23/11/2024

Dạy con lòng vị tha

Người vị tha luôn biết nghĩ đến người khác, nghĩ cho người khác, nên sẽ ít tham lam đố kỵ, từ đó cũng không nghĩ đến những cách làm hại người khác và thường không có khuynh hướng bạo lực trong ứng xử.

 Dạy con lòng vị tha

Làm sao dạy con biết rộng lượng, bao dung mà không trở nên nhu nhược; biết tự vệ, cạnh tranh mà không hung hăng, vị kỷ?

Câu trả lời chính là giúp con hình thành và rèn luyện một phẩm chất đáng quý để có thể chung sống hoà bình với mọi người: lòng vị tha.

“Khó quá!”

Người vị tha luôn biết nghĩ đến người khác, nghĩ cho người khác, nên sẽ ít tham lam đố kỵ, từ đó cũng không nghĩ đến những cách làm hại người khác và thường không có khuynh hướng bạo lực trong ứng xử.

Đó là câu tâm sự mở đầu của chị Thanh Hương (ngụ TP.HCM) – mẹ của bé Hoàng Hiệp, 6 tuổi – với “hội phụ huynh hành lang” về chuyện dạy con. Bé Hiệp mới vô lớp 1, một hôm lên lớp đón con, chị Hương bị cô giáo “mắng vốn”: “Sao bé khờ quá vậy mẹ Hương. Con trai mà đang chơi cái gì bị bạn giành thì đưa cho bạn luôn! Cũng không biết giận, cho nên bạn làm cái gì sai cũng kiếm cách đổ thừa cho Hiệp hết”. Chị Hương chột dạ, em nào hung dữ, hay đánh nhau mới bị méc chứ, giờ con hiền quá cũng bị nhắc nhở là sao!

Vợ chồng chị Hương luôn thống nhất dạy con nhường nhịn người khác, nhất là bạn bè. Và đây không phải là lần đầu chị bị nhắc nhở. Mấy dì mấy cậu ở nhà cũng nói: “Em dạy con như thế mai mốt ra đời nó thua thiệt làm sao!”. Dì Tư của bé Hiệp còn minh chứng: “Như con chị, đừng hòng đứa nào ăn hiếp được nó. Nó khôn lắm, có chuyện gì nhắm làm không lại các bạn, nó chạy lên lầu kêu anh Hai đang học lớp 5 xuống để nhờ quyền trợ giúp liền”!

Những sự tác động này đôi lúc cũng làm chị Hương băn khoăn. Nhưng rồi chính chị cũng nghĩ lại: “Mình và ba bé Hiệp cũng đâu có đố kỵ mà vẫn có thể sống tốt, sống đàng hoàng tử tế và vẫn có chỗ đứng trong xã hội đó thôi”. Mỗi khi nhìn con chơi đùa với các bạn trong lớp hay trong xóm, chị Hương lại thấy rất vui vì con mình thường được các bạn chọn vào cùng đội. Đưa con đến nhà bạn bè chơi, Hiệp luôn được các cô bác khen ngoan nhất trong đám trẻ. Nhất là mỗi khi con chơi cùng các bạn xong, chị Hương luôn thấy con thoải mái, vui vẻ, không để bụng những chuyện bực bội bao giờ.

Trong khi đó, con gái chị Tư ngày càng bướng. Với thói quen ăn hiếp bạn trong lớp, về nhà ai làm gì không theo ý là cô nàng nổi giận, la hét. Mới hôm kia đây, khi chơi với bé Hiệp bên nhà ngoại, hai đứa tranh luận gì đó mà cô chị rượt em trai để đánh một cái cho bằng được. Khi bị người lớn can ngăn, cô nàng cứ ấm ức: “Con tức quá, con muốn đánh nó để mai mốt nó đừng có cãi con”…

Câu chuyện tấm ván đóng đinh

Cũng như chị Hương, một số phụ huynh khác nhận ra thật không dễ để giúp con hình thành lòng vị tha. Vấn đề là nếu muốn hình thành đức tính vị tha cho con, trước hết, bản thân các bậc cha mẹ phải thấy được giá trị của nó trong “tiến trình thành nhân”.

Người sống vị tha thường lành tính, “chín bỏ làm mười”, có cái tâm trong sáng, dễ sống chan hoà với mọi người vì không nuôi dưỡng lòng căm tức, thù hận. Và cũng vì vậy họ dễ có được sự thanh thản, bình an trong tâm hồn.

Cũng như những phẩm chất khác, lòng vị tha của con người không thể tự nhiên mà có, đều phải qua sự giáo dục, sự rèn luyện mới thành.

Để làm cho con biết sống vị tha, cha mẹ cần là tấm gương của con cái. Làm gương tốt chứ đừng làm gương xấu, vì có nhiều cha mẹ vẫn dạy con mình ăn thua đủ với người khác, dạy con nuôi dưỡng lòng ích kỷ, thù hận khi nói xấu người khác trước mặt con.

Đồng thời những điều cha mẹ có thể làm:

– Hướng dẫn con cách ứng xử trong các tình huống cụ thể. Ví dụ: khi bạn tranh giành, nếu có thể thì con nhường hẳn, nếu thấy không thoả đáng con nên thuyết phục…

– Dạy con biết giá trị về sự tôn trọng: luôn biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân. Từ điều này trẻ sẽ biết lựa chọn cách ứng xử phù hợp.

– Hướng dẫn con cách thể hiện ý kiến và quan điểm của mình. Tạo những tình huống trong cuộc sống cho con tập chấp nhận sự khác biệt của người khác, không phải ai, cái gì, lúc nào cũng theo ý mình.

– Thường xuyên yêu cầu và tạo điều kiện cho con giúp đỡ những người xung quanh.

– Thường xuyên quan sát và trò chuyện với con để con có cơ hội bày tỏ cảm xúc, không bị dồn nén.

– Thống nhất quan điểm của người lớn trong việc rèn luyện lòng vị tha và các phẩm chất khác cho con để trẻ không bị mâu thuẫn hoặc có kiểu ứng xử đối phó.

– Thấu hiểu và chia sẻ với con câu chuyện “Tấm ván bị đóng đinh”: Có một chú bé hay cáu giận người khác. Bản thân cậu nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi với điều này, vì nó thường làm cậu có tâm trạng nặng nề. Chia sẻ điều này với cha, cậu được cha cho một tấm ván mỏng và một túi đinh, với lời dặn dò “khi bực bội ai con hãy đóng một cây đinh vào đó, và khi hết giận họ con hãy nhổ cây đinh đó ra”.

Sau năm ngày, tấm ván gần như đã bị đóng kín đinh, nhưng đến cuối tuần một vài cây đinh được gỡ ra, sau hơn 10 ngày tấm ván đã được nhổ sạch đinh. Rất phấn khởi vì vượt lên chính mình, cậu bé mang tấm ván đến khoe với cha, người cha ôm con vào lòng khen ngợi: “Như thế là con rất giỏi, không phải ai cũng có thể cởi mở lòng mình và dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác nhanh như vậy. Tuy nhiên con hãy nhìn tấm ván thử xem, nó khác gì với ngày cha mới đưa nó cho con?”. Cậu bé ngạc nhiên thốt lên: “Đúng là nó đã không còn lành lặn nữa cha ạ!”…