Xây dựng văn hoá thật thà
Thủ tướng Yingluck cam kết sẽ xử lý tất cả các loại tham nhũng, tạo ra văn hoá thật thà và nhấn mạnh tới việc xây dựng hệ thống quản trị công tốt nhằm chống lại tệ tham nhũng và hối lộ.
Xây dựng văn hoá thật thà
Theo MCOT, cuộc tuần hành chống tham nhũng ở Thái Lan đã diễn ra ngày 25-9 theo lời kêu gọi của Mạng lưới chống tham nhũng Thái Lan (ACN) để xây dựng văn hoá thật thà, không tham nhũng, hối lộ.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra và lãnh đạo đối lập Abhisit Vejjajiva cùng đại diện của hơn 30 tổ chức tham gia ACN đã tuần hành từ công viên Lumpini tới đường Silom ở Bangkok. Những người tham dự cuộc tuần hành đã mặc áo có in khẩu hiệu chống tham nhũng.
Thủ tướng Yingluck cam kết sẽ xử lý tất cả các loại tham nhũng, tạo ra văn hoá thật thà và nhấn mạnh tới việc xây dựng hệ thống quản trị công tốt nhằm chống lại tệ tham nhũng và hối lộ. Bà hứa sẽ không lạm quyền thông qua lừa đảo và lợi dụng niềm tin của công chúng đặt vào chính quyền để kiếm lợi cho mình.
ACN là một tổ chức của khối các doanh nghiệp tư nhân và 30 hiệp hội ngành nghề nước này.
Dưới đây là trích đoạn cuộc trò chuyện trước đó vài ngày của Tuổi Trẻ với ông Vichai Assarasakorn, tổng thư ký Cục Thương mại Thái Lan, người hiện đại diện của ACN.
* Vì sao doanh nghiệp tư nhân lại muốn tham gia lĩnh vực chống tham nhũng?
– Chúng tôi đã quan tâm từ rất lâu rồi, kể từ khi những xung đột xã hội căng thẳng hơn với các cuộc biểu tình của phe áo đỏ, áo vàng. Các cuộc biểu tình này không chỉ là xung đột chính trị mà còn vì người nghèo đang bị đối xử một cách không công bằng. Khoảng cách thu nhập quá lớn, những người có quyền hành trong tay tham nhũng, lạm dụng quyền lực.
Tham nhũng là con đường chính dẫn tới tất cả những vấn đề xã hội. Chúng tôi muốn giải quyết gốc rễ vấn đề nên phải xử tham nhũng thôi.
Là doanh nghiệp, chúng tôi thường không muốn can dự vào chuyện chống tham nhũng, vì có thể chúng tôi sẽ gặp rắc rối. Nhưng một mình Ủy ban chống tham nhũng (NACC) với 700-800 nhân viên sẽ khó làm được gì.
Nhiệm vụ đó đòi hỏi sự phối hợp của tất cả thành phần trong xã hội, đặc biệt là vai trò của khối tư nhân. Do đó, chúng tôi muốn là một nhân tố tích cực trong chiến dịch chống tham nhũng.
* Không ít tổ chức, doanh nghiệp tư nhân kiếm lợi từ sự thiếu minh bạch, luật pháp chồng chéo… Giờ đây khi tham gia ACN, bản thân họ cũng sẽ phải trở nên minh bạch và chịu sự giám sát?
– Đúng vậy. Chúng tôi có ba chiến lược chống tham nhũng. Một là, thực thi pháp luật và đây là điều rất quan trọng. Hai là, ngăn chặn tham nhũng. Ba là, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, quan niệm của người dân để họ không thờ ơ, thậm chí chấp nhận tham nhũng như một thói quen hay tập quán.
Chúng tôi muốn họ thấy rằng nếu chấp nhận tham nhũng thì Thái Lan sẽ không thể phát triển và thịnh vượng được, mà chỉ có một thiểu số giàu lên và nắm quyền lực trong tay sẽ vơ vét hết lợi nhuận do những người đóng thuế làm ra. Số tiền họ vơ vét đó tất nhiên sẽ không được dùng vì lợi ích quốc gia mà để hưởng thụ riêng.
* Luật phòng chống tham nhũng của Thái Lan có hiệu lực vào ngày 1-1-2012 có thêm điều khoản yêu cầu minh bạch hoá các dự án công, thủ tướng, các quan chức chính phủ sẽ là đối tượng bị điều tra tham nhũng. Là tổ chức thúc đẩy phong trào, cũng như những người tố cáo và thông tin tham nhũng, các ông có gặp rắc rối gì không?
– Chúng tôi đã yêu cầu Thủ tướng Yingluck phải thật sự chân thành trong các cam kết của mình, sau khi bà có bài phát biểu nghe rất hay về các hướng đi của chính phủ, trong đó chống tham nhũng là một trong những ưu tiên.
Tuyên bố chính sách là tốt rồi, nhưng quan trọng hơn phải hành động, nhất là khi chính phủ có rất nhiều công cụ hiệu quả và quyền lực trong tay để giải quyết. Chính phủ cần chiếu theo luật mà làm.
Cá nhân tôi chưa bao giờ gặp rắc rối và cũng chưa nghe nói về chuyện người khác bị cách ly, trả thù… Theo một khảo sát mới nhất, 76% người dân cho biết họ sẵn sàng tham gia chống tham nhũng nếu có tổ chức tiên phong, nếu có hệ thống quản trị tốt, giúp người dân hiểu họ được bảo vệ và thông tin từ dân được sử dụng hiệu quả.
Trước đó, 75% nói họ không tố cáo tham nhũng vì họ không tin hệ thống quyền lực hiện nay dám bắt quan tham hay bảo vệ “người thổi còi”.
* Thách thức lớn nhất với các ông sắp tới?
– Đó là thay đổi thái độ của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ hiện nhìn thấy tham nhũng đang tràn lan, quan nhỏ thì ăn nhỏ, quan lớn thì ăn lớn, mà lại không ai làm gì họ. Bởi vậy, thế hệ trẻ đang và sẽ lớn lên với thái độ bàng quan và chấp nhận tham nhũng như chuyện hiển nhiên.