15/11/2024

Người thầy của đồng bào Ca Dong

Gần 30 năm ròng, mùa nắng cũng như mùa mưa, đồng bào dân tộc Ca Dong ở những bản làng heo hút miền tây Quảng Ngãi đều thấy bóng dáng người thầy giáo mang trước ngực chiếc balô quần áo, phía sau lưng gùi gạo rong ruổi khắp núi rừng để dạy chữ.

 Người thầy của đồng bào Ca Dong

Gần 30 năm ròng, mùa nắng cũng như mùa mưa, đồng bào dân tộc Ca Dong ở những bản làng heo hút miền tây Quảng Ngãi đều thấy bóng dáng người thầy giáo mang trước ngực chiếc balô quần áo, phía sau lưng gùi gạo rong ruổi khắp núi rừng để dạy chữ.

Đó là Đinh Hồng Dăng (dân tộc H’Rê), giáo viên Trường tiểu học Sơn Lập (xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi). Chúng tôi gặp ông vào một ngày đầu tháng 9, khi thầy và trò đang háo hức chuẩn bị cho ngày tựu trường…

Cơm đùm, gạo túi… cắm bản dạy học

Năm 1984, tốt nghiệp Trường sư phạm miền núi Nghĩa Bình, Đinh Hồng Dăng tình nguyện về với bản làng, với đồng bào. Ban đầu ông nhận công tác ở xã Sơn Thuỷ, sau đó chuyển về xã Sơn Kỳ, Sơn Tinh rồi “dạt” về xã nghèo biên giới Sơn Lập cho đến bây giờ. Biết bao giáo viên trẻ không chịu nổi cảnh vắng lặng và gian khó nên phải nói lời từ biệt. Nhưng Đinh Hồng Dăng thì không!

“Mình lợi thế hơn các bạn trẻ miền xuôi bởi mình là người đồng bào, đồng cảm về văn hoá, phong tục… nên hiểu được người dân nói gì, cần gì”. Hành trình của chàng trai trẻ người H’Rê đến với bản làng dạy cái chữ từ những ngày đất nước còn trong cơ chế bao cấp là những chuyến trèo đèo lội suối, những lần phải đối mặt với hiểm nguy giữa rừng già, những giờ lên lớp mà ruột sôi ùng ục vì đói…

Có khi thầy và trò chỉ trao đổi qua lời nói vì không có phấn, không có vở. “Nhớ hồi đó lên đến nơi hỏi anh cán bộ xã trường ở đâu, anh chỉ tay về đám đất cây cỏ mọc lố nhố bảo trường đó. Tôi mới té ngửa ra là phải tự tay dựng trường, chứ vùng đất này từ trước đến giờ chưa có lớp học nào hết” – ông kể.

Người cán bộ nọ dẫn đến nơi xong thì xuống núi vì còn có việc ở cơ quan. Thế là một mình ông đơn lẻ vào nhà dân mượn rựa, rìu đốn cây rừng dựng trường, dựng nhà ở. “Dựng xong trường cũng là lúc bao gạo mang theo còn lon cuối cùng. Tối đó tui tìm đến nhà người dân vận động học sinh “lấy tinh thần” cho ngày hội tựu trường. Tưởng đâu xã đã lo bút viết, tập vở hết, ai ngờ hỏi ra cả làng chẳng có lấy tờ giấy trắng” – ông nhớ lại kỷ niệm đầu tiên đến với núi rừng.

Sau lần đó, ông về nhà và khi quay lại ngoài bao gạo mang theo là hơn chục cuốn vở cùng bút viết. Ông bảo hồi đó về nhà bán đi… cả gánh lúa mới có tiền mua vở. Lên đến nơi phát cho từng học trò, ai cũng khí thế nhận, nhưng sáng hôm sau ông ngồi trong lớp chờ mãi chẳng có học trò nào đến. Thế là lại phải vượt rừng tìm đến từng nhà vận động học sinh tới trường.

“Khi nghe mình bảo đến trường học chữ, phụ huynh một mực từ chối vì học cái chữ không quan trọng bằng cái bụng đang đói. Còn học trò “chạy mất dép” vì sợ đi học. Biết chuyện, tối nào mình cũng đến nhà vận động. Vận động cả tuần cuối cùng cũng có học trò đến trường. Chỉ có vài em thôi nhưng cũng mừng lắm rồi” – thầy Dăng hạnh phúc kể.

Dần dà học trò đến lớp nhiều hơn. Ban đầu là những em nhỏ 10 tuổi trở lại, sau đó có cả thanh niên nam nữ cũng tìm đến trường học chữ. Hình ảnh thầy giáo Dăng cơm đùm, gạo túi đi dạy chữ cho đồng bào miền ngược đã in sâu vào tâm trí người H’Rê, Ca Dong. Không chỉ dạy cho học trò mà hình ảnh những lớp học di động dành cho các bậc phụ huynh cũng được thầy tổ chức, nhờ đó mà nhiều người biết đọc, biết viết.

“Mỗi lần thầy Dăng về nhà, lên trường là mang theo bao gạo và một ít muối ăn cắm bản đến khi nào… hết gạo mới xuống núi. Đôi khi hết gạo nhưng đang dạy học trò bài vở quan trọng, thầy chạy sang bà con mình mượn nhưng trong nhà ai cũng ăn củ mì, thế là thầy cũng ăn củ mì dạy học ngon lành. Không có thầy, người làng mình sẽ không bao giờ biết được cái chữ, biết viết tên mình đâu. Giờ người làng mình tin thầy Dăng lắm rồi” – chị Đinh Thị Hoa, xã Sơn Lập, nói.

“Ngọn đuốc” giữa đại ngàn

Nhà ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà và để đến được điểm Trường Nước Hoa (giáp với xã Hiếu, huyện Kon Pluông, tỉnh Kon Tum) những ngày đầu với thầy Dăng còn khó hơn… đi rẫy. Mỗi chuyến đi từ nhà đến trường mất khoảng sáu giờ cho hơn 30km đường rừng.

Nhiều chuyến đi rừng gặp phải cọp, heo rừng, beo rất nguy hiểm. Nhưng đáng sợ nhất là gặp phải trâu nhà người dân thả rông. Ông bảo bị cọp, beo vồ ăn thịt là số phận nhưng bị trâu nhà húc chết thì đó là do mình bất cẩn.

“Một lần tui và thầy Đinh Văn Trĩu trên đường đi dạy gặp phải đàn trâu cách chừng 50m, vừa nghe tiếng bước chân người, hơn mười con lao đến, tui nhanh chân trèo lên một thân cây lớn, còn thầy Trĩu do một tay bị mất ba ngón lại chậm chân nên khi tui trèo lên rồi thấy thầy Trĩu hoảng loạn “cứu Trĩu với Dăng ơi”, tui tuột xuống một đoạn kéo thầy Trĩu lên, nhưng lúc đó quýnh quá thầy Trĩu mang cả bao gạo nên trèo lên cứ tuột xuống. Khi đoàn trâu lao đến hai anh em chỉ vừa thoát thân trong gang tấc” – thầy Dăng nhớ lại.

Hành trình mang cái chữ đến với đồng bào vùng cao nơi núi rừng thâm sâu cùng tận còn gặp những hiểm nguy khác như lũ ống, sạt lở núi. Đôi khi mùa mưa lũ ông phải cắm bản cả tháng trời mới về được nhà thăm vợ và các con…

Khó khăn, hiểm nguy là thế nhưng trong đôi mắt ngả màu đục của tuổi lục tuần dâng lên cảm xúc tự hào khi được hỏi về những học trò đã qua đôi tay thầy rèn giũa: “Nhiều lắm, học trò của mình giờ có em tiếp nối thành đồng nghiệp, có em là cán bộ các xã khó khăn, có em làm cả trên huyện nữa…”.

Bao năm qua, đến ngày hè nhiều giáo viên khác trở về nhà cùng với gia đình, nhưng thầy Dăng tình nguyện ở lại dạy kèm cho học sinh yếu kém và những học trò sắp bước vào lớp 1 để các em không bỡ ngỡ khi vào năm học mới.

Hôm sau theo chân thầy lên lớp, một ngôi trường khang trang giữa núi rừng trùng điệp. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là học trò điểm trường Nước Hoa sạch sẽ và lễ phép. Nhưng hình ảnh lạ mắt nhất là các em không vào lớp liền như thường thấy mà đi chếch về bên hông phòng học rửa tay rồi mới vào.

“Thấy học trò mình ra chơi thường hay vọc đất, ném đá tay bẩn lại vào ngồi quẹt lên vở, quần áo, nên mình nảy ra ý tưởng mua chậu về đặt đó cho các em đổ nước vào rửa tay trước khi học, phòng ngừa những bệnh có thể xảy ra” – thầy Dăng cho biết.

Ngôi trường có ba phòng học là nơi tập trung học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Khi cả lớp đã ổn định chỗ ngồi thầy ân cần hỏi học trò về nhà có học bài không, có làm bài tập không… Đến phần dạy cho học sinh mới vào lớp 1, thầy chậm rãi ngồi xuống bàn cầm tay nắn nót tập cho các em viết từng chữ cái, con số…

Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Lập Trần Văn Tài tâm sự: “Đinh Hồng Dăng là một người rất tâm huyết với nghề, yêu thương học trò. Có mối quan hệ tốt với người dân địa phương và đồng nghiệp, được nhiều người yêu mến. Thầy để lại ấn tượng rất tốt trong học trò. Như sau tết học trò sẵn cớ trốn học, mình vận động mấy cũng không được, đến khi thầy Dăng “ra tay” thế là hôm sau trường lớp đông đủ”.

Không chỉ dạy chữ, ông còn là một “chuyên gia” về lúa nước. Với những kiến thức có được ông đã động viên người dân không nên phá rừng làm rẫy, mà chuyển sang khai hoang đất bồi ven sông trồng lúa, chỉ cách nuôi trâu, bò… Nhờ đó mà người đồng bào vùng cao không còn bị đói. Rồi chuyện “động trời” khi thầy Dăng xông vào đám cúng bùa, vác người bệnh băng rừng đến trạm y tế chữa trị khiến người làng khiếp sợ.

“Nhớ có lần đi dạy về thấy nhà kia đông người, mình vào xem thử nhìn thấy đứa bé nằm co ro trên giường, bên cạnh thầy mo đang cúng bùa, mình làm liều ôm đứa bé chạy vù ra trạm y tế. Người thân chạy theo đòi đánh, mình lấy tính mạng ra cược nếu bác sĩ chữa mà có mệnh hệ gì tôi xin đền mạng. Nói rồi đóng cửa kín lại nhờ y tá khám, thì ra cháu bé bị đau bụng mất nước khiến cơ thể suy nhược. Nhờ đó mà người đồng bào tin mình, khi có người bệnh là ra trạm y tế không còn cúng bùa nữa” – thầy Dăng hạnh phúc nói.

Hạt nhân của huyện Sơn Tây

“Thầy Dăng là hạt nhân chính của giáo dục Sơn Tây ngay từ những năm đầu thành lập huyện. Thầy luôn xung phong đến những điểm trường khó khăn nhất. Thành công lớn nhất của thầy Dăng mà khó có điểm trường miền núi nào trong tỉnh có được đó là nề nếp vệ sinh, phòng ốc của nhà trường và đặc biệt là chậu rửa tay cho học trò mỗi khi vào lớp. Thầy Dăng chưa hề có một giải thưởng nào của ngành giáo dục, nhưng thầy là điển hình trong sự nghiệp trồng người nơi rẻo cao này” – ông Lê Hoài Thạnh, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây, nói.