vai trò của Nhà nước trong đời sống kinh tế khá gần với phái xã hội chủ nghĩa nên gặp sự phản kháng mạnh mẽ của nhóm Công giáo xã hội khác.
Sau rất nhiều vận động và thương thuyết, “Hiệp hội Công giáo nghiên cứu xã hội” ra đời để liên kết các nhóm Công giáo xã hội và nhất là để đào sâu tư tưởng xã hội Công giáo. Kể từ năm 1884, Hiệp hội nhóm họp hàng năm tại Fribourg (Thụy sĩ), dưới sự chủ tọa của giám mục Mermillot. Chủ đích của hội nghị quốc tế này là nghiên cứu những vấn đề xã hội sôi bỏng và tìm kiếm những giải pháp thích hợp với nhu cầu thời đại. Các kết luận của hội nghị luôn được bảo mật, nhưng Hiệp hội vẫn thường xuyên gửi cho đức Giáo chủ Roma. Những cố gắng suy tư và hành động dấn thân của các nhóm Công giáo xã hội nói trên đã phong phú hoá tư tưởng xã hội Công giáo và đóng góp tích cực vào việc soạn thảo thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo hội Công giáo: thông điệp “Tân Sự’’ của đức Leô XIII.
 
o-o-0-o-o
 
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
                                                           
                                                            Nguồn : Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
 
 
Xét rằng: Sự công nhận nhân phẩm của tất cả con người trong đại gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình trên thế giới.
Xét rằng: Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng sự tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn lo sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người.
Xét rằng: Nhân Quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức.
Xét rằng: Mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia cần được khuyến khích và mở rộng.
Xét rằng: Trong Hiến Chương, các dân tộc của cộng đồng Liên Hiệp Quốc đã lại một lần nữa xác định niềm tin vào những quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị con người, vào quyền bình đẳng nam nữ và cũng đã quyết định cổ vũ cho các tiến bộ xã hội và cải tiến mức nhân sinh trong bối cảnh ngày càng tự do hơn.
Xét rằng: Các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc, nhằm cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản.
Xét rằng: Sự hiểu biết chung về nhân quyền và tự do là điều tối quan trọng để có thể thực hiện đầy đủ sự cam kết trên.
Do đó, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc long trọng công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi dân tộc và quốc gia, nhằm giúp cho mọi cá nhân và thành phần của xã hội luôn luôn theo sát tinh thần của Bản Tuyên Ngôn, dùng sự truyền đạt và giáo dục, để nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này.
Mặt khác, bằng những phương thức tiến bộ trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, phải bảo đảm sự thừa nhận và tuân hành Bản Tuyên Ngôn một cách có hiệu lực, trong các dân tộc của các nước thành viên, và ngay cả trong những người dân sống trên các phần đất thuộc quyền cai quản của các nước đó.
Ðiều 1:
Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái.
 
Ðiều 2:
Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác. Hơn nữa, cũng không được có sự phân biệt nào đối với con người sống trên một quốc gia hay trên một lãnh thổ, căn cứ trên cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó. Cho dù quốc gia hay lãnh thổ này độc lập hay dưới sự bảo hộ, không được tự trị hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền.
Ðiều 3:
Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.
Ðiều 4:
Không ai bị cưỡng bức làm nô lệ hay tôi đòi. Chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm.
Ðiều 5:
Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.
Ðiều 6:
Ở bất cứ nơi nào, mỗi người đều có quyền được công nhận tư cách con người của mình trước pháp luật.
Ðiều 7:
Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt. Tất cả đều được quyền bảo vệ ngang nhau, chống lại mọi kỳ thị vi phạm Bản Tuyên Ngôn này, cũng như chống lại mọi kích động dẫn đến kỳ thị như vậy.
Ðiều 8:
Mọi người đều có quyền được bảo vệ và bênh vực bởi các cơ quan tư pháp quốc gia có thẩm quyền về các hành vi vi phạm các quyền căn bản, do Hiến Pháp và Luật Pháp quy định.
Ðiều 9:
Không một ai bị bắt bớ, cầm tù hay lưu đày một cách độc đoán.
Ðiều 10:
Mọi người đều có bằng nhau quyền được phân xử công khai và công bằng, trước một toà án độc lập và vô tư, để được phán quyết về các quyền lợi và nhiệm vụ của mình, hay về những tội phạm mà mình bị cáo buộc.
Ðiều 11:
Khi truy tố trước pháp luật, mọi người được xem là vô tội, cho đến khi pháp luật chứng minh là có tội, trong một phiên toà công khai và toà án này phải cung ứng tất cả mọi bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ của đương sự.
Không ai có thể bị kết án khi có những hành động hay sơ suất xảy ra vào lúc mà luật pháp của quốc gia hay quốc tế không qui định đó là một hành vi phạm pháp. Tương tự như vậy, không được áp đặt một hình phạt nào nặng hơn hình phạt được ấn định vào lúc hành vi phạm pháp xảy ra.
Ðiều 12:
Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy.
Ðiều 13:
Mọi người có quyền tự do di chuyển và cư trú, trong phạm vi biên giới của quốc gia.
Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở.
Ðiều 14:
Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tị nạn và tìm sự dung thân tại các quốc gia khác.
Quyền này không được kể đến, trong trường hợp bị truy nã thật sự vì các tội phạm không có tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.
Ðiều 15:
Mọi người đều có quyền có quốc tịch.
Không một ai bị tước bỏ quốc tịch, hay bị từ chối quyền thay đổi quốc tịch, một cách độc đoán.
Ðiều 16:
Nam và nữ trong tuổi trưởng thành có quyền kết hôn và lập gia đình, mà không bị hạn chế về lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam nữ đều có quyền bình đẳng lúc kết hôn, trong đời sống vợ chồng và lúc ly hôn.
Hôn nhân chỉ có thể tiến hành khi cả hai đều được tự do quyết định và đồng ý thật sự.
Gia đình phải được xem là một đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và được quyền bảo vệ của xã hội và quốc gia.
Ðiều 17:
Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản cá nhân cũng như tập thể.
Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.
Ðiều 18:
Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo.
Ðiều 19:
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.
Ðiều 20:
Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hoà .
Không một ai có thể bị cưỡng bách gia nhập vào một đoàn thể.
Ðiều 21:
Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách tự do.
Mọi người đều có quyền đón nhận những dịch vụ công cộng của quốc gia một cách bình đẳng.
Ý muốn của người dân phải là nền tảng của quyền lực chính quyền. Ý muốn này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự , bằng phiếu kín, qua phương thức phổ thông và bình đẳng đầu phiếu, hay các phương thức tương đương của bầu cử tự do.
Ðiều 22:
Vì là thành viên của xã hội, mỗi người đều có quyền an ninh xã hội, qua các cố gắng của quốc gia và hợp tác quốc tế, dựa theo phương cách tổ chức và tài nguyên của mỗi nước. Quyền này được đặt trên căn bản của sự thụ hưởng những quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá, cần thiết cho nhân phẩm và sự phát triển tự do của mỗi cá nhân.
Ðiều 23:
Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do chọn việc làm, quyền được hưởng các điều kiện làm việc chính đáng và thuận lợi đối với công việc, và quyền được bảo vệ chống thất nghiệp.
Mọi người, không vì lý do kỳ thị nào, đều có quyền được hưởng lương bổng như nhau cho cùng một công việc.
Mọi người làm việc đều được quyền hưởng thù lao một cách công bằng và thích hợp, khả dĩ bảo đảm cho bản thân và gia đình mình một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm, cũng như được trợ giúp nếu cần, qua các phương thức bảo vệ xã hội khác.
Mọi người đều có quyền thành lập và tham gia vào các nghiệp đoàn, để bảo vệ quyền lợi của mình.
 
Ðiều 24:
Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả việc hạn chế hợp lý số giờ làm việc, và các ngày nghỉ định kỳ có trả lương.
Ðiều 25:
Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù hợp với sức khỏe và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, quyền an sinh trong lúc thất nghiệp, đau ốm, tàn tật, goá bụa, tuổi già hay các tình huống thiếu thốn khác do các hoàn cảnh ngoài khả năng kiểm soát của mình.
Các bà mẹ và trẻ con phải được hưởng sự chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ con, sinh có hôn thú hay không, đều được xã hội bảo vệ một cách bình đẳng.
Ðiều 26:
Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng.
Giáo dục phải được điều hướng để phát triển đầy đủ nhân cách, và củng cố sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục phải nhằm cổ vũ sự cảm thông, lòng khoan dung, và tình hữu nghị giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ việc phát triển các sinh hoạt của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hoà bình.
Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa phương cách giáo dục dành cho con cái mình.
Ðiều 27:
Mọi người đều có quyền tự do tham gia sinh hoạt văn hoá cộng đồng, thưởng thức các bộ môn nghệ thuật, và cùng chia sẻ các tiến bộ khoa học cũng như các lợi ích của khoa học.
Mọi người đều có quyền được bảo vệ về tác quyền, trên bình diện tinh thần cũng như quyền lợi vật chất, đối với các tác phẩm khoa học, văn chương, hay nghệ thuật.
Ðiều 28:
Mọi người đều có quyền đòi hỏi được sống trong một trật tự xã hội và trật tự quốc tế, trong đó các quyền và các tự do được đề cập trong Bản Tuyên Ngôn này có thể được thể hiện đầy đủ.
Ðiều 29:
Mọi người đều có bổn phận đối với cộng đồng nào mà chỉ trong đó mới có thể phát triển toàn vẹn và tự do nhân cách của mình.
Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thoả mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ.
Trong bất cứ trường hợp nào, nhân quyền và những quyền tự do này cũng không được hành xử trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.
Ðiều 30:
Không một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn này được hiểu và hàm ý cho phép một nước, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm huỷ diệt nhân quyền và tự do được thừa nhận trong bản Tuyên Ngôn này.
 
Liên Hiệp Quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1948
 
 
 
 
o-o-0-o-o
 
 
      NHỮNG ĐIỀU LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN SUY ĐOÁN VÔ TỘI
 
Điều 72 Hiến pháp 1992 : Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 : Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 10 (BLTTHS) năm 2003 : Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Điều 63 (BLTTHS) năm 2003. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự :
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội.
 
Điều 209 (BLTTHS) 2003. Hỏi bị cáo
4. Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.
 
Điều 72, Khoản 2, (BLTTHS) 2003 : Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu nó phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
 
NHỮNG ĐIỀU LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NGUYÊN TẮC KHÔNG CÓ LUẬT THÌ KHÔNG CÓ TỘI
 
Điều 2 Bộ luật hình sự 1999 . Cơ sở của trách nhiệm hình sự
Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 7 Bộ luật hình sự 1999. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
 
NHỮNG ĐIỀU LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NGUYÊN TẮC BẤT HỒI TỐ
 
Điều 7 Bộ luật hình sự 1999. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
 
-*-*-*-*-*-


[1] Tóm lược HTXH ca Giáo hi, Sđd, s 166.

[2] Bin Đức XVI, Din văn khai mc Đại hi các Giám mc M châu Latin ln V, ngày 13-5-2007.