23/11/2024

Đào tạo chất lượng cao, cao đến đâu?

Theo văn bản mới ban hành của Bộ GD-ĐT, những chương trình này được thu học phí cao. Vì thế ngoài điểm chung là học phí ngất ngưởng, các tiêu chí về chất lượng cao mỗi nơi mỗi khác.

 Đào tạo chất lượng cao, cao đến đâu?

Nhiều trường ĐH đang tuyển sinh và đào tạo các chương trình chất lượng cao (CLC). Theo văn bản mới ban hành của Bộ GD-ĐT, những chương trình này được thu học phí cao. Vì thế ngoài điểm chung là học phí ngất ngưởng, các tiêu chí về CLC mỗi nơi mỗi khác.

CLC hay dịch vụ cao?

ĐH Quốc gia Hà Nội là nơi đã nhiều năm đào tạo chương trình CLC. Sau khi trúng tuyển nhập học, sinh viên (SV) được đăng ký xét tuyển vào học chương trình CLC theo quy định riêng của từng đơn vị đào tạo. Điểm nổi bật của chương trình là nếu trúng tuyển hệ này, SV được hỗ trợ kinh phí đào tạo 7,5 triệu đồng/năm, được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ B2 (5.0 IELTS). Khi tốt nghiệp, SV được cấp bằng cử nhân CLC. Ông Bùi Duy Cam – Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cho biết: “Những SV vào học chương trình này phải có mức điểm chuẩn cao hơn những SV học hệ đại trà. Đào tạo cũng nặng hơn; được ưu tiên những giảng viên giỏi; cơ sở vật chất, điều kiện học tập cũng tốt hơn chương trình đào tạo đại trà”.

Từ năm 2006 đến nay, trường ĐH Mở TP.HCM chiêu sinh “chương trình đặc biệt”. Thí sinh trúng tuyển vào trường, có điều kiện kinh tế có thể đăng ký tham gia. Một cán bộ tuyển sinh của trường cho biết giảng viên của chương trình có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, các học phần được thiết kế chuyên nghiệp và có tính thực tế cao, môi trường học tập với trang thiết bị hiện đại, quy mô lớp nhỏ khoảng 50 SV…

Trường ĐH Ngoại thương cũng đào tạo CLC nhưng tiêu chí tuyển chọn lại khác. Theo học chương trình này, SV phải nộp học phí cao hơn đại trà. Hiện nhà trường có 2 chương trình CLC: Với chương trình học bằng tiếng Anh, SV phải qua kỳ xét tuyển mức điểm đầu vào và trình độ tiếng Anh. Một chương trình khác (mở trong năm nay) tuyển những thí sinh có điểm thấp hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 và cũng không cần yêu cầu trình độ tiếng Anh. Điều đáng nói là khi tốt nghiệp, SV cũng chỉ nhận bằng như hệ đại trà chứ không phải bằng tốt nghiệp CLC.

Lý giải điều này, bà Lê Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Không phải tất cả SV khi vào trường đều có trình độ tiếng Anh tốt để có thể nghe giảng các môn học bằng tiếng Anh. Vì vậy, với chương trình CLC này, nhà trường có thể cung cấp các điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo đến các đối tượng SV có điều kiện về tài chính hơn”. Bà Thủy giải thích cụ thể: “SV được học với những giảng viên giàu kinh nghiệm, sĩ số lớp thấp, khoảng 50 SV/lớp”…

Về bằng cấp, bà Thủy cho biết: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiện nay SV tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân theo các chuyên ngành học chứ không có bằng cử nhân CLC”.  Khi chúng tôi liên hệ với những SV trúng tuyển chương trình này tại cơ sở 2 TP.HCM thì nhận được phản ánh: “Chúng em phải học lớp có gần 100 SV chứ không như thông báo trước đó”. Vì vậy, nhiều phụ huynh có con em theo học hệ này đã không khỏi lo lắng và cho rằng đây chỉ là chương trình thu học phí cao.

Nhiều trường khác cũng đi theo xu hướng này. Điều đáng nói, mặc dù là chương trình CLC nhưng nhiều trường lại tuyển sinh mức điểm chuẩn thấp, thậm chí có trường chỉ tuyển bằng điểm sàn. Đơn cử trường ĐH Hàng hải – Hải Phòng, thông báo tuyển sinh hệ đào tạo CLC nhưng có ngành điểm xét tuyển NV2 chỉ 13.

Mô hình tư trong công

 

Học phí của một số chương trình CLC

– Trường ĐH Hàng hải: 900.000 đồng/tháng.

– Trường Ngoại thương: CLC bằng tiếng Anh: 14-15 triệu đồng /năm. CLC bằng tiếng Việt: 20 triệu đồng/năm.

– Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: 12 triệu đồng/năm.

– Trường ĐH Mở TP.HCM: 15 triệu đồng/năm.

 

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng – Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trường mở chương trình CLC được 5 năm. Mỗi lớp có tối đa 30 SV, phòng học tiện nghi, được tạo điều kiện tốt nhất trong việc sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, máy tính, được cung cấp giáo trình, tài liệu học tập miễn phí; giảng viên là những người có uy tín. Nhà trường cũng chủ động tạo cơ hội cho SV sớm tiếp xúc với các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và nhận nguồn tài trợ trực tiếp từ các đơn vị này…

Ông Dũng cho rằng mục tiêu sâu xa của chương trình CLC là để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đều muốn đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng do số lượng SV quá đông, giảng viên không thể nào áp dụng được, việc thực hành cũng chỉ qua loa… Với chương trình CLC, cả người dạy và học đều thực hiện được những điều mà không thể áp dụng ở những lớp đại trà có đông SV.

“Mở cửa” chứ không nên “thả cửa”

Lâu nay, các trường ĐH đã nhiều lần lên tiếng kiến nghị về việc học phí quá thấp nên không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Ngày  29.8 vừa qua, Bộ GD-ĐT có công văn hướng dẫn về việc tuyển sinh đào tạo CLC. Theo đó, Bộ cho phép các trường được tự xác định chương trình và kinh phí đào tạo. Các trường cũng được tự xây dựng mức học phí tương ứng với điều kiện bảo đảm chất lượng. Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường xác định điểm trúng tuyển và số lượng cần tuyển trên cơ sở chỉ tiêu được giao. Với văn bản này, các trường sẽ được tự chủ hoàn toàn trong việc mở chương trình CLC để thu học phí cao. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa từng có văn bản nào quy định về tiêu chí chương trình này. Vì thế, mỗi nơi làm một kiểu và không tránh khỏi tình trạng đua nhau đào tạo CLC chỉ để thu học phí cao.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã không khỏi băn khoăn về chủ trương này. Một chuyên gia bức xúc: “Khi chưa có tiêu chí quản lý mà Bộ GD-ĐT cho các trường toàn quyền như vậy, thì khác nào việc thả nổi mà hậu quả người học sẽ phải gánh chịu”. Ông Bùi Duy Cam – Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội cũng cho biết: “Trước đây trường muốn đào tạo CLC thì phải xây dựng đề án, trình Bộ phê duyệt rồi mới triển khai đào tạo. Nếu bây giờ Bộ cho các trường tự chủ thì cần phải có chủ trương rõ ràng tránh tình trạng các trường chỉ cung cấp dịch vụ cao, cũng gọi là CLC”.